Những điều Cần Biết Về Filler Trong điều Trị Sẹo Rỗ

5 (1)

Phương pháp sử dụng chất làm đầy (filler) từ nhiều năm nay đã được ứng dụng rất phổ biến trong thẩm mỹ da liễu để tạo hình các đường nét trên khuôn mặt, làm đầy các nếp nhăn, vết chân chim và căng bóng da. Không những vậy, filler hiện nay còn được sử dụng rộng rãi để điều trị sẹo lõm vì thao tác đơn giản, an toàn. Vậy filler là gì và chi phí hiệu quả của phương pháp trị sẹo này được các Bác sĩ Da liễu đánh giá như thế nào. Hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu nhé!

Giới thiệu phương pháp filler - Doctor Acnes
Đã có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp filler trong điều trị sẹo rỗ
  1. Cơ chế hình thành sẹo rỗ
  2. Filler là gì?
  3. Cơ chế hoạt động của filler trong điều trị sẹo rỗ
  4. Có những chất làm đầy nào trên thị trường?
  5. Bằng chứng lâm sàng của filler trong điều trị sẹo rỗ
  6. Cần lưu ý gì khi điều trị sẹo rỗ bằng filler

Cơ chế hình thành sẹo rỗ

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sẹo rỗ trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là sẹo do mụn trứng cá để lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến hơn 90% những người  bị mụn sẽ gặp phải tình trạng sẹo sau mụn ở các mức độ khác nhau. 

Quá trình hình thành sẹo - Doctor Acnes
Các giai đoạn hình thành sẹo trên da

Cơ chế hình thành sẹo mụn ở da vô cùng phức tạp. Sẹo mụn dễ gặp phải hơn ở những bệnh nhân có những nốt mụn viêm nặng, sẹo mụn cũng hình thành do các tổn thương xảy ra trong quá trình lấy nhân mụn không đúng cách vì phản ứng viêm hoặc tổn thương thường dẫn đến sự tái cấu trúc sai lệch chất nền ngoại bào trong các đơn vị da.

Cụ thể, trong quá trình cơ thể tự chữa lành mụn, nếu không kiểm soát tốt, những ổ viêm trên da trở nên trầm trọng hơn có thể phá vỡ cấu trúc của lớp collagen và elastin dẫn đến thay đổi về thể tích và cấu trúc da tạo ra những vết lõm sâu gọi là sẹo rỗ.

Filler là gì?

Chất làm đầy da (filler), còn được gọi là chất làm đầy mô mềm, là các chất tương thích sinh học dạng gel có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp. Chất làm đầy thường được sử dụng làm giảm các dấu hiệu lão hóa và trong điều trị sẹo rỗ. Đối với vai trò chống lão hóa chất, làm đầy được tiêm vào bên dưới da để kiểm soát sự lỏng lẻo và giảm thể tích da do tuổi tác. Trong điều trị sẹo rỗ, chất làm đầy hoạt động bằng cách lấp đầy, thay thế thể tích da bị mất đi và nâng cao các vùng bị lõm.

tiêm filler đầy sẹo lõm
Thành phần, công dụng, cơ chế làm đầy sẹo và giảm lão hóa da của filler

Cơ chế hoạt động của filler trong điều trị sẹo rỗ

Chất làm đầy được tiêm trực tiếp vào từng vết sẹo lõm để giảm độ sâu, tăng thể tích mô ở những vị trí tổn thương và kích thích sản sinh collagen giúp vùng da bị lõm được nâng lên ngang bằng với những vùng xung quanh. Chất làm đầy hoạt động thông qua ba cơ chế:

Làm phẳng bề mặt: chất làm đầy sẽ được Bác sĩ Da liễu tiêm vào đáy sẹo lõm để kích thích tế bào ở vùng dưới da tăng sinh collagen, từ đó làm phẳng bề mặt da. 

tiêm đầy sẹo
Chất làm đầy được tiêm vào đáy sẹo để kích thích tế bào ở vùng dưới da tăng sinh collagen, từ đó làm phẳng bề mặt da

Hydrat hóa: các chất làm đầy như hyaluronic acid có tác dụng hút nước, giúp cải thiện thể tích vùng da bị lõm. Sử dụng hyaluronic acid còn có làm đều màu da và căng bóng da hơn cũng nhờ vào tác dụng hút và giữ nước của nó.

