Những điều Cần Biết Về Xét Nghiệm Cholesterol Toàn Phần Trong Máu

Khoa Hóa Sinh

1. NHẮC LẠI SINH LÝ

Các lipit chính trong hệ tuần hoàn (cholesterol, triglycerid, phospholipid) có bản chất là các chất không tan trong máu. Để có thể lưu hành trong dòng tuần hoàn, các chất này phải được gắn với các protein có thể tan trong nước gọi là apolipoprotein (A1, A2, B, C, E…).

Toàn bộ lipit + Apolipoprotein hình thành các nhóm lipoprotein.

Có 4 loại lipoprotein chính với các thành phần lipit và protein được trình bày dưới đây:

  1. Các vi thể dưỡng chất (chylomicrom).
  2. Các VLDL (lipoprotein có tỷ trọng rất thấp [Very Low Density Lipoprotein]).
  3. Các LDL (lipoprotein có tỷ trọng thấp [Low Density Lipoprotein]).
  4. Các HDL (lipoprotein có tỷ trọng cao [High Density Lipoprotein]).

Cholesterol là steroid chính trong cơ thể con người. Phân tử cholesterol bào gồm 4 vòng và 27 nguyên tử carbon. Cholesterol được sáp nhập chủ yểu trong các lipoprotein loại LDL, HDL và VLDL và ở một mức ít hơn trong các vi thể dưỡng chất (chylomicron).

cholesterol3

Thành phần các lipoprotein máu

cholesterol2

Cholesterol lưu hành trong tuần hoàn máu xuất xứ từ hai nguồn:

a. Nguồn gốc ngoại sinh:

Tùy theo mức kinh tế của từng vùng, thức ăn cung cấp khoảng 50 mg đến 3g cholesterol mỗi ngày, chủ yếu dưới dạng este hóa. Khi đi qua tá tràng, cholesterol được thủy ngân nhờ lipase của tụy. (Cholesterol esterase) thành cholesterol + acid béo tự do rồi được các tế bào ruột hấp thu nhờ tác động của các acid mật. Trong các tế bào của ống tiêu hóa, cholesterol được nhập vào chylomicron và các ống VLDL ruột. Nhờ các lipoprotein, cholesterol được vận chuyển trong ống ngực rồi tới dòng tuần hoàn.

b. Nguồn gốc nội sinh:

Nhiều mô (nhất là gan và ruột) tổng hợp cholesterol từ acetyl CoA. Tuy vậy, cholesterol sau khi hình thành sẽ được sáp nhập vào các VLDL để có thể được vận chuyển trong dòng tuần hoàn.

Chức năng chính của cholesterol là được cơ thể sử dụng để sản xuất muối mật và một số hormon steroid, đồng thời nó cũng là một thành phần của màng tế bào.

Trong máu, dưới tác động của lipase-lipoprotein (enzym được tế bào nội mạc mạch máu tổng hợp), các VLDL được chuyển dạng thành IDL (lipoprotein tỷ trọng trung gian = Intermediate Density Lipoprotein), rồi sau đó được chuyển thành LDL và HDL lipoprotein.

Cholesterol được lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL lipoprotein) và các lipoprotein tỷ trọng cao (HDL lipoprotein) vận chuyển trong máu để tham gia vào 2 quá trình hoàn toàn khác biệt:

  • Cholesterol sáp nhập vào LDL lipoprotein (thường được gọi LDL cholesterol) sẽ được vận chuyển từ gan tới các mô nên các mảng lắng đọng gây xơ vữa động mạch.
  • Trái lại, cholesterol được sáp nhập vào HDL lipoprotein (thường được gọi là HDL cholesterol) sẽ được vận chuyển từ các mô ngoại vi tới gan để được dị hóa tại đó.

Như vậy, dường như LDL cholesterol có liên quan với quá trình gây xơ vữa động mạch (atherogene), trái lại HDL cholesterol lại có liên quang với quá trình dị hóa. Có rất nhiều nghiên cứu tập trung tìm hiểu vai trò của cholesterol trong bệnh tim mạch. Một nồng độ cholesterol máu tăng cao, nhất là khi kết hợp với nồng độ HDL cholesterol thấp được thấy là đi kèm với tăng nguy cơ cho cá thể bị xơ vữa động mạch và bệnh tim do xơ vữa động mạch.

