Những điều Cần Biết Về Cây Trúc Bách Hợp Phong Thủy

Trúc bách hợp phong thủy là một loài cây đẹp và ý nghĩa. Tuy nhiên, loài cây này được ứng dụng ra sao trong bài trí không gian sống và phát huy giá trị dưới góc nhìn phong thủy?

Xu hướng trồng cây phong thủy những năm gần đây bỗng nhiên nở rộ, có lẽ là một phần tất yếu mà trào lưu sống xanh mang lại. Số lượng quan tâm, tìm mua các loại cây cảnh phong thủy ngày càng nhiều; nhờ thế mà nhiều loài cây thú vị dần được khám phá.

Bên cạnh những cái tên khá quen thuộc như cây phong thủy kim tiền, cây phong thủy vạn niên thanh, cây lưỡi hổ phong thủy,... thì không ít cái tên mới được chú ý, như: trúc bách hợp, cẩm thị,... thậm chí là một số loài cực kỳ phổ biến trong đời sống: cây hoa giấy và phong thủy, cây dương xỉ, cây sống đời,... Mỗi loài đều mang một sắc thái và tầng ý nghĩa riêng, giúp cải thiện về phần nhìn lẫn chất lượng cho không gian sống.

Cây trúc bách hợp phong thủy

Cây trúc bách hợp phong thủy thoạt nghe tên khá lạ, có người biết đến, có người chưa. Nhưng thực tế, đây là loại cây được lựa chọn để trang trí cho nhà ở, văn phòng làm việc rất phổ biến. Tuy nhiên, không hẳn ai khi trồng hoặc chọn mua loại cây này cũng đều biết hết về đặc tính, hàm ý mà nó mang lại. Nếu đang tìm kiếm cây phong thủy đẹp, nhất định không nên bỏ qua trúc bách hợp. Chúng có đặc điểm, giá trị ra sao, bài viết này sẽ mang lại cái nhìn tổng quan nhất.

Đặc điểm hình thái, sinh trưởng của cây trúc bách hợp

Trúc bách hợp có tên khoa học là Dracaena reflexa, thuộc họ Dracaenaceae. Chúng còn có tên gọi khác là Trúc phất dụ. Đặc điểm của cây là phần thân cứng, có màu nâu, bề mặt khá sần sùi và có nhiều vết lõm (do lá rụng để lại). Lá của trúc bách hợp có thiên hướng mọc sum suê như thành bụi, xếp hoa thị ở chính giữa và tủa ra xung quanh. Dáng lạ thuôn nhọn ở phần đầu, có màu xanh bóng xen với những dải màu vàng tươi, chạy dài từ gốc tới ngọn.

Ở môi trường tự nhiên, trúc bách hợp đa phần đều mọc thành bụi và có chiều cao trung bình từ 0,5m - 2m. Riêng với cây trồng trong chậu làm cảnh thì thấp hơn, chỉ khoảng 30cm. Khi ra hoa, những cụm hoa nhỏ nhìn khá thu hút. Trúc bách hợp cũng có quả mọng màu đỏ trông vô cùng bắt mắt.

Trúc bách hợp là một trong những loại cây cảnh nội thất, cây xanh văn phòng rất được ưa thích. Sự xuất hiện của Trúc bách hợp ở nhiều không gian khác nhau mang đến vẻ đẹp sang trọng và đầy tinh tế. Với đặc tính này, trúc bách hợp được xếp vào nhóm ưa sáng, chịu bóng bán phần. Cây có nhu cầu nước ở mức trung bình, lá xanh quanh năm, vì vậy dễ tạo ra cảm giác trong lành, thoáng mát và dễ chịu.

Nói về tốc độ sinh trưởng, trúc bách hợp ở mức trung bình, cách chăm sóc cũng tương đối đơn giản và dễ dàng, phù hợp với bất kỳ đối tượng nào có nhu cầu trồng hoặc trưng bày. Trúc bách hợp được nhân giống đơn giản từ phương pháp tách bụi hoặc giâm cành.

