Những điều Cần Biết Khi đi Khám Sức Khỏe Phụ Nữ - USAHello
Có thể bạn quan tâm
Phụ nữ thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tại Mỹ. Các cuộc hẹn thăm khám sức khỏe phụ nữ khác với các cuộc khám sức khỏe khác. Biết những gì sẽ xảy ra và hiểu các quyền của quý vị. Tìm hiểu cách chuẩn bị và những điều quý vị có thể thảo luận.
Có những loại kiểm tra sức khỏe phụ nữ nào?
Đây là những loại kiểm tra sức khỏe phụ nữ chính:
- Khám tổng quát – đây là loại thăm khám hàng năm nhằm đảm bảo bạn vẫn khỏe mạnh và trao đổi bất kì mối lo lắng về sức khỏe mà bạn có với bác sĩ. Đôi khi nó được gọi là thăm khám định kì vì nó diễn ra một lần trong một năm. Bác sĩ Sản/ Phụ Khoa hay bác sĩ gia đình đều có thể thực hiện loại thăm khám này.
- Khám SẢN/PHỤ KHOA – OB (SẢN KHOA) là chữ viết tắt của obstetric, là khoa chuyên khám về các vấn đề liên quan đến việc mang thai và sinh sản. Gyn (Phụ khoa) là chữ viết tắt của gynecology, là nơi thăm khám các vấn đề sức khỏe của phụ nữ mà không liên quan đến việc mang thai. Cùng một bác sĩ cung cấp cả hai dịch vụ thăm khám này. Khám Sản khoa và Phụ khoa được gọi là khám sản phụ khoa.
Bạn có những quyền lợi
Với tư cách là bệnh nhân, bạn có những quyền lợi khi được chăm sóc y tế. Đây là ba quyền lợi quan trọng:
- Bạn có thể yêu cầu một bác sĩ nữ hoặc nam. Ở U.S. có cả bác sĩ nữ và nam chuyên về sức khỏe phụ nữ. Bạn luôn có thể yêu cầu một bác sĩ nữ nếu bạn muốn. Nếu bạn muốn bác sĩ nữ, hãy nhớ yêu cầu khi bạn đặt lịch hẹn cho buổi khám.
- Bạn có quyền hợp pháp yêu cầu thông dịch viên cho tất cà các buổi khám bệnh. Hãy nhớ yêu cầu một thông dịch viên khi bạn đặt lịch khám hay đến cuộc hẹn khám bệnh. Đôi khi phòng khám không thể cung cấp thông dịch viên trực tiếp, và trong trường hợp này, họ có thể dùng thông dịch viên qua điện thoại. Nếu như không có thông dịch viên nào cho buổi khám của bạn, bạn có thể yêu cầu xếp lịch lại.
- Nếu bạn muốn có thông dịch viên nữ, hãy nhớ yêu cầu điều này khi đặt lịch khám.
- Thông tin của bạn được bảo mật. Tất cả thông tin mà bạn chia sẻ với bác sĩ và những thông tin mà họ cung cấp cho bạn đều được bảo mật. Chỉ có những người bạn cho phép mới có thể xem hồ sơ sức khỏe của bạn. Thông dịch viên y tế cũng được yêu cầu phải bảo mật tất cả thông tin được chia sẻ trong buổi khám bệnh.
Những điều cần biết trong buổi thăm khám
Việc hiểu những điều cần biết trong buổi thăm khám sức khỏe phụ nữ rất quan trọng vì nó giúp bạn cảm thấy an toàn và thoải mái trong môi trường y tế.
Đặt lịch hẹn khám bệnh
Gọi trước và đặt lịch hẹn khám bệnh với bác sĩ. Nếu bạn không có bác sĩ của mình, hãy gọi cho bảo hiểm y tế để được giới thiệu. Họ có thể cho bạn một danh sách các bác sĩ ở khu vực của bạn, và cho bạn biết ai có thể nói được tiếng của bạn và là nam hay nữ.
