Những điều Cần Biết Về Cảm Lạnh ở Trẻ Sơ Sinh - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh
  • 2. Làm thế nào phân biệt cảm lạnh với những bệnh khác?
  • 3. Nguyên nhân nào gây cảm lạnh ở trẻ sơ sinh?
  • 4. Những trẻ nào dễ bị cảm lạnh?
  • 5. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?
  • 6. Điều trị cảm lạnh tại nhà như thế nào?
  • 7. Các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Tất cả trẻ sinh ra đều có hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. Tuy nhiên cần có thời gian để hệ thống miễn dịch non nớt của trẻ hoàn toàn trưởng thành. Điều này khiến trẻ dễ bị nhiễm virus gây cảm lạnh trong những năm đầu đời. Có hơn 200 loại virus có thể gây cảm lạnh. Trên thực tế, trẻ có thể bị từ 8 đến 10 lần mỗi năm trong 2 năm đầu tiên. Cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, nhưng chúng có thể nhanh chóng tiến triển thành tình trạng nặng hơn như viêm phổi hoặc viêm thanh khí phế quản cấp.

1. Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi có thể là dấu hiệu đầu tiên gợi ý trẻ đang bị cảm lạnh. Nước mũi ban đầu có thể trong, sau vài ngày có thể chuyển sang màu vàng xanh và đặc hơn. Điều này là bình thường và không có nghĩa là tình trạng của trẻ đang tệ hơn.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Quấy khóc.
  • Sốt.
  • Ho, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Hắt xì.
  • Bú ít hoặc không chịu bú do nghẹt mũi.
  • Khó ngủ.
Hình 1: Chảy mũi nước trong là dấu hiệu đầu tiên gợi ý cảm lạnh ở trẻ sơ sinh.
Chảy mũi nước trong là dấu hiệu đầu tiên gợi ý cảm lạnh ở trẻ sơ sinh.

2. Làm thế nào phân biệt cảm lạnh với những bệnh khác?

Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh có một số triệu chứng giống như các bệnh khác. Ví dụ như cúm, viêm thanh khí phế quản và viêm phổi. Điều này làm cho cha mẹ khó nhận biết bệnh thật sự của trẻ.

Vài gợi ý giúp phân biệt cảm lạnh ở trẻ sơ sinh với các nguyên nhân khác là:

2.1 Cảm cúm

Nếu trẻ bị cảm cúm, ngoài các triệu chứng cảm lạnh thông thường, trẻ còn có thể bị ớn lạnh, nôn ói và tiêu chảy. Trẻ cũng có các triệu chứng mà chúng ta không thể nhận thấy được. Ví dụ như đau đầu, đau cơ hoặc đau họng.

2.2 Viêm phổi

Cảm lạnh có thể diễn tiến đến viêm phổi một cách nhanh chóng. Các triệu chứng của viêm phổi ở trẻ bao gồm:

  • Run.
  • Ớn lạnh.
  • Da ửng đỏ.
  • Đổ mồ hôi.
  • Sốt cao.
  • Ho nặng hơn.
  • Thở nhanh hoặc khó thở.

2.3 Viêm thanh khí phế quản cấp

Trẻ cảm lạnh có thể diễn tiến nặng hơn đến viêm thanh khí phế quản. Các triệu chứng bao gồm khó thở, khàn giọng và ho nhiều. Trẻ cũng có thể có những tiếng thở như tiếng khò khè.

2.4 Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV):

  • Virut hợp bào hô hấp (RSV) là một trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp. RSV có thể ảnh hưởng đến trẻ ở mọi lứa tuổi. Nhưng RSV đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ sơ sinh, vì đường thở của chúng không được phát triển đầy đủ.
  • RSV thường gây viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản là một tình trạng viêm đường hô hấp ảnh hưởng đến đường dẫn khí nhỏ trong phổi. Tình trạng này là nguyên nhân nhập viện phổ biến ở trẻ sơ sinh.
Virut hợp bào hô hấp (RSV) là một trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp.
Virus hợp bào hô hấp là một trong các tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp.

3. Nguyên nhân nào gây cảm lạnh ở trẻ sơ sinh?

Cảm lạnh là bệnh có liên quan đến hầu họng, xoang mũi, thanh quản, phế quản. Nguyên nhân đa số do virus gây ra. Vì vậy cảm lạnh thông thường còn có tên gọi khác là nhiễm siêu vi đường hô hấp trên. Bệnh không phải do vi trùng gây ra và không đáp ứng điều trị kháng sinh.

Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc các xét nghiệm cần thiết khác để xác định xem trẻ bị nhiễm virut hay vi khuẩn. Nhiễm vi khuẩn đôi khi tiến triển như là một biến chứng từ nhiễm virut. Nhiễm vi khuẩn có thể gây ra các bệnh như:

  • Viêm phổi.
  • Đau họng.
  • Nhiễm trùng tai.

