Những điều Cần Thiết Cho Giáo Lý Hôn Nhân

Những điều cần thiết cho Giáo lý hôn nhân

Hôn nhân là một ơn gọi. Hai vợ chồng được mời trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa qua phối hợp trong tình yêu (St 1, 26-18). Hơn nữa, Chúa Giêsu sống trần gian ba mươi ba năm, nhưng đã dành suốt ba mươi năm sống trong gia đình Nazaret. Cho thấy hôn nhân và gia đình có tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ.

Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, đôi bạn nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước. Tuy nhiên, khi nhìn đến hiện trạng “hoàn cảnh của các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu chỉ cho thấy ơn cứu độ của Đức Kitô đang tác động trong thế gian, một số dấu hiệu khác là dấu hiệu cho thấy sự từ chối của con người” (FC 6). Cuộc sống đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, không thiếu những dấu hiệu cho thấy sự thoái hóa đáng lo ngại như: bất hòa, ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng; dẫn đến tình trạng con người không có “mái nhà chung”, hay “sống thử” trước hôn nhân, và nhiều vấn đề nan giải khác. Do đó, NHỮNG CHUẨN BỊ CẦN THIẾT CHO GIÁO LÝ HÔN NHÂN là điều chúng ta cần quan tâm.

1. Nội dung giáo lý

Để xây dựng gia đình tốt, cần chuẩn bị cho các bạn trẻ kỹ lưỡng trước khi thực sự kết hôn. Vì thế cùng với Giáo hội toàn cầu, các bạn trẻ muốn kết hôn tại các Nhà thờ cần phải ghi danh ít nhất là 6 tháng trước, tốt nhất là một năm trở lên. Ủy ban Giáo Dục Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục VN cũng hiểu được “tương lai nhân loại sẽ đến ngang qua gia đình” (GĐ86) nên cho chúng ta một chương trình giáo lý hôn nhân nhấn sâu hơn về ơn gọi hôn nhângia đình là Hội Thánh tại gia để bạn trẻ có một cái nhìn xuyên suốt về hôn nhân và gia đình, có thêm kiến thức tổng hợp về các luân lý, tâm lý, tính dục, xã hội để nhờ đó bạn trẻ thống nhất đời sống.

Nhưng trên thực tế cho thấy tại nhiều lớp giáo lý hôn nhân mà chúng ta có dịp hướng dẫn, không thiếu những bạn trẻ mặc dù sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, đã được rửa tội, nhưng không được dạy giáo lý cho cẩn thận hay chưa hoàn thành quãng đường giáo lý khai tâm Kitô giáo, hoặc đã rời xa đức tin; hoặc khi còn là một em thiếu nhi, đã được học giáo lý phù hợp với tuổi, nhưng sau đó đã bỏ không hành đạo gì nữa, và khi đứng tuổi chỉ còn biết ấu trĩ về tôn giáo; đến những người do điều kiện sinh sống, không bao giờ được giáo dục về đức tin của mình, nên khi trưởng thành, họ chẳng khác gì người dự tòng xét về đời sống đức tin (x Th DGL 44).

Vì thế, ngoài chương trình giáo lý dù có sẵn thiết nghĩ chúng ta cần ôn lại kiến thức giáo lý căn bản trên trục : Tín lý – Bí tích và phụng vụ – luân lý để củng cố nền đức tin Kitô giáo; đồng thời cũng nên có các khóa học Dự Bị Hôn Nhân. Cùng chuẩn bị cho bạn trẻ: đời sống đức tin vững mạnh, trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình, và Kỹ năng tâm lý đón nhận sự thật.

2. Chuẩn bị đời sống đức tin vững mạnh

Như đã nói ở trên, học viên lớp giáo lý hôn nhân lắm khi là những bạn trẻ đã bỏ học giáo lý nhiều năm, hay do nhiều năm không thực hành đạo nên kiến thức tôn giáo gần như quên hết. Vì thế việc đào sâu hơn kiến thức kitô giáo là điều cần thiết để “họ đứng vững,để sống trong một thế giới mà phần lớn không biết về Thiên Chúa hay tôn giáo, thường sa lầy trong sự lãnh đạm và sa lầy tất cả. Họ cần được hướng dẫn về Giáo lý để luôn sáng suốt và mạch lạc trong đức tin của mình, bình tĩnh và khẳng định mình là Kitô hữu và Công giáo, “nhìn thấy cái vô hình” và bám chặt vào cái tuyệt đối của Thiên Chúa đến nỗi họ có thể làm chứng về cái tuyệt đối này trong một nền văn minh duy vật chất, là nền văn minh chối bỏ Thiên Chúa”(Th DGL 57).