Nếu bạn không có bảo hiểm y tế, bạn có thể tìm kiếm trên mạng về các bác sĩ ở khu vực của mình, hoặc hỏi những người bạn biết để được giới thiệu.
Ghi danh và đợi
Khi bạn đến phòng khám, bạn sẽ ghi danh tại quầy tiếp tân. Bạn sẽ được hỏi tên và được yêu cầu điền vào tờ biểu mẫu nếu như đây là lần đầu tiên bạn đến phòng khám này.
Nếu bạn không nói tiếng Anh, bạn có thể nói “no English” và đưa cho nhân viên ở quầy tiếp tân thẻ ID có thông tin của bạn trên đó để họ có thể tra cứu thông tin cuộc hẹn. Sẽ là một ý hay nếu bạn đem theo một mảnh giấy có ghi “I need an interpreter in [điền ngôn ngữ của bạn ở đây].”
Một khi thủ tục giấy tờ đã xong, bạn sẽ ngồi đợi ở phòng chờ.
Tên của bạn sẽ được gọi.
Một trợ lý y tế sẽ gọi tên bạn và dẫn bạn đến phòng khám. Bạn có thể tự đi vào phòng khám. Vợ/chồng hay bất kì một ai khác không cần phải đi chung với bạn trừ khi bạn muốn. Họ sẽ đợi trong phòng chờ.
Xin hãy lưu ý rằng do các hạn chế bởi COVID, nhiều bác sĩ chỉ cho phép bệnh nhân được vào phòng khám.
Thông tin về thuốc đang sử dụng và các dấu hiệu sinh tồn
Trợ lý y tế sẽ ghi nhận các dấu hiệu sinh tồn của bạn và xem xét các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Các dấu hiệu sinh tồn có thể bao gồm cân nặng, chiều cao, huyết áp, mạch, nhiệt độ và độ bão hòa oxy.
Phụ nữ mang thai có thể được yêu cầu đi tiểu vào một cái cốc trong nhà vệ sinh vào đầu buổi thăm khám.
Các câu hỏi mà trợ lý y tế hay bác sĩ có thể hỏi bạn
Trợ lý y tế sẽ hỏi lý do mà bạn đến phòng khám. Bạn có thể cung cấp cho họ mô tả ngắn gọn về câu hỏi mà bạn đang có hoặc điều làm bạn bận tâm.
Y tá hoặc bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh của bạn. Một vài câu hỏi mà họ có thể hỏi là:
- Tiền sử bệnh gia đình của bạn là gì?
- Ngày xảy ra chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của bạn?
- Bạn đã từng mang thai bao nhiêu lần rồi?
- Bạn có bị dị ứng không?
- Bạn đã từng làm phẫu thuật gì chưa?
- Tiền sử tình dục của bạn?
- Bạn có từng mắc phải các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục nào hay không?
- Bạn có hút thuốc lá hay sử dụng rượu bia hay không?
Trả lời thành thật các câu hỏi là điều rất quan trọng. Nó sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị đúng dành cho bạn.
Khám bệnh với bác sĩ
Bác sĩ sẽ gõ cửa khi bước vào phòng khám. Bạn có thể mô tả cho bác sĩ biết chi tiết hơn về các triệu chứng, hoặc đưa ra các câu hỏi hoặc các mối bận tâm của mình. Liệt kê các câu hỏi dành cho bác sĩ để bạn không thể quên mất chúng trong buổi hẹn.
Hầu hết các bác sĩ đều trước tiên nói chuyện với bạn và sau đó tiến hành kiểm tra thể chất.
Không phải lần thăm khám nào cũng cần thiết phải kiểm tra. Một ví dụ về việc thăm khám hầu như không cần kiểm tra là khi hẹn gặp thảo luận về các phương án kế hoạch hóa gia đình.