Tại các mô ngoại vi, cholesterol có thể:

  • Tham gia vào quá trình tổng hợp màng tế bào.
  • Tham gia vào quá trình tổng hợp Vit D.
  • Hoặc là khởi điểm của quá trình tổng hợp các hormon sinh dục, các glucorticoid và corticoid chuyển hóa muối nước (mineralocorticoid) ở các tuyến thượng thận.
  • Hoặc lắng đọng trong nội mô mạch với nguy cơ gây mảng vữa xơ động mạch.

Các con đường phản hủy chính đối với cholesterol bao gồm:

  • Gan: Cholesterol có nguồn gốc từ LDL lipoprotein hoặc có thể được tích trữ trong gan hoặc được chuyển dạng thành muối mật và được thải trừ qua ống mật chủ (thể hiện trong chu kỳ gan – ruột).
  • Đường tiêu hóa: chỉ 20% - 40% cholesterol ăn vào được tái hấp thu, phần còn lại được thải trừ trong phân.
  • Thận.
  • Da (bong da).

2. MỤC ĐÍCH VÀ CHỈ ĐỊNH XÉT NGHIỆM

  • Để nghiên cứu các tình trạng rối loạn lipoprotein máu.
  • Để đánh giá nguy cơ hình thành mảng vữa xơ động mạch.
  • Để nghiên cứu chức năng gan.
  • Để hỗ trợ cho chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.

3. CÁCH LẤY BỆNH PHẨM

Xét nghiệm được tiến hành trên huyết thanh.

Cần yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn 12h trước khi lấy máu làm xét nghiệm. Bệnh nhân không được uống rượu trong vòng 24h trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

4. PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG

a. Phương pháp tốt nhất để định lượng cholesterol toàn phần là phương pháp enzym so màu.

b. Định lượng cholesterol trong HDL lipoprotein (HDL cholesterol):

  • Hoặc định lượng trực tiếp bằng phương pháp enzym so màu.
  • Hoặc định lượng bằng phương pháp đo độ đục sau khi làm kết tủa huyết thanh (nếu nồng độ triglycerit <400 mg/dL).
  • Hoặc tính toán (khi nồng độ triglycerit <4,5 mmol/L), dựa vào công thức của Friedewald, sau khi xác định LDL cholesterol:

LDL cholesterol = Cholesterol toàn phần – (triglycerit/2,2 + HDL Cholesterol)

c. Định lượng cholesterol nhập trong LDL lipoprotein (LDL cholesterol):

  • Hoặc định lượng trực tiếp bằng phương pháp enzym so màu.
  • Hoặc định lượng sau khi tách trên cột thạch agar.
  • Hoặc tính toán từ công thức của Friedewald, sau khi xác định HDL cholesterol.

5. GIÁ TRỊ BÌNH THƯỜNG

a. Cholesterol toàn phần

  • <10 tuổi: 100 – 180 mg/dL hay 2,6 – 4,7 mmol/L.
  • 10 – 20 tuổi: 120 – 180 mg/dL hay 3,1 – 4,7 mmol/L.
  • > 20 tuổi: 120 – 200 mg/dL hay 3,1 – 5,2 mmol/L.

b. Giá trị bình thường mong muốn đạt được

  • < 200 mg/dL hay (<5,18 mmol/L).

c. HDL cholesterol

  • Nam: 35 – 54 mg/dL hay 0,9 – 1,4 mmol/L.
  • Nữ: 45 – 64 mg/dL hay 1,1 – 1,7 mmol/L.

d. LDL cholesterol

  • 80 – 150 mg/dL hay 2,1 – 3,9 mmol/L.

e. Tỷ lệ cholesterol/HDL cholesterol

  • Nam: 3,5 – 4,5
  • Nữ: 3,39 – 4,39

f. Giá trị bất thường

  • Cao giới hạn (Borderline High): 200 – 239 mg/dL hay 5,18 – 6,19 mmol/L.
  • Cao: > 239 mg/dL (hay >6,2 mmol/L).

