Những điều Chưa Biết Về Tác Giả 'Thép đã Tôi Thế đấy' - VnExpress

Lê Huy Tiêu -

Nếu như nhà văn Nga mà chúng ta thường gọi là "Paven" này còn sống thì năm nay ông đã hơn 100 tuổi (Nikolai Ostrovsky sinh năm 1904).

15 tuổi, ông đã tham gia chiến đấu, xung phong trong làn mưa đạn, trong gió lạnh băng tuyết, bị thương không chịu rời hỏa tuyến, bệnh nặng vẫn ở trên công trường. Những năm tháng gian nan vất vả đã hủy hoại sức khỏe của ông: 23 tuổi bại liệt toàn thân, 24 tuổi mù cả đôi mắt.

Nhà văn

Nhà văn Nikolai Ostrovsky.

Vô cùng tuyệt vọng, có lúc ông đã định tự tử để kết liễu đời mình, nhưng rồi ông nảy ra ý định: Nếu như không kể lại cuộc đời mình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng vinh quang cho thế hệ sau thì chết cũng không nhắm mắt được. Thế là ông quăng khẩu súng đi, cầm lấy ngọn bút để viết. Vũ khí mới này là văn học.

Năm 1932, trải qua biết bao khó khăn, mệt mỏi và đau đớn về thể xác, ông đã viết xong một tiểu thuyết tự truyện. Bản thảo gửi đi in, lâu rồi mà chẳng có hồi âm. Hỏi ra mới biết bưu điện đã làm thất lạc. Không nản chí, Ostrovsky viết lại, rồi lại gửi đi. Bản thảo bị trả lại.

Vẫn không thối chí, ông nhờ người trực tiếp đưa bản thảo đến tận văn phòng của Phó tổng biên tập tạp chí Thanh Niên Cận Vệ Quân. Đó là năm 1934.

Vị Phó tổng biên tập này tên là Koroxop, người chân thật và có trình độ. Xem xong bản thảo, ông quyết định cho in ngay. Đầu tiên in dài kỳ trên báo Thanh Niên Cận Vệ Quân, sau in thành sách, lập tức gây chấn động xã hội.

Chỉ trong năm 1935, tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy đã in tới 2 triệu bản. N. Ostrovsky như "khách trên trời" bỗng nhiên xuất hiện trên văn đàn Liên xô. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông trở thành nhân vật nổi tiếng.

Sau khi Ostrovsky tạ thế, Phó tổng biên tập Koroxop đã viết một bài hồi ký, qua hồi ký người ta được biết cuốn Thép đã tôi thế đấy được ra mắt bạn đọc là có công to lớn của ông. Ông tiết lộ một chi tiết thú vị: Trước khi in báo, Koroxop đề nghị tác giả đổi tên sách thành "Paven Coocsaghin", nhưng Ostrovsky không chịu.

Ngoài tên sách, Koroxop còn đề nghị tác giả sửa chữa nhiều chỗ nữa, Ostrovsky tiếp thu và sửa chữa vài chỗ, có thể kể ra đây hai thí dụ: Paven Coocsaghin có ba mối tình.

Người yêu đầu tiên của anh là Inna, con gái một viên quan coi rừng. Phó tổng biên tập Koroxop nhớ lại thời trung học có rất nhiều cô tên là Inna, nhưng phần lớn sau Cách mạng Tháng Mười, họ đã theo bố mẹ thuộc thành phần tư sản chạy ra nước ngoài.

Ông muốn cô gái trong tiểu thuyết của Ostrovsky đẹp hơn những cô gái có tên là Inna mà ông từng quen biết, nên đề nghị tác giả, đổi tên cô nàng kia thành Tonia. Tác giả đã sửa theo lời đề nghị đó.

Ai từng đọc, thậm chí nhiều người chưa đọc Thép đã tôi thế đấy đều biết câu nói nổi tiếng của Paven: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người". Câu danh ngôn này đến nay vẫn được rất nhiều người ưa thích.

Cuối năm 1936, bệnh tình của Ostrovsky ngày một trầm trọng. Khi dự cảm được tử thần sắp đến gọi mình đi, ông liền gọi vợ lại bên giường, nói:

- Bây giờ anh muốn nói với em một câu, có lẽ đây là lời cuối cùng của anh... Đời anh sống không tồi... Tất cả đều tự tay mình làm ra cả, nhưng không phải dễ dàng mà có đâu... Anh đã phấn đấu cả một đời. Em cũng đã biết anh chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn...

Phải chăm chỉ học hành, không có văn hóa thì em không trưởng thành được... Hãy nghĩ đến bố mẹ chúng ta. Các cụ đã khổ cả cuộc đời vì chúng ta... Chúng ta nợ các cụ rất nhiều... mà chưa kịp báo đáp được gì. Em nên báo hiếu mẹ...

Nói đến đấy, Ostrovsky ngất đi. Khi tỉnh lại ông hỏi:

- Anh có rên không?

- Không.

- Em nhìn kìa? Tử thần đã đến gần, nhưng anh không chịu khuất phục.

Rồi ông lại ngất lịm đi. Rồi lại tỉnh, lại hỏi:

- Anh có rên không?

- Không.

- Thế thì tốt, điều đó có nghĩa là tử thần chưa làm gì được anh.

Rồi ông lại hôn mê và cuối cùng không tỉnh lại được nữa.

Ngày 22/12/1936, Ostrovsky vừa mới 32 tuổi xuân đã lìa đời tại một bệnh viện ở Matxcơva. Sau này nơi này đã trở thành Nhà tưởng niệm ông.

Nay ai có dịp đến Matxcơva đến thăm Nhà tưởng niệm đó, sẽ nhớ nhất là chiếc giường sắt, nơi Ostrovsky đã nằm bất động ở đó bao tháng ngày. Và di ngôn (lời nói cuối cùng) vẫn còn ghi lại ở bên giường của ông.

(Nguồn: Tiền Phong)

Từ khóa » Thép đã Tôi Thế đấy Có Nghĩa Là Gì