Những điều Cấm Kỵ Trong Tình Yêu Và Hôn Nhân
Có thể bạn quan tâm
1- KỴ CÔNG KHAI CHUYỆN RIÊNG TƯ
Sở dĩ tình yêu cho ta cảm giác ngọt ngào, phần lớn là vì nó có một cái gì đó rất riêng tư, thầm kín. Công khai tình cảm riêng tư của mình để thiên hạ bình phẩm là việc làm thiếu văn minh và dại dột.
Nhiều người thích đem cử chỉ thân mật của mình với bạn gái ra để kể cho thiên hạ, bày tỏ sự vui sướng. Nếu bạn gái nghe được, tất yếu họ sẽ nổi giận, vì bạn đã chà đạp lên nhân phẩm của họ.
Giới nữ ưa đem sự cãi vã với bạn trai kể cho bạn bè nghe, yêu cầu họ bình xét. Đây cũng là việc làm sai lầm. Các bạn nên nhớ, khi hai người yêu nhau, giữa họ thường có quan hệ thân mật – tuy hai mà môt. Có bất hòa, sao không đem ra bàn bạc thậm chí tranh cãi với nhau, cớ sao phải kể với người ngoài. Làm như vậy bạn dễ gây ra sự rạn nứt trong quan hệ. Dù người ngoài là cha, mẹ, anh, em của bạn, chuyện cũng sẽ trở nên to tát vì người thân sẽ bênh vực bạn, khiến mâu thuẫn thêm gay cấn.
Con người ai cũng có tính hiếu kỳ. Nhất là những người kém tu dưỡng, thích soi mói chuyện riêng tư của người khác. Họ sẽ dụ bạn nói ra điều bí mật. Đối với loại người này, ta nên cảnh giác đề phòng. Nhất là các bạn nam nên tránh nhậu nhẹt say sưa rồi nói “huynh toẹt” ra mọi việc mà lẽ ra phải giữ kín.
2- KỴ “ẢO TƯỞNG VỀ TÌNH YÊU”
Ảo giác trong tình yêu là cảm giác chủ quan tưởng nhầm người khác đang yêu mình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ảo giác ấy là mình đã yêu đối phương, và nghĩ rằng đối phương cũng yêu mình.
Các bạn trẻ tuổi thường giàu trí tưởng tượng, giàu nhiệt tình trong cuộc sống và thích theo đuổi sự tốt đẹp dễ nảy sinh “ảo giác tình yêu”.
Muốn tránh ảo giác lầm lẫn gây ra phiền toái này ta cần:
1/ Phân biệt rõ: Sự giống nhau về sở thích, cá tính hoàn toàn khác với sự yêu đương, mặc dù nó là một trong những tiền đề dẫn đến tình yêu, có những bạn rất vui vẻ, cởi mở, thích giao thiệp, hoạt bát; không chỉ riêng với ai, mà là đối với tất cả mọi người. Nếu ngỡ rằng đây là biểu hiện yêu đương của họ đối với mình, rồi mừng vui ngây ngất đem khoe khoang với mọi người, khiến đối phương ngơ ngác thì dù họ có chút thiện cảm trước đây với bạn, tình cảm ấy cũng mau chóng biến mất.
2/ Sớm phán đoán chính xác suy nghĩ của đối phương. Nếu có người con gái yêu bạn, muốn được gần bạn, nhưng bị chi phối bởi sự mắc cỡ e thẹn, không tự nhiên như mọi người, thậm chí tỏ ra lạnh nhạt (ví dụ khi mọi người khen ngợi thành tích của bạn, cô ta tỏ vẻ bình thường), nhưng khi bạn gặp khó khăn, cô ta lại tỏ vẻ lo lắng hơn người khác, cô ta còn rất chú ý ngắm bạn, quan tâm đặc biệt đến bạn trong đám đông. Nếu không có những biểu hiện như trên, nghĩa là cô ta không để ý đến bạn, bạn đừng suy nghĩ vẩn vơ nữa.
3/ Nếu phát hiện mình nảy sinh “ảo giác tình yêu”, bạn nên tìm cách quên đi. Vì yêu đương là quan hệ song phương. Chỉ khi hai người cùng yêu nhau tha thiết, giá trị đó mới được thực hiện.
3- KỴ SỰ LẤY LÒNG QUÁ ĐÁNG
Có những cô gái một khi tìm được ý trung nhân, thường tỏ ra si tình, cô hết sức lấy lòng đối phương. Vì thế dẫn đến nhiều cử chỉ quá đáng như: luôn mặc những chiếc áo bạn trai thích, không dám cãi lời bạn trai, thậm chí vì chiều theo ý bạn trai mà làm những việc đáng lẽ chỉ nên làm sau khi cưới.
Đương nhiên, điểm xuất phát của cô ta là muốn được yêu đương, mong có tình yêu và hôn nhân mỹ mãn. Nào ngờ, sự lấy lòng, chiều chuộng người khác quá đáng đó, theo các nhà tâm lý học, hoàn toàn thiếu sức hấp dẫn trong quan hệ giữa người với người. Trái lại, ứng xử có lý có tình, điềm đạm, ôn hòa, có học thức, lễ độ, mới là tính nết đáng quý.
Cô gái không thể quá chiều chuộng bạn trai, vì làm như vậy sẽ khiến họ cảm thấy việc chiếm được trái tim của cô là điều quá dễ dàng, nên họ không biết quý trọng tình yêu. Ngược lại, càng khó săn đuổi và gặp nhiều khó khăn khi săn đuổi lại càng khiến bạn trai cảm thấy đáng quý, và cố gắng nắm giữ tình cảm của bạn gái. Hơn nữa, giữa hai người yêu nhau họ cần có “sức hấp hẫn” lẫn nhau. Đó chính là “Những gì thầm kín của đối phương” đòi hỏi họ phải ra sức tìm hiểu. Quá chiều chuộng sẽ khiến bạn mất hết cá tính và đặc điểm, bạn sẽ khó giữ chân người yêu được lâu.
Tóm lại, muốn được lòng người yêu, bạn không nên chiều chuộng quá mức. Sự hấp dẫn nội tại, phong độ cao quý, cử chỉ trang trọng là điều quan trọng nhất. Trước mặt bạn trai, bạn cần biết tự tôn, tự trọng, có ý kiến và nhận xét riêng của mình, để được họ thừa nhận và yêu thương. Gặp những bạn có tư tưởng phong kiến “nam tôn nữ ti”, bạn có thể đối đầu lại, để họ phải “khuất phục”. Cần biết cự tuyệt những đòi hỏi quá đáng của bạn trai.
4- KỴ TÂM LÝ ĐUA ĐÒI
Lòng tự trọng của các bạn trẻ rất mạnh. Họ thích mọi cái của mình, kể cả người yêu đều không thua kém người khác. Tâm lý này dễ lý giải, nhưng không nên đua đòi quá đáng. Làm như vậy chỉ nói lên nhận thức của bạn còn quá ấu trĩ, thiếu chững chạc. Đa số các bạn trẻ thích xem hình thức bên ngoài là điều kiện chủ yếu, thậm chí tiên quyết khi chọn bạn đời như dáng vẻ, thân hình, học thức, chức vụ, địa vị, thu nhập, gia đình,…
Thật ra, các bạn cần hiểu rõ: Điều kiện bên ngoài tuy có ảnh hưởng nhất định đối với tình yêu nhưng không phải là mang tính quyết định. Nền tảng của tình yêu chân chính là sự thông cảm, yêu mến của cả hai bên. Cho nên khi điều kiện bản thân không cao, lại đặt ra yêu cầu quá cao với đối phương, bạn sẽ khó tìm được tình yêu chân chính.
Bạn nên cân nhắc về các mặt tài và đức. Sao bạn lại không yêu cầu về lòng tốt, sự chung tình của bạn trai? Đó mới là hoa tình yêu, gốc hạnh phúc.