Chuẩn bị cho việc khám phụ khoa
Nếu cần phải khám phụ khoa, bác sĩ sẽ bước ra khỏi phòng khám để cho phép bạn được cởi bỏ quần áo trong không gian riêng tư. Bạn có thể được yêu cầu cởi bỏ lớp quần áo từ thắt lưng trở xuống. Bạn sẽ được cung cấp một tấm vải hoặc tấm khăn giấy để che phần thân dưới của mình.
Trong một số trường hợp, bạn còn có thể được yêu cầu cởi bỏ toàn bộ quần áo của mình và thay bằng áo choàng hở đằng trước hoặc đằng sau. Việc này thường được thực hiện lúc bạn cần khám cả vú và khám phụ khoa.
Bác sĩ sẽ gõ cửa để đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng. Sau đó, bác sĩ và y tá sẽ bước vào phòng khám.
Trợ lý y tế đôi khi có thể yêu cầu bạn cởi bỏ quần áo trước khi gặp bác sĩ nếu họ chắc chắn rằng bạn sắp phải được khám kiểm tra. Nếu cảm thấy không thoải mái với điều này, bạn có thể từ chối và thông báo với trợ lý y tế rằng bạn muốn nói chuyện với bác sĩ trước.
Cho dù bác sĩ khám cho bạn là phụ nữ hay nam giới, bạn không bao phải ở một mình trong lúc khám sức khỏe phụ nữ. Bạn luôn luôn có quyền yêu cầu có người đi kèm nếu bạn muốn có ai khác ở trong phòng cùng mình để hỗ trợ. Người đó có thể là một thành viên trong gia đình, một người bạn đáng tin cậy hoặc một nhân viên y tế khác tại phòng khám.
Trong lúc khám bệnh, thường sẽ có một y tá hiện diện trong phòng khám.
Bạn có thể có một thông dịch viên
Thông dịch viên có thể ở trong phòng khám hoặc không, tùy thuộc vào lựa chọn nào khiến cho bạn thấy thoải mái hơn. Nếu bạn muốn thông dịch viên đó ở trong phòng, bạn có thể yêu cầu họ quay người đi và quay mặt vào tường trong quá trình kiểm tra để đảm bảo sự riêng tư.
Khám phụ khoa
Khi khám phụ khoa, bạn sẽ phải nằm ngửa trên bàn khám và gác bàn chân mình lên hai bàn đạp với hai đầu gối được dang ra. Bạn vẫn sẽ được che chắn ở vùng và xương chậu với một tấm màn, và bác sĩ sẽ ngồi ở cuối bàn khám gần với chân bạn.
Bác sĩ phải nói chuyện với bạn trong suốt quá trình này và giải thích cho bạn những gì họ đang làm. Chẳng hạn như, trước khi chạm vào bạn họ có thể thông báo rằng “Giờ thì tôi sẽ đưa tay của mình vào nhé”, để tránh làm bạn giật mình. Bác sĩ sẽ luôn đeo găng tay trong lúc thực hiện loại kiểm tra này.
Một số kiểm tra chỉ được thực hiện bằng tay, với một hoặc hai ngón tay được đưa vào âm đạo và tiếp đó bác sĩ ấn vào phía ngoài cơ thể xung quanh vùng khung xương chậu của bạn để cảm nhận được các cơ quan (như tử cung, buồng trứng và bàng quang).
Một số kiểm tra thì cần đặt đầu dò mỏ vịt vào trong âm đạo. Đầu dò mỏ vịt là một dụng cụ dài và mỏng với phần trên và dưới tựa như một chiếc mỏ chim và có thể được làm từ kim loại hoặc nhựa. Dầu dò mỏ vịt được đưa vào với hai đầu được khép lại và sau đó từ từ được mở ra bên trong âm đạo để giúp quan sát âm đạo và cổ tử cung rõ ràng hơn. Gel bôi trơn được sử dụng để giúp việc đưa mỏ vịt vào trong dễ chịu hơn và nhiều phòng khám cũng sẽ làm ấm mỏ vịt để mang lại sự dễ chịu cho bệnh nhân.
