Những điều Cần Biết Về Xơ Vữa động Mạch Chi Dưới | TCI Hospital

Tại Việt Nam, các bệnh lý tim mạch, trong đó có xơ vữa động mạch chi dưới ngày càng trở nên phổ biến. Bệnh có thể gây đau đớn, hạn chế vận động, cũng có thể không có bất cứ biểu hiện gì nhưng khi phát hiện thì đã biến chứng tới tim, não rất nguy hiểm. Cùng tìm hiểu xơ vữa ở động mạch chi dưới là gì, nguyên nhân và cách điều trị ra sao qua bài viết dưới đây. 

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Xơ vữa động mạch chi dưới là bệnh gì?
  • 2. Bệnh có nguy hiểm không?
  • 3. Nguyên nhân gây bệnh
    • 3.1  Tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì
    • 3.2 Hút thuốc lá
    • 3.3 Lười hoạt động thể chất
    • 3.4 Chế độ ăn uống không lành mạnh
    • 3.5 Tiền sử gia đình
  • 4. Dấu hiệu cho thấy có xơ vữa ở động mạch chi dưới
  • 5. Chẩn đoán xơ vữa ở động mạch chi dưới
  • 6. Điều trị và phòng bệnh xơ vữa động mạch chân
    • 6.1 Các phương pháp điều trị xơ vữa động mạch chi dưới
    • 6.2 Biện pháp phòng ngừa xơ vữa động mạch chi dưới
      • – Ngưng thuốc lá
      • – Kiểm soát đường huyết
      • – Luyện tập thể thao
      • – Chế độ ăn
      • – Chế độ sinh hoạt

1. Xơ vữa động mạch chi dưới là bệnh gì?

Xơ vữa ở động mạch chi dưới là tình trạng động mạch chi dưới bị thu hẹp, khiến một phần hay toàn bộ chi này không được cung cấp đầy đủ máu, vì thế không đáp được các hoạt động sinh lý của chi dưới. 

Tại Việt Nam, các bệnh lý tim mạch nói chung xuất hiện ngày càng nhiều, liên quan chặt chẽ tới các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì… Bệnh động mạch chi dưới mạn tính và các biến chứng của nó cũng ngày càng phổ biến hơn.

Xơ vữa động mạch chi dưới là hiện tượng tích tụ chất béo ở động mạch chân, làm giảm lượng máu nuôi chi.

Xơ vữa động mạch chi dưới là hiện tượng tích tụ chất béo ở động mạch chân, làm giảm lượng máu nuôi chi.

2. Bệnh có nguy hiểm không?

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong, tỉ lệ tử vong do bệnh này chỉ khoảng 1% nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt, khả năng làm việc và lao động của người bệnh. Động mạch chi dưới không được cung cấp đủ máu gây gây đau chi dưới, khiến người bệnh đi lại khó khăn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bệnh có thể gây hoại tử vì tắc mạch, dẫn đến tàn phế, khiến người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguy hiểm hơn, sự tắc nghẽn ở chi dưới còn liên quan đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Những người bị vữa xơ động mạch chi dưới thường kèm theo xơ vữa ở động mạch vành và động mạch não. Người bệnh có thể chết vì các biến chứng ở tim như nhồi máu cơ tim, đột tử hoặc tai biến mạch máu não. Các thống kê cho thấy trong số những người tử vong vì bệnh xơ vữa động mạch chân có tới 55% có biến chứng ở tim và 10% có tai biến mạch máu não.

Đặc biệt, việc điều trị bệnh dù theo phương pháp nào cũng như phục hồi chức năng đều gặp rất nhiều khó khăn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay chưa xác định nguyên nhân chính khiến động mạch chi dưới bị xơ vữa. Tuy nhiên, một số bệnh lý hoặc thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: 

3.1  Tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì

Tiểu đường thúc đẩy quá trình xơ vữa chung, gây ra các biến chứng thiếu máu ở các mạch máu ngoại biên, bệnh thần kinh ngoại biên và giảm sức đề kháng với tác nhân nhiễm trùng. Các yếu tố này dễ dẫn đến loét chân và nhiễm trùng bàn chân. 

3.2 Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Thuốc lá làm gia tăng LDL và giảm HDL-cholesterol, thúc đẩy co mạch ở các mạch máu xơ vữa. Ngoài ra, khói thuốc lá làm gia tăng kết dính tiểu cầu, tăng fibrinogen, HCT và hậu quả tăng độ quánh của máu. 

3.3 Lười hoạt động thể chất

Lối sống tĩnh tại là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh động mạch ngoại biên nói riêng.

Đau cách hồi là triệu chứng đặc trưng của bệnh này nhưng chỉ 30% biểu hiện.

Đau cách hồi là triệu chứng đặc trưng của bệnh này nhưng chỉ 30% biểu hiện.

3.4 Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn không lành mạnh có thể làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

3.5 Tiền sử gia đình

Những người có người thân mắc bệnh tim mạch có nguy cơ bị xơ vữa cao hơn người bình thường.

4. Dấu hiệu cho thấy có xơ vữa ở động mạch chi dưới

Đau cách hồi ở bắp chân hoặc đùi, một bên hoặc 2 bên là một triệu chứng điển hình của bệnh này. Hầu hết các bệnh nhân ở giai đoạn đầu sẽ cảm thấy đau khi đi lại, đỡ đau khi dừng, nghỉ và lại đau khi tiếp tục đi. Khoảng cách quãng đường giữa các lần đau càng ngắn thì mức độ xơ vữa càng nặng. Ban đầu, bệnh nhân có thể đi khoảng 1.000 mét mới thấy đau, nhưng nếu bệnh nặng thì có thể chỉ đi 200 mét hoặc ít hơn đã đau. Thậm chí người bệnh có thể đau cả khi không đi lại, khi nghỉ ngơi. 

