Những điều Bạn Cần Biết Về Bộ Môn Bóng đá Trong Nhà Futsal

Futsal hay còn được gọi là bóng đá sân 5 người được chơi bên trong nhà thi đấu lẫn bên ngoài trời, ngày nay nó đã trở nên quá phổ biến đối với người yêu bóng đá tại Việt Nam. Cứ mỗi cuối tuần hoặc các ngày nghỉ, chúng ta thường hẹn bạn bè ra làm 1 trận bóng.

Và đương nhiên, trong thời gian giãn cách vì Covid-19, chúng ta càng khác khao hơn được gặp lại bàn bè của mình cùng hẹn nhau đi đá bóng. Năm 2021, Futsal World Cup được chính thức đăng cai tại Lithuania cùng với sự tham dự lần thứ 2 của đội tuyển Futsal Việt Nam. Nhân sự kiện trên, trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Thanh Hùng Futsal tìm hiểu tất tần tật về bộ môn Futsal này nhé.

Nguồn gốc cái tên Futsal

Từ “Futsal” được bắt nguồn từ chữ “fútbol sala” hoặc “fútbol de salón” trong tiếng Tây Ban Nha và chữ “futebol de salão” tiếng Bồ Đào Nha, được dịch sang tiếng Việt là bóng đá trong nhà. Khi tách 3 chữ cái đầu của mỗi từ là “fut” và “sal” sau đó ghép lại với nhau sẽ ra từ Futsal.

Trong tiếng Anh, nó được phát âm là /ˈfʊt.sæl/. Đối với các fan bóng đá Việt Nam thường đọc là fut-san. Ở những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nói chung, họ vẫn gọi futsal là fútbol sala. Sau này, từ “Futsal” đã trở thành tên gọi quốc tế chính thức để nói về môn bóng đá trong nhà 5 người cho đến tận ngày nay.

Lịch sử ra đời Futsal

Juan Carlos Ceriani, một giáo viên đến từ thủ đô Montevideo của Uruguay, đã nãy ra một ý tưởng sáng tạo ra một phiên bản bóng đá trong nhà được chơi trên sân bóng rổ chỉ với 5 cầu thủ mỗi đội. Đặc biệt là thời điểm đó cùng năm với kỳ World Cup lần đầu tiên được tổ chức ngay sân nhà Uruguay khi đó. Mục đích của Ceriani khi đó là tạo một trò chơi tương tự với bóng đá có thể chơi trong nhà thi đấu lẫn ngoài trời, bộ luật bóng đá trong nhà lần đầu tiên được soạn thảo bởi Ceriani.

Năm 1965, Liên Đoàn Futsal Nam Mỹ được thành lập bao gồm 5 thành viên ban đầu là Uruguay, Paraguay, Peru, Argentina và Brazil. Loại hình bóng đá trong nhà này dần được lan rộng sang hầu hết khắp khu vực Nam Mỹ. Liên đoàn Futsal Thế Giới (FIFUSA) được thành lập vào năm 1971. Đến năm 1985, FIFUSA đăng ký sử dụng tên “Futsal”, tuy nhiên lúc này nổ ra tranh cãi lớn với FIFA vì lúc đó FIFA muốn sử dụng tên “Fútbol”. Cuối cùng, FIFA cũng dần chấp nhận tên gọi “Futsal” để gọi môn bóng đá trong nhà. Năm 2002, FIFUSA được đổi tên thành Hiệp hội Futsal Thế giới - Asociación Mundial de Futsal (AMF). Cả FIFA và AMF tiếp tục cùng quản lý môn bóng đá trong nhà đến tận ngày nay.

Tên gọi các vị trí trên sân trong Futsal

Trong bóng đá thông thường, chúng ta điều biết những vị trí cơ bản như thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo. Tuy nhiên, đối với trong futsal do đặc thù và vai trò thi đấu khác với bóng đá thông thường nên tên của những vị trí trong futsal có cách gọi riêng như Goleiro, Fixo, Ala và Pivo (hay Pivot).

Những thuật ngữ vị trí trên sân futsal được dựa theo tiếng Bồ Đào Nha được sử dụng rất phổ biến tại Brazil. Có thể lý giải rằng do sự thành công của Futsal Brazil với 5 lần lên đỉnh thế giới mà ngày nay hầu như các đội tuyển futsal trên thế giới đều sử dụng những thuật ngữ đó trên.