6. TĂNG NỒNG ĐỘ CHOLESTEROL: Các nguyên nhân chính thường gặp

cholesterol1

7. GIẢM NỒNG ĐỘ CHOLESTEROL: Các nguyên nhân chính thường gặp

  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
  • Suy dinh dưỡng.
  • Hội chứng giảm hấp thu (vd: cắt đoạn ruột, viêm tụy mạn, bệnh Crohn).
  • Khẩu phần dinh dưỡng nghèo cholesterol và acid béo bão hòa song lại giàu acid béo không bão hòa.
  • Cường giáp.
  • Bệnh gan nặng với suy gan.
  • Điều trị bằng các thuốc làm giảm lipit máu.
  • Không có beeta lipoprotein máu mang tính chất gia đình.
  • Thiếu máu mạn, thiếu máu ác tính Biermer.
  • Thiếu máu do do tan máu.
  • Nhiễm trùng nặng và sepsis.
  • Tình trạng stress.

8. CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Các thuốc có thể làm tăng nồng độ cholesterol máu là: Thuốc an thần kinh, thuốc chẹn bêta giao cảm, corticosteroid, disulfiram, lanzoprazol, levodopa, lithium, thuốc ngừa thai uống, pergolid, phenobarbital, phenytoin, testosteron, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, ticlopidin, venlafaxin.

Các thuốc có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu là: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, allopurinol, androgen, thuốc làm giảm cholesterol máu, erythromcin, estrogen, filgrastim, levothyroxin, metformin, phenytoin, prazosin, tomoxifen, terazosin.

9. LỢI ÍCH CỦA XÉT NGHIỆM ĐỊNH LƯỢNG CHOLESTEROL

  1. Phát hiện và đánh giá các bệnh nhân có nguy cơ bị vữa xơ động mạch, giúp quyết định các lựa chọn điều trị và để theo dõi hiệu quả của điều trị.
  2. Đánh giá mức độ nặng của một bệnh lý gan.
  3. Điều chỉnh hội chứng giảm hấp thu.
  4. Chẩn đoán, phân loại và theo dõi bệnh nhân tăng lipit máu: gia tăng mạnh nồng độ cholesterol máu > 8,25 mmol/L (3,2 g/L) khẳng định có tình trạng tăng lipoprotein máu và cho phép phân loại khi phối hợp với định lượng nồng độ triglyerid máu: khi nồng độ triglycerid bình thường, có nghĩa là bệnh nhân bị tăng cholesterol máu đơn thuần do tăng gánh LDL – cholesterol; khi nồng độ triglycerid tăng vừa, có nghĩa là bệnh nhân bị tăng lipit máu hỗn hợp; khi nồng độ triglycerit tăng gấp 2–3 lần hơn cholesterol, có nghĩa là bệnh nhân bị tăng triglycerid máu nội sinh do tăng lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL).
Tin mới hơn:
  • 18/11/2013 20:37 - Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân gãy xương
  • 18/11/2013 20:14 - Những điều cần biết về xét nghiệm amylase máu, amy…
  • 18/11/2013 19:58 - Xoa bóp và vận động trị liệu
  • 18/11/2013 14:46 - Một số kinh nghiệm trong việc chẩn đoán bệnh da có…
  • 18/11/2013 14:32 - Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD (phần…
Tin cũ hơn:
  • 14/11/2013 19:47 - Triển khai việc trả kết quả xét nghiệm trên máy vi…
  • 14/11/2013 19:25 - Những điều cần biết khi sử dụng thuốc sát trùng ng…
  • 12/11/2013 21:18 - Tác hại hút thuốc lá đến bệnh lý loét dạ dày tá tr…
  • 11/11/2013 09:02 - Ngưng hút thuốc lá
  • 04/11/2013 20:15 - Tiết thực trên bệnh nhân đái tháo đường
>

Từ khóa » định Lượng Vldl