Những đóng Góp Của Việt Nam Sau 20 Năm Gia Nhập APEC

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập năm 1989, với sự tham gia của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ về kinh tế và chính trị ở khu vực. Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC vào ngày 14/11/1998. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, chủ động tại APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.

Trong vai trò chủ nhà, tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11/2006 tại Hà Nội, lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Trọng trách đăng cai APEC lần thứ hai năm 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, ta đã chủ trì, phối hợp với các thành viên thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, khơi dậy những động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối khu vực, củng cố vai trò lãnh đạo của APEC trong quản trị kinh tế thương mại toàn cầu và ứng phó với các thách thức chung. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hội nghị Cấp cao APEC 25 và Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế cùng các văn kiện kèm theo. Ta đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công Đối thoại lần đầu tiên giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với lãnh đạo các quốc gia ASEAN và đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Quang cảnh Hội nghị Việt Nam và APEC: 20 năm và chặng đường sắp tới

Hai là, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá là thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn và đô thị…

Ba là, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch, Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp... Riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, ta đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC (Hội đồng tư vấn kinh doanh của APEC), được các thành viên đánh giá cao.

Bốn là, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.

(Nguồn: Bản tin TBNB số 01/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ngãi)

Từ khóa » Thành Viên Tổ Chức Apec