Những điều Cần Lưu ý Khi Nuôi Tôm Sú - UBND Tỉnh Cà Mau
Có thể bạn quan tâm
* TS. Nguyễn Thanh Phương: Những khuyến cáo đáng lưu ý về kỹ thuật kiểm tra PCR: Đây là một kỹ thuật tương đối hiện đại, có độ chính xác cao giúp bà con biết được các bệnh xuất hiện trên tôm ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên kỹ thuật này có thể cho một số kết quả khác nhau từ các phòng thí nghiệm khác nhau với nhiều lý do như: sai số trong quá trình phân tích, loại hóa chất mà từng phòng thí nghiệm sử dụng, tay nghề của người thực hiện, cách bà con thu mẫu để gởi đến phòng thí nghiệm,… Đối với việc thu mẫu để kiểm tra, bà con nên lấy ở nhiều vị trí khác nhau rồi trộn lại cuối cùng thu một mẫu khoảng 200 – 300 con, gởi lên các phòng thí nghiệm thì các kết quả kiểm tra sẽ chính xác hơn.
Hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm kiểm tra PCR nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiểm tra chất lượng con giống trước khi mua thả nuôi. Nhưng do kinh phí kiểm tra bằng PCR còn rất cao, nên một số bà con còn e ngại. Để tiết kiệm chi phí, trước khi lấy mẫu gởi đi kiểm tra, xác định tôm có nhiễm bệnh đốm trắng hay đầu vàng không? Bà con nên dùng phương pháp cảm quan để xem bể tôm mà mình dự định mua có tốt hay không? Sau đó có thể sử dụng Formol để gây sốc, nếu như con tôm có chất lượng tốt thì mới lấy cái mẫu đó gởi đi phân tích. Những mô hình thâm canh và bán thâm canh, bà con nên sử dụng phương pháp PCR để xét nghiệm con giống để an toàn hơn. Đối với các mô hình quảng canh cải tiến, mô hình luân canh lúa tôm thì không nhất thiết phải kiểm tra PCR mà có thể dùng các biện pháp xét nghiệm gây sốc hoặc là cảm quan để chọn con giống tốt. * Hỏi: Có thể dùng các thức ăn cho tôm ăn được chế biến từ các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc hay không. Thức ăn chính của tôm sú ngoài môi trường tự nhiên là gì? Đáp (ThS. Trần Thị Thanh Hiền): Các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc lớn khi chuyển sang sản xuất thức ăn cho tôm có đủ vốn đầu tư, thiết bị thì họ có thể chế biến được thức ăn cho tôm đạt chất lượng. Nhưng các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhỏ thì hiện nay vẫn chưa đạt theo tiêu chuẩn với hai lý do: + Về giá trị dinh dưỡng của thức ăn: con tôm có nhu cầu dinh dưỡng rất cao nhất là đạm phải trên 35%. Nguồn nguyên liệu phải có chất lượng cao ví dụ như bột cá phải có hàm lượng đạm trên 60% và độ mặn nhạt hơn 5%. Các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật không thích hợp để chế biến thức ăn cho tôm. + Về công nghệ chế biến: phải đảm bảo viên thức ăn chế biến đạt tiêu chuẩn, có độ kết dính tốt, có mùi