Những điều Cần Biết Về Dị ứng Mạt Bụi

Nội dung bài viết

  • 1. Dấu hiệu nhận biết bạn bị dị ứng mạt bụi
  • 2. Tại sao bạn lại bị dị ứng mạt bụi?
  • 3. Dị ứng mạt bụi dẫn đến các bệnh lý nào?
  • 4. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
  • 5. Phương pháp điều trị dị ứng mạt bụi
  • 6. Biện pháp ngăn ngừa dị ứng mạt bụi

Dị ứng mạt bụi là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Mạt bụi là loài sinh vật thuộc lớp nhện, kích thước của chúng nhỏ đến nổi ta chỉ có thể thấy chúng qua kính hiển vi. Mạt bụi phát triển mạnh trong môi trường nóng và ẩm ướt. Vì vậy, nhiều vật dụng trong nhà như giường, thảm,… là môi trường lý tưởng cho mạt bụi. Dị ứng mạt bụi đa số biểu hiện các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi,… Tuy nhiên một số trường hợp cũng có thể biểu hiện các triệu chứng giống hen suyễn như khò khè, khó thở.

1. Dấu hiệu nhận biết bạn bị dị ứng mạt bụi

Dị ứng mạt bụi thường biểu hiện bằng các triệu chứng của viêm mũi:

  • Hắt hơi
  • Chảy nước mũi
  • Nghẹt mũi
  • Mắt bị ngứa, đỏ, chảy nước mắt
  • Ngứa mũi, ngứa vòm miệng hoặc cổ họng
  • Chảy dịch mũi sau
  • Ho
  • Cảm thấy nặng/đau vùng mặt
  • Ở trẻ nhỏ, thường xuyên đưa tay cọ mũi

Nếu tình trạng dị ứng mạt bụi góp phần gây ra hen suyễn, bạn cũng có thể có triệu chứng:

  • Khó thở
  • Nặng ngựa hoặc đau ngực
  • Tiếng khò khè khi thở ra
  • Những cơn ho hoặc khò khè nặng hơn khi bị nhiễm siêu vi đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm.
dị ứng mạt bụi

2. Tại sao bạn lại bị dị ứng mạt bụi?

Dị ứng xảy ra khi cơ thể bạn tiếp xúc với một chất lạ như phấn hoa, lông vật nuôi hay mạt bụi. Khi đó, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tạo ra các protein được gọi là kháng thể. Các protein này sẽ nhận biết và bảo vệ bạn khỏi những tác nhân có thể khiến bạn bị bệnh.

Khi bạn tiếp tục tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh các chất gây ra phản ứng viêm ở đường mũi và ở phổi, biểu hiện bằng các triệu chứng như hắt hơi, chảy mũi, ho. Tình trạng tiếp xúc thường xuyên và kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, và hen suyễn.

Không chỉ mạt bụi, mà bụi cũng chứa chất thải và xác phân hủy của mạt bụi, và các protein có trong “mảnh vụn” mạt bụi này lại chính là thủ phạm gây dị ứng mạt bụi.

Xem thêm: Viêm mũi dị ứng: Nguyên nhân, biến chứng, phòng ngừa và điều trị.

3. Dị ứng mạt bụi dẫn đến các bệnh lý nào?

  • Viêm xoang. Là tình trạng viêm mũi mãn tính gây ra bởi dị ứng mạt bụi có thể làm tắc nghẽn các xoang thông với đường mũi. Tắc nghẽn này gây ra ứ đọng dịch trong các xoang. Có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng xoang (viêm xoang).
  • Hen suyễn: Dị ứng mạc bụi thường là nguyên nhân khởi phát cơn hen cấp ở những người bị hen suyễn. Dị ứng mạt bụi làm tăng tần suất lên cơn hen cũng như độ nặng của cơn hen.

4. Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Một số triệu chứng thường gặp của dị ứng mạt bụi, chẳng hạn như sổ mũi hoặc hắt hơi, tương tự như cảm lạnh thông thường. Đôi khi không dễ dàng để biết bạn bị cảm lạnh hay dị ứng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần, bạn có khả năng đang bị dị ứng.

Nếu triệu chứng của bạn trở nên trầm trọng hơn, như nghẹt mũi nghiêm trọng, thở khò khè hoặc khó ngủ, hãy thăm khám bác sĩ ngay. Trong trường hợp triệu chứng khò khè hay khó thở của bạn đột ngột trở nên trầm trọng hơn. Hoặc bạn cảm thấy khó thở dù chỉ sau các hoạt động nhẹ, bạn nên đến ngay khoa cấp cứu.

5. Phương pháp điều trị dị ứng mạt bụi

Điều trị đầu tiên để kiểm soát dị ứng mạt bụi là tránh mạt bụi càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, không thể loại bỏ hoàn toàn mạt bụi khỏi môi trường của bạn. Bạn cũng có thể cần thuốc để kiểm soát các triệu chứng.

Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn dùng một trong những loại thuốc sau để cải thiện triệu chứng dị ứng mũi:

  • Thuốc kháng histamine: loại thuốc này làm giảm ngứa, hắt hơi và sổ mũi.
  • Corticosteroid: được dùng dưới dạng xịt mũi có thể làm giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng. Corticosteroid dạng xịt mũi cung cấp một liều thấp của thuốc và nguy cơ tác dụng phụ thấp hơn nhiều so với corticosteroid đường uống.
  • Thuốc co mạch: có thể giúp thu nhỏ các mô bị sưng trong đường mũi của bạn và giúp bạn thở bằng mũi dễ dàng hơn. Thuốc kháng Leukotriene ngăn chặn hoạt động của một số hóa chất trong hệ thống miễn dịch.

6. Biện pháp ngăn ngừa dị ứng mạt bụi

Tránh tiếp xúc với mạt bụi là cách tốt nhất để kiểm soát dị ứng mạt bụi. Mặc dù bạn không thể loại bỏ hoàn toàn mạt bụi khỏi nhà, bạn vẫn có thể giảm đáng kể số lượng của chúng. Sau đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng tại nhà:

  • Sử dụng khăn trải giường chống dị ứng. Giữ nệm và gối của bạn trong vỏ chống bụi hoặc chống dị ứng.
  •  Giặt khăn trải giường, chăn, vỏ gối và trong nước nóng hàng tuần để diệt ve bụi và loại bỏ các chất gây dị ứng.
  •  Giữ độ ẩm thấp. Máy hút ẩm hoặc điều hòa không khí có thể giúp giữ độ ẩm thấp, và bạn có thể sử dụng máy đo độ ẩm để có thể đo mức độ ẩm trong nhà của bạn.
  • Tránh sử dụng chăn, ga, gối dễ bám bụi và khó vệ sinh thường xuyên.
  • Mua đồ chơi nhồi bông có thể giặt được. Giặt chúng thường xuyên trong nước nóng và phơi khô hoàn toàn.
  • Sử dụng giẻ lau ẩm thay vì vật liệu khô để làm sạch bụi. Điều này ngăn bụi bay vào không khí và bám lại trên các bề mặt vật khác.
  • Hút bụi thường xuyên. Nếu tình trạng dị ứng của bạn nghiêm trọng, hãy tránh xa khu vực đang được hút bụi và đợi khoảng hai tiếng trước khi quay trở lại trong phòng.
Dị ứng mạt bụi là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Bệnh có thể diễn tiến đến những triệu chứng khó kiểm soát nếu không được điều trị kịp thời. Bạn nên đi khám nếu như có những triệu chứng nghi ngờ do dị ứng mạt bụi làm bạn thấy khó chịu.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Từ khóa » Dị ứng Con Mạt Nhà