Ta nên có tiêu chuẩn riêng của mình để chọn bạn đời, chớ nên đua đòi so đo với kẻ khác. Đây chỉ là biểu hiện nông cạn và phù du, nên cố gắng xóa đi quan niệm chọn bạn đời cổ hủ như vậy.
5- KỴ QUÁ XEM TRỌNG NGOẠI HÌNH
Nhiều bạn trẻ thích kén chọn người yêu là những người có ngoại hình và ăn mặc đẹp. Điều này là sai lầm, vì như vậy bạn sẽ phớt lờ tư tưởng, phẩm chất, sở thích, thái độ sinh hoạt của người đó, dẫn đến những cuộc tình lầm lẫn.
Hiện tượng xem trọng ngoại hình là do tác động của tâm lý về “ấn tượng đầu tiên”, chủ yếu là qua bộ mặt, dáng điệu, thân hình, phong độ, cách ăn mặc… sản sinh một “ấn tượng tốt đẹp” khiến bạn ngỡ rằng đây chính là đặc tính của người đó. Ví dụ một cô gái xinh xắn và một chàng trai bảnh bao mới gặp mặt đều có ấn tượng tốt về nhau, từ đó nảy sinh nguyện vọng muốn được gần nhau. Trong khi đó họ quên lưu ý đến khuyết điểm của nhau.
Quá xem trọng ngoại hình là rất tai hại. Vì người có ngoại hình đẹp chưa chắc đã có tâm hồn thanh cao. Trái lại cũng có người ngoại hình không đẹp, nhưng lại có học thức và đạo đức trong sáng.
Cho nên khi chọn người yêu bạn nên chú ý:
1/ Tránh bị lầm lẫn bởi bề ngoài.
2/ Biết nhìn xa trông rộng, xem tài đức là tiêu chuẩn đầu tiên để lựa chọn.
Qua năm tháng, nhan sắc ngoại hình sẽ bị phai mờ, chỉ có tài đức, trí tuệ, tâm hồn mới có giá trị bền lâu.
Xin kể câu chuyện “Gia Cát Lượng lấy vợ” trong sách “Thương Dương ký”: Thấy Gia Cát Lượng mãi chưa tìm được bạn đời, Hoàng Thừa Hiền đã gợi ý: “Tôi có đứa con gái, nhan sắc không có, tóc thì vàng, da thì ngăm đen, có điều học vấn có thể sánh với ông”. Gia Cát Lượng nghe xong, rất thích, lập tức ưng thuận lấy cô gái họ Hoàng làm vợ. Hàng xóm thấy Gia Cát Lượng tướng mạo thanh tú mà không chọn cô gái đài cát lại chọn cô gái nghèo nàn, xấu xí thì đều cười chê. Gia Cát Lượng cứ phớt lờ làm tỉnh. Sau khi cô gái họ Hoàng về làm vợ ông, hai người rất yêu thương nhau, kính trọng nhau. Sau này Gia Cát Lượng lập công lớn với nước nhà, cũng phần nào có sự hỗi trợ của cô gái họ Hoàng ấy.
6- KỴ TÂM LÝ “TỰ NGHI HOẶC”
Xin nêu một ví dụ về tâm lý “tự nghi hoặc:
Bạn hãy lưu ý, mỗi lần ta đến cửa hiệu mua đồ, ta mua được hay không, thường là do tâm trạng lúc đó quyết định. Nếu đi với tâm trạng có mục đích hẳn hoi, chỉ cần bước vào cửa hiệu đầu tiên, thấy có món đồ thích hợp ta sẽ mua ngay mà không quá kén chọn. Nếu đi với ý định thưởng ngoạn, ta phải qua nhiều lần chọn lựa so sánh, thường đi lòng vòng tự tiệm này đến tiệm kia mà vẫn chưa thể quyết định nên mua món đồ mình thích ở nơi nào. Đến khi so sánh thấy rằng tiệm đầu tiên giá rẻ nhất, ta quay lại định mua thì hàng đã bán hết. Bạn đành kiên nhẫn chờ đợi đợt sau. Tâm trạng như vậy gọi là “tự nghi hoặc”.
Trong yêu đương, các bạn trẻ thường nảy sinh tâm trạng tương tự. Theo sự điều tra của một nhà xã hội, trong số 1000 cặp vợ chồng mới cưới, có đến 70% thành công trong mối tình đầu, và đơn phương thành công trong mối tình đầu là 20%, chỉ có 5% cặp là phải qua nhiều lần yêu nhau. Tóm lại, mối tình đầu dễ đưa đến hôn nhân thành công, tỉ lệ này rất thấp đối với những ai yêu nhau nhiều lần.
Mối tình đầu có sức hấp dẫn là vì tình cảm song phương đơn thuần, không có sự so sánh nhiều, chỉ cần yêu thích nhau dễ đi tới xác lập quan hệ. Còn quá nhiều lần yêu nhau, mức độ so sánh khi lựa chọn sẽ tăng lên, nhất là năm tháng qua đi, sự hồi tưởng về người yêu xưa, khiến ta gạt bỏ ấn tượng xấu và lưu giữ những điều tốt đẹp về họ. Càng luyến tiếc tình yêu dang dở trước đây thì càng làm phai nhạt nhiệt tình tìm bạn mới trong hiện tại.
Tâm lý “tự nghi hoặc” là một phản ứng tiêu cực, khiến người ta sinh ra xu hướng kén chọn, bỏ qua cơ hội tìm bạn đời. Chỉ khi nào ta biết xuất phát từ thực tế, tự xóa đi tâm lý “nghi hoặc”, đề ra tiêu chuẩn lựa chọn thích đáng, ta mới tránh được sự so đo không cần thiết giữa đối tượng mới và người yêu mới, tránh được khó khăn trong việc làm quen với bạn mới.
7- KỴ SỰ KHÔNG KIỀM CHẾ
Khi yêu nhau say đắm, người ta thường có sự biểu hiện thất thường về tâm lý và cử chỉ. Họ dễ nghi ngờ, hiểu lầm khi phát hiện người yêu mình tiếp xúc giao du với người khác giới, do đó thường hạn hỏi và can thiệp, làm tổn thương đến lòng tự trọng của người yêu.
Nam nữ yêu nhau, không tránh khỏi cử chỉ âu yếm. Nếu ta mất sự tự chế về lý tính, sẽ dẫn đến có hành động sai lầm, để lại khổ đau cho bạn đời.
Tình cảm của đôi tình nhân thường kém ổn định, khi hòa thuận thì vô cùng thân mật, lúc phát sinh mâu thuẫn thì cãi cọ, và cảm thấy rất đau khổ.
Trên đây là những phản ứng thường gặp lúc yêu đương. Nếu ta không tự kiềm chế thì rất dễ sinh chuyện. Làm thế nào để điều tiết tâm trạng tình cảm? Xin giới thiệu với các bạn 2 biện pháp sau:
1/ Giữ cho đầu óc sáng suốt:
Ví dụ khi bạn hiểu lầm người yêu có quan hệ thân mật với người thứ ba, bạn hãy tự giải thích: con người không thể tách rời cuộc sống xung quanh. Can thiệp và hạn chế quan hệ của đối phương, sẽ làm tổn thương tình cảm đôi bên.
Lúc hai người quá âu yếm, bạn nên cảnh giác đừng để vượt quá giới hạn cần thiết. Phải nhớ: đây là hành động thiếu trách nhiệm với mình cũng như với người khác.
Khi hai người cãi nhau, nên tìm cách giải thích và thông cảm, chớ so đo những chuyện nhỏ nhặt, tìm cách làm giảm nhẹ cơn giận thất thường.
2/ Chuyển đổi tâm trạng: Tham gia sinh hoạt tập thể để tránh suy nghĩ lung tung; tạm xa nhau một thời gian để tránh sự tranh cãi liên miên, hoặc làm những công việc khác cho khuây khỏa khi có suy nghĩ bồng bột.
