Những điều Chưa Biết Về Hiện Tượng Băng Tan ở Nam Cực

Tin này được công bố khi đang có những mối lo ngại trong các nhà khoa học khí hậu và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới về vấn đề băng tan.

Phạm vi của hệ thống sông hồ này khiến một số người lo ngại rằng lượng nước do băng tan chảy có thể góp phần làm suy yếu các thềm băng ở Nam Cực vốn dĩ đã mỏng đi khá nhiều, làm cho những khối băng lớn tiếp tục tan vỡ và gây ra mực nước biển dâng cao.

T5.DICH3.1Băng tan trên diện rộng

Tiến sĩ Luke Trusel, giáo sư Địa chất thuộc trường Đại học Rowan ở Glassboro (bang New Jersey, Mỹ), một nhà khoa học đã có nhiều năm nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các vùng băng ở Nam Cực, cho biết nghiên cứu mới này cho thấy rõ ràng sự phát triển và phức tạp của hệ thống sông hồ tạo ra do băng tan chảy ở Nam Cực.

Ông Trusel cho biết, các con sông do băng tan tạo ra cũng chảy tương tự như các con sông ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh, nhưng chúng chảy trên mặt băng thay vì trên mặt đất, và chúng vận chuyển băng và tuyết tan, thay vì nước mưa, từ vị trí này sang vị trí khác.

Ông nói: "Hiện tại vùng rìa của Nam Cực đang có sự tan chảy băng rất mạnh mẽ. Chúng tôi nhận thấy rằng sau những đợt tan chảy dữ dội, băng tan có thể tạo ra những khe nứt lớn và hình thành những cái hồ làm mất ổn định các thềm băng. Điều này đã gây ra tình trạng sụp đổ các núi băng với quy mô lớn và gây chết người trong những thập niên gần đây".

Kết quả khảo sát cho thấy, mạng lưới sông hồ do băng tan chảy ở Nam Cực rất rộng lớn bao gồm các sông ngòi, hồ chứa nước, thác nước và những khe, rãnh… Dòng nước thường di chuyển đến các điểm yếu bên dưới một thềm băng, gây ra xói lở từ bên dưới và làm sụp đổ dần các tầng băng ở bên trên.

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Jonathan Kingslake, nhà nghiên cứu khí hậu học ở Viện nghiên cứu Trái Đất Lamont-Doherty thuộc trường Đại học Columbia, cho biết hiện tượng này đã tồn tại trong nhiều thập niên qua và hiện đang xảy ra trên diện rộng. "Trước kia hầu hết các nhà khoa học cho rằng việc nước di chuyển qua bề mặt của Nam Cực là rất hiếm, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng điều này hiện nay không chỉ xảy ra thường xuyên, mà còn xảy ra trên diện rộng".

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát các số liệu và hình ảnh về nước ở Nam Cực từ năm 1947 đến nay, cùng những hình ảnh vệ tinh chụp vùng Nam Cực từ năm 1973 cho đến nay. Họ đã tìm thấy tổng cộng gần 700 hệ thống nước chảy theo mùa ở vùng rìa của lục địa Nam Cực.

Một số trong những con sông do băng tan chảy tạo ra dài đến hơn 100km, và ở độ cao tới 1,3km so với mực nước biển, độ cao mà trước kia giới khoa học cho rằng hiếm có nước ở dạng lỏng hoặc thậm chí là không thể có (ở Nam Cực).

Họ cho rằng, hệ thống sông và ao hồ này có thể đã phát triển trong vài thập kỷ qua cùng với sự ấm lên của Trái Đất do biến đổi khí hậu gây ra.

Ông Trusel chắc chắn rằng việc băng tan chảy ở Nam Cực sẽ trở nên phổ biến hơn trong những năm tới. "Nghiên cứu của chúng tôi đã đánh giá mức độ tan chảy bề mặt băng trong tương lai theo các kịch bản khí hậu khác nhau. Nó cho thấy rằng phát thải khí nhà kính của con người là nguyên nhân chính tác động tới tương lai của sự tan chảy bề mặt băng ở Nam Cực. Con người càng phát thải ra nhiều khí nhà kính, càng có nhiều khả năng thềm băng Nam Cực trong tương lai sụp đổ nhanh chóng và càng làm mực nước biển dâng lên nhanh".

Tiến sĩ Stephen Price, nhà nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico, cũng khẳng định tác động của sự ấm lên toàn cầu đối với vùng băng Nam Cực.

"Về cơ bản, các thềm băng nằm ngang với mực nước biển, vì vậy một sự gia tăng nhiệt độ nhỏ ở mực nước biển có thể làm tăng nhiệt độ lên một diện tích rộng của thềm băng. Nếu nhiệt độ mực nước biển đang ở gần điểm nóng chảy, thì sự gia tăng nhiệt độ nhỏ có thể làm cho các khu vực rộng lớn của bề mặt các thềm băng tan chảy nhanh chóng" - ông Price nói.

Tiến sĩ Luke Trusel khẳng định: “Nếu không có hành động quyết liệt để giảm lượng khí phát thải, vấn đề ở Nam Cực sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thiệt hại sẽ không bị giới hạn ở riêng một lục địa, mà sẽ xuất hiện lũ lụt tại các khu vực ven biển trên toàn thế giới. Nếu mọi chuyện tiếp tục diễn ra như hiện nay, lượng nước do băng Nam Cực tan rã có thể làm tăng mực nước biển lên thêm 1m vào cuối thế kỷ này. Hậu quả của sự tan chảy bề mặt băng ở Nam Cực có thể làm chúng ta mất đi các vùng đất thấp ở ven biển trong tương lai gần".

Biên dịch: Thanh Hà

Từ khóa » Giải Thích Hiện Tượng Băng Tan ở Nam Cực