Goleiro

Thường được các HLV futsal và người chơi bóng ở Việt Nam gọi đơn giản là gôn, để chỉ vị trí chơi bóng của thủ môn. Gôn trong futsal ngoài khả năng cản phá bóng, họ thậm chí còn có khả năng chơi chân tốt để có thể dễ dàng phối hợp với các đồng đội tổ chức các đợt phản công nhanh.

Ngoài ra, phần lớn các thủ môn futsal không sử dụng găng tay và họ được trang bị thêm những đồ bảo hộ đầu gối và khuỷu tay. Tuy nhiên, vẫn còn số ít các thủ môn vẫn mang găng tay như bóng đá 11 người vì nhiều lý do khác nhau. Những lưu ý ở vị trí thủ môn trong futsal như:

- Không được giữ bóng quá 4 giây bên nửa phần sân của đội nhà.

- Không được chạm bóng 2 lần khi đối phương chưa chạm được bóng.

- Khi thi đấu power-play thủ môn có thể tùy ý chuyền, giữ bóng bên phần sân của đối phương

Fixo

Vị trí chơi bóng thấp nhất trong đội hình, chỉ đứng trên thủ môn. Người giữ vị trí Fixo thường là đội trưởng, người cùng với thủ môn có thể bao quát được sân, dùng lời nói để tổ chức, chỉ huy, chấn chỉnh các vị trí khác nơi mà các vị trí ấy không thể nhìn thấy bao quát được.

Ngoài nhiệm vụ phòng ngự là chính, Fixo còn có thể tham gia tấn công rất hiệu quả bằng cách chạy chỗ bất ngờ từ dưới lên hoặc có thể thực hiện những cú sút xa bất ngờ…tùy vào chiến thuật mà Fixo có thể đảm nhận nhiệm vụ khác ngoài phòng ngự.

Ala

Tương đương với vị trí tiền vệ cánh. Cầu thủ Ala là là nhân cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giữa Fixo và Pivo. Cầu thủ đảm nhiệm vị trí Ala là cầu thủ sở hữu kĩ thuật cá nhân rất cao, tốc độ, khéo léo và phải có nguồn thể lực dồi dào vì phải vừa hỗ trợ tấn công cho Pivo vừa phải hỗ trợ Fixo phòng ngự trong xuyên suốt trận đấu. Khả năng tranh chấp tốt cũng giúp đội có lợi thế hơn.

Một trong những Ala vĩ đại nhất trong làng futsal là huyền thoại người Brazil Falcão. Bên cạnh đó là Ricardinho hiện đang là đội trưởng đội tuyển Bồ Đào Nha trong chiến dịch World Cup

Pivo (hay Pivot)

Tương đương với vị trí thi đấu trong vòng cắm ở bóng đá sân 11, Pivo là người chơi cao nhất trong sơ đồ 1-3 hoặc 1-2-1. Một Pivo ngoài kỹ năng săn bàn cơ bản cần có, mà anh ta còn phải có khả năng giữ bóng và làm tường cho tuyến 2 băng lên dứt điểm. Cùng với đó là khả năng tranh cướp bóng làm giảm tốc độ tấn công của đối thủ để mở ra cơ hội phản công và ghi bàn thắng cho riêng mình. Yếu tố mà mỗi cầu thủ Pivo cần có là sức mạnh và độ bền bỉ - để tì đè và sút, sức bật cùng sức rướn người tranh chấp và chớp thời cơ và khả năng bức tốc nhanh, thi đấu linh hoạt. Ví dụ điển hình là Pivo Ferrão của đội tuyển Futsal Brazil, cầu thủ đã ghi 1 cú poker vào lưới đội tuyển Futsal Việt Nam.

Các sơ đồ phổ biến được sử dụng trong futsal như sơ đồ kim cương 1-2-1, sơ đồ tứ trụ hình vuông 2-2, sơ đồ chữ Y 1-1-2 và sơ đồ Kim Tự Tháp 2-1-1. Ngoài ra, một điều đặc biệt trong futsal là chiến thuật power-play, một cầu thủ sẽ thay thế với áo đấu cùng màu với thủ môn để dồn đội hình lên phần sân của đối phương hòng tìm kiếm bàn thắng ở những phút cuối cùng hiệp 2.