đặc trưng, kích cỡ phù hợp. Do đó các thiết bị phải có công nghệ cao từ khâu nghiền tới khâu ép viên. Nếu sử dụng các thiết bị không đạt tiêu chuẩn, viên thức ăn khi sản xuất ra cho tôm ăn sẽ tan rất nhanh, hiệu quả bắt mồi của tôm giảm và làm ảnh hưởng môi trường nuôi. Tôm ở giai đoạn nhỏ (giai đoạn ấu trùng) thường ăn tảo hoặc các phiêu sinh vật trôi nổi trong môi trường nước. Khi trưởng thành nó sẽ di chuyển xuống ăn các động vật dưới đáy như giáp xác, tôm cua nhỏ, giun… và xác của các động vật thối rữa là thức ăn rất ưa thích của tôm sú ngoài tự nhiên. * Hỏi: Khi đi mua tôm giống làm thế nào để nhận biết được là giống tốt hay xấu? Để đảm bảo chất lượng của tôm giống nên đến nơi nào mua là tốt nhất? Nếu vận chuyển đường xa nên làm thế nào để không ảnh hưởng đến con giống. Những con giống ở nơi khác mang đến thì nên làm thế nào để có thể phù hợp với môi trường nước trong ao nuôi ở địa phương? Đáp (ThS. Trần Công Bình): Để đánh giá chất lượng tôm giống ta có thể tiến hành các bước như sau: 1. Đánh giá bằng cảm quan: quan sát bầy tôm giống để xem tôm có khỏe hay không. Vì sức khỏe của con tôm có thể biểu hiện bên ngoài qua hoạt động, hình dạng, màu sắc. Một bầy tôm giống khỏe thì phải đồng màu, đồng cỡ, không dị dạng. Đầu tôm không bị cụt, hoặc là quẹo cong qua một bên (thường gọi là bị “te đầu”). Con tôm giống tốt phải có râu khép, đuôi xòe (giai đoạn P12, P13). Để kiểm tra hoạt động của tôm, bà con có thể bỏ tôm vào trong thau khi tôm phân bố đều, bà con gõ nhẹ vào thành thau, nếu thấy tôm búng lên rất nhanh và khi quay nhẹ dòng nước tôm có khuynh hướng bơi ngược dòng hoặc quay đầu lại tức là tôm khỏe. Bà con có thể quan sát khả năng bắt mồi của con tôm bằng cách dùng một cái ly thủy tinh, múc tôm lên quan sát ra phía ngoài ánh sáng, nếu thấy ruột của tôm có thức ăn liên tục thì đó là tôm khỏe, nếu ruột tôm trống rỗng hoặc bị đứt khúc tức là tôm đã bắt mồi kém hoặc thiếu thức ăn và như thế tôm giống không được tốt. 2. Đánh giá sức khỏe bên trong: chúng ta có thể đánh giá gián tiếp sức khỏe của tôm giống thông qua kỹ thuật gây sốc bằng hóa chất thông thường là formalin (hay formol) nồng độ 200ppm (200 phần triệu) trong vòng nửa giờ. Để tiến hành, bà con dùng một cái xô đựng 10 lít nước pha vào 2cc formol, sau đó thả vào khoảng 100-200 con tôm giống. Nửa giờ sau đếm số tôm chết lắng ở dưới đáy xô, nếu số tôm chết không quá 5% số tôm thả vào thì bầy tôm đó đạt yêu cầu. Nếu thực hiện được 2 khâu nêu trên thì bà con có thể yên tâm về chất lượng tôm giống mang đi thả nuôi. Tuy nhiên, để cho chính xác hơn trong một số mô hình nuôi có đầu tư cao như mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh