​Những điều Cần Biết Khi Bị Chuột Rút - Tuổi Trẻ Online

Chuột rút gây ra cảm giác đau bởi sự co rút đột ngột, thường là co cơ và làm cho bệnh nhân không tiếp tục cử động được nữa. Đây là triệu chứng bệnh thường xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân, cơ bụng và sẽ rất nguy hiểm nếu đang bơi dưới nước, ngồi gần bếp lửa hoặc khi đang lái xe. Bệnh thường xuất hiện chủ yếu ở chân, vào ban đêm.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có xu hướng gia tăng khi tuổi ngày càng cao và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người cao tuổi. Theo thống kê, có khoảng 1/3 người trên 60 tuổi và 1/2 tổng số người từ 80 tuổi trở lên thường bị chuột rút, nhất là vào ban đêm. 

Ở người trẻ, đôi khi cũng gặp chuột rút. Người bị chuột rút 3 lần/tuần chiếm tỷ lệ 4/10, thậm chí một số người ngày nào cũng bị chuột rút. Nếu tái phát nhiều lần hoặc đi kèm các triệu chứng khác như uống nhiều tiểu nhiều, mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao, nhợt nhạt, đau chân khi đi bộ đoạn ngắn... là dấu hiệu của một bệnh nào đó cần đi khám.

Thông thường, mỗi khi chuột rút xảy ra thường kéo dài từ vài giây đến vài phút nhưng có cũng trường hợp kéo dài trên 10 phút.

Nguyên nhân gây ra chuột rút

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy rõ cơ chế gây ra hiện tượng chuột rút, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng có một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuột rút, có thể kể tới như:

Do thiếu canxi, magiê và kali: Nguyên nhân này thường xảy ra ở người có thai và cho con bú hay ở trẻ trưởng thành (do không đủ chất).

Riêng thai phụ hay bị chuột rút từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ do thiếu canxi, phốt pho, magiê, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chi dưới hoặc do các cơ ở chi dưới phải gánh sức nặng của cơ thể.

Do sự lão hoá hệ thần kinh, hệ cơ hay hệ mạch: Nguyên nhân này thường xảy ra chủ yếu với những người lớn tuổi. Cách khắc phục là vừa bổ sung canxi, magiê, kali vừa bổ sung các chất có lợi cho hệ thần kinh cơ và hệ tuần hoàn như vitamin.

Do hoạt động thái quá của hệ thần kinh cơ bắp: đứng hoặc ngồi quá lâu; ngủ nằm tư thế chân không đúng; không khởi động, khởi động không kỹ, không đủ trước khi tham gia hoạt động thể dục thể thao hoặc thực hiện các hoạt động dùng nhiều cơ bắp như bơi lội, chạy bộ, đá bóng.

Dấu hiệu của một bệnh lý: Nếu thường xuyên bị chuột rút về đêm, cần phải đi khám chuyên khoa. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo của một loại bệnh lý mà rất ít người biết. Trong đó, có đến 70% các trường hợp xuất phát từ căn bệnh suy giảm hệ thống tĩnh mạch chân.

Cơ chế hoạt động của căn bệnh này là sự tắc nghẽn dòng máu sâu bên trong tĩnh mạch khiến cho các chất chuyển hóa tích tụ dưới da, các cơ dễ dàng rơi vào trạng thái kích thích, sinh ra hiện tượng co cơ, chuột rút. Ngoài ra, suy tĩnh mạch cũng gây ra chứng phù nề chi dưới, được xếp vào nguyên nhân bị chuột rút khi đang ngủ.

Ngoài ra, thói quen ngồi xổm, mang giày cao gót của phụ nữ cũng là nguyên nhân gây chuột rút về đêm. 

Xử trí khi bị chuột rút

Khi bị chuột rút, cần tìm mọi cách để cắt đứt, làm giảm cơn đau cho đến khi mất đi, đặc biệt là khi đang vận động thì phải dừng vận động, thả lỏng chi bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Dưới đây, là một số cách xử trí khi bị chuột rút:

Chuột rút ở cơ bắp chân: duỗi thẳng chân ra và nhẹ nhàng gập bàn chân về phía đầu gối, ép mạnh một tay vào gót chân. Lúc mới áp dụng có thể thấy đau tăng lên nhưng ngay sau đó cơn đau sẽ giảm xuống do các cơ hết co thắt, máu lại được lưu thông trở lại. Khi đã hết hiện tượng chuột rút nên xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bắp vừa bị co cứng để cho máu hoạt động lưu thông trở lại tránh xảy ra chuột rút tái diễn.

Chuột rút ở bắp đùi: cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Chuột rút ở bàn chân: cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất và bắt cơ bắp làm việc nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút.

Chuột rút ở bàn tay: rất ít khi xảy ra nhưng có thể gặp ở những người phải sử dụng bàn tay với các động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài (người chơi vĩ cầm, chơi piano...). Hãy kéo nhẹ các ngón, rồi xoa bóp bàn tay.

Chuột rút cơ xương sườn: bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh...

Khi bị chuột rút, có thể dùng các loại dầu làm nóng da và cơ thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi nhẹ nhàng xoa bóp hoặc chườm lạnh bằng túi đá. Đồng thời, cố gắng đứng dậy đi lại hoặc đung đưa chân… Sau khi đã qua cơn đau, có thể tắm nước nóng để máu càng dễ lưu thông, thư giãn bắp thịt, giúp các cơ dãn ra, lấy lại tính đàn hồi.

Phòng bệnh

Để phòng ngừa chuột rút, cần uống nước đầy đủ (khoảng trên 1,5 - 2 lít), tốt nhất là dùng các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa… trước, trong và sau khi luyện tập, lao động, đi bộ, leo núi. 

Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như chuối, mơ, chà là, nho, cam, đu đủ, xoài, sầu riêng, lựu, lê. 

Khởi động thật tốt và tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. 

Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân. 

Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế uống nhiều rượu bia và cà phê vì có tác dụng lợi niệu làm cơ thể mất nhiều nước. Ăn uống cân bằng, bảo đảm đầy đủ canxi, kali… 

Không nên tắm nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung dung dịch oresol).

Nếu đang dùng thuốc để chữa bệnh và bị chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ  điều trị xem có phải nguyên nhân do thuốc. Khi thực hiện các hướng dẫn trên mà chuột rút vẫn xảy ra, cần phải đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.

Từ khóa » Chuột Rút ống đồng