Tuy đây là triệu chứng đặc trưng nhưng chỉ có khoảng 30% người bệnh có triệu chứng này, 60% là không có triệu chứng. Do vậy, đa phần bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn,  người bệnh khi đến khám ngồi tại chỗ cũng đau.

5. Chẩn đoán xơ vữa ở động mạch chi dưới

Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh, các bác sĩ sẽ bắt mạch ngoại vi hoặc đo huyết áp ở cổ chân để đánh giá mức độ lưu thông của máu qua động mạch chi dưới qua chỉ số ABI. 

ABI 0,9-1,3: hệ thống động mạch bình thường hoặc có tổn thương động mạch nhưng không gây hậu quả về huyết động.

ABI 0,75-0,9: có tắc nghẽn động mạch chi dưới, tuy nhiên còn vẫn có khả năng bù trừ.

ABI 0,4-0,75: việc bù trừ chỉ đủ cấp máu cho nhu cầu chuyển hóa lúc nghỉ.

ABI < 0,4: giai đoạn bệnh nặng, mảng xơ vữa gây ảnh hưởng đến chức năng của chi, gây hậu quả nghiêm trọng về huyết động.

Một số phương pháp giúp đánh giá chính xác mức độ tổn thương của động mạch chi dưới gồm:

– Siêu âm mạch máu

– Chụp cắt lớp đa dãy (MSCT) mạch máu 

Đây là những phương pháp chẩn đoán giúp xác định được mức độ hẹp mạch máu, vị trí chính xác của mạch máu bị hẹp, nhờ đó bác sĩ các bác sĩ có phương án điều trị phù hợp.

Muốn phát hiện sớm và chính xác hiện tượng xơ vữa động mạch ở chi dưới, bạn cần được khám bởi các chuyên gia giỏi và hệ thống máy móc hiện đại.

Muốn phát hiện sớm và chính xác hiện tượng xơ vữa động mạch ở chi dưới, bạn cần được khám bởi các chuyên gia giỏi và hệ thống máy móc hiện đại.

6. Điều trị và phòng bệnh xơ vữa động mạch chân

6.1 Các phương pháp điều trị xơ vữa động mạch chi dưới

Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Hầu hết các  bệnh nhân có xơ vữa ở động mạch chi dưới đều được điều trị bằng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các thuốc được dùng cho các bệnh nhân này thường gồm:

– Thuốc điều trị huyết khối: Giúp chống tình trạng tập kết tiểu cầu

– Thuốc vận mạch: Giúp điều hòa lưu huyết, giảm tình trạng kết tập tiểu cầu, tăng cường máu nuôi dưỡng chi.

Các loại thuốc này chỉ mang tính tham khảo và không thể áp dụng chung cho tất cả các trường hợp. Muốn biết loại thuốc phù hợp với mình và cách sử dụng phù hợp, bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi hoặc đi khám để được chẩn đoán và kê đơn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Nếu việc sử dụng thuốc không có tác dụng, động mạch chi dưới bị tắc hẹp quá nhiều, bệnh nhân có thể được đề nghị các biện pháp nhằm tái thông động mạch, chấm dứt những khó chịu và ngăn nguy cơ cắt cụt chi do hoại tử.

6.2 Biện pháp phòng ngừa xơ vữa động mạch chi dưới

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đến từ các yếu tố về lối sống nên thay đổi lối sống là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Cụ thể:

– Ngưng thuốc lá

Việc ngưng thuốc lá giúp làm giảm triệu chứng bệnh. Ngoài việc giáo dục và ý thức tự giác, các biện pháp cai thuốc bằng dược phẩm cũng được khuyến cáo. Các thuốc được sử dụng để cai thuốc bao gồm thuốc thay thế nicotine, bupropion có hiệu quả lần lượt là 16 và 30% ngưng hút thuốc.

– Kiểm soát đường huyết

Việc kiểm soát tốt đường huyết phải đạt được với HbA1C trong khoảng 6-7% vì theo các nghiên cứu, đích này của điều trị sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng vi mạch.

– Luyện tập thể thao

Người bệnh luyện tập để cải thiện chức năng, gia tăng kỹ năng đi bộ, cải thiện được mức độ nặng của đau khập khiễng cách hồi, chế độ luyện tập có thể sử dụng đi trên thảm lăn hoặc đi bộ trên đường đủ cường độ để tạo ra khập khiễng cách hồi sau đó sẽ nghỉ cho đến khi hết đau và tập lại. Mỗi đợt tập luyện kéo dài 30-60 phút. Mỗi đợt tập luyện tiến hành 3 lần trong tuần và trong 3 tháng.

– Chế độ ăn

Cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu cholesterol như mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà, các loại thịt đỏ, dầu dừa, lòng lợn, lòng trâu, bò và hạn chế ăn tôm, trứng…

Nên ăn các thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ, ăn nhiều cá, tăng cường lượng rau xanh, hoa quả…

– Chế độ sinh hoạt

Nên tập các bài tập nhẹ nhàng như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tùy sức để tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, giảm huyết áp. Đồng thời tránh căng thẳng quá mức, cố gắng vui vẻ.

Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh xơ vữa động mạch chi dưới để chủ động nhận biết và phát hiện bệnh. 

Từ khóa » Xơ Vữa Mạch Máu Chân