Những điều Cần Biết Về Sùi Bọt Mép | BvNTP
Có thể bạn quan tâm
Sùi bọt mép xảy ra khi lượng nước bọt dư thừa đọng lại trong miệng hoặc trong phổi kết hợp với không khí tạo thành bọt.
Sùi bọt mép không chủ ý là một triệu chứng cực kỳ hiếm gặp và là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Nguyên nhân
Chúng ta thường hiếm khi sản xuất một lượng lớn bọt từ miệng như trong phim hay trên chương trình truyền hình mô tả.
Nghiên cứu cho thấy kể cả các loài động vật hoang dã mắc bệnh thường không sùi bọt mép một cách quá mức như hầu hết mọi người vẫn nghĩ.
Do đó, nếu chỉ một lượng nhỏ nước bọt sủi bọt tràn ra khỏi miệng một cách không chủ ý, bạn có thể cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Sùi bọt mép thường kết hợp với các vấn đề về hệ thống thần kinh trung ương với những biến chứng đe dọa tính mạng, như hôn mê và tử vong.
Một trong số các nguyên nhân phổ biến gây sùi bọt mép gồm:
Dùng ma túy quá liều
Khi bạn sử dụng nhiều ma túy hoặc chất độc hại hơn mức cơ thể có thể xử lý, bạn có thể bị quá liều.
Quá liều nghiêm trọng có thể dẫn đến co giật, từ đó gây chảy nước miếng hoặc đọng nước bọt trong miệng và đẩy qua răng và môi đang nghiến chặt.
Những người bị quá liều nghiêm trọng cũng có thể bị lên cơn đau tim và phù phổi, nghĩa là dịch tràn vào phổi. Cả hai tình trạng này đều có thể làm sùi bọt mép.
Khi tim và phổi không còn hoạt động bình thường, chất lỏng tích tụ quanh cả hai cơ quan này và tế bào sẽ bị thiếu oxy.
Carbon dioxide và các khí khác cũng tích tụ xung quanh các tế bào và hòa lẫn với dịch, tạo thành chất nhầy sủi bọt, màu hồng nhạt hoặc có dính máu. Chất nhầy sủi bọt này có thể tràn ra khỏi miệng một cách không kiểm soát được.
Co giật
Những người mắc chứng rối loạn co giật hay động kinh có thể gặp phải một số dạng co giật khác nhau, mỗi loại có một tập hợp các triệu chứng riêng biệt.
Thông thường, chỉ có một loại co giật, còn gọi là co giật co cứng hoặc co giật cơ, có liên quan đến triệu chứng chảy nước miếng, sủi bọt nhẹ hoặc sùi bọt mép.
Những người bị co giật co cứng có sự phóng điện bất thường trong não một cách đồng thời.
Co giật co cứng thường gây mất ý thức ngay lập tức, sau đó là co giật toàn thân.
Co giật co cứng gây mất kiểm soát cơ, có thể gây khó nuốt hoặc khó mở miệng. Trong cơn co giật, lượng nước bọt dư thừa này có xu hướng đọng lại trong miệng trước khi đẩy qua hàm răng đang nghiến chặt, trộn lẫy với oxy và các khí trong miệng tạo thành bọt.
Bệnh dại
Virus bệnh dại là một bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Bệnh dại có khả năng lây nhiễm và làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương của tất cả các loại động vật có vú máu nóng.
Bệnh dại được truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác qua nước bọt của động vật mắc bệnh. Hầu hết những người mắc bệnh dại khi bị cắn bởi động vật mắc bệnh hoặc do tiếp xúc với nước bọt nhiễm bệnh qua vết thương hở.
Một trong những triệu chứng của bệnh dại là liệt các cơ vùng họng gây khó nuốt.
Bệnh dại cũng gây tăng tiết nước bọt. Nước bọt có thể đọng lại trong miệng và hòa lẫn với oxy và các khí khác khi người bệnh không nuốt được.
Số lượng người mắc bệnh dại mỗi năm ở Bắc mỹ là rất ít. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, chỉ có từ 1 đến 3 trường hợp mắc bệnh dại ở người được báo cáo ở Hoa Kỳ mỗi năm,
Người mắc bệnh dại có thể không gặp phải các triệu chứng đặc trung giống như động vật, như sùi bọt mép, cực kỳ hung dữ và sợ nước.
