Những điều Cần Biết Về Cây Cần Sa

Cần sa có tên khoa học là Cannabis sativa L.(Linnaeus). Cần sa cũng được gọi theo nhiều tên gọi khác nhau như: cây gai dầu, gai mèo, bồ đà, tài mà… được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới từ hàng trăm năm nay nhằm mục đích lấy sợi và các chất có tác dụng tâm lý.

Cây cần sa là cây thân thảo, thân thẳng đứng, cao từ 0,2 - 6m, các bộ phận của cây đều phủ một lớp lông mịn. Cây đực thường cao hơn nhưng không sum suê bằng cây cái. Gốc có màu xanh, mọc đứng, rỗng và có rãnh chạy dọc gốc. Cành mọc đối diện nhau lấn dần các khoảng trống trên thân cây. Lá thường mọc cách, có cuống, có lá kèm. Lá phía dưới chia thùy đến tận cuống, phiến thùy hình mác, nhọn, mép có răng cưa hướng lên ngọn. Lá phía trên đơn hay chia 3 thùy (còn gọi là lá hình chân vịt). Lá dài 2-7 cm, có một rãnh nhỏ chạy dọc lên phía trên, gân lá chạy chéo từ gân giữa của lá tới đầu răng cưa của lá.

Hoa đực mọc thành chùm với 5 cánh đài và 5 nhị. Hoa cái mọc thành xim xen lẫn với các lá bắc hình lá, đài hoa cái hình mo bọc lấy bầu hình cầu, 2 vòi nhụy đính ở gốc bầu, hình chỉ, dài hơn bầu nhiều, 1 noãn ngược. Quả Cần sa có duy nhất một hạt có vỏ cứng ôm chặt bởi lớp vở mỏng của bầu nhụy hoa, hình trứng dài 2,5 - 3,5mm, đường kính 2,5-3mm, nhẵn, màu xám nhạt và có đường rằn, lốm đốm, hạt có dầu.

Cây cần sa

Trên cây cần sa, các bộ phận như lá, hoa và quả là những phần chính chứa hoạt chất tác dụng lên hệ thần kinh được gọi là “những phần chứa ma túy”. Khi những bông hoa chuyển sang màu lốm đốm giống như màu đốm bạc trên tóc, cánh hoa thường quăn dần rồi chuyển sang màu nâu, dấu hiệu này báo hiệu rằng cây Cần sa đã chín và đến lúc thu hoạch (thường phơi khô). Sau khi phơi khô Cần sa thường được ép thành bánh hoặc bó lại, được giữ ở nơi mát, tránh ánh sáng và được sử dụng bằng cách hút hoặc dùng bằng đường uống.

Từ Cần sa, người ta đã phân lập được 61 chất khác nhau, gọi tên là các cannabinoids, chủ yếu là THC (Delta - 9 - tetrahydrocannabinol), CBN (cannabinol) và CBD (cannabidiol). Trong đó THC là hoạt chất chính gây ra tác dụng tâm lý đặc trưng của Cần sa. Hàm lượng THC thay đổi tùy thuộc vào các bộ phận của cây Cần sa và tùy thuộc vào kĩ thuật canh tác: Hoa cái (10 – 12%), lá (1-2%), thân (0,1-0,3%), gốc (<0,03%)…

Cây Cần sa được trồng phổ biến để lấy sợi và lấy hạt. Cần sa công nghiệp được phân biệt bởi hàm lượng THC thấp và hàm lượng CBD cao.Tuy nhiên, do có các hoạt chất tác dụng lên hệ thần kinh nên bị lạm dụng bất hợp pháp (ma túy). Một cách đơn giản để phân biệt Cần sa ma túy và Cần sa công nghiệp dùng làm sợi là sử dụng tỷ lệ diện tích pic của các cannabinoid: THC, CBN và CBD trên sắc kí đồ.

X =([THC]+[CBN])/([CBD])

Nếu x < 1: Cần sa công nghiệp dùng làm sợi. Nếu x > 1: Cần sa ma túy.

Cần sa gây ra hàng loạt các thay đổi về tâm lý ở người sử dụng, thường tạo ra khoái cảm, hưng phấn, nói nhiều. Ngoài ra, các cơ quan cảm giác như thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác cũng bị kích thích mạnh dẫn đến ảo giác; tri thức, trí nhớ lẫn lộn, không phân biệt được quá khứ, hiện tại, tương lai, tư tưởng bất an, cảm xúc thất thường, đôi khi rất hung dữ, không quan tâm tới bất kì công việc gì, không có mục đích rõ ràng…

Cần sa còn có thể gây ra một vài ảnh hưởng đối với cơ thể như rối loạn thần kinh tiền đình gây mất thăng bằng, chóng mặt, bất tỉnh, rối loạn tình dục, giảm khả năng sinh sản, làm trụy thai, chết thai, hư hại tế bào thần kinh, rối loạn nhiễm sắc thể và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, Cần sa cũng có một vài công dụng dùng trong y học như chống lại tác dụng gây nôn của các hóa chất trị liệu ung thư, làm thư giãn cơ, chống co giật, hạ nhãn áp. Ở Việt Nam, cần sa là cây có chứa chất ma tuý được quy định tại số thứ tự 45, ID thuộc Danh mục I (các chất ma tuý tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền) Ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Cá nhân, tổ chức có hành vi trồng cây cần sa trái phép, sản xuất, tàng trữ, mua bán... sử dụng trái phép cần sa tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015./.

Xem thêm >>>

Canada có thể sẽ hợp pháp hóa việc bán cần sa cho người trên 18 tuổi

Từ khóa » Cây Cần Sa Nhỏ