Cộng hợp lâu dài: về lâu dài chất làm đầy có thể cải thiện sẹo rỗ vĩnh viễn nhờ đặc tính phá vỡ mô sẹo và kích thích tăng sinh collagen, chất làm đầy giúp phục hồi khu vực sẹo lõm một cách tự nhiên. Do đó, trong thời gian điều trị, càng về sau người bệnh sẽ cần ít chất làm đầy hơn để duy trì vẻ bề ngoài như mong muốn. 

Có những chất làm đầy nào trên thị trường?

Chất làm đầy được phân loại dựa vào thời gian duy trì hiệu quả lâm sàng của nó sau khi tiêm vào cơ thể. Cụ thể, chúng được chia làm ba nhóm là chất làm đầy ngắn hạn, chất làm đầy trung hạn và chất làm đầy dài hạn

Acid hyaluronic (HA): HA được cấu tạo từ một hợp chất giữ nước polysaccharide glycosaminoglycan, có trong mô liên kết tự nhiên của cơ thể người. Sau khi được tiêm vào vị trí vết sẹo lõm, HA ngay lập tức làm căng da, nâng cao và làm mịn các vùng da bị lõm. Tuy nhiên vì là chất làm đầy ngắn hạn nên HA chỉ có tác dụng trong khoảng 3 đến 6 tháng và cần được tiêm lại sau thời gian đó để duy trì kết quả.  

Collagen: là chất làm đầy ngắn hạn có nguồn gốc từ bò, lợn hoặc tái tổ hợp từ nguồn gốc con người. Sử dụng collagen cho sẹo mụn dạng lõm đã được chấp thuận bởi tổ chức Da liễu Hoa Kỳ; tuy nhiên do khả năng gây dị ứng nên khi điều trị sẹo rỗ bằng collagen cần thử phản ứng miễn dịch của người bệnh để đảm bảo an toàn trong quá trình điều trị sẹo.

Poly L-Acid Lactic (PLLA): PLLA là một polyme được tổng hợp, không gây độc cho cơ thể người tiêm; hoạt động theo cơ chế tăng sinh collagen bằng cách tăng sinh nguyên bào sợi giúp tăng thể tích và lấp đầy phần lõm của sẹo. Mặc dù PLLA không mang lại kết quả đầy sẹo ngay lập tức nhưng chất làm đầy này cải thiện những vết lõm lâu dài hơn so với những chất làm đầy khác và ngăn ngừa sự hình thành sẹo lõm mới.

Phân loại filler trên thị trường - Doctor Acnes
Bảng phân loại các nhóm filler theo hiệu quả lâm sàng

Hydroxyapatite Canxi (HACa): thuộc nhóm chất làm đầy trung hạn có thời gian hiệu quả trên lâm sàng lên đến 2 năm. HACa là chất tổng hợp, có thể bị phân hủy sinh học và là chất làm đầy có tác dụng làm tăng sinh collagen thông qua cơ chế kích thích phản ứng cục bộ của mô và nguyên bào sợi.

Silicone: từ lâu silicone đã được sử dụng như một chất làm đầy vĩnh viễn cho các mô mềm. Một số chuyên gia ủng hộ silicone cho rằng đây là một chất làm đầy tương đối ổn định và có hiệu quả lâu dài. Hiệp hội Phẫu thuật Da liễu Hoa Kỳ đã liệt kê tiêm silicone lỏng như là một trong các phương pháp giúp điều trị các nốt sẹo lõm. Tuy nhiên, vì các tác dụng phụ của silicone, hiện nay việc sử dụng silicone trong điều trị sẹo rỗ cần được cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ.