thì bà con nên tiến hành thêm một bước kiểm tra theo kỹ thuật PCR. Khi vận chuyển tôm giống đi xa bà con cần chú ý: mật độ tôm giống vừa phải, thường khoảng 1.000 con tôm/1 lít nước. Không nên vận chuyển lúc trời nóng vì sẽ làm tôm bị hao hụt, yếu đi và chúng ăn nhau rất nhiều (tốt nhất là khoảng 20 –220 C). Thời gian vận chuyển tốt nhất trong vòng 5 tiếng đồng hồ, nếu vận chuyển đi xa có xe bảo ôn bảo đảm được nhiệt độ thì thời gian vận chuyển tối đa khoảng18 tiếng đồng hồ. Trước khi thả tôm xuống ao nuôi, chúng ta cần kiểm tra độ mặn và nhiệt độ của nước mà chúng ta vận chuyển tôm giống và nước ao nuôi. Nếu độ mặn chênh lệch không quá 3%0 (phần ngàn) thì bà con có thể tiến hành thả tôm và phải cân bằng nhiệt độ. Nếu độ mặn hơn 3%0, chúng ta phải làm cân bằng cách lấy nước ở dưới ao nuôi tôm cho chảy từ từ vào cái xô hay cái thau đựng tôm giống với tốc độ làm sao hạ độ mặn xuống khoảng 1 -2%0 trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Sau khi trung hòa được độ mặn giữa bên trong xô và bên ngoài ao chúng ta có thể tiến hành thả tôm. Để cho tôm quen với môi trường nước ao, nên đặt thau dưới ao cho nước vào từ từ để cân bằng nhiệt. Nếu tôm ở trong bao thì nên để bao tôm trên mặt nước khoảng 15 phút cho nhiệt độ nước bên trong và bên ngoài bằng nhau sau đó chúng ta sẽ thả. Ngoài chất lượng tôm giống tốt và vận chuyển thuần hóa đúng kỹ thuật, để có tỷ lệ tôm sống cao đòi hỏi ao nuôi phải được cải tạo thật kỹ, sạch và nước ao phải được gây màu đầy đủ khoảng 30-35 phân. * Hỏi: Có thể thả tôm sú xuống ruộng với mật độ thưa để tự kiếm thức ăn, để không gây ô nhiễm nguồn nước và ít mầm bệnh có được hay không? Đáp (TS. Nguyễn Thanh Phương): Khi áp dụng mô hình luân canh tôm sú – lúa, bà con nên thả ở mật độ không quá 3 con tôm bột/m2 . Nếu ruộng có khả năng bơm nước, có bờ giữ nước tốt thì mật độ thả có thể lên 4-5 con/m2. Với mật độ 3 con/m2 bà con có thể bổ sung thức ăn định kỳ bằng lượng thức ăn tự chế hoặc từ các cơ sở sản xuất. Khi mật độ nuôi thấp môi trường sẽ ít bị ô nhiễm, tôm sống thoải mái hơn, ít bệnh hơn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý mực nước trong ruộng phải đảm bảo ở mức 30-40 cm để tôm có điều kiện sinh sống tốt. Khi thật cần thiết bà con có thể thay nước nhưng cần chú ý đến hệ thống kinh rạch bên ngoài vì có nhiều mầm bệnh. Nếu thay nước nhiều quá mầm bệnh ở bên ngoài kinh có thể vào ruộng nuôi và sẽ ảnh hưởng đến con tôm nuôi.
* Hỏi: Cách khắc phục khi tôm bị mềm vỏ? Khi tôm được nuôi ở nước ngọt dễ bị mềm vỏ hơn tôm nuôi ở nước mặn có đúng không? Cách bảo quản tôm sau khi thu hoạch để không bị giảm giá trị sản phẩm?