Trúc bách hợp khi nhìn vào thường mang lại cảm giác về một vẻ đẹp nhã nhặn, thanh tao và khí chất, cùng nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy. Loài cây này được ưu ái đặt trong những không gian như phòng khách, phòng/bàn làm việc, cửa sổ, kệ sách,...

Công dụng của cây trúc bách hợp

Theo các bác sĩ y học cổ truyền ở Madagascar, họ từ lâu đã tin rằng cây Trúc bách hợp có khả năng chữa được các triệu chứng của bệnh sốt rét, ngộ độc, kiết lỵ, tiêu chảy, đau bụng kinh và cầm máu. Phần là và cỏ cây được trộn cùng một số bộ phận của cây bản địa khác, sau đó trộn vào các loại trà thảo dược. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của các bác sĩ tại đây, việc chứng minh trên thực tế, công thức cụ thể vẫn chưa được công bố.

Bên cạnh đó, theo NASA, cây Trúc bách hợp ở ngoài tự nhiên mang lại nhiều tác dụng lớn. Loại cây này có khả năng lọc bỏ các khí độc, mang lại môi trường trong lành, sạch sẽ. Vì vậy mà tại sao nhiều gia đình, công trình lại chọn trúc bách hợp để trồng làm cảnh ở sân vườn, trang trí nội thất nhằm thanh lọc không khí. Đây cùng là loài cây có khả năng giảm căng thẳng hiệu quả, biến tấu không gian thêm phần sinh động.

Ý nghĩa phong thủy cây Trúc bách hợp

Trúc bách hợp dưới góc nhìn phong thủy là loài cây hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đã từ rất lâu, văn hóa phương Đông thường nhắc đến 4 loài cây quý là Tùng - Cúc - Trúc - Mai. Trong đó, trúc đại diện cho ý nghĩa trời đất trường xuân, là biểu tượng cho sự kiên cường, trường tồn, vĩnh cửu, bền bỉ theo năm tháng.

Ý nghĩa phong thủy của trúc bách hợp

Ngoài ra, từ “trúc” cùng âm với từ “chúc”, bởi vậy nên nhiều người đặt niềm tin rằng loài cây này mang theo sự may mắn, tốt lành. Mặc dù hình dáng bên ngoài có vẻ như rất mảnh mai, yếu đuối lại ẩn chứa bên trong sức sống mạnh mẽ, bất khuất trước mọi giông bão nhờ bộ rễ phía dưới vô cùng chắc chắn, cứng cáp.

Hình ảnh cây trúc cũng gợi liên tưởng đến những người anh hùng trong lịch sử, luôn dũng cảm, kiên trì đối mặt với gian nan. Do đó, trúc bách hợp nếu đặt ở bàn làm việc sẽ mang theo lời động viên cho chủ nhân, tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách trong công việc, mệt mỏi trong cuộc sống.

Ngoài ra, cây trúc bách hợp cũng là loài cây thuộc nhóm cây phong thủy giúp gia chủ hút tài lộc. Sự thanh lọc không khí, mang lại sự tươi mát, trong lành sẽ giúp chủ nhân thêm tỉnh táo, minh mẫn và sáng suốt trong xử lý công việc, đưa ra quyết định.

Trong Ngũ Hành, quan niệm cho rằng màu vàng là màu sắc bản mệnh của hành Thổ. Trong khi đó, cây trúc bách hợp lại mang dải màu vàng trên lá. Vì vậy, loài cây này được xem là rất thích hợp với người mệnh Thổ. Người mệnh Thổ vốn trầm tĩnh, khiêm tốn và ít khi phô trương, là chỗ dựa an toàn, ấm áp, đáng để tin cậy cho mọi người. Khi có thêm sự trợ giúp của cây Trúc bách hợp sẽ thêm phần chắc chắn, dễ đạt được thành công.