Các triệu chứng ở người bao gồm sốt và suy nhược trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng phát triển thành lo lắng, lú lẫn, hành vi điên cuồng, ảo giác và mất ngủ.
Điều trị
Nếu bạn bị sùi bọt mép hoặc nhìn thấy ai đó bị sùi bọt mép thì cần phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây sùi bọt mép nhưng điều trị cấp cứu thường cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, không hoàn nguyên được.
Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu các lựa chọn điều trị cho các nguyên nhân gây sùi bọt mép phổ biến nhất:
Dùng ma túy quá liều
Nếu bạn bị quá liều ma túy thì nên được nhập viện càng sớm càng tốt và được theo dõi y tế liên tục để ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, như suy đa tạng, hôn mê và tử vong.
Thường chỉ mất từ 1 đến 3 giờ kể từ khi một người tiêm hoặc uống phải ma túy quá liều có thể dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu quá liều gồm:
- Ngất đi;
- Giãn đồng tử;
- Tăng hoặc giảm nhiệt độ cơ thể;
- Mạch nhanh hoặc chậm;
- Thở nông và chậm;
- Da nhợt nhạt hoặc đỏ bừng;
- Co giật;
- Hoang tưởng và rối loạn tâm thần;
- Da sần sùi.
Nếu ai đó đang hoặc có thể bị quá liều, nhân chứng nên gọi cấp cứu hoặc đưa họ đến bệnh viện gần nhất.
Trong khi chờ sự trợ giúp đến, bạn nên đẩy nạn nhân nằm nghiêng sang một bên và đảm bảo rằng đường thở của họ thông thoáng. Bất cứ ai bị quá liều cũng không nên bị bỏ mặc.
Những người bị quá liều do nuốt phải chất độc, như rượu bia hoặc hóa chất lỏng, có thể được bơm căng dạ dày hoặc được cho uống than hoạt tính để loại bỏ chất độc.
Nếu quá liều là do opioid, bạn có thể được tiêm một loại thuốc giải độc được gọi là Narcan để ngay lập tức đảo ngược tác dụng của thuốc.
Hiện không có thuốc giải độc nào để điều trị quá liều do chất kích thích gây ra.
Sau khi bị quá liều, hầu hết mọi người sẽ phải ở lại bệnh viện ít nhất một ngày hoặc hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hoặc nguyên nhân gây quá liều.
Co giật
Nếu ai đó bị co giật, người bên cạnh nên đảm bảo rằng họ ở khoảng cách an toàn với bất cứ thứ gì có thể gây hại cho họ.
Nếu người đó ở gần một bức tường, những người khác có thể dùng chăn hoặc khăn để tạo lớp đệm giữa người đó và bức tường.
Hãy loại bỏ tất cả đồ nội thất xung quanh họ, như ghế, bàn hoặc các thiết bị điện. Không bao giờ thử đặt bất cứ thứ gì vào miệng của người đang bị co giật.
Ở lại bên cạnh người đang bị co giật cho đến khi hết co giật. Sau khi hết co giật và người đó bắt đầu tỉnh lại, họ có thể được đẩy nằm nghiêng. Quan trọng là phải đảm bảo miệng và mũi của họ được thông thoáng.
Đắp chăn hoặc áo khoác cho người đó và để họ nằm nghỉ ngơi, kiểm tra mỗi vài phút xem họ còn tỉnh táo và hít thở bình thường không.
Những người mắc chứng động kinh có thể không cần cấp cứu mỗi khi bị co giật. Sau khi co giật, điều quan trọng nhất cần làm là nghỉ ngơi và cung cấp đủ nước. Co giật khiến cơ thể căng thẳng và kiệt sức.
Nếu bạn bị co giật không rõ nguyên nhân,bị co giật nghiêm trọng hoặc cơn co giật khác với bình thường, bạn nên được chăm sóc cấp cứu ngay.