Đáp (ThS. Trần Thị Thanh Hiền): Có 2 nguyên nhân gây bệnh mềm vỏ trên tôm: Môi trường nuôi: những vùng nước lợ nhạt hoặc vùng nước ngọt có lượng Canxi và độ kiềm thấp ảnh hưởng đến sự hình thành vỏ của tôm. Các ao nuôi trong vùng nước thải công nghiệp, thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân gây bệnh mềm vỏ. Thức ăn: Tôm cần có một lượng khoáng đặc biệt là Canxi và Phospho để hình thành vỏ. Và vitamin D giúp cho quá trình hấp thu khoáng của con tôm được tốt hơn. Để khắc phục bệnh mềm vỏ bà con nên chú ý: + Đảm bảo độ pH từ 7,5-8,5 và duy trì độ kiềm trong ao. Bà con nên bón vôi với liều lượng 10-15kg/1000m 3mặt nước. + Chọn thức ăn đủ dinh dưỡng, đủ lượng Canxi và Phospho theo tỷ lệ 1:1 tức là 1 canxi 1 phospho. Không nên bổ sung nhiều canxi vào trong thức vì nếu lượng canxi trên 2,3% thức ăn thì sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu các chất khoáng của tôm. Để đảm bảo chất lượng tôm tốt khi thu hoạch phải đảm bảo 3 vấn đề: “nhanh, sạch và lạnh”, tuyệt đối không đổ tôm xuống đất. Phải giết tôm ngay để tránh tôm bị hư hỏng và xây xát. Bà con có thể dùng một thùng sạch để trong đó 10 lít nước và 10 kg nước đá vụn, khi nước đá vừa tan nhiệt độ khoảng 00C, thả vào 20kg tôm để trong vòng 30 phút. Sau đó vớt tôm ra và để trong thùng “mốp” cứ một lớp đá mịn rồi tới một lớp tôm, độ dày của mỗi 1 lớp nước đá 1 lớp tôm không quá 1 tấc. Để bảo quản lạnh 10 kg tôm thì cần khoảng 15-20 kg nước đá tùy theo thời gian bảo quản. Thời gian từ lúc thu hoạch xong chở tới nhà máy chế biến không quá 24 giờ. Tuyệt đối không sử dụng muối hay hóa chất bảo quản. * Hỏi: Nguyên nhân tôm bị bệnh đốm trắng và đầu vàng, cách khắc phục? Đáp (ThS. Trần Công Bình): Bệnh đốm trắng và đầu vàng trên tôm do virus gây ra và không có thuốc trị.Virus có trong nguồn con giống và qua các ký chủ trung gian như tôm tép, cua còng sống trong nước. Tôm bị bệnh đốm trắng thường xuất hiện những đốm trắng nhỏ trên vỏ tôm, đặc biệt trên vỏ đầu và vỏ đốt thứ 6 (đốt cuối cùng), bệnh thường xảy ra trong vòng 30-90 ngày sau khi thả, tập trung nhất từ 30-60 ngày. Tôm bị bệnh đầu vàng trên đầu chỉ ửng vàng lên một chút xíu, xuất hiện trong khoảng 20-70 ngày sau khi thả. Hai bệnh này có khả năng gây chết rất nhanh và thiệt hại đến 100% trong vòng 2-7 ngày sau khi thấy tôm tấp vào bờ. Thường trước khi tôm chết khoảng 1-2 tuần, tôm tự nhiên ăn lên rất là nhiều. Khi gặp tình trạng này, bà con cần tìm cách cải thiện môi trường sớm để hạn chế mầm bệnh và tỷ lệ chết sẽ ít hơn. Để phòng bệnh do virus cần hạn chế sự xâm nhập của virus vào trong ao nuôi tôm, quản lý môi trường ao nuôi tôm ổn định, tránh gây sốc cho tôm. Nguồn nước khi lấy vô phải qua lưới lọc không cho ký chủ mang mầm bệnh vào ao. Dùng hóa chất để diệt những virus lơ lửng trong nước ao đối với mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh. Hoặc có thể qua ao lắng trên 5 ngày để mầm virus này chết đi trước khi đưa vào ao nuôi tôm đối với mô hình nuôi quảng canh. Bà con có thể dùng chlorin xử lý nước 2 tuần trước khi thả tôm để diệt tôm tép tạp hay cua còng mang mầm bệnh và cũng để an toàn cho tôm. Khi tôm được 1 tháng tuổi định kỳ 10 ngày/lần để xử lý nước ao bằng thuốc hay hóa chất khử trùng. Ngoài ra trong quá trình nuôi, tôm còn có một số bệnh khác như bệnh đốm rong hay bệnh đen men, bệnh ăn mòn phụ bộ. Đây là những bệnh thông thường, rất dễ khắc phục gây ra chủ yếu do mội trường nước ao xấu đi. Có thể cải thiện bằng các loại thuốc (hóa chất) bán trên thị trường. TS (Nguyễn Thanh Phương) trao đổi một số vấn đề về nuôi tôm sạch: Sản phẩm sạch đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn đặc biệt là không ô nhiễm, không nhiễm các hóa chất hoặc những thuốc cấm sử dụng, không nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Để có sản phẩm sạch cần phải có một qui trình từ khâu nuôi đến khâu thu hoạch, chế biến và sau đó bán ra.