Khám phụ khoa bằng đầu dò mỏ vịt có thể là cần thiết bởi một vài nguyên nhân. Một nguyên nhân phổ biến là dụng cụ này được dùng cho phết tế bào cổ tử cung, là khi cổ tử cung được phết mẫu để tầm soát ung thư cổ tử cung.
Nếu bạn không hiểu bác sĩ đang làm gì hoặc lý do họ đụng chạm vào một phần trên cơ thể mình, bạn có thể yêu cầu họ giải thích những việc đó và lý do tại sao.
Nếu bạn gặp đau đớn trong quá trình kiểm tra, bạn có thể yêu cầu bác sĩ ngừng lại.
Bạn vẫn có thể khám phụ khoa khi đang ở trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy khó chịu hơn nếu lượng kinh nguyệt ra nhiều hoặc bạn đang bị đau bụng kinh.
Cơ thể có lông nhiều hay ít cũng không sao. Mọc lông ở vùng kín là một điều tự nhiên. Đừng cảm thấy xấu hổ về lông vùng kín của bản thân mình. Bạn không cần phải cạo hoặc tẩy lông trước buổi hẹn khám. Điều này không hề bắt buộc và sẽ không gây trở ngại đến việc thực hiện khám phụ khoa của bác sĩ.
Khám lâm sàng vú
Kiểm tra này thường là một phần của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra trực quan vú của bạn và chạm vào vú, vùng nách và vùng gần xương vú (xương đòn), để tìm xem có bất kỳ thay đổi hoặc khối u nào không. Kiểm tra này là để phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ung thư vú càng sớm càng tốt.
Các chuyên gia khuyến nghị nên Khám vú lâm sàng (CBE) cho phụ nữ từ 25 tuổi trở lên.
Thăm khám cho phụ nữ có thai
Nếu bạn đang mang thai, bạn có thể đi khám hằng tháng trong khoảng 6 đến 7 tháng đầu. Sau đó, các cuộc thăm khám sẽ được tiến hành hai tuần một lần và sau đó hằng tuần vào giai đoạn cuối thai kỳ. Một số trường hợp mang thai được xem như có “nguy cơ cao” và có thể cần phải thăm khám thường xuyên hơn.
Sau khi kiểm tra
Sau khi khám xong, bác sĩ sẽ nói với bạn về những điều họ nhận thấy và các bước chăm sóc tiếp theo cho bạn là gì. Đôi khi bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cho bạn, đôi khi bạn sẽ cần làm xét nghiệm thêm.
Hãy luôn nhớ việc đặt câu hỏi và yêu cầu lặp lại mọi thứ bạn đang không nắm rõ. Bạn cũng có thể yêu cầu thông tin dưới dạng văn bản nếu như bạn muốn xem lại chúng sau này.
Các chủ đề khác có thể được trò chuyện cùng với bác sĩ của bạn
Một số chủ đề nhạy cảm có thể được thảo luận trong buổi thăm khám sức khỏe phụ nữ.
Sức khỏe tâm thần
Lo âu, trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ. Nếu bạn đang trải qua lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần, bạn có thể yêu cầu được giúp đỡ. Không một cá nhân nào nên cảm thấy xấu hổ hay e ngại khi phải tìm kiếm điều trị cho bản thân hoặc cho thành viên trong gia đình mình về những vấn đề này cả.
Bạo hành gia đình
Bác sĩ có thể hỏi liệu bạn có cảm thấy an toàn khi ở nhà hoặc ở trong mối quan hệ của mình hay không. Có nhiều nguồn hỗ trợ cho phụ nữ bị lạm dụng tình dục, thể chất hoặc tình cảm. Bạn có thể nhận thêm trợ giúp trên trang web Đường dây nóng Quốc gia về Bạo lực Gia đình
Thậm chí khi bác sĩ của bạn không hỏi về điều này, nếu bạn cảm thấy không an toàn khi ở nhà hoặc bạn đang bị bạo hành, thì một buổi thăm khám sức khỏe phụ nữ là thời điểm thích hợp để trình bày vấn đề này với bác sĩ của bạn và nhờ được giúp đỡ.
