NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT THÊM KHI CHỌN HỌC NGÀNH TRUYỀN ...

Truyền thông hiện đang là một ngành phát triển. Nhiều trường đại học tại Việt Nam gần đây đã mở các khoa đào tạo ngành Truyền thông, Marketing, PR,… và thu hút nhiều sinh viên theo học. Nhưng có lẽ không phải ai cũng có định hướng và tâm thế rõ ràng trước khi chọn học ngành này.

Trong ngành Truyền thông có nhiều lĩnh vực khác nhau. Mỗi người nên tự chọn cho mình 1 thế mạnh để theo đuổi. Công việc sẽ trở nên thú vị và hấp dẫn khi bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên biệt nào đó và có thể nói thao thao với bất kỳ ai về tình yêu công việc. Khi đạt tới cảnh giới đó thì bạn có thể đạt được mức lương mơ ước trong ngành. Ngoài ra, biết thêm các kỹ năng khác để hỗ trợ trong công việc sẽ là lợi thế.

Ai nhanh nhạy giỏi giang có thể mở startup agency truyền thông, kết hợp thêm các yếu tố công nghệ có thể giúp dễ dàng tìm nhà đầu tư hơn. Ai giỏi tiếng Anh có thể vào làm cho các thương hiệu quốc tế có trụ sở tại Việt Nam, lương tháng tính bằng “tiền Trump”. Còn ai nhanh nhạy có thể là freelancer kiếm tiền ngay từ khi đang đi học…

Đó là chia sẻ về “Những điều cần biết thêm khi chọn học ngành Truyền thông” của Ms. Kawa Nguyễn, 1 trong 5 giảng viên của khóa học Nghệ thuật xếp đặt ngôn từ CONCOP của Elite PR School.

1. Ngành truyền thông là một ngành học đòi hỏi tinh thần sáng tạo mỗi ngày

Tất cả các môn học trong trường đại học thuộc chuyên ngành truyền thông đều yêu cầu sinh viên làm bài tập thực hành trên lớp và ở nhà. Bởi vậy, tư duy học tập để đối phó, trả bài thi sẽ không đưa sinh viên tới con đường của sự sáng tạo. Qua nhiều năm đi dạy, tôi chứng kiến không ít sinh viên làm các bài tập từ đơn giản như viết một lá thư xin việc, tới các bài tập lớn như đề xuất chiến lược truyền thông với tâm thế đối phó. Nghĩa là chỉ cần lên mạng, search một sản phẩm nào đó đã có, thậm chí không cần biên tập lại, cứ thế in ra nộp cho cô giáo, thậm chí không cần soát lỗi chính tả.

Thái độ học tập này chính là sự triệt tiêu lớn nhất của tinh thần sáng tạo.

Cho nên, xác định học truyền thông là khổ luyện sáng tạo. Chỉ có chăm chỉ suy nghĩ và tìm tòi các giải pháp để giải các đề bài trên lớp mới hình thành thói quen sáng tạo cũng bình thường như việc chúng ta nấu cơm, đun nước để uống hàng ngày.

Sáng tạo thực ra không phải là điều gì đó cao siêu hay hào nhoáng, nó là sự rèn luyện của trí não, nhãn quan, khả năng quan sát, phân tích thế giới quan và tri thức, thông tin tiếp nhận, để rồi đưa ra những ý tưởng, giải pháp mới hơn mỗi ngày cho một công việc nào đó.

Khổ luyện thế nhưng hãy nghĩ tới một ngày, bạn trở thành ngôi sao trong làng Marcom, được các nhãn hàng săn đón rải thảm, hãy nghĩ tới các Agency hàng đầu và giải thưởng Young Lion Cannes danh giá dành cho các tài năng sáng tạo trẻ trên toàn thế giới. Rất đáng để khổ luyện.

2. Ngành truyền thông đòi hỏi một khối lượng kiến thức liên ngành rất lớn.

Nếu chỉ chăm chăm học về các lý thuyết truyền thông, các phương thức hoạt động, công cụ, phương tiện của truyền thông, thì khả năng sau này sinh viên ra trường sẽ rất vất vả khi đi xin việc và gặp khó khăn ngay chính trong công việc của mình. Danh sách kiến thức liên ngành dài hàng kilomet: chính trị, pháp luật, văn hóa, kinh tế, xã hội, địa lý, lịch sử, xã hội học,. kinh doanh, bán hàng, Marketing, trải nghiệm khách hàng, tâm lý học con người, nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu thị trường, thói quen tiêu dùng,… các kiến thức chuyên biệt như bất động sản, thẩm mỹ, mỹ phẩm, y tế, được phẩm, ô tô,…

Hãy hình dung các bạn sẽ trở thành nhân viên của các agency truyền thông sẽ phục vụ cùng lúc rất nhiều khách hàng ở nhiều nhóm ngành hàng khác nhau. Hoặc có thể bạn sẽ trở thành một nhân viên truyền thông trong một công ty kinh doanh một mặt hàng cụ thể nào đó. Bạn không thể chỉ đến làm việc với một thông điệp khơi khơi: Em học truyền thông rất giỏi. Ok, em rất giỏi nhưng anh rất tiếc.

