Từ tháng 5 năm 2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đưa vào triển khai kỹ thuật chiết tách tiểu cầu thông qua máy tách tiểu cầu tự động tại khoa Huyết học – Truyền máu. Việc triển khai thêm kỹ thuật này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời khối tiểu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Dưới đây là một số thông tin về tiểu cầu và việc hiến tiểu cầu:
1. Tiểu cầu là gì?
Tiểu cầu là tế bào nhỏ nhất trong 3 loại tế bào máu. Tiểu cầu làm nhiệm vụ đông cầm máu. Người bình thường có khoảng 150.000 - 300.000 tiểu cầu trong mỗi mm3 máu. Tiểu cầu có đời sống trung bình từ 5 - 7 ngày.
2. Tiểu cầu có ích gì?
Tiểu cầu đang có một vai trò rất quan trọng với con người. Nếu thiếu tiểu cầu sẽ gây ra tình trạng xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não dẫn đến tử vong
Với chức năng khá quan trọng của tiểu cầu, nhu cầu truyền tiểu cầu hiện nay cho bệnh nhân là khá lớn. Đặc biệt trong các trường hợp rối loạn đông máu do sốc mất máu, chấn thương, tai nạn; do các tai biến sản khoa như: băng huyết, rau bong non, nhau tiền đạo, rối loạn đông máu do rắn cắn, do xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết giảm tiểu cầu…
Trong số các bệnh thì sốt xuất huyết cũng là bệnh có nhu cầu truyền tiểu cầu cao. Thường khi bị sốt xuất huyết, nhất là bước vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết, lượng tiểu cầu xuống rất thấp cần truyền tiểu cầu để cứu sống bệnh nhân.
3. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu tiểu cầu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu tiểu cầu, tuy nhiên, những nguyên nhân chính và thường gặp nhất vẫn là các trường hợp rối loạn đông máu do các chấn thương, tại nạn, tai biến sản khoa như băng huyết, rau bong non, nhau tiền đạo, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết giảm tiểu cần…
Ngoài ra, bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu tiểu cầu còn do các nguyên nhân dưới đây:
- Do bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét...), nhiễm siêu vi trùng ( cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi... ).
- Các bệnh có lách to ( xơ gan, cường lách ). Các bệnh tự miễn ( ban đỏ rải rác, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp ).
- Các bệnh về máu ( suy tủy xương, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư nơi khác xâm lấn vào tủy xương,thiếu máu tiêu huyết tự miễn.. .). Đặc biệt thù điều trị bằng hóa trị, xạ trị…, bệnh nhân ung thư thường dễ bị suy tủy, dẫn tới thiếu máu, đặc biệt là thiếu tiểu cầu.
4. Thiếu tiểu cầu có nguy hiểm không?
- Thiếu tiểu cầu dẫn tới rối loạn đông máu. Chỉ một chấn thương nhỏ (đứt tay, té ngã ) cũng có thể dẫn tới xuất huyết không cầm được ( có thể gặp xuất huyết nội ). Các điều trị mang tính xâm lấn đôi khi không thể thực hiện.
- Xuất huyết dưới da dưới dạng chấm nhỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp người; xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc.
- Có thể xuất huyết bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục,... Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết não - màng não.
- Đối với trẻ em, tình hình càng tồi tệ. Cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nên mọi tổn thương đều có thể rất nghiêm trọng. Các em lại hiếu động, dễ tổn thương nên lại càng nguy hiểm hơn .
- Việc thiếu Máu và thiếu tiểu cầu , có thể dẫn tới sự suy kiệt, đình trệ quá trình điều trị, và các em hoàn toàn có thể đi tới tử vong
5. Lợi ích của việc sử dụng máy hiến tiểu cầu tự động?
Một người hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách tự động hay còn gọi là tiểu cầu đậm đặ sẽ thu được 1 khối tiểu cầu gạn tách (hay còn gọi là tiểu cầu đậm đặc) có số lượng tiểu cầu bằng 6 đơn vị tiểu cầu được điều chế bằng phương pháp thủ công. Nói cách khác, để cung cấp tiểu cầu thì phương pháp chiết tách bằng máy tự động cần của người còn nếu phương pháp thủ công cần 5-6 người.
Ngoài ra, việc truyền tiểu cầu đậm đặc còn giảm nguy cơ gây xuất hiện các phản ứng miễn dịch, giảm nguy cơ gây lây nhiễm các bệnh lây nhiễm và các bệnh nhiễm trùng cho người bệnh.
6. Quy trình hiến tiểu cầu như thế nào?
Bạn cần khám và làm xét nghiệm máu trước khi hiến tiểu cầu. Các thủ tục sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 40 phút. Nếu bạn đủ điều kiện hiến tiểu cầu, bạn sẽ được hiến tiểu cầu.
Chu trình hiến tiểu cầu gồm 3 bước
Bước 1: Lấy máu, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào.
Bước 2: Máy chiết tách tế bào sẽ ly tâm, tách và giữ lại thành phần tiểu cầu.
Bước 3: Máy truyền trả lại những thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương cho người hiến.
Thời gian hiến kéo dài khoảng 60 - 80 phút.
7. Ai có thể hiến tiểu cầu?
Người đã từng hiến máu và tự nguyện hiến tiểu cầu. Cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cân nặng ≥ 50kg.
- Số lượng tiểu cầu > 150.000 tiểu cầu/mm3 máu.
- Khoảng thời gian giữa 2 lần hiến tiểu cầu tối thiểu là 2 tuần.
8. Chuẩn bị như thế nào để hiến tiểu cầu cho tốt?
- Đêm trước ngày hiến tiểu cầu không thức khuya, ngủ đủ giấc.
- Không uống sữa, rượu, bia trước khi hiến tiểu cầu.
- 4 giờ trước khi hiến tiểu cầu: ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ).
- Chuẩn bị tâm lý ổn định thoải mái.
9. Chăm sóc sau khi hiến tiểu cầu như thế nào?
- Giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường.
- Hạn chế các hoạt động gắng sức đòi hỏi nhiều thể lực như: bóng đá, tập thể hình, leo trèo,...
- Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: thịt, gan, trứng sữa.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến tiểu cầu.
Mọi thông tin về việc hiến tiểu cầu hoặc hiến máu tình nguyện, người dân có thể liên hệ tại khoa Huyết học – Truyền máu - lầu 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Rất mong nhận được nhận nghĩa cử cao đẹp của tất cả mọi người.
Một số hình ảnh tình nguyện hiến tiểu cầu:
Phòng Quản lý chất lượng