Bạn cũng nên gọi cấp cứu ngay nếu có người bị co giật kéo dài hơn 5 phút hoặc nếu họ không đủ tỉnh táo với nhịp thở bình thường 10 phút sau khi cơn co giật kết thúc.
Bác sĩ sẽ theo dõi người đã bị co giật để đảm bảo các chức năng cơ thể trọng yếu, như nhịp tim và nhịp thở, vẫn bình thường. Bác sĩ cũng có thể cho thêm thuốc.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn bị co giật hoặc cơn co giật khác với bình thường thì bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân tiềm ẩn.
Một số người bị rối loạn co giật và mắc các dạng động kinih cần dùng thuốc suốt đời, còn được gọi là thuốc chống co giật hoặc thuốc chống động kinh.
Bệnh dại
Nếu bạn nghĩ bạn đã bị phơi nhiễm với virus bệnh dại thì nên khám bác sĩ ngay lập tức.
Các khuyến cáo dành cho những người có thể đã mắc virus bệnh dại gồm:
- Rửa mạnh vùng tiếp xúc hoặc vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong ít nhất 15 phút, sau đó tiếp tục rửa lại vùng da đó bằng nước;
- Đến bệnh viện, phòng khám hoặc bác sĩ để được tiêm chủng càng sớm càng tốt. Những loại vaccine này có thể ngăn ngừa virus hình thành nhiễm trùng.
Khi bệnh dại đã tiến triển, không có cách nào để chữa trị. Những người nghi ngờ bản thân đã phơi nhiễm với virus bệnh dại hoặc tiếp xúc động vật mắc bệnh phải đi tiêm ngừa sớm nhất để tránh gặp phải các biến chứng đe dọa tính mạng.
Tổng quan
Sùi bọt mép là một triệu chứng ít gặp nhưng lại liên quan đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm dùng ma túy quá liều, co giật và mắc bệnh dại.
Nếu ai đó bắt đầu bị sùi bọt mép, người bên cạnh nên đẩy người bệnh nằm nghiêng, đảm bảo đường thở luôn luôn thông thoáng và gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Nếu không được điều trị, các tình trạng được cho là nguyên nhân gây sùi bọt mép có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe nghiêm trọng, thường là suy tạng, hôn mê và tử vong.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » De Bị Sùi Bọt Mép
-
Khắc Phục Dê Bị Sùi Bọt Mép, Chướng Bụng đầy Hơi - YouTube
-
Chữa Trị Thế Nào Khi Dê Bỏ ăn, Sùi Bọt Mép? - YouTube
-
Chữa Trị Thế Nào Khi Dê Bỏ ăn, Sùi Bọt Mép?
-
Dùng Thuốc Gì Khi Dê Bị Sùi Bọt Mép, Mệt Mỏi, Nằm 1 Chỗ
-
Tình Trạng Co Giật Kèm Sùi Bọt Mép Là Dấu Hiệu Bệnh Gì? - Vinmec
-
Chó Bị Sùi Bọt Mép: Nguyên Nhân, Cách Sơ ... - PET SHOP Sài Gòn
-
Vì Sao Chó Hay Sùi Bọt Mép Và Co Giật?
-
Co Giật Sùi Bọt Mép Có Phải Dấu Hiệu Của Bệnh động Kinh Không?
-
Nguyên Nhân Và Cách Trị Chó Bị Co Giật Sùi Bọt Mép - HappyVet
-
Chó Bị Sùi Bọt Mép Nguyên Nhân Do đâu, Cách Xử Lý
-
Chó Bị Co Giật, Kêu La, Chảy Dãi, Sùi Bọt Mép, Cách Xử Lý
-
Làm Sao Để Phòng Tránh Chó Bị Co Giật Liên Tục Và Cách Chữa Trị
-
7 Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị Khi Chó Bị Co Giật - Pet Mart
-
Bệnh Thường Gặp ở Dê Bạn Nên Biết - Farmvina Nông Nghiệp
-
Chó Bị Co Giật Sùi Bọt Mép Có Nguy Hiểm Không? Nguyên Nhân Và ...
-
Chó Bị Sùi Bọt Mép: Nguyên Nhân, Cách Sơ Cứu Và Ngăn Chặn