8- KỴ VIỆC TỰ TỬ VÌ TÌNH
Mạng sống con người rất quý báu. Cuộc đời ta có rất nhiều việc: học tập, lao động, sống vì lý tưởng, lập nghiệp và yêu đương. Tình yêu là một phần của cuộc sống, nhưng không phải là toàn bộ hoặc duy nhất.
Có những bạn trẻ không hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống, thường vì thất tình mà quyết định chấm dứt cuộc đời một cách dại dột. Để tỏ ra trung thành với tình yêu, có những bạn trẻ còn noi gương Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, tự vẫn một cách ngu xuẩn.
Thật đáng tiếc! Bạn trẻ vốn có tiền đồ xán lạn phải biết góp sức xây dựng nước nhà. Nếu xem thường mạng sống quý báu, hủy bỏ một cách tùy tiện thì hành vi khinh xuất ngu xuẩn này thật đáng chê trách.
Mất tình yêu, tuy đau khổ, nhưng tìm đến tình yêu khác là để muốn sống cho tốt hơn, không nên vì gặp chút ngang trái trong tình yêu, đã vội tìm đến cái chết. Tự tử là hành động hèn nhát và đuối chí. Thanh niên có chí khí sẽ không hành động như vậy!
9- KỴ VIỆC TRUY TÌM QUÁ KHỨ
Những gì đã qua hãy để nó qua đi, chúng ta nên đặt mọi hy vọng vào tương lai. Nhất là trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng, ta càng nên tránh truy cứu quá khứ của đối phương.
Có nhiều ông chồng một khi phát hiện ra vợ mình xưa kia từng có quan hệ với người đàn ông khác, đã nổi giận lôi đình, tạo nên sự ngăn cách hoặc dẫn đến bi kịch ly hôn. Người vợ cũng thường có sai lầm tương tự.
Vòng đời xưa nay vẫn quanh co. Chuyện yêu đương cũng vậy. Con người chúng ta mấy ai không trải qua nhiều lần yêu đương mới chững chạc lên, mấy ai không có quá khứ thất bại và đau khổ. Chính những điều đó kết tinh thành sức hấp dẫn của con người lịch lãm.
“Khoan dung” với quá khứ của bạn đời mình là cử chỉ cao thượng trong tình yêu, thái độ đó giúp cho một cuộc hôn nhân trổ bông kết trái.
Cuộc sống hôn nhân cần cả hai phải chung sức vun trồng, bắt đầu xây dựng tương lai tươi đẹp. Cuộc sống đã sang trang mới, cớ sao lại truy cứu những cái đã qua đi? Hơn nữa, ý nghĩa của “yêu” bao gồm tiếp nhận cái hiện tại, kể cả cái tốt, xấu trong dĩ vãng của người yêu.
10- KỴ VIỆC THỬ THÁCH TÌNH YÊU BẰNG SỰ LỪA BỊP
Khi yêu, người ta thích thử thách tấm lòng của nhau. Điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, nên tránh dùng các thủ đoạn lừa bịp vì nó sẽ dẫn đến hậu quả xấu.
Xin nêu hai câu chuyện có thật: Có một anh công nhân vì muốn thử thách tấm lòng của bạn gái mình, anh ta đã gởi thư cho cô, thư viết rằng: - Anh bị tai nạn giao thông, phải cưa mất một cánh tay.
Cô gái vội nghỉ phép đến thăm người yêu. Đến nơi cô mới phát hiện mình bị lừa, cô giận dữ bỏ đi. Vài hôm sau, anh công nhân nọ nhận được bức thư chia tay của cô bạn gái. Anh vô cùng hối hận những việc đã rồi…
Một đôi nam nữ kia quen nhau ở nông thôn, nơi họ đi thực tập. Sau đó cô gái quay về thành phố tu nghiệp. Người bạn trai sợ người yêu thay lòng đổi dạ nên đã bịa ra một câu chuyện: - Tôi quyết định lập nghiệp và định cư ở nông thôn và đã tìm được bạn gái khác. Hãy để mối tình chúng mình lụi tàn.
Bạn gái anh ta vội viết thư, thề là sẽ không thay lòng đổi dạ, mong nối lại tình xưa. Anh ta cố ý phớt lờ. Vài tháng trôi qua, anh ta tìm đến thành phố, muốn nói rõ sự thật với cô gái, nào ngờ anh chỉ nhận được câu trả lời lạnh nhạt:
- Tôi đã quên anh rồi!
Hai mẫu chuyện trên muốn chứng minh rằng: Dùng thủ đoạn “lừa bịp” để thử thách tình yêu, chẳng khác gì bê đá đập chân, tự chuốc lấy đau khổ. “Lừa bịp” nghĩa là không tôn trọng người mình yêu, khiến đối phương cảm thấy bị lăng nhục, họ sẽ mất đi niềm tin trong tình yêu.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, tình yêu vẫn luôn được thử thách, trải qua thử thách, những mâu thuẫn và phức tạp của cuộc sống được giải quyết, mối tình càng thêm đằm thắm, sâu sắc.
11- KỴ SỰ CẦU TOÀN
Có người nói:
- Tìm người yêu, tìm bạn đời, ta phải tìm được người tốt nhất.
Câu nói đó rất đúng. Vấn đề cần bàn là “tốt” không phải toàn vẹn, hoàn hảo 100%. Có một cô kế toán ở nhà máy nọ, khi có người giới thiệu với cô ta một anh chàng công nhân kinh tế ổn định, nhưng cô không ưng ý, chê anh ta không có tính hóm hỉnh. Khi tìm được người hóm hỉnh, cô lại chê anh ta quá mập. Cứ thế, ngày tháng qua đi, cô kế toán đã đi đến tuổi trung niên, vẫn chưa lựa chọn được người yêu lý tưởng.
Con người có tâm lý cầu toàn thật ra là người chưa có đối tượng chân chính lý tưởng, bản thân họ cũng không rõ mình nên tiếp nhận loại người nào. Họ chỉ đem tất cả điều tốt đẹp để gắn vào mẫu người lý tưởng mà thôi, đây là điều không có thực.
Con người cầu toàn thường tự biện hộ rằng:
- Mình đã chờ bấy lâu nay, sao không chọn đối tượng tốt hơn? Nếu mình không đòi hỏi gì cả thì mình thành hôn lâu rồi, đâu cần phải đợi chờ lâu như vậy.
Suy nghĩ trên ví mình như là bình rượu, càng để lâu càng thơm ngon. Thực ra, tuổi xuân trôi qua, người đứng tuổi chưa lập gia đình ngày ít đi, diện lựa chọn cũng bị thu hẹp lại, lấy gì để mà cầu toàn?
Những người ưu cầu toàn nên nhìn lại chính mình. Mình đã hoàn hảo toàn diện chưa? Nếu không, cớ sao mình lại đòi hỏi quá đáng? Sự gặp gỡ của con người thường diễn ra khá ngẫu nhiên, nếu cơ hội đến, phải biết nắm bắt, đừng vì ảo vọng mà bỏ lỡ việc lớn.
12- KỴ SỰ QUA LOA ĐẠI KHÁI
- Bạn có thường khen vợ mình và tỏ ra khâm phục cô ta không?
- Bạn không bao giờ phê bình cô ta trước đám đông chứ?
- Bạn đã tỏ lòng cám ơn những gì cô ấy làm cho bạn chưa? Dù đó chỉ là chuyện vặt (đính lại cái cúc áo chẳng hạn)
- Bạn có cố gắng tìm hiểu đặc tính của phụ nữ để giúp cô ấy vượt qua những giây phút mệt mỏi, phiền não?
- Bạn không bao giờ đem tài nấu nướng, nội trợ của cô ấy so sánh với mẹ mình hoặc vợ của đồng nghiệp khác (trừ phi tài nấu nướng, nội trợ của cô ta giỏi hơn họ)?
- Cách ăn mặc của bạn có chiều theo sở thích của anh ấy không?
- Khi bạn và anh ấy có ý kiến trái ngược nhau, bạn có chịu nhường nhịn để giữ hòa khí không?
- Bạn đã cố gắng sống hòa hợp với mẹ và bà con anh ấy?