Polymethylmethacrylamide (PMMA): PMMA là một chất làm đầy vĩnh viễn có tính chất trơ và được hình thành từ PMMA 20% dạng vi hạt trong dung dịch dạng nước của collagen và lidocain. PMMA nhận được sự hài lòng cao của bệnh nhân do có hiệu quả điều trị lâu dài sẹo mụn mức độ từ trung bình đến nặng và tiết kiệm chi phí hơn so với những chất làm đầy ngắn hạn.

Năm 2015 PMMA được Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng trong điều trị sẹo mụn vùng mặt cho bệnh nhân từ 21 tuổi trở lên. Đây cũng chính là chất làm đầy đầu tiên được FDA chấp thuận để điều trị sẹo mụn.

Bằng chứng lâm sàng của filler trong điều trị sẹo rỗ

Chất làm đầy đã được chứng minh cải thiện đáng kể độ lõm của sẹo rỗ thông qua các nghiên cứu lâm sàng cụ thể như sau:

Nhóm chất làm đầy ngắn hạn: nghiên cứu của Hasson và Romero chứng minh vai trò của hyaluronic acid (HA) trong điều trị sẹo rỗ trên 12 bệnh nhân từ 18-56 tuổi bị sẹo rỗ trên mặt từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Kết quả lâm sàng được đánh giá độc lập giữa các Bác sĩ Da liễu và bệnh nhân trong các khoảng thời gian liền ngay sau khi tiêm, một tuần và một tháng sau tiêm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 74% bệnh nhân cải thiện sẹo xuất sắc sau một tháng điều trị. Tác dụng phụ khi tiêm HA hầu như không có, chỉ có một vết ban đỏ nhỏ xuất hiện và tự hết sau vài giờ.

Nhóm chất làm đầy trung hạn: một nghiên cứu đơn trung tâm nhãn mở sử dụng poly L-lactic acid (PLLA) tiêm để điều trị sẹo lõm mức độ vừa đến nặng do mụn trứng cá hoặc thủy đậu đã được thực hiện trên 20 đối tượng (gồm 10 nam và 10 nữ). PLLA được tiêm theo hàng tại hoặc gần các vết sẹo lõm mà không cần dùng thuốc gây tê tại chỗ và tiêm trong 7 lần.

Kết quả sau 7 lần điều trị có sự giảm đáng kể kích thước và mức độ nghiêm trọng của sẹo. Mức độ hài lòng của bệnh nhân có xu hướng tăng lên sau mỗi lần điều trị. Trong khi đó không ghi nhận bất kì biến cố có hại nào liên quan đến thuốc PLLA.

Nhóm chất làm đầy dài hạn: một nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, đa trung tâm có đối chứng của nhóm tác giả Jwala Karnik được công bố trên Tạp chí da liễu Hoa Kỳ đã chứng minh vai trò của Polymethylmethacrylate (PMMA)  trong điều trị sẹo rỗ. Trong nghiên cứu, 147 bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: một nhóm điều trị được tiêm chất làm đầy PMMA; nhóm đối chứng được tiêm nước muối sinh lý.

Cả hai nhóm được tiêm 2 lần và theo dõi hiệu quả trong 6 tháng. Kết quả cho thấy có đến 64% bệnh nhân tiêm PMMA hiệu quả điều trị thành công so với 33% bệnh nhân ở nhóm chứng. Các Bác sĩ đã kết luận rằng PMMA cho thấy hiệu quả vượt trội đồng thời có tính an toàn cao trong điều trị sẹo rỗ vùng mặt.

