Những điều Cần Biết Về Lông Mu Và Bệnh Viêm Nang Lông Vùng Kín

1. Vị trí của Lông mu

Lông mu là lông mọc ở phần gò mu phía trên âm hộ ở nữ và ở phần gốc dương vật ở nam giới. Loại lông này thường có màu đen sẫm, ngắn và mọc trong giai đoạn dậy thì ở cả nam và nữ. Tùy vào yếu tố hormone và gen của từng cơ thể mà lông có thể mọc rậm hoặc thưa hoặc thậm chí không có.

 lông mu

Lông mu thường mọc trong giai đoạn dậy thì ở cả nam và nữ

2. Cấu tạo của Lông mu

Cấu tạo của lông mu bao gồm 3 phần: phần nằm trong chân bì, phần mọc xuyên qua thượng bì và phần nằm trên thượng bì da.

Rễ lông mu được bao bọc bởi nang lông. Mỗi nang lông có ba phần:

- Bao nang lông.

- Cổ nang lông.

- Miệng nang lông.

3. Chức năng của Lông mu

Một số chức năng chủ yếu của lông mu như:

- Hạn chế bị tổn thương vùng nhạy cảm do cọ xát với quần áo trong quá trình vận động, sinh hoạt.

- Giống như một màng chắn bảo vệ, giúp các nếp ở phần da vùng kín không bị dính vào nhau, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào như vi khuẩn, virut, giảm các nguy cơ mắc các bệnh vùng kín như nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn âm đạo.

- Duy trì nhiệt độ ổn định cho vùng kín vào mùa lạnh và các tuyến da ở dưới lông minh sẽ tiết ra chất dầu giúp giảm nhiệt độ và làm mát vùng kín vào mùa hè.

- Giảm ma sát trong khi tác động mạnh hoặc quan hệ tình dục vì da vùng kín rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

- Pheromone được tiết ra từ các tuyến tiết ở lông mu giúp hấp dẫn, thu hút người khác giới.

4. Nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông ở vùng kín

Cả nữ giới và nam giới đều có nguy cơ mắc viêm nang lông vùng kín, một số nguyên nhân gây bệnh như:

- Nhiễm trùng do vi khuẩn Staphylococcus aureus, virus hoặc nấm.

- Lông mọc ngược gây tắc nghẽn do tế bào chết hoặc mồ hôi.

- Mặc quần lót chật làm tăng độ ma sát của da với quần áo, cùng với mồ hôi tiết ra trong quá trình tập thể dục hoặc thậm chí vận động nhẹ như đi bộ cũng có thể tạo ra môi trường lý tưởng gây ra viêm nang lông ở vùng kín

- Mặc quần áo bó sát cũng kích thích tiết mồ hôi và dầu, đồng thời làm bong các tế bào da chết khiến chúng bị mắc kẹt ở trong các nang lông, gây ra viêm nang lông.

 lông mu

Mặc quần áo bó sát có thể gây ra viêm nang lông

- Tắm trong các bồn tắm nước nóng bẩn, do nước nóng là nơi vi khuẩn phát triển mạnh, dễ dàng thâm nhập vào các nang lông gây viêm nang lông vùng kín.

5. Dấu hiệu khi bị viêm nang lông âm đạo

Viêm nang lông ở vùng kín có biểu hiện giống như mụn nhọt, xuất hiện ở trong đùi, gò mu và môi âm hộ của nữ giới. Tuy nhiên, cần xác định sự khác biệt giữa mụn trứng cá và viêm nang lông như viêm nang lông ở vùng kín thì lông mọc ở giữa mụn mủ, trong khi mụn trứng cá ở âm đạo không có lông. Để có thể phân biệt chính xác, bạn nên nhờ đến sự chuẩn đoán của các bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị viêm nang lông:

- Da đau và ngứa, rát.

- Xuất hiện mụn nước và mủ vỡ ra.

- Các cụm mụn đầu trắng hoặc mụn nhỏ màu đỏ mọc xung quanh nang lông.

- Có các vết hoặc các khối sưng lớn.