- Bạn thường đổi món ăn để anh ấy ăn ngon miệng?
- Bạn luôn đảm đang việc nhà, dù kinh tế eo hẹp, vẫn không trách móc anh ấy, không so đo với bạn bè giàu có khác?
Trong 10 câu hỏi nêu trên, 5 câu dành cho người chồng, 5 câu sau dành cho người vợ. Nếu bạn có lời đáp khẳng định, gia đình bạn là một gia đình hạnh phúc. Nếu đa số bị phủ định, thì điều đó nói lên tình yêu hôn nhân của bạn chưa thật tế nhị, thỉnh thoảng xuất hiện những vấn đề mắc mứu.
Đôi vợ chồng có mối tình tế nhị, có tình yêu thường sâu sắc, thì dù chỉ một lời nói, một cử chỉ cũng thể hiện sự đầm ấm nồng nàn, luôn quan tâm đến nhau và tìm cách làm vui lòng đối phương. Trái lại, tình cảm thiếu tế nhị sẽ làm giảm sự lý thú và sự phong phú đa dạng của cuộc sống.
Người có óc thẩm mỹ, tế nhị thường dễ nắm bắt cái thần thái đặc sắc của thế giới tự nhiên, cũng như tình cảm sâu sắc của con người. Người có tính qua loa đại khái, không cảm thụ được điều đó.
Hãy đào luyện chính mình, khơi dậy cảm xúc nội tại, thể nghiệm niềm vui thú trong tình yêu và hãy yêu bằng tất cả trái tim mình.
Xin mách các bạn một số biện pháp rèn luyện sự nhạy cảm về tâm hồn:
Ngắm kỹ những sự vật quen thuộc như chiếc bàn, cánh cửa sổ, luống rau xanh, bàn tay mình… bạn thử phát hiện xem những gì trước đây mình bỏ sót…?
Sắp xếp các bình gia vị thành một hàng ngang, rồi bạn nhắm mắt lại ngửi và xem mất bao nhiều thời gian để nhận ra từng thứ một?
Dùng lưỡi nếm thử vết thương đang chảy máu của bạn. Bạn xem có sự khác nhau giữa vỏ dưa hấu và gừng ra sao?
Nhắm mắt, định thần lắng nghe trong vòng 5 phút, bạn nghe được bao nhiêu thứ tiếng động?
Hãy thử đi đêm trong mùa hè, thưởng thức tiếng động, cảnh vật thiên nhiên để cho trái tim rộng mở, hòa đồng với nhịp sống xung quanh.
Nếu bạn kiên trì luyện tập, bạn sẽ dần dần nhận ra sự thay đổi về chất của hoàn cảnh xung quanh, lúc đó bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được tình yêu nồng nàn của người yêu và sự tế nhị của tâm hồn yêu đương.
13- KỴ VIỆC QUÁ ĐAU BUỒN KHI TẠM BIỆT
Có nhiều bạn đang yêu, không muốn rời xa nhau nửa bước. Đôi vợ chồng trẻ phải xa nhau vài ngày, cũng tỏ ra khổ đau vô ngần.
Theo phân tích tâm lý học, những người đang yêu có sức hấp dẫn nhau kỳ lạ và mạnh mẽ, đôi bên đều cảm thấy đối phương còn nhiều thứ đang đợi mình khai thác, họ thích luôn được ở bên nhau, để được tìm hiểu thêm. Nên lúc phải xa nhau, tình càng thêm quyến luyến.
Nếu ở mức độ thích đáng, thì đây là hiện tượng tâm lý tự nhiên thường gặp. Nhưng nếu ở mức độ quá đáng sẽ dẫn đến tác hại về sức khỏe và tâm hồn.
Khi yêu nhau say đắm, cần xua tan nổi buồn xa nhau như thế nào?
1/ Xác định đúng vị trí của tình yêu.
Đừng quá chìm đắm trong biển yêu đương, nếu không nó sẽ nhận chìm tuổi trẻ, sự nghiệp và lý tưởng của bạn.
Cuộc sống vốn đa dạng, chúng ta cần học tập, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí và đương nhiên cũng cần yêu đương, kết hôn và nuôi nấng con cái. Đây cũng là quyền sống của mỗi con người. Tuy nhiên các nội dung trên không tồn tại riêng biệt mà hòa nguyện với nhau tạo thành một tổng thể. Cho nên tình yêu không chỉ có các cuộc hò hẹn tâm sự mà còn được biểu hiện ở lý tưởng chung, sự hỗ trợ nhau trong công việc, sự động viên nhau về tinh thần,… đây mới là nền tảng vững chắc của tình yêu.
Đừng mải mê yêu đương mà quên đi trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội.
2/ Nhìn nhận đúng về sự tạm biệt.
Sự tạm biệt giữa hai người yêu nhau, thường khiến cả hai cảm thấy mối tình thật đáng quý. Từ đó càng cảm thấy trân trọng mối tình của mình. Cho nên, đôi nam nữ đang có hiềm khích hoặc muốn thử thách tình yêu, hãy tạm xa nhau ít lâu, có thể đây sẽ là phương thức giúp cho tình cảm đôi bên thêm gắn bó sâu sắc.
3/ Đặt phần lớn thời giờ vào công việc và học tập.
Biện pháp chuyển dịch sự chú ý và yêu thích này, sẽ giúp bạn khắc phục được tâm trạng nhớ nhung, để không vì quá nhớ mong mà nảy sinh bệnh tật.
14- KỴ SỰ LẮM LỜI
Đàn ông sợ nhất là cô vợ có tính lải nhải. Trong lúc bạn đang định tâm đọc sách, cô ta cứ phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết, hoặc bạn đang lo lắng một việc gì đó, cô ta thao thao bất tuyệt, khiến bạn càng buồn bực, khi bạn đưa ra một quyết định nào đó, cô ta cứ can thiệp đủ điều, khiến bạn mất hứng… Sự lải nhải của bà vợ thường là nguyên nhân gây nỗi bất hòa trong gia đình.
Tại sao đàn bà ưa lải nhải? Nguyên nhân thường là:
- Bà vợ là người có trách nhiệm cao, sợ người nhà lo công việc chưa tốt nên cứ luôn miệng nhắc nhở.
- Có tính nhỏ mọn, không chịu nhường nhịn.
- Thiếu kiến thức, nên việc gì cũng cảm thấy thích thú, dù là câu chuyện nhỏ nhặt, cũng nói đi nói lại.
- Tự ti mặc cảm. Sợ người khác quên mất sự tồn tại của mình, muốn gây ấn tượng sâu sắc để họ phải nhớ đến mình.
Ta cần phân biệt rõ các nguyên nhân gây nên tính lắm lời của các bà vợ rồi tìm cách khắc phục.
Sự lắm lời của vợ chưa chắc đã sai. Khi ta xử sự một việc, dù là việc chung hay riêng, cần biết nghe ngóng ý kiến của một số người. Qua lời vợ, ta có thể tìm được những gợi ý bổ ích. Đàn ông ghét vợ can dự vào công việc của mình, thường là vì ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ”.
Giúp vợ xóa đi mặc cảm do quan niệm cổ hủ, lắng nghe ý kiến của vợ, không tỏ ra xem thường vợ, động viên vợ tập thói quen ăn nói ngắn gọn, đừng dài dòng quá mức, vì điều đó sẽ khiến chồng buồn chán, tự họ hạ thấp vị trí của mình trong lòng người chồng.
15- KỴ SỰ KHÔNG BIẾT LÀM NŨNG
Làm nũng là tính thiên phú của phái nữ, đôi khi nó có thể điều tiết được mâu thuẫn của quan hệ vợ chồng. Do đó các bà vợ nên học cách để nắm bắt nghệ thuật làm nũng.