+ Thứ nhứt phải có khâu chuẩn bị ao, sên vét ao, sử dụng các loại hóa chất gì để đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh. + Thứ hai là chất lượng con giống tốt không nhiễm mầm bệnh. + Thứ ba là vấn đề sử dụng thức ăn và phân bón trong ao nuôi. Thức ăn không được chứa các chất kháng sinh hoặc hóa chất ảnh hưởng đến sản phẩm. Việc quản lý môi trường ao nuôi cần phải đặt lên hàng đầu nhất là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Việc sử dụng thuốc hạn chế bệnh cần phải chú ý đến dư lượng trong con tôm, nên dùng các biện pháp sinh học. Đặc biệt khâu thu hoạch có tính chất quyết định đối với sản phẩm của chúng ta. * Hỏi: Tại sao tôm chậm lột xác và lột xác không đều? Nguyên nhân? Nên dùng thuốc lột xác cho tôm hay không. Biện pháp nào cho tôm lột xác đồng đều và hiệu quả nhất? Đáp (ThS.Trần Thị Thanh Hiền): Tôm chậm lột xác chủ yếu do: thiếu dinh dưỡng, không đủ chất để làm đầy trong vỏ của nó nên nó không nứt vỏ ra để lột xác, môi trường không tốt hoặc trong quá trình nuôi tôm bị bệnh đốm rong. Để cho con tôm lột xác đều và phát triển tốt ngoài việc quản lý môi trường tốt, bà con cần quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho tôm. Cần cho con tôm ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng , cung cấp đầy đủ các lượng khoáng cần thiết để nó hình thành vỏ mới hoàn chỉnh và cơ thể của nó sinh trưởng tốt. Nếu tôm nuôi lâu lột xác bà con cũng có thể thay nước, việc thay nước sẽ kích thích tôm lột xác vì tôm thường lột xác khi con nước rong. Bà con không nên nóng vội sử dụng các loại thuốc lột xác cho tôm vì khi vỏ mới chưa hình thành mà tôm lột xác sẽ dễ làm tôm chết, chỉ sử dụng khi nào tôm bị bệnh đốm rong không thể lột xác được.
Nguồn: kỹ thuật nuôi tôm
Từ khóa » Hình ảnh Tôm Sú đẹp
-
Tôm Sú Là Gì? Giá Bao Nhiêu? Các Loại Tôm Sú, Gợi ý Món ăn Và Cách ...
-
Hình ảnh Tôm Sú
-
Có Bao Nhiêu Loại Tôm Phổ Biến? Mẹo Phân Biệt Các Loại Tôm
-
Hình ảnh Tôm Sú Lớn! Mua Tôm Sú Giá Tốt ở đâu Tại HCM?
-
Tôm Biển Tươi Sống - Fresh Sea Food
-
Hình ảnh Tôm Sú Mẹ! Tôm Sú Chế Biến Món Gì Ngon Ngon!
-
Đặc điểm Của Tôm Sú Và Cách Chế Biến đơn Giản, Ngon Nhất
-
Con Tôm Hình ảnh - PxHere
-
Tổng Hợp Các Loại Tôm, Cách Phân Biệt & Giá Từng Loại Tôm - VinID
-
TÔM SÚ RANG BƠ TỎI - Quá Ngon Food
-
Tôm Sú Tươi Sống
-
Tôm Sú - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Hướng Dẫn Phân Biệt Các Loại Tôm Phổ Biến Và Cách Chọn Tôm Tươi ...