Những người mệnh Thổ sinh nhằm vào các năm: Canh Tý (1960), Tân Sửu (1961), Mậu Dần (1938, 1998), Kỷ Mão (1939, 1999), Bính Thìn (1976), Đinh Tỵ (1977), Canh Ngọ (1930, 1990), Tân Mùi (1931, 1991), Mậu Thân (1968), Kỷ Dậu (1969), Bính Tuất (1946, 2006) và Đinh Hợi (1947, 2007).

Có nên trồng cây trúc bách hợp trước và sau nhà không?

Trúc bách hợp là cây phong thủy trong nhà, phù hợp với nhiều không gian khác nhau. Tuy nhiên, loài cây này hoàn toàn có thể trồng ở vị trí trước hoặc sau nhà, miễn sao đảm bảo môi trường sinh trưởng phù hợp cho cây, thuận tiện cho quá trình sinh hoạt và hài hòa về cảnh quan.

Với ý nghĩa phong thủy mà trúc bách hợp mang lại, mỗi vị khách đến nhà, ngay từ đầu đều đã ngay lập tức cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, tựa như lời chào đón đầy thân thiện. Nếu đặt ở phía trước nhà, gia chủ nên chọn những cây lớn hơn, chiều cao tầm trên 30cm là phù hợp.

Cách chăm sóc cây Trúc bách hợp phong thủy đúng kỹ thuật

Tương tự như các loài cây phong thủy khác, trồng cây trúc bách hợp để cải thiện nguồn năng lượng và yếu tố cảnh quan, người trồng cần hiểu về nhu cầu, tạo ra môi trường phát triển phù hợp.

Chăm sóc trúc bách hợp

Ánh sáng và nhiệt độ

Trúc bách hợp và loài cây thích ánh sáng gián tiếp, ánh sáng được lọc qua màn che, lưới che. Trong điều kiện thiếu sáng, cây vẫn có thể phát triển khá tốt. Vì vậy, dù trồng ở trong nhà, cây cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều đến tốc độ sinh trưởng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, bạn vẫn phải mang cây ra ngoài để phơi nắng, tầm khoảng 2 tiếng một tuần để hỗ trợ quá trình quang hợp của cây.

Môi trường sống của trúc bách hợp nên được duy trì ở nhiệt độ từ 18 °C - 25 °C. Cây không thể chịu được nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nếu trồng cây trúc bách hợp ngoài trời khô hạn và nhiều nắng thì phải là những cây có chiều cao, kích thước lớn để bộ rễ đủ sức hút được chất dinh dưỡng và nước từ đất. Trúc bách hợp dạng cây con, nhỏ chỉ có thể sống dưới bóng râm.

Đất trồng và tưới nước

Trúc bách hợp không kén đất trồng nhưng để cây phát triển tốt, dù trồng trong chậu hay ngoài trời thì vẫn cần chuẩn bị đất cẩn thận. Nếu bạn trồng trúc bách hợp trong chậu nhưng thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ nhanh bị héo úa, còi cọc và chết. Vì vậy, nên trộn hỗn hợp đất bao gồm: đất cát, xơ dừa, tro trấu (trấu hun), phân hữu cơ để đảm bảo dinh dưỡng cho cây.

Lựa chọn chậu trồng cũng rất quan trọng. Người trồng nên ưu tiên chọn những loại chậu có lỗ thoát nước ở đáy hoặc làm bằng các chất liệu thoát nước tốt, kích thước vừa vặn với cây. Sau thời gian phát triển, nếu cây đã lớn, rễ dài hơn trước thì nên chọn chậu lớn hơn để thay. Thời gian này có thể cắt bớt phần rễ già, bị hư thối và thay đất mới luôn cho cây.

Về nhu cầu tưới nước cho trúc bách hợp, không yêu cầu quá thường xuyên. Trung bình mỗi tuần chỉ nên tưới từ 1 - 2 lần. Nên tưới đến khi nào đất có độ ẩm thì ngừng; chỉ tưới khi đất trong chậu đã khô ráo.