Hơn thế nữa, cần giúp bạn trẻ đi vào tương quan thân tình với Thiên Chúa qua những kinh nguyện sáng tối, những phút giây lắng động cầu nguyện với Thiên Chúa. Giáo Lý Viên cần nhấn mạnh giữa Lời Chúa và cuộc sống, để Lời Chúa làm nền tảng cho đời sống, vì Lời Thiên Chúa ở tại nguồn cội của hôn nhân và con người từ nguồn cội thì tốt lành, đã được tạo thành có nam có nữ, và được mời gọi để yêu thương nhau bằng một tình yêu trung thành, hỗ tương và phong phú (x St 2,4). Hơn nữa, Lời Thiên Chúa còn là một nâng đỡ quý báu giữa các khó khăn của cuộc sống lứa đôi và gia đình mà biết bao người không tìm ra lối thoát, để qua tình yêu chung thủy, quảng đại, bao dung và sự hiệp nhất gia đình, vợ chồng là những người đầu tiên công bố Lời Thiên Chúa cho con cái (x FC 6). Hơn nữa, chính Lời Chúa sẽ cho niềm tin của bạn trẻ lớn lên. Niềm tin lại gieo hai hạt giống quang trọng cho gia đình tương lai là hạt giống hướng thiện và hạt giống kính sợ. Nó là nền tảng xây dựng gia đình bền chặt và xây dựng một thế hệ tương lai tốt hơn. Do đó, chuẩn bị cho bạn trẻ bước vào đời sống gia đình có một đời sống đức tin vững mạnh là điều cần thiết hàng đầu. Đây cũng là bí quyết siêu nhiên, bí quyết đầu tiên làm nên hạnh phúc gia đình.

Ngoài ra thiết nghĩ, chúng ta cũng cần trang bị cho các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống gia đình khác tôn giáo, hay người bạn đời là tân tòng về các tôn giáo bạn, hiểu hơn văn hóa tập tục của tôn giáo bạn. Xác tín chân – thiện – mỹ trong đức tin Kitô giáo, để nhờ đó họ có khả năng thích ứng với môi trường sống và làm chứng nhân trong hoàn cảnh họ hiện diện.

3. Đào sâu trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình.

Đời sống hôn nhân – gia đình là một ơn gọi và sứ mệnh cao quí đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được khắc ghi ngay trong bản tính của họ. Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó” (St 1,28).

Thế nhưng để ơn gọi và sứ mệnh cao quí trở nên ý nghĩa thì cần:

* Giáo dục và đào tạo về mặt nhân bản: Để biết quý chuộng các giá trị nhân bản đích thực, biết làm chủ bản thân và tôn trọng người khác phái.

Nhân bản là một trong những tiêu chuẩn chọn bạn trăm năm, các cụ ta thường nói “cái nết đánh chết cái đẹp”. Tính nết đây dựa theo cách sử sự, trưởng thành, lòng đạo đức, biết kính trên nhường dưới, đảm đang, hiền thục. Nó là hệ quả của vệc giáo dục nhân bản. Việc giáo dục nhân bản không thể một sớm một chiều nhưng phải là công việc từ xa để hình thành nhân cách nơi bạn trẻ.

Ngoài ra, cũng cần giúp bạn trẻ hiểu hôn nhân là một ơn gọi và là một sứ mạng đích thực, để từ đó các em dần dần khám phá ra ơn gọi của mình: hoặc tận hiến cho Thiên Chúa trong đời sống tu trì hoặc hướng về cuộc sống hôn nhân và gia đình

* Chuẩn bị tâm hồn thời gian đính ước:

Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người (x. GLHT 1604). Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu.

Nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ về ý nghĩa của việc trao tặng thân xác, và vì không chờ đợi nổi thời gian đính ước mà đi đến sống thử trước hôn nhân. Việc sống thử trước hôn nhân để lại trên tâm hồn bạn trẻ một vết thương nặng nề. Nếu tiến đến với nhau thì trong hôn nhân dễ đưa đến nghi ngờ nhau. Nếu không thể đến cùng nhau thì còn gây ra nhiều tổn thương vật chất, tinh thần, tâm lý, tình cảm… Vì thế, Giáo lý viên cần giúp các bạn trẻ biết chờ đợi đến khi thành hôn vì :

– Sự chờ đợi như vậy giúp bạn đào sâu thêm mối tương giao và tình yêu giữa hai người nam nữ. Quả thật vậy, quan hệ tình dục là một cách thức biểu lộ tình yêu, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Để thắt chặt tình yêu, cần phải có thời gian tìm hiểu nhau. Nếu bạn chỉ nghĩ đến việc làm tình thì sẽ không còn thời giờ cần thiết để tìm cách biểu lộ tình yêu bằng những phương thức khác nhau. Hơn nữa, việc tập chờ đợi trong kiên nhẫn sẽ giúp bạn trẻ tự chế trong đời sống lứa đôi sau này. Vì cho dù đã thành hôn, nhiều khi bạn cũng phải kiên nhẫn trước khi đạt được điều bạn mong muốn.

–  Thời kỳ đính hôn, trên nguyên tắc, là thời kỳ thử thách và tìm hiểu nhau. Khoảng 50% những người kết hôn đã từng đính hôn hơn một lần trước đó. Điều này có nghĩa là người ta vẫn có thể rút lui hoặc thay đổi khi đã đính hôn với nhau và việc đính hôn không nhất thiết phải đi tới hôn nhân trong mọi trường hợp. Vì thế, nếu hai người đính hôn mà ăn ở với nhau thì họ khó lòng từ bỏ nhau ngay cho dù thấy có những xung khắc với nhau. Và điều này có ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống chung sau này.

Việc tôn trọng lẫn nhau, tập chung thủy và hy vọng được đón nhận nhau như quà tặng của Thiên Chúa là điều cần thiết chuẩn bị cho một đời sống gia đình hạnh phúc.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ có thể dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho ngày đính ước như: chụp hình, sắm đồ, gửi thiệp, đặt nhà hàng… nhưng dành thời gian cho tâm hồn lại rất ít. Có những đôi bạn trẻ vội vàng dọn tâm hồn vào tòa cáo giải chỉ một vài phút. Những chuẩn bị bên ngoài chỉ nhoáng qua sau ngày đính hôn sẽ hết. Nhưng đời sống gia đình không chỉ dừng lại ở ngay đấy mà còn là một chặng đường dài phía trước mở ra rất cần sự trợ lực của Thiên Chúa. Vậy chuẩn bị tâm hồn cho đôi bạn trẻ như Tôbia và Sara là điều cần thiết để gia đình được vững mạnh, bền lâu; được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn trợ lực.

4. Kỹ năng tâm lý đón nhận sự thật.

Qua Bí tích hôn phối, đôi bạn được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng nên người, tạo nên một tổ ấm phục vụ sự sống. Hơn nữa, tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc (x.GLHT 1652-1653).Vậy việc giúp bạn trẻ ý thức trách nhiệm làm cha mẹ là tạo tiền đề cho bạn trẻ hiệp thông yêu thương nhau, cùng nhau hướng về một mối bận tâm là xây dựng gia đình hạnh phúc là điều cần thiết.

Chuẩn bị một mái ấm riêng: Vậy việc chuẩn bị một mái ấm riêng cần có sự chuẩn bị của cả hai. Do đó, định hướng công việc và ổn định tài chính mà mỗi bạn trẻ là điều cẩn quan tâm. Chúng ta không thể mộng mơ trong ảo tưởng “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Vì sau khi lập gia đình, bạn trẻ còn phải chuẩn bị đón nhận những thành viên mới chào đời lo cho lớn lên và trưởng thành, kinh phí tài chính là điều cần thiết để trang trải. Như thế gia đình rất cần một người chồng phải siêng năng cần mẫn, người vợ phải đoan trang nết na, tề gia nội trợ.

– Chuẩn bị tâm lý đón nhận chuyển từ màu hồng sang màu xám:

Trong truyền thống dân tộc thì gia đình là rường cột của xã hội. Giáo huấn của Hội Thánh coi gia đình như chiếc nôi của sự sống và sự giáo dục đầu tiên. Như vậy, ta cần tìm mọi phương thế bảo vệ, cũng cố sự bền vững của gia đình, giúp họ vượt qua những khủng hoảng Đời Sống Hôn Nhân . .