Ví dụ, khi ông chồng nổi cáu, người vợ nở nụ cười dịu ngọt, bưng lên tách trà, nói nhỏ nhẹ: “Uống miếng nước rồi hãy nói!”. Khi ông chồng dùng đến quả đấm, người vợ nên nhắc nhở nhỏ nhẹ: “Chớ đánh em đau nhé!”. Sự dịu dàng kia có sức mạnh làm thức tỉnh lương tâm người chồng. Ngày tháng trôi qua, tình hình cố chấp của người chồng sẽ dần dần được sửa đổi qua sự cảm hóa của vợ.
16- KỴ VIỆC CẤM CHỒNG GIAO THIỆP
Tham gia hoạt động xã giao là chuyện bình thường, nhưng đôi lúc nó cũng trở thành mâu thuẫn dẫn đến sự cãi cọ của các đôi vợ chồng. Vì người vợ cấm chồng giao thiệp, người chồng nổi cáu, tình cảm sinh ra rạn nứt. Thực tế, chỉ cần dùng đến chút mẹo vặt, xử lý thỏa đáng, mâu thuẫn sẽ được giải quyết.
Trước hết, cần lý giải dụng ý của người vợ. Sở dĩ họ không thích chồng đi giao thiệp với người khác vì họ yêu chồng, muốn ở bên chồng, lại có những bà vợ lo sợ chồng mình sẽ có bồ bịch… Cho nên người chồng cần biết nhường nhịn, đừng gây lộn, nhưng phải giải thích để có được sự thông cảm, và chấp nhận. Mặc khác, người chồng cần ở bên cạnh vợ nhiều hơn, để họ tự tin và yên tâm.
Ngày thường, người chồng cần giúp vợ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống xã hội. Mỗi khi ra đi hoặc trở về, đều nên cho vợ biết mục đích và sự cần thiết của chuyến đi. Người vợ cũng muốn chồng mình có bạn bè, được vui vẻ, chỉ cần không quá đáng, thì việc xã giao chắc chắn được vợ chấp nhận.
Cố gắng cùng vợ tham gia các hoạt động giao thiệp như đi picnic, tham dự vũ hội…. để nàng làm quen với bạn bè của mình, nàng sẽ yên tâm hơn. Khi cô vợ không thích xã giao, bạn có thể động viên nàng tìm đến sở thích khác, để lúc bạn đi vắng, nàng không cảm thấy quá buồn tẻ.
17- KỴ ĐỂ QUAN HỆ TRỞ NÊN CĂNG THẲNG BẾ TẮC
Vợ chồng đôi khi khó tránh xảy ra chuyện tranh cãi. Sau đó, đa số người ta đều nhường nhịn làm lành, để gia đình được đầm ấm. Nhưng có một số cặp vợ chồng vì lòng tự trọng quá cao, không chịu làm lành với nhau, quan hệ vợ chồng đi vào chỗ bế tắc. Dưới đây là vài biện pháp làm tiêu tan mâu thuẫn đôi bên.
1/ Gọi điện xin lỗi. Nhiều việc khó nói thẳng trước mặt nhau, nói bằng điện thoại sẽ dễ dàng hơn.
2/ Mời bạn bè về nhà chơi, để bạn bè khen ngợi vợ mình, điều đó có tác dụng làm dịu không khí căng thẳng.
3/ Mua món đồ mà người kia thích, biếu tặng bằng thái độ tự nhiên và ôn hòa, khơi dậy tình cảm người bạn đời của mình.
4/ Nấu món ăn chồng hoặc vợ mình thích, tỏ rõ sự quan tâm đến sở thích của nhau.
5/ Cùng đi chợ mua sắm, làm tăng ý thức đồng lòng nhất trí của cả hai.
6/ Quan tâm, chăm sóc bạn đời, nhắc nhở cảm tình của nhau.
18- KỴ VIỆC ĐẮM MÌNH VÀO SỞ THÍCH RIÊNG
Có những người chồng (hoặc vợ) sau khi tan sở thường tự đắm mình vào sở thích riêng, bỏ mặc đối phương. Sở dĩ họ có thái độ như vậy vì có thể họ chưa thích ứng với quan hệ vợ chồng mật thiết, muốn tìm cách tránh né. Nếu thực sự như vậy, thì cũng chưa đến nỗi hết cách cứu vãn. Muốn thay đổi thực tế đó, thử xử lý theo mấy cách sau đây:
1/ Đừng đặt yêu cầu quá cao về sự gắn bó trong quan hệ, đừng buộc đối phương phải có những lời lẽ thân mật vì có thể loại người này thích thực hiện tình cảm của mình bằng hành động. Chỉ cần họ thành tâm là đã rất đáng quý.
2/ Lý giải về sở thích của mình và tìm cách lôi kéo chồng (hoặc vơ) cùng tham gia.
3/ Chủ động bộc lộ tâm trạng tình cảm của mình. Đừng quá chung chung như những câu “em không vui”, “anh không được thoải mái”… mà cần đi thẳng vào vấn đề, nói rõ nguyên nhân mà mình cảm thấy buồn phiền.
4/ Lên chương trình vui chơi giải trí chung của cả hai người, yêu cầu vợ (hoặc chồng) cùng chung vui trước khi lao vào sở thích riêng.
5/ Đừng ép vợ (hoặc chồng) bỏ sở thích riêng của họ, mà phải tự mình tìm hiểu thêm về sở thích đó, nếu tạo được niềm vui chung, thì sẽ xóa được mâu thuẫn của đôi bên.
19- KỴ SỰ THIẾU SỨC HẤP DẪN
Làm vợ, bạn phải luôn chú ý giữ gìn và tạo thêm sức hấp dẫn để người chồng mãi mãi thương yêu mình.
Nhắc đến sức hấp dẫn, người ta thường nghĩ tới ngoại hình, khuôn mặt. Đây là một yếu tố rất quan trọng. Sau khi sinh con đẻ cái, nếu bạn vẫn giữ được nước da, thân hình đẹp, đương nhiên là điều rất tốt. Nếu nhan sắc bình thường, bạn lại ít chú ý đến việc ăn mặc trang điểm bạn sẽ rất khó coi.
Ngoài dáng vẻ, nhan sắc ra, yếu tố quan trọng của sức hấp dẫn là sự hiểu biết, thông cảm về tình cảm và tâm hồn.
Người vợ cần chú ý phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm của mình. Tình yêu vợ chồng xây dựng trên cơ sở hiểu nhau. Là người vợ, bạn cần hiểu chồng yêu mình ở điểm nào? Yêu vì mình xinh đẹp hay vì bạn có đức tính tốt? Vì cha mẹ bạn giàu có hoặc vì yêu chính con người bạn? Yêu tính tế nhị chu đáo hoặc sự khoan hồng đại lượng của bạn? Chỉ cần biết ưu điểm nào được chồng thích, người vợ cần duy trì phát huy. Nhất là cá tính, tình cảm và nhan sắc… Đó là những điểm kết tinh sự yêu thích của chồng, để chồng vừa ý – từ đó chồng bạn càng thêm yêu thương bạn hơn. Còn khuyết điểm? Ngoài khuyết tật bẩm sinh, thì mọi thiếu sót về chủ quan, thói quen xấu đều có cách khắc phục sửa đổi. Nếu bạn kịp thời phát hiện khuyết điểm, quyết tâm khắc phục, điều đó sẽ có lợi trong quan hệ vợ chồng.
Người vợ trao đổi, tâm tình với chồng một cách thường xuyên, và để tâm trạng đôi bên được tươi vui, tăng niềm tin về hôn nhân, vừa giữ được sức hấp dẫn với chồng được một cách bền bỉ. Bạn nên tránh có suy nghĩ là sau khi kết hôn, mọi việc có thể tùy tiện, không cần chú ý giao lưu tâm sự. Điều đó sẽ dẫn tới nguy cơ cho hôn nhân về sau.