Luật thi đấu Futsal

Tóm tắt sơ qua các điều luật cơ bản trong futsal:

Sân thi đấu tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu quốc tế có kích thước chiều dài từ 38–42 m, và chiều rộng từ 20–25 m. Mặt sân phải bằng phẳng và không thô nhám, thường dùng mặt sân lát gỗ hoặc phủ chất liệu. Khung thành có chiều cao 2m và chiều dài 3m. Trái bóng được sử dụng trong futsal là bóng size 4 có chu vi 62–64 cm, trọng lượng từ 400–440 g. Bóng có cấu tạo đặc biệt, khác với bóng truyền thống khi độ nảy thấp hơn nhiều.

Mỗi đội tối đa có 5 người trên sân và không giới hạn số lượng thay đổi người. Tuy nhiên phải tuân thủ khu vực vị trí thay đổi người.

Thời gian thi đấu chính thức gồm 2 hiệp thi đấu, mỗi hiệp là 20 phút được đếm ngược, thời gian thi đấu dừng lại sau khi có tình huống bóng chết. Mỗi hiệp đấu mỗi đội sẽ có 1 quyền hội ý và thời gian hội ý kéo dài trong 1 phút.

Khi một đội phạm đủ 6 lỗi tích luỹ thì đội bị phạm lỗi sẽ được hưởng quyền đá phạt 10m. Trọng tài sẽ cảnh báo nếu đội đó phạm 5 lỗi tích luỹ.

Cầu thủ nhận thẻ đỏ bị đuổi khỏi sân, đội đó sẽ bị chơi thiếu người trong 2 phút hoặc khi đội đối phương ghi được bàn thắng.

Thủ môn phải ném bóng bằng tay khi phát bóng và nó phải rời khỏi khu vực cấm địa trong vòng 4 giây. Nếu quá 4 giây, trọng tài sẽ thổi một quả phạt gián tiếp.

Một khi thủ môn đã nhả bóng bằng cách đá hoặc ném, thủ môn không được chạm vào bóng lần nữa cho đến khi bóng bay hết hoặc bị đối phương chạm vào. Hình thức xử phạt vi phạm là đá phạt gián tiếp. Thủ môn có thể nhận bóng tự do khi ở trên phần sân của đối phương.

Futsal World Cup

Futsal World Cup lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1989 tại Hà Lan và Brazil chính là nhà vô địch đầu tiên trong lịch sử Futsal World Cup. Tất cả các kỳ Futsal World Cup cho đến năm 2008 có 16 đội tuyển tham dự gồm có 6 đại diện Châu Âu, 3 đại diện Nam Mỹ, 2 đại diện Châu Phi, 2 đại diện Châu Á, 2 đại diện Bắc-Trung Mỹ và 1 đại diện Châu Đại Dương.

Cho đến năm 2012, Số đội tham dự chính thức được nâng lên 24 đội tuyển, được chia thành 6 bảng đấu mỗi bảng 4 đội, 2 đội đứng đầu mỗi bảng và 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất được lọt vào vòng 16 đội, thể thức thi đấu này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Tính đến nay chỉ có 3 quốc gia vô địch Futsal World Cup: Brazil hiện đang nắm giữ kỷ lục vô địch Futsal World Cup nhiều nhất với 5 lần vô địch ở các năm 1989, 1992, 1996, 2008, 2012; Tây Ban Nha có 2 lần vô địch vào năm 2000 và 2004; Argentina là nhà vô địch gần nhất vào 2016. Và chúng ta sẽ chờ đợi ai sẽ là nhà vô địch Futsal World Cup 2021.

Thành tích của Futsal Việt Nam

Thành tích ấn tượng nhất của đội tuyển Futsal Việt Nam là 2 lần lọt vào vòng 16 đội tại đấu trường World Cup 2016 và 2021 và chỉ dừng sau 2 lần thất bại trước đội tuyển futsal Nga. Ngoài ra, Futsal Việt Nam có 6 lần tham dự AFC Futsal Asian Cup và từng 1 lần vào đến tứ kết tại giải đấu này năm 2014; 2 lần là Á quân Giải Vô Địch Futsal Đông Nam Á vào năm 2009 và 2012; 1 lần vào đến bán kết Đại hội Thể thao châu Á Trong nhà; 2 lần trở thành Á quân SEA Games 2011 và 2013.

Theo dõi blog của Thanh Hùng Futsal để biết được những thông tin mới nhất về những đôi giày bóng đá chính hãng đã và sắp có mặt trên thị trường toàn thế giới nhé.

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm những đôi giày bóng đá chính hãng phiên bản dành cho mặt sân cỏ nhân tạo và Futsal tại đây.

Từ khóa » đá 5 Trong Futsal Gọi Là Gì