Thực trạng gia đình không chỉ toàn màu hồng thật đẹp nhưng ai cũng biết còn có những màu xám xấu xí chen lẫn. Cuộc sống đan xen giữa ánh sáng và bóng tối, không thiếu những dấu hiệu cho thấy sự thoái hóa đáng lo ngại trong các gia đình ngày nay. Do đó, Giáo Lý Viên cũng cần đưa ra những giả thiết về gia đình sẽ gặp phải được đặt ra cho các đôi bạn trẻ cùng tìm hướng giải quyết:

Ví dụ như:

– Sau khi cưới, người chồng hay người vợ mới thú nhận vẫn còn nhớ nhung một người tình năm xưa.

– Sau khi cưới, người vợ mới thú nhận đã sống thử trước hôn nhân. Hay thậm chí đã từng phá thai?

– Vô sinh do thiểu năng

– Nếu người chồng, hay người vợ đổ bệnh đau lâu ốm dài; hoặc tai nạn…

– Chồng hay vợ “chán cơm thèm phở”

– Con cái học đòi thói xấu.

– Sa cơ thất thế

– ….

Sự chuẩn bị tâm lý là điều cần thiết cho các đôi bạn trẻ không bị rơi vào cảnh vỡ mộng. Vì trong bất kỳ bậc sống nào, tu trì hay lập gia đình, chúng ta đều có thập giá mà Chúa trao gởi. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta dơ tay đầu hàng khi đối diện với những khổ đau, thất bại hoặc điều bất hạnh xảy đến. Là Ki-tô hữu chúng ta được kêu mời để không ngừng nổ lực đem hết mọi cố gắng hầu bảo vệ và duy trì hạnh phúc gia đình, ngay cả những khi gặp trục trặc. Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa vợ chồng trong đời sống hôn nhân, không chỉ trong những khi vui tươi phấn khởi hay là hạnh phúc ngập tràn, mà ngay cả những khi gặp khốn khó, hoạn nạn hay ưu sầu. Nói tóm lại, đã là vợ chồng thì chúng ta phải chung lưng đấu cật, cùng chia sẻ với nhau tất cả mọi ưu tư lo lắng trong đời sống lứa đôi.

Đặt ra những tình huống là giúp đôi bạn trẻ có khả năng đối phó trước những tình trạng thực tế của cuộc sống, bao dung hơn, và rộng lượng hơn khi chấp nhận tiến tới hôn nhân. Đôi bạn trẻ sẽ không thể một sớm một chiều đạt được sự cảm thông; thật ra, đó là cuộc chiến đấu và chinh phục từng ngày. Lớn lên trong tình nghĩa vợ chồng, trưởng thành trong nhân cách chính là mỗi ngày trở nên biết cảm thông hơn.

Kết:

Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, là nơi người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc truyền thông sự sống. Bên cạnh đó, gia đình còn được gọi là Hội Thánh tại gia. Vậy giáo dục đức tin và chuẩn bị cho bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân gia đình là điều rất cần được quan tâm không chỉ ở nơi lớp học nho nhỏ qua các anh chị Giáo Lý Viên mà còn phải được chính cha mẹ của bạn trẻ, Giáo xứ quan tâm nhiều hơn. Vì chuẩn bị hôn nhân mang tính cách của một hành trình đức tin. Đây là thời gian đặc biệt giúp cho bạn trẻ đính hôn tái khám phá và đào sâu về đức tin của mình, để họ có thể đón nhận một cách tự do ơn gọi sống theo gương Đức Kitô và phục vụ Nước Thiên Chúa trong chính bậc sống hôn nhân và gia đình. Hơn nữa, chuẩn bị cho đôi bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân tốt là chúng ta chuẩn bị một xã hội tươi sáng. Vì từ ban đầu khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã thiết lập đời sống hôn nhân giữa người nam và người nữ, chính vì thế gia đình trở thành tế bào sống đầu tiên của xã hội. Mối dây liên kết giữa gia đình với xã hội mang tính hữu cơ và sống động. Vì thực ra, mỗi con người đều được sinh ra và giáo dưỡng từ gia đình. Chính từ nguyên tắc căn bản này mà xã hội được tồn tại và phát triển. (x. FC 42).

Nt. Maria Bùi Thị Bích Mai, OP.

Từ khóa » Cảm Nhận Về Lớp Học Giáo Lý Hôn Nhân