Dịu dàng, giàu tình cảm cũng là một cách hữu hiệu để giữ chân đức lang quân. Các đấng mày râu thường thích có cô vợ dịu dàng, chu đáo, luôn quan tâm chăm sóc họ, thương yêu họ. Có những phụ nữ trước khi kết hôn, tỏ ra rất dịu dàng dễ thương, nhưng sau khi lấy chồng, thì không còn như xưa nữa, thậm chí họ oán trách chồng, tỏ ra lắm điều hoặc cáu gắt với chồng vì những chuyện cỏn con, hoặc tỏ ra lạnh nhạt với chồng… Dần dần họ đã tự xóa đi sức hấp dẫn của chính mình.
Ngoài ra, nhìn từ góc độ sinh lý, sự kết hợp của nam và nữ là so sự hấp dẫn của đối phương. Phải để chồng cảm nhận được vợ mình là người phụ nữ dịu dàng và giàu tình cảm. Trong quan hệ ái ân, người vợ cần chủ động phần nào, để thỏa mãn nhu cầu của chồng. Đây cũng chính là sức hấp dẫn to lớn của người vợ.
20- KỴ SỰ ĐỐI ĐỊCH NHAU
Đôi khi vợ chồng tỏ ra chống đối nhau bằng thái độ kịch liệt cãi vã, châm chọc, dẫn đến kết cục đối địch nhau, làm thế nào để làm tiêu tan sự đối địch đó?
1/ Đừng tìm cách cải tạo đối phương: Có người sau khi kết hôn, muốn làm thay đổi cá tính, thói quen, sở thích của người bạn đời của mình. Đó chính là nguyên nhân gây nên mâu thuẫn vợ chồng. Bởi vì mỗi người đều có lòng tự trọng. Nếu bạn tỏ ra bạn là người cải tạo thì có nghĩa là bạn hoàn toàn đúng, đối phương là sai và phải luôn nghe theo lời bạn, sẽ khiến đối phương nảy sinh tâm lý chống đối. Biện pháp thông minh là dùng lời lẽ bày tỏ sự quan tâm và thông cảm, động viên bạn đời của mình tự sửa đổi.
2/ Mạnh dạn nhìn nhận sai lầm: Vợ chồng cần phải tự kiểm điểm chớ không phải chỉ biết chỉ trích đối phương. Khi bạn biết mình sai, nên tự phê bình trước khi người khác nêu ra sai lầm của mình, làm như vậy bạn vừa tôn trọng đối phương, vừa bảo vệ lòng tự trọng của mình. Cho nên tự kiểm điểm là biện pháp xóa bỏ mâu thuẫn và sự ngăn cách tốt nhất.
Nhiều khi mâu thuẫn nảy sinh, vì sĩ diện, phía người chồng bị tác động bởi tâm lý “chồng chúa vợ tôi” không chịu thua kém vợ; phía người vợ vì lòng tự ái quá cao, không ai chịu nhìn nhận sai lầm của mình.
Khi xảy ra xung đột, người chồng nên chủ động nhận lãnh trách nhiệm về mình với quan niệm là “nam không đấu với nữ”, dù chưa chắc chắn là mình sai, cũng nên xin lỗi giải hòa với thái độ thành tâm và kịp thời. Để lâu sẽ có hậu quả xấu. Người chồng làm như vậy sẽ khiến người vợ cảm thấy ngại ngùng, cảm phục sự rộng rãi của chồng, sẽ chủ động đối xử tốt với chồng.
3/ Giải thích và nói rõ mọi việc:
Nếu có ý kiến trái ngược, nên nói rõ trước mặt nhau. Nếu sự kết hợp có điều không vui, nên cố nhịn trong lòng, vì nếu không thì chẳng những không giải quyết được sự việc, mà còn làm tăng thêm quan hệ lạnh nhạt, tạo nên gánh nặng trong lòng. Chỉ cần xử lý tốt, thì tranh luận có thể giúp đôi vợ chồng nói hết tâm sự, giữ được sự thăng bằng về tâm lý.
4/ Xa nhau một cách có ý thức.
Khi “Thời kỳ chung tình” giữa đôi vợ chồng đã bước sang giai đoạn “bão hòa”, bạn cần phải có giây phút xả hơi. Đây là hiện tượng bình thường, cũng như con người sau khi lao động cần phải nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe vậy.
Nếu phát hiện đối phương có ý lánh mặt, bạn phải biết đó là “thời kỳ lãnh đạm”, dù bạn không cần đi công tác xa, bạn cũng nên tìm lý do để tạm lánh một thời gian.
Chỉ cần xa nhau ít lâu trong “thời kỳ lãnh đạm”, các bạn vẫn có dịp quay về “thời kỳ chung tình” ban đầu.
5/ Quan tâm chăm sóc đối phương.
Bạn nên dùng sự quan tâm chăm sóc để xua tan sự đối địch giữa hai vợ chồng. Khi bạn phát hiện bạn đời luôn bận bịu, ít có thì giờ tiếp xúc, lo lắng, cho dù thấy đối phương khóc lóc, ưu tư hoặc trách móc, bạn cũng đừng tỏ vẻ bực bội, mà phải chịu khó tìm hiểu và động viên, quan tâm chăm sóc.
6/ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Khi xảy ra xung đột, nếu một bên biết xin lỗi, thì mới chỉ làm lắng dịu sự việc, tạm thời chưa giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Muốn tránh khỏi sai lầm về sau, bạn cần tìm ra biện pháp khắc phục. Đôi vợ chồng lý tưởng, không bao giờ tìm cách áp đảo lẫn nhau, mà là bình tâm thảo luận, tìm cách thỏa mãn nhu cầu chung. Cần biết suy xét tìm ra những sai sót nhất là nguyên nhân chủ quan, đừng chỉ lo trách móc đối phương. Qua thảo luận, bạn sẽ rút ra bài học bổ ích, để cố gắng xóa đi thói hư tật xấu, hợp sức xây dựng hạnh phúc tốt đẹp.
21- KỴ SỰ XUNG ĐỘT CĂNG THẲNG
Trong đời sống vợ chồng, việc xảy ra xung đột là điều khó tránh. Nếu quá khích bạn sẽ dễ làm rạn nứt hạnh phúc gia đình. Muốn tránh xảy ra xung đột căng thẳng, cần phải:
1/ Biết giữ im lặng: Lúc đối phương cáu gắt, bạn nên im lặng. Chờ cho đối phương nguôi cơn giận mới đi vào bàn bạc.
2/ Lánh mặt khi nảy sinh mâu thuẫn, để tránh xảy ra xung đột.
3/ Khi hai người cùng nổi giận, bạn cần tỉnh táo nghĩ đến biện pháp chuyển dịch, chuyển sang làm việc riêng hoặc chuyện trò tậm sự với người khác.
4/ Gặp khi đối phương tỏ vẻ không vui, bạn cần kể những câu chuyện hóm hỉnh để làm giảm bớt không khí căng thẳng.
Sự cãi vã của vợ chồng thường là do những chuyện nhỏ nhặt gây nên, chỉ cần một bên chịu nhường nhịn, bỏ qua, không lớn tiếng tranh chấp, xử sự bằng thái độ ôn tồn rộng lượng, thì sự nóng giận của đối phương sẽ giảm xuống, không còn nảy sinh chuyện tranh cãi nữa.
Im lặng là đức tính tốt, và càng quan trọng hơn khi phía vợ (hoặc chồng) nổi cáu, nó có tác dụng làm dịu cơn giận, làm giảm điều thị phi. Đừng nên nói những lời lẽ có tính kích động, mà nên căn cứ vào trạng thái, tính cách của đối phương để làm những việc khiến họ cảm thấy nguôi giận và được thư giãn.
22- KỴ 32 THÓI HƯ
Xét về cả hai phía vợ chồng, mỗi bên đều có 16 yếu tố làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, ta cần cố gắng để tránh những yếu tố có hại này.
Những ông chồng thường không thích vợ: 1) hay cáu gắt, 2) thiếu sở thích chung, 3) ích kỷ, không thông cảm, 4) hay giận hờn, thích can thiệp vào sở thích của chồng, 5) ăn mặc luộm thuộm, 6) nóng tính, 7) thích can thiệp vào việc chồng dạy dỗ con cái, 8) thích khoe khoang, 9), mềm yếu, 10) hẹp hòi, 11) không chăm lo việc nhà, 12) thích tranh cãi, xoi mói, 13) có những thói quen xấu, 14) không trung thực, 15) cản trở sự nghiệp của chồng, 16) nuông chiều con cái quá mức.
