Những điều Cần Biết Về Bệnh Sán Dải Heo

BS CKI Phạm Thị Thanh Hằng, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115

Hàng ngày, người nhiễm sán dải heo trưởng thành thải ra môi trường các chuỗi từ 5-6 đốt sán già theo phân. Đốt sán vỡ, phát tán trứng ra môi trường.

Ký chủ trung gian là heo nuốt trứng vào ruột, tại ruột phôi được phóng thích, đi xuyên qua vách ruột vào máu, từ đây chúng phát tán khắp cơ thể. Khi phôi đến vị trí ký sinh tạo thành nang gọi là “gạo heo”. Gạo heo thường gặp ở dưới lưỡi, cơ cổ, cơ vai. Khoảng một năm sau, nang ấu trùng chết và hóa vôi, không còn khả năng gây nhiễm.

Thịt heo chứa nang sán ký sinh (“heo gạo”) và sán dải heo trưởng thành - Ảnh: Nguồn Internet

Người nhiễm sán dải heo bằng ba cách:

- Người ăn phải thịt heo có nang sán không nấu chín.

- Vô tình nuốt trứng sán có trong thức ăn, rau sống, nước uống hay tay có nhiễm trứng sán đưa vào miệng. Sau khi phôi được phóng thích, chui qua niêm mạc vào vách ruột, theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và ký sinh tại đây. Các vị trí ký sinh có thể là mắt, não, mô dưới da.

- Tự nhiễm do người nhiễm sán trưởng thành bị nôn rồi nuốt đốt sán già vào dạ dày. Nang hay trứng sán đến dạ dày, ruột dưới tác dụng của các men tiêu hóa đầu sán được phóng thích, lộn đầu ra ngoài bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành sán trưởng thành sau 8-10 tuần.Sán sống ở người 20-25 năm.

Chu trình phát triển của sán dải heo

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để phát hiện có nhiễm sán dải heo hay không cần dựa vào các biểu hiện như đau bụng, đi ngoài ra đốt sán hoặc rối loạn tiêu hóa... kèm với kết quả xét nghiệm. Người bệnh nên nghĩ đến xét nghiệm sán dải heo nếu có các biểu hiện như:

- Xuất hiện các triệu chứng đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài...

- Khi có dấu hiệu ấu trùng sán dải heo trên da (nổi sần,nổi cục trên da).

- Khi có dấu hiệu mà bác sĩ nghi ngờ do ấu trùng sán dải heo gây ra trên não như: co giật, động kinh, đau đầu, liệt tay chân hoặc liệt tứ chi, nặng hơn có thể hôn mê.

- Xuất hiện các cục tại hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể...

Phòng ngừa:

- Không sử dụng thịt lợn bị bệnh để chế biến thực phẩm.

- Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (do nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành); không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (do có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Phải tuân thủ quy tắc: “ăn chín, uống sôi”, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

- Cần quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dải lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

- Không nuôi lợn thả rông.

Nguồn thông tin tổng hợp từ :Viện SR-Ký sinh trùng côn trùng TPHCM; Viện y tế công cộng; Cục y tế dự phòng; CDC (Centers for Disease Control and prevention).

BS CKI Phạm Thị Thanh Hằng

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115

Từ khóa » Trứng Sán Dải Heo Bò