Nếu sau một vài ngày các dấu hiệu và triệu chứng không tự mất, bạn nên đi khám bác sĩ để giúp kiểm soát và điều trị bệnh, tránh để tình trạng viêm nang lông lan rộng,

6. Viêm nang lông vùng kín có nguy hiểm không?

Mặc dù viêm nang lông vùng kín có thể tự lành, nhưng nếu đối với người có hệ thống miễn dịch không tốt hoặc bị tổn thương thì có thể bị nhiễm trùng nặng. Do viêm nang lông có khả năng cao sẽ phát triển thành mụn nhọt hoặc những nhiễm trùng lớn dưới da, chứa mủ (hay còn gọi là hậu bối) rất khó điều trị lành.

 lông mu

Viêm nang lông có thể tự lành đối với người có hệ miễn dịch tốt

7. Cách phòng ngừa viêm nang lông vùng kín

Mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi và thoải mái để tránh sự ma sát giữa da vùng kín và quần áo gây bít tắc lỗ chân lông.

 lông mu

Mặc đồ thoải mái để tránh sự ma sát của da với quần áo

Sử dụng dung dịch vệ sinh

Để ngăn ngừa viêm nhiễm ở vùng lông mu, chúng ta nên tiến hành vệ sinh vùng kín đúng cách như rửa vùng kín thường xuyên bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng nhẹ dịu và kết hợp với nước ấm. Lưu ý, không thụt rửa sâu bên trong âm đạo, sau bước vệ sinh, nên sử dụng khăn sạch và lau nhẹ vùng kín, không dùng chung khăn tắm với người khác và nên giặt, thay khăn thường xuyên, đặc biệt đối với phái nữ trong kỳ kinh nguyệt diễn ra cần vệ sinh âm đạo sạch sẽ và nhẹ nhàng do khi nội tiết tố thay đổi sẽ khiến cho da vùng kín trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị viêm nhiễm và sạm màu da hơn.

Không sử dụng các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc da mặt cho vùng kín và nên tẩy da chết đúng cách để vùng da lông mu được sạch sẽ và khô thoáng, tuy nhiên những sản phẩm này cần được chỉ định bởi bác sĩ da liễu để tránh gây tổn thương vùng da âm đạo.

Tỉa bớt nếu quá rậm rạp

Nếu lông mu quá rậm rạp và khiến bạn cảm thấy khó chịu, nóng bức, bạn có thể dùng kéo để tỉa bớt lông, tuy nhiên không nên tỉa quá sát mà nên giữ lại một đoạn lông mu vừa đủ để tránh bị ngứa và để lông mu có thể thực hiện chức năng của mình.

Nếu muốn cạo lông mu, bạn nên chọn dao cạo điện chuyên dụng và thay đổi đầu dao thường xuyên, đầu dao cạo cần sắc và sạch sẽ. Tuy nhiên nếu dùng dao cạo không thành thạo rất dễ gây đỏ rát, mẩn cảm, xước da, chảy máu làm tổn thương da.

Phương pháp wax lông cũng có thể khiến cho làn da vùng kín trở nên nhạy cảm, mỏng manh và dễ tổn thương nếu sử dụng thường xuyên. Khi da vùng lông mu bị tổn thương, các mầm bệnh rất dễ dàng xâm nhập và gây ra viêm nang lông cũng như viêm nhiễm âm đạo.

 lông mu

Cạo lông mu có thể gây tổn thương da

Ngoài ra bạn có thể xem xét một số phương pháp tẩy lông bằng gel hoặc laser để tránh gây tổn thương da như xước da, chảy máu khi sử dụng dao cạo.

Viêm nang lông vùng kín nói chung là một bệnh nhẹ và có thể dễ dàng ngăn ngừa nếu chúng ta biết cách vệ sinh và chăm sóc đúng cách. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu tư vấn về vấn đề trên, bạn có thể trực tiếp đến các cơ sở của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trên toàn quốc hoặc liên hệ vào số hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Từ khóa » Phần Mu Bị Sưng