Những bà vợ thường ghét ông chồng: 1) ích kỷ, không thông cảm cho vợ, 2) không có thành tích trong sự nghiệp, 3) thiếu trung thực, 4) thích oán trách than phiền, không hiểu sở thích của vợ, 5) không chịu công khai bàn bạc mọi vấn đề, 6) không lo cho con cái, 7) quá nghiêm khắc với con, 8) không lo cho gia đình, 9) thô lỗ, 10) thiếu tinh thần cầu tiến, 11) nóng nảy, không kiên nhẫn, 12) thích chê bai, 13) không biết lo về kinh tế, 14) hẹp hòi, 15) tản mạn, rườm rà, 16) tỏ ra chán chường khi bàn bạc về cuộc sống gia đình.
23- KỴ SỰ NGHI NGỜ LẪN NHAU
Điều đáng quý nhất trong cuộc sống vợ chồng là tin yêu nhau và tai hại nhất là nghi ngờ nhau, dẫn đến sự cãi vã, khiến gia đình bất hòa.
Muốn xua tan những ngờ vực, trước hết phải làm rõ nguyên nhân của chúng:
1/ Có cái nhìn sai lệch về quan hệ vợ chồng:
Có người mong muốn bạn đời luôn cặp kè bên mình như lúc còn đang hưởng tuần trăng mật và tỏ ra nghi ngờ khi bạn đời giao thiệp với người khác, dù đó là xã giao thông thường. Thực ra, sau khi kết hôn, bắt đầu bước vào cuộc sống gia đình, phải lao vào công việc thực tại, chúng ta không thể đòi hỏi bạn đời phải luôn tỏ ra thân mật, thơ mộng như hồi mới yêu nhau.
2/ Xuất phát từ quan niệm bất bình đẳng:
Nhiều người xem quan hệ vợ chồng như quan hệ phụ thuộc. Coi bạn đời như người theo đuổi mình và buộc họ phải luôn phục tùng mình, nếu không, tỏ ra nghi ngờ họ thay lòng đổi dạ. Cách nhìn này thật sai lầm, vì đây là thế kỷ thứ 21, không nên bám víu vào quan niệm bất bình đẳng cổ hủ ấy.
3/ Nghe lời gièm pha mà nghi ngờ bạn đời.
Thực ra, kẻ phản bội tình yêu thường có những biểu hiện rất khác thường. Như từ ôn hòa đến thô lỗ, từ thân mật đến xa lánh, từ thật thà đến ranh ma, từ trầm tĩnh đến cáu giận, từ quyền lợi chung đến sở thích riêng … Nếu những biểu hiện khác lạ nêu trên xuất hiện thường xuyên, bạn cần quan sát, để xem họ có thực sự thay lòng đổi dạ hay không? Nếu đó chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên, bạn chớ vội đưa ra kết luận.
Muốn xua tan mối nghi ngờ, nên nhìn bạn đời như người bạn đồng hành trong đời sống và sự nghiệp của mình, như vậy sẽ không buồn phiền vì bạn đời mải lo công việc mà không thể vui chơi giải trí với mình hoặc không phải ghen tuông khi bạn đời vì công việc mà phải giao thiệp với người khác.
24- KỴ TÌNH YÊU PHAI NHẠT
Từ giai đoạn tình yêu nồng cháy chuyển sang giai đoạn tình cảm trầm lắng, là một bước ngoặc quan trọng trong hôn nhân. Nếu vợ chồng có cái nhìn chính xác về tính giai đoạn của tình yêu, họ sẽ dễ dàng vượt qua, bằng không, sẽ dẫn đến nguy cơ tình yêu dần dần bị phai nhạt. Muốn trải qua thời kỳ mâu thuẫn sau ngày cưới bạn cần phải:
1/ Giải quyết vấn đề về nhận thức:
Cần nhớ rằng, trước và sau kết hôn, chúng ta đều phải ăn uống, đều phải sống, không thể xem việc lo cho cái ăn cái mặc, nuôi dạy con cái là việc tầm thường và phiền toái.
2/ Phải có sự so sánh tâm lý chính xác.
Khi yêu nhau cả hai đều chỉ thấy ưu điểm của đối phương. Sau khi lấy nhau, họ bắt đầu phát hiện ở nhau những khuyết điểm, nên dần dần tỏ ra bất mãn nhau. Phải tránh đem ưu điểm của người khác so sánh với khuyết điểm của bạn đời mình, vì điều này sẽ làm hại đến tình cảm vợ chồng.
3/ Giúp đối phương giữ được sự cân bằng về tâm lý.
Khi gặp ngăn trở, con người thường tỏ ra buồn chán, tâm lý mất thăng bằng. Bạn nên có lời an ủi bạn đời của mình khi gặp khó khăn trắc trở, để họ tìm lại sự cân bằng, rồi rút ra bài học kinh nghiệm, tìm biện pháp giải quyết. Đừng nên oán trách, chê bai, khiến mâu thuẫn thêm gay gắt.
4/ Chú ý đến nghệ thuật tranh cãi.
Cuộc sống không tránh hỏi có sự đụng chạm giữa vợ chồng, khi một bên nổi cáu, người kia tốt nhất là đừng cãi lại, dù có cảm thấy vô lý, cũng nên giữ im lặng hoặc tạm lánh mặt. Nếu đã sinh ra tranh cãi thì phải ráng kiềm chế, đừng moi móc chuyện xưa, hoặc hăm dọa ly hôn, càng không nên đánh lộn, đập vỡ đồ đạc. Sau cơn tranh cãi, đừng thù dai, hoặc quay lưng bỏ đi, nên tha thứ và bỏ qua cho nhau.
5/ Càng tôn trọng nhau sau kết hôn:
Nên nhận thức đúng về cái nhìn khác nhau, nên giữ cá tính độc lập tương đối của mỗi người trên cơ sở một cái nhìn chung để bổ sung cho nhau trong đời sống và sự nghiệp. Có như vậy, tình yêu mới có thể đơm hoa kết trái.
25- KỴ SỰ THAY LÒNG ĐỔI DẠ
Điều bất hạnh sẽ xảy ra khi vợ hoặc chồng có sự thay lòng đổi dạ, dẫn đến hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Bạn cần đề phòng bằng cách:
1/ Phân tích kỹ nguyên nhân:
Nguyên nhân của sự ngoại tình thường rất đa dạng, nhưng cũng có những điểm giống nhau cần phải chú ý: Dù bây giờ cả hai vợ chồng cùng đi làm là việc bình thường. Nhưng quan niệm “nam lo kiếm tiền, nữ lo việc nhà” cũng còn tồn tại. Người vợ thường dồn tâm trí vào việc nhà nhiều hơn chồng, vì vậy sự quán xuyến những việc bên ngoài sẽ ít hơn.
Chúng ta phải thừa nhận một điều, trong cuộc sống gia đình, người vợ thường có sức chịu đựng và có quán tính nhiều hơn chồng. Ngược lại, người chồng thường thích xông pha vào công việc, không dễ thỏa mãn, càng không dễ chịu sự trói buộc của cuộc sống gia đình.
Cá tính khác nhau, quan niệm khác nhau, sự thiếu thông cảm lẫn nhau cũng là nguyên nhân dẫn đến ngoại tình.
Về phía người chồng: Sau một thời gian kết hôn, cuộc sống hôn nhân dần trở thành một chu kỳ buồn tẻ thiếu sự mới mẻ, họ thường cảm thấy mệt mỏi chán nản, muốn tìm những yếu tố kích thích mới.
Vì vậy một đối tượng mới xuất hiện được xem như một liều thuốc kích thích sự hưng phấn, và nó bao gồm những bí ẩn, kích thích sự chinh phục và khám phá của họ.
