Những điều Cần Biết Khi Tham Gia Giao Thông

Để giúp bạn đọc nắm được kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông, Trang thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hải Phòng tổng hợp và gửi tới bạn đọc những nội dung này.

Tốc độ tối đa cho phép với các loại xe khi tham gia giao thông

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, cụ thể:

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) là:

- Tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên: tối đa 60 km/h.

- Tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: tối đa 50 km/h.

- Riêng xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự: tối đa 40 km/h.

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) là:

- Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn:

+ Tối đa 90 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 80km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới;

- Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc):

+ Tối đa 80 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 70km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông):

+ Tối đa 70 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 60km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

- Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc:

+ Tối đa 60 km/h tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên;

+ Tối đa 50km/h tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới.

Bắt buộc có gương chiếu hậu bên trái của xe mô tô, xe gắn máy

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển. Như vậy, các loại xe nêu trên khi tham gia giao thông bắt buộc phải có gương chiếu hậu bên trái.

Quy định về bật đèn chiếu sáng

Tùy từng trường hợp mà người điều khiển phương tiện phải bật đèn chiếu sáng theo thời gian dưới đây để tránh bị phạt:

- Trường hợp chạy xe trong hầm đường bộ: Bắt buộc bật đèn chiếu sáng (không phân biệt là mấy giờ).

- Trường hợp chạy xe trong điều kiện sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn: Bắt buộc bật đèn chiếu sáng (không phân biệt là mấy giờ).

- Trường hợp chạy xe trong điều kiện thời tiết bình thường, không đang chạy trong hầm đường bộ: Bắt buộc bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau.

Khi xe chuyển hướng phải bật đèn xi nhan

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.

Xe chạy quá tốc độ quy định 05km/h sẽ bị xử phạt

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5; điểm c khoản 2 Điều 6 và điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các loại xe sau đây, nếu chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h trở lên sẽ bị xử phạt:

- Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô.

- Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.

- Máy kéo, xe máy chuyên dùng.

Không được phép sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông

Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ: Người điều khiển xe máy mà trong người có nồng độ cồn chưa vượt 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Đèn vàng xe có được phép đi?

Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Khi nào đèn đỏ được rẻ phải hoặc đi thẳng?

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi. Tuy nhiên, trong các trường hợp nêu sau sẽ được rẽ phải hoặc đi thẳng:

- Có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ. Đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.

- Có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.

Thành Đức

Từ khóa » Một Số Luật Cơ Bản Về An Toàn Giao Thông