Những điều Cần Biết Về Kinh Doanh Thiết Bị Phát Sóng Vô Tuyến điện

Theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện, các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng.

Theo đó, một số loại thiết bị vô tuyến điện đang được lưu thông và sử dụng phổ biến trên thị trường: máy bộ đàm (HF, VHF, UHF); máy bộ đàm và máy chủ (repeater); hệ thống truyền thanh không dây; thiết bị phát thanh AM, FM…

Khuyến cáo các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân không được sản xuất, xuất nhập khẩu, mua bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Không được nhập khẩu, mua bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có nguồn gốc rõ ràng. Người sản xuất, người nhập khẩu phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy đối với thiết bị phát sóng vô tuyến điện trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo quy định.

Đối với người bán hàng, cần có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hóa, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các tài liệu liên quan đến chất lượng thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Không buôn bán thiết bị kích sóng di động (repeater) không có giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy. Không buôn bán các loại Micro không dây băng tần UHF (dải tần số hoạt động từ 694 MHz đến 960 MHz). Không buôn bán các loại máy điện thoại không dây, tai nghe không dây chuẩn DTECT có tần số hoạt đọng trong băng tần 1920 MHz đến 1930 MHz. Không buôn bán các loại thiết bị phá sóng định vị GPS; thiết bị gây nhiễu di động. Buôn bán thiết bị bộ đàm phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được chứng nhận hợp quy và gắn dấu hợp quy theo quy định của pháp luật.

Người bán hàng có trách nhiệm thông báo cho người mua sử dụng thiết bị bộ đàm phải thực hiện đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện với Cục Tần số vô tuyến điện; chỉ được sử dụng thiết bị bộ đàm sau khi được cấp phép và theo đúng quy định về tần số, công suất phát… đã được ghi trong giấy phép.

Trường hợp buôn bán thiết bị phát sóng không đúng quy định của Pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Nghị định 185/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ, cụ thể như sau:

- Bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện mà không có chứng nhận hợp quy hoặc không công bố hợp quy hoặc không gắn dấu hợp quy theo quy định có thể bị xử phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

- Nhập khẩu thiết bị thuộc danh mục phát, thu – phát sóng vô tuyến điện cần giấy phép nhập khẩu nhưng không có giấy phép nhập khẩu hoặc sử dụng giấy phép nhập khẩu đã hết hạn có thể xử phạt đến 20.000.000 đồng.

- Buôn bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện nhập lậu, mức phạt tiền có thể đến 50.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa nhập lậu và tịch thu tang vật.

- Buôn bán thiết bị phát sóng vô tuyến điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ mức phạt tiền có thể đến 40.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa nhập lậu và tịch thu tang vật.

Trần Dĩnh

Từ khóa » Thiết Bị Thu Phát Sóng Vô Tuyến Là Gì