2/ Xử sự bình tĩnh.
Nếu phát hiện chồng hoặc vợ có ngoại tình, ta cần xét xem đó là đạo đức bị hủy hoại hay chỉ là sự say mê nhất thời. Nếu thuộc vế sau bạn cần phải xử sự bình tĩnh, tránh la lối làm to chuyện, vì như vậy chẳng khác gì bạn đẩy bạn đời vào tay kẻ thứ ba.
Cần làm vài việc như sau:
- Bày tỏ rằng sự thật này khiến mình rất đau lòng, hy vọng đối phương suy xét lại hậu quả của nó.
- Nếu đối phương không chịu thừa nhận bạn nên suy nghĩ rồi hãy quyết định xem bạn chấp nhận lời giải thích đó và tin đối phương sẽ sửa chữa. Hãy dù biết đối phương ngoại tình bạn vẫn chịu đựng.
- Nếu bạn thừa nhận, cần tạo cho đối phương một cơ hội giải thích, qua đó bạn tìm hiểu sự bất mãn của họ để tìm ra nguyên nhân đưa đến việc họ ngoại tình.
- Thử tìm hiểu xem vấn đề có xuất phát từ cuộc sống gia đình hay không? Ví dụ bạn dành quá nhiều thì giờ cho công việc, bạn bè và con cái, mà bỏ rơi chồng? Khiến tình cảm bị phai mờ; hoặc vì quan hệ tình dục không được thỏa mãn?.
- Quan tâm chăm sóc đối phương, để họ cảm thấy gia đình thực sự là một tổ ấm. Họ sẽ không thể rời xa tổ ấm đó.
3/ Dựa vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Tham khảo ý kiến của người thân và bạn bè. Nhưng phải là những người đáng tin cậy, đừng nghe lời gièm pha của kẻ lắm chuyện, thích đồn đại lung tung sẽ càng làm tăng thêm áp lực xấu. Cần tránh việc kể khổ không cần thiết và thiếu thận trọng. Giải quyết vấn đề bằng tư duy logic là cách thức tốt nhất.
4/ Khoan dung tha thứ và rút kinh nghiệm.
Con người khó tránh khỏi sai lầm, vì vậy khi cần bạn đời có ý thức sửa chữa, thì bạn nên khoan dung tha thứ và giúp họ sửa sai.
Tìm cách rút ra bài học kinh nghiệm, tỉnh táo nhìn nhận cuộc sống, để giữ cho quan hệ vợ chồng ngày càng hài hòa, hạnh phúc.
26- KỴ VIỆC THÁCH THỨC LY HÔN
Dù dọa nhau bằng “ly hôn” không thể giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Chuyện gia đình thường là chuyện nhỏ nhặt, nên sự trái ý giữa vợ và chồng thường xuất phát từ những chuyện vặt vãnh. Tranh luận không mang tính nguyên tắc đem lại kết quả tốt cho gia đình. Vì vậy, chỉ cần cả hai ngồi xuống cùng bàn bạc, tìm ra lý lẽ, đi đến sự đồng lòng nhất trí. Không cần thiết phải “đao to búa lớn” hù dọa nhau bằng sự chia tay, để làm rạn nứt tình cảm vợ chồng.
Quan hệ hôn nhân được xây dựng trên nền tảng tình cảm. Khi mới yêu nhau, người ta thường chú ý bồi đắp tình cảm, thích ứng lẫn nhau. Sau ngày cưới càng phải thương yêu thông cảm nhiều hơn thì mới giữ được sự hài hòa trong cuộc sống gia đình.
Có người không nhận thức được tính quan trọng của việc vun đắp tình cảm, nên thường nuôi ảo vọng rằng tờ đăng ký kết hôn sẽ giữ chân đối phương, vì vậy họ ăn nói thô lỗ, đẽ dàng nổi cáu khi có ý kiến bất đồng và đòi “ly hôn”, nhằm ép buộc đối phương phải chịu đựng. Hành động này rất nguy hại, vì:
- Phá vỡ mơ ước tốt đẹp về cuộc sống gia đình, làm xấu đi ấn tượng của bạn đời về mình.
- Phá hoại tình cảm vợ chồng, gây nên sự nghi ngờ và thái độ lạnh nhạt.
- Khoét sâu mâu thuẫn gia đình, dẫn đến bị kịch “ly hôn” thật sự. Đừng bao giờ dùng từ “ly hôn” làm giải pháp của mọi xung đột trong cuộc sống vợ chồng.
27- KỴ CUỘC HÔN NHÂN BẤT HẠNH
Quá trình khảo sát về y học và tâm lý học cho thấy: Những người có hôn nhân hạnh phúc thường có tuổi thọ cao, còn hôn nhân bất hạnh có hại cho sức khỏe, thường làm cho người ta tổn thọ. Chọn bạn đời không tương xứng hoặc người bạn đời mất sớm đều có hại cho hệ thống miễn dịch cơ thể - vì đây là hệ thống nhạy cảm, chịu ức chết bởi sức khỏe, phương thức sống (kể cả tình dục), tâm lý, tình cảm và tâm tư. Đồng thời hệ thống này còn chịu ảnh hưởng của thần kinh nội tiết, đến các bệnh tật như ung bướu, cao huyết áp, tim mạch…
Cuộc sống tình dục cũng có quan hệ mật thiết đến chức năng miễn dịch của cơ thể. Nếu bạn sống điều độ, bạn sẽ có sức khỏe tốt, bằng không bạn sẽ mắc nhiều bệnh tật.
Khi tình trạng hôn nhân và sức khỏe của bạn đều gặp ảnh hưởng xấu, cần phải:
1/ Ra sức đề phòng sự nguy hại đó tiếp tục phát triển.
2/ Đừng chán nản, nên tích cực đối phó với tình trạng đó.
3/ Tập cho mình có thái độ tích cực vươn lên, xử thế độ lượng, biết nhường nhịn tha thứ, giữ cho tâm hồn mình nhẹ nhõm thoải mái. Và có sự chuẩn bị, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống để kịp thời tìm ra biện pháp đối phó một cách hữu hiệu.
4/ Khi phát hiện mình đang có tâm trạng u buồn thất thường, ngoài việc tự kiềm chế, bạn còn nên tìm đến bác sĩ tâm lý điều trị, đừng để nỗi buồn dồn nén trong lòng.
5/ Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, nâng cao khả năng miễn dich. Con người có sức khỏe tốt, khả năng miễn dịch sẽ cao hơn, mạnh mẽ hơn.
(Hết)
Từ khóa » Các điều Cấm Ny
-
Những điều Cấm Kỵ Trong Tình Yêu Nếu Muốn Lâu Dài Nên Tránh
-
10 điều Cấm Kị Trong Tình Yêu: Muốn Mối Quan Hệ Dài Lâu, Nhất định ...
-
10 điều Cấm Kỵ Trong Tình Yêu Và Hôn Nhân - VnExpress Đời Sống
-
15 điều Cấm Kị Trong Một Mối Quan Hệ Yêu đương - YAN
-
5 điều Cấm Kỵ Trong Tình Yêu Các Cặp đôi Nên Tránh Xa - Webtretho
-
10 điều Cấm Kị Trong Lần Hẹn Hò đầu Tiên Với Bạn Gái - Báo Tuổi Trẻ
-
Những điều Cấm Kỵ ở Mỹ Mà Bạn Nên Ghi Nhớ
-
3 điều “cấm Kị” Trong Tình Yêu
-
10 điều Anh Phải Nhớ Khi Yêu Em - Sức Khỏe - Zing
-
8 đại Kỵ Tuyệt đối Không được Làm Khi Yêu Nếu Không Muốn 'toang ...
-
4 điều Cấm Kị Không Làm Khi Yêu Nhau Nếu Không Muốn Tình Yêu Ly Tán
-
19 điều Sẽ Giúp Mối Quan Hệ “yêu Xa” Sống Sót - Hotcourses Vietnam