4. Những trẻ nào dễ bị cảm lạnh?

Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh không hiếm gặp. Các virus gây cảm lạnh có thể sống trong không khí và trên bề mặt cứng trong thời gian ngắn. Điều này khiến cho việc lây nhiễm xảy ra dù trẻ có hoặc không tiếp xúc với người bị bệnh. Ngoài ra trẻ còn dễ bị cảm lạnh trong những trường hợp sau:

  • Trẻ sơ sinh ở chung với trẻ lớn hơn có thể dễ bị cảm lạnh. Những tình huống đơn giản như khi trẻ được đưa đến bệnh viện, một cái ôm với một người lớn, hoặc chỉ là đi dạo cũng có thể khiến trẻ tiếp xúc với vi trùng.
  • Trẻ không được bú sữa mẹ. Trẻ bú sữa mẹ có miễn dịch nhiều hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Điều này là do sữa mẹ cung cấp kháng thể, tế bào bạch cầu và enzyme. Các tác nhân này bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể nhận tất cả hoặc một phần khả năng miễn dịch của mẹ đối với các bệnh mà mẹ đã mắc phải hoặc đã tiếp xúc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ bú sữa mẹ sẽ hoàn toàn miễn dịch với cảm lạnh.
Trẻ bú sữa mẹ có miễn dịch nhiều hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
Trẻ bú sữa mẹ có miễn dịch nhiều hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa công thức.

5. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?

Trẻ sơ sinh cần được bác sĩ thăm khám nếu bị cảm lạnh. Việc này sẽ giúp loại trừ một tình trạng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa điều này cũng sẽ giúp cho cha mẹ trẻ an tâm hơn.

Sốt là một cách mà cơ thể trẻ hoạt động để chống lại cảm lạnh. Mặc dù vậy, sốt 38°C hoặc cao hơn ở trẻ sơ sinh cần phải đến gặp bác sĩ ngay.

Theo dõi tất cả các triệu chứng của trẻ. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Phát ban.
  • Nôn, ọc sữa.
  • Tiêu chảy.
  • Ho dai dẳng.
  • Khó thở
  • Thở rút lõm ngực.
  • Chất nhầy xanh đặc hoặc chất nhầy có máu từ mũi hoặc miệng.
  • Sốt.
  • Chảy dịch, mủ từ tai.
  • Dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như lượng nước tiểu ít hơn bình thường.
  • Nhợt nhạt móng tay hoặc môi.
Sốt là một triệu chứng nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám ngay.
Sốt là một triệu chứng nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám ngay.

6. Điều trị cảm lạnh tại nhà như thế nào?

Điều trị tại nhà cho trẻ sơ sinh bị cảm lạnh bao gồm các biện pháp giúp trẻ cảm thấy thoải mái. Những việc nên làm và không nên làm bao gồm:

6.1 Những việc nên làm

  • Cung cấp nhiều chất lỏng, bao gồm cả sữa mẹ hoặc sữa công thức (nếu em bé của bạn không uống sữa mẹ).
  • Hút chất nhầy mũi bằng cách sử dụng nước muối nhỏ mũi và dụng cụ hút mũi.
  • Giữ ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm. Không để trẻ nằm ở nơi quá nóng hoặc quá lạnh.
Có thể giúp trẻ bớt nghẹt mũi bằng cách dùng dụng cụ hút mũi trẻ sơ sinh.
Có thể giúp trẻ bớt nghẹt mũi bằng cách dùng dụng cụ hút mũi trẻ sơ sinh.

6.2 Những việc không nên làm

  • Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Do đó không nên dùng kháng sinh để điều trị cảm lạnh. Chỉ sử dụng khi bác sĩ nghi ngờ trẻ bị nhiễm vi khuẩn.
  • Các loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn, bao gồm cả Paracetamol không khuyên dùng cho trẻ dưới 3 tháng trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào.
  • Không bao giờ dùng Aspirin cho trẻ nhỏ.
  • Thuốc ho và cảm lạnh không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.

7. Các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ sơ sinh

Những biện pháp đơn giản bạn có thể áp dụng để phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ bao gồm:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Không để trẻ tiếp xúc với bất cứ ai bị bệnh.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Rửa tay trước khi cho trẻ bú hoặc chạm vào trẻ.
  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi và núm vú giả.
  • Hướng dẫn mọi người trong gia đình ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt bỏ đúng cách. Nếu không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay.

Cảm lạnh ở trẻ sơ sinh là bệnh rất hay gặp. Tuy bệnh không gây nguy hiểm, nhưng nếu không nhận biết và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các bệnh khác nặng nề hơn. Việc phòng ngừa là quan trọng, không chỉ đối với bệnh cảm lạnh mà còn các bệnh khác. Trẻ nếu bị bệnh cần được theo dõi và điều trị đúng cách. Ngay khi trẻ có các triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh

Từ khóa » Cách Trị Cảm Lạnh Cho Trẻ Sơ Sinh