Chấm dứt thai kỳ
Chấm dứt thai kỳ, hay còn được gọi là phá thai, là một chủ đề đang còn gây tranh cãi tại Hoa Kỳ. Phá thai là việc hợp pháp nhưng sẽ có các điều luật khác nhau hạn chế việc tiếp cận phá thai tùy thuộc vào tiểu bang mà bạn đang sinh sống.
Một số bác sĩ có thể đưa ra chủ đề này tại buổi khám sản hoặc khám phụ khoa, vì một hay nhiều lý do nào đó. Đây là một chủ đề thảo luận bình thường trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phụ nữ ở Hoa Kỳ. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi trao đổi về việc phá thai, bạn có thể yêu cầu bác sĩ dừng lại.
Nếu bạn đang cố gắng tìm kiếm thông tin về phá thai và bác sĩ từ chối thảo luận về nó, bạn có thể liên hệ với một phòng khám hoặc bác sĩ khác. Liên đoàn Phá thai Quốc gia có sẵn một đường dây nóng khả dụng trên nhiều ngôn ngữ khác nhau có thể đưa ra giới thiệu cho bạn. Bạn có thể liên hệ với họ qua số 1-800-772-9100.
Thông tin trên trang này đến từ medical professionals và các nguồn đáng tin cậy khác. Chúng tôi mong muốn cung cấp thông tin dễ hiểu được cập nhật thường xuyên. Thông tin này không phải là tư vấn pháp lý.
Chia sẻ
- Facebook logo
- Twitter logo
- LinkedIn logo
- Email envelope icon
Bạn muốn tìm kiếm thông tin cụ thể?
Magnifying glass icon for site searchingCách đi khám bệnh
Bảo hiểm y tế
Sức khỏe tâm thần là gì?
Các nguồn hỗ trợ sức khỏe tâm thần
vắc-xin
Từ khóa » đi Khám Bác Sĩ Bị Dụ
-
Nữ Bệnh Nhân Tố Nam Bác Sĩ 'hiếp Dâm' Trong Lúc Khám Phụ Khoa
-
7 điều Bạn Cần Biết Khi đi Khám Phụ Khoa - Webflow
-
Đi Khám Phụ Khoa Gặp Bác Sĩ Nam - Có Gì Mà Phải Ngại?
-
Hậu COVID-19: Những Dấu Hiệu Cần đi Khám Bác Sĩ - Tiền Phong
-
Khám Phụ Khoa Là Gì Và Nên Khám Vào Thời điểm Nào? - Medlatec
-
Kinh Nghiệm Vàng Khi Khám Phụ Khoa Nữ Giới Cần Biết - Medlatec
-
Chuẩn Bị Khi đưa Con đi Khám Bác Sĩ - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
5 điều Ghi Nhớ Khi Khai Bệnh Với Bác Sĩ - Báo Tuổi Trẻ
-
Khi Có Dấu Hiệu Bệnh Thì Nên đi Khám Tổng Quát Hay đi Bệnh Viện ...
-
[DOC] Bạn Có Nhận Xét Gì Và Cách Giải Quyết ? GỢI Ý TRẢ LỜI - Sở Y Tế
-
10 Dấu Hiệu Cảnh Báo Cần đi Khám Hậu Covid - BỆNH VIỆN BẠCH MAI
-
6 điều Không Nên Giấu Khi đi Khám Phụ Khoa
-
Khỏi Bệnh Bao Lâu Thì Khám Hậu COVID-19 Và Những Triệu Chứng ...
-
12 Dấu Hiệu Bệnh Phụ Khoa ở Phụ Nữ Dễ Nhận Biết Nhất?