Ngoài ra nhiều chất làm đầy khác cũng cho các kết quả rất ấn tượng trong điều trị sẹo rỗ được thể hiện tóm tắt trong bảng sau:

Bảng kết quả filler - Doctor Acnes
Bảng so sánh hiệu quả của các chất làm đầy khác nhau theo nghiên cứu

Cần lưu ý gì khi điều trị sẹo rỗ bằng filler

  • Những đối tượng nào có thể áp dụng phương pháp filler: những bệnh nhân trên 18 tuổi có sẹo rỗ mà không có hoặc ít có hiệu quả điều trị từ phương pháp khác.
  • Những đối tượng không thể áp dụng tiêm filler: phụ nữ có thai, trẻ em dưới 18 tuổi, người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… 
  • Lựa chọn địa chỉ tiêm filler uy tín, người thực hiện tiêm cần phải là Bác sĩ Da liễu với trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
  • Loại filler cần phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên kiểm tra mã vạch, hạn sử dụng của filler.
  • Filler chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian cố định tùy thuộc vào loại filler được tiêm, hãy hỏi kỹ Bác sĩ để được tư vấn về thời gian duy trì hiệu quả của filler.
tiêm filler trị sẹo rỗ
Các điều cần lưu ý khi ứng dụng filler trong điều trị sẹo rỗ
  • Sau khi tiêm filler nên ở lại khoảng 30-60 phút để theo dõi tác dụng phụ và nếu cảm thấy có bất kỳ vấn đề nào tại vị trí tiêm cần quay lại cơ sở tiêm filler để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.
  • Chăm sóc da sau khi tiêm filler vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng đến kết quả điều trị sẹo nói chung. Hỏi ý kiến Bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được hướng dẫn về quy trình chăm sóc da sau filler.

Tiêm chất làm đầy (filler) để điều trị sẹo ngày càng được áp dụng phổ biến trong điều trị sẹo rỗ tại các cơ sở thẩm mỹ bởi thao tác đơn giản, mang lại hiệu quả tức thì và ít gây biến chứng. Có nhiều nhóm chất làm đầy khác nhau và mỗi chất làm đầy đều có những đặc điểm riêng phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Phòng khám Da liễu Doctor Acnes hy vọng bài viết này đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về chất làm đầy trong điều trị sẹo rỗ dưới góc nhìn khoa học với các bằng chứng lâm sàng rõ ràng. Trong trường hợp cần thêm tư vấn cho tình trạng sẹo rỗ của bạn từ đội ngũ Bác sĩ Da liễu, vui lòng liên hệ Phòng khám tại đây.

Tài liệu tham khảo

  1. Beer K. “A single-center, open-label study on the use of injectable poly L-Lactic acid for the treatment of moderate to severe scarring from acne or varicella”. Dermatol Surg 2007;33(Suppl 2):S159–S167
  2. Hasson A., Romero WA. “Treatment of facial atrophic scars with Esthelis, a hyaluronic acid filler with polydense cohesive matrix (CPM)”. J Drugs Dermatol 2010;9:1507–9. 10
  3. Karnik J., Baumann L., Bruce S., Callender V. “A double-blind, randomized, multicenter, controlled trial of suspended polymethylmethacrylate microspheres for the correction of atrophic facial acne scars”. J Am Acad Dermatol 2014;71:77–83
  4. Monica B., Carolyn J. “Monica Boen et al A Review and Update of Treatment Options Using the Acne Scar Classification System”. Dermatol Surg 2019;45:411–422
  5. Steven L B. “Cosmetic Fillers Perspectives on the Industry”. Facial Plast Surg Clin N Am 23 (2015) 417–421
  6. Riana. “Interventions for acne scars”. Cochrane Database Syst Rev. 2016 Apr; 2016(4)
  7. Uwe W., Alberto G. “Fillers for the improvement in acne scars”. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2015; 8: 493–499

Bài viết này có hữu ích không?

Chọn 1-5 sao cho chất lượng bài viết

Submit Rating

Điểm trung bình 5 / 5. Lượt đánh giá 1

banner gruop facebook

Từ khóa » Tiêm Filler Sẹo Rỗ