Những điều Cần Biết Về Xuất Huyết Tiêu Hóa Dưới - FAMILY HOSPITAL

1. Thế nào là xuất huyết tiêu hóa dưới? Xuất huyết tiêu hóa dưới hay còn gọi là xuất huyết tiêu hóa thấp là sự đào thải một số lượng máu từ vị trí đường tiêu hóa bị tổn thương (ruột non, đại tràng, trực tràng) đi qua ống hậu môn thoát ra ngoài.

2. Những nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa dưới? – Tổn thương hậu môn (trĩ, nứt hậu môn) – Chấn thương trực tràng, viêm trực tràng – Viêm đại tràng (viêm loét đại tràng, viêm đại tràng nhiễm trùng) – Polyp đại tràng, carcinoma đại tràng, loạn sản mạch máu (giãn mạch máu) – Bệnh túi thừa đại tràng, ruột non – Các nguyên nhân ít gặp khác: dò hẹp động mạch chủ ruột non, vỡ phình động mạch chủ bụng, Hemophilia, giảm tiểu cầu, dùng thuốc kháng đông, giảm chức năng tiểu cầu, suy thận mãn,…

3. Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? – Đi cầu máu đỏ tươi lẫn phân hoặc sau phân – Đi cầu phân đen lẫn máu đỏ nếu thời gian lưu thông ruột đủ. Đôi khi máu chảy ồ ạt ở thực quản, dạ dày, tá tràng cũng ra máu đỏ tươi, cần phân biệt – Máu chảy rỉ rả tồn đọng trong ruột sẽ có biểu hiện phân đen sệt có mùi tanh – Mệt mỏi, choáng do mất máu nhiều

4. Điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới như thế nào? 4.1. Mục tiêu điều trị – Giảm shock do mất máu cho bệnh nhân. – Điều trị nguyên nhân gây xuất huyết đem lại sự an toàn cho bệnh nhân.

4.2. Điều trị cụ thể – Điều trị nội khoa: nội soi đại tràng và kẹp cầm máu qua nội soi, hoặc truyền máu. – Điều trị ngoại khoa: khi không đáp ứng điều trị nội khoa, thì bệnh nhân có thể được mổ hở hoặc mổ nội soi để khâu ổ xuất huyết.

5. Xuất huyết tiêu hóa dưới có thể gây nên các biến chứng nào? Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ bị sốc do giảm thể tích máu đột ngột, dễ dẫn đến khó thở, co giật do thiếu oxy não,… có thể dẫn đến tử vong.

6. Những lưu ý trước, trong và sau điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới là gì? 6.1. Trước điều trị – Đặt tư thế nằm đầu bằng hoặc kê gối mỏng dưới vai, nghiêng người sang trái. – Hướng dẫn thay đổi tư thế nhẹ nhàng. – Khai rõ các triệu chứng cho nhân viên y tế, làm các xét nghiệm kiểm tra theo yêu cầu của bác sỹ.

6.2. Trong điều trị – Tuyệt đối không vận động mạnh hay di chuyển nhiều – Giữ cho tinh thần thư giãn thoải mái, tránh xa áp lực, căng thẳng hay suy nghĩ tiêu cực, có thể tìm đến các giải pháp như nghe nhạc, đọc sách báo, trò chuyện cùng người thân – Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ – Ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, canh hầm nhừ và có thể uống sữa, nên ăn lượng thức ăn ít, chia nhỏ bữa ăn, tránh để bụng quá đói hay quá no.

6.3. Sau điều trị – Nếu thấy có các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên tới bệnh viện để kiểm tra – Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ – Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, các hoa quả tươi vào khẩu phần ăn hằng ngày

– Bổ sung lượng nước mà cơ thể cần 2- 2.5 lít mỗi ngày để hệ thống tiêu hóa làm việc tốt hơn – Cần chế biến thức ăn chín hoàn toàn, chia làm nhiều bữa nhỏ, khi hệ thống tiêu hóa đang tổn thương nên ưu tiên cháo, súp.. – Cần có lối sống lành mạnh, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao thể trạng.

7. Làm thế nào để dự phòng xuất huyết tiêu hóa dưới? – Tránh xa các thức uống chứa cồn và các chất kích thích như rượu bia, trà đặc, cà phê – Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mớ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hoặc quá nóng – Bản thân có tiền sử bị bệnh đường tiêu hóa thì nên thăm khám kiểm tra định kì

Nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần

– Hạn chế dùng các loại thuốc có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa. Nếu sử dụng các thuốc có nguy cơ gây xuất huyết cần theo chỉ dẫn của bác sỹ, theo dõi các dấu hiệu sau và đi khám kiểm tra ngay: + Chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất + Thiếu máu: da xanh, niêm nhợt. + Thở nông nhanh nếu mất máu nhiều + Rối loạn tri giác: lơ mơ, mê nếu thiếu máu nặng và sốc

Từ khóa » Chẩn đoán Xuất Huyết Tiêu Hóa Dưới