Nếu không có kiến thức về ẩm thực thì khó có thể sáng tạo nội dung cho nhà hàng, nếu không biết cách một bà mẹ chăm con nhỏ như thế nào thì khó có thể viết được bài giới thiệu sản phẩm chăm sóc sức khỏe em bé trên kênh truyền thông mà các mẹ yêu thích. Tương tự như vậy, nếu bạn được giao quản lý một fanpage của hãng mĩ phẩm mà lại không hiểu được công dụng của từng loại sản phẩm chăm sóc da trên các làn da khác nhau như thế nào thì bạn sẽ viết nội dung gì để khách hàng muốn mua hàng của nhãn,… Có những Agency sẽ giao cho bạn cùng lúc hai, ba nhãn hàng, lúc đó, bạn chắc chắn phải biết nhiều hơn một kiến thức chuyên ngành.

Cho nên, hãy học kỹ năng học các kiến thức mới và xây dựng cho mình kho dữ liệu kiến thức với những ngành mình quan tâm hoặc yêu thích, để làm vốn sau này khi ra trường.

Do đó, học tập trong trường đại học không có nghĩa là chỉ học những gì thầy cô nói, giao bài tập, mà đòi hỏi một nỗ lực tự học tập và lộ trình phát triển bản thân cũng như cập nhật tri thức hàng ngày. Thời gian lướt facebook, check in chanh sả, hay đi du lịch,… Vui chơi hưởng thụ không có gì sai cả, nhưng hãy biết biến những thứ vui chơi giải trí ấy thành thứ bổ dưỡng cho trí não và cho công việc tương lai của mình.

Đọc những trang sẽ giúp bạn có thêm tri thức mỗi ngành, ghi chép lại những trải nghiệm của bản thân trong mỗi chuyến đi, học những điều hay ho của các nhãn hiệu mà bạn đang là tín đồ sử dụng, hay cách các anh Oppa Hàn Quốc lấy lòng fan girl. Đừng chỉ thét gào nhìn các anh với ánh mắt mê đắm, hãy đặt câu hỏi xem, các anh đã làm gì để đám fan cuồng này phải tan chảy đến thế.

Tóm lại là học một ngành biết vô số ngành. Không dễ dàng gì đâu nhưng cũng đầy thú vị khi không ngừng được mở rộng nhãn quan và kết nối.

3. Truyền thông là một khái niệm rộng, hãy chọn cho mình một ngành học chuyên biệt phù hợp năng lực, năng khiếu và đam mê cũng như mục tiêu phát triển bản thân.

Chúng ta sẽ học rất nhiều thứ khi học ở một trường đại học có ngành truyền thông: Quảng cáo, PR, thương hiệu, Event, Thiết kế, làm phim, làm kỹ xảo đồ họa, làm content…. Rất ít người có thể giỏi hết tất cả các mảng này, vì vậy hãy chọn thứ mà mình có thể làm được tốt nhất trước. Biết thêm các thứ khác là một lợi thế.

4. Truyền thông trong kỷ nguyên số gắn liền với công nghệ.

Chăm đọc báo chí, cập nhật các xu hướng công nghệ mới, đặc biệt công nghệ ứng dụng trong truyền thông sẽ giúp các bạn mở rộng nhãn quan và biết mình phải làm gì sớm hơn. Dịch bài trên các tạp chí tài liệu nước ngoài sẽ giúp cải thiện năng lực tiếng Anh và biết thêm nhiều tri thức mới trong lĩnh vực Marcom. Mù công nghệ bây giờ có lẽ là một khái niệm khó chấp nhận với dân truyền thông. Nhưng thực tế đau lòng là vẫn rất nhiều còn mù, trong đó có tôi, một người chuyên đi dạy không có slide.

5. Ý thức với việc học và trách nhiệm với nó chính là cách rèn luyện thói quen tốt cho công việc sau này.

Những bộ phim về nghề truyền thông với những buổi thuyết trình hoành tráng, các giám đốc sáng tạo lập dị, cá tính, tạo ra những siêu phẩm quảng cáo chỉ là phim thôi. Phần lớn chúng ta ra trường và sẽ làm những việc rất bình thường như: nhân viên sản xuất nội dung, người quản lý fanpage của nhãn hàng, người sáng tạo ý tưởng trong agency quảng cáo, trưởng nhóm thiết kế sau khoảng 3-5 năm làm việc có kinh nghiệm và thành tích. Các việc tưởng chừng như chẳng có gì cao siêu cả, thậm chí rất rất bình thường ấy lại đòi hỏi các nguyên tắc rất cứng nhắc như: Đúng giờ, đủ bài, đảm bảo chất lượng. Nó thậm chí sẽ nhàm chán nếu bạn làm một nhãn hàng quá lâu. Cho nên ý thức từ sớm thì sẽ không bỏ cuộc dễ dàng. Ý thức làm tốt nhất các công việc bạn đảm nhận hóa ra lại là cách các doanh nghiệp đang tuyển dụng nhân sự chứ không phải chỉ là nhìn vào khả năng thuyết trình rất hay khi phỏng vấn. Cho nên học hành chăm chỉ theo phong cách sáng tạo thực ra lại là một đẳng cấp mới chứ không phải là mọt sách đâu.

Tham gia khóa học Nghệ thuật xếp đặt ngôn từ – CONCOP của Elite PR School để trang bị những kỹ năng làm chủ góc tiếp cận, sáng tạo nội dung đa nền tảng để đưa thông điệp truyền thông đến gần hơn với công chúng mục tiêu.

Tìm hiểu thông tin khóa học tại đây.

Đăng ký tham gia ngay hôm nay để không bỏ lỡ các chương trình ưu đãi.

Từ khóa » Ngành Truyền Thông Là Học Những Gì