Cung cấp dinh dưỡng cho cây

Các chuyên gia làm vườn khuyên nên bón phân định kỳ 1-2 tháng/lần, có thể dùng Compomix hoặc NPK 20-10-10, các loại chứa nhiều dinh dưỡng như và cung cấp các nguyên tố vi lượng Cu, Zn, Cr, Mg, Fe,…

Phòng bệnh trên cây trúc bách hợp

Loại bệnh thường hay xuất hiện ở trúc bách hợp là các loại nấm gây hại. Bệnh này thường phát triển mạnh ở những khu vực có khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ từ 20 - 25 độ và có mưa nhiều - đây đều là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển nhanh.

Khi bị nấm, cây sẽ có các biểu hiện khá rõ nét trên lá: xuất hiện các đốm tròn màu nâu nhạt và sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ rồi chuyển thành màu đen, càng ngày xuất hiện càng nhiều, bộ lá của cây sẽ vàng dân và rụng xuống, thậm chí rụng hàng loạt.

Để phòng trừ nấm cho cây trúc bách hợp, người trồng nên thường xuyên dọn dẹp vườn hoặc quanh khu vực đặt cây, tạo độ thông thoáng. Đặc biệt, sau những trận mưa lớn, nên sử dụng nước máy để rửa lại toàn bộ lá của cây.

Trường hợp phát hiện ra cây đã nhiễm bệnh thì phải tách riêng ra khu vực riêng khỏi khu vườn cây. Sau đó, dùng các loại thuốc trừ nấm như Carbenzim; Anvil, Bavisan 50WP, pha chế theo liều lượng hướng dẫn và phun cách nhau 3-5 ngày/ lần phun. Tiến hành phun liên tục từ 3 - 4 lần và theo dõi liên tục tình trạng bệnh của cây.

Một số lưu ý khác khi chăm sóc cây

  • Nếu lá cây trúc bách hợp có hiện tượng chuyển sang màu vàng, có thể do đất quá khô, cần theo dõi để bổ sung nước kịp thời cho cây.
  • Nếu lá cây chuyển vàng nâu và đi kèm hiện tượng mềm nhũn, có thể cây bị dư nước. Lúc này nên loại bỏ lá hư, lá úng và thay đất mới, làm khô thoáng cho chậu.
  • Những chiếc lá nằm dưới thấp thỉnh thoảng rụng xuống, đó quy luật phát triển tự nhiên, không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu lá rụng quá nhiều thì mới là vấn đề nguy hại.

Cây trúc bách hợp phong thủy mang đến sự tươi mới cho không gian và những tầng ý nghĩa thú vị. Đây sẽ là loài cây phong thủy được nhiều người ưa thích và lựa chọn.

Nguồn: Trần Anh Group

Xem thêm:

  • Top 15 cây phong thủy để bàn theo mệnh để công việc hanh thông
  • Gợi ý top #6 cây xanh phong thủy được ưa thích năm 2021
  • Top 5 cây phong thủy giúp gia chủ hút tài lộc cực tốt
Nguyễn Hằng

Nguyễn Hằng được biết đến là tác giả của nhiều bài viết giá trị nghiên cứu, tổng hợp về dự án bất động sản, thị trường bất động sản cũng như phân tích các vấn đề quy định trong Luật bất động sản hiện hành. Nguyễn Hằng tên thật là Nguyễn Thị Thúy Hằng (Nick name: Nae Hang Nguyen) tốt nghiệp cử nhân ngành Luật trường Đại học Luật Quốc Gia TP. HCM. Hiện cây bút Hang Nguyen đang công tác tại Trần Anh Group với vai trò là biên tập nội dung (senior editor) & video editor đa năng.

Đánh giá của bạn

Gửi đánh giá

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Trúc Bách Hợp