Những đức Hạnh Lý Tưởng Của Người Xuất Gia - Giác Ngộ Online
Có thể bạn quan tâm
NSGN - Dẫu bề nào cũng một kiếp công phu,
Tu giồi luyện phẩm tu cho đáng giá.
(NT. Huỳnh Liên)
Tăng đoàn, tập thể những người đệ tử xuất gia của Đức Phật, được thiết lập và vận hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ngài. Đức Phật đã xây dựng Tăng đoàn thành một đoàn thể lý tưởng, lấy tinh thần đoàn kết và hòa hợp làm tôn chỉ trong đời sống cộng đồng. Trong bài kinh Đại bát Niết-bàn, Trường bộ kinh số 16; và bài kinh tương đương là kinh Du hành, Trường A-hàm số 2, Đức Phật nêu lên bảy phương diện (thường được gọi là bảy pháp bất thối chuyển) khuyến khích mỗi thành viên trong Tăng đoàn thực hành theo để tự trang nghiêm cho mình những phẩm hạnh cao quý không thối chuyển trên con đường tu tập, đồng thời góp phần xây dựng, củng cố và duy trì sự hưng thịnh của Tăng đoàn.
Ưa ít việc, không ưa nhiều việc
Với một người xuất gia, một khi đã thoát ly đời sống thế tục, điều cần thiết đầu tiên là bỏ đi thói quen đã tập nhiễm từ trước, quyết không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự (kinh Đại bát Niết-bàn, Trường bộ kinh số 16). Kinh Du hành (Trường A-hàm) gọi đức hạnh này bằng cụm từ đơn giản là “ưa ít việc, không ưa nhiều việc”. Một khi chọn con đường xuất gia là tự tách mình ra khỏi dòng chảy thế tục, chọn con đường khác hẳn, nếu không nói là ngược lại với con đường thế tục mà phần đông con người trong xã hội theo đuổi. Người xuất gia nào, trước khi bước vào con đường đạo, cũng đã từng nhiều năm lăn lộn với cuộc sống thế tục này. Để thoát ra khỏi một thói quen đã huân tập trong thời gian dài không phải là một việc làm đơn giản. Nếu vì tâm từ mà một người xuất gia vẫn phải tiếp xúc với hàng cư sĩ tại gia để hướng dẫn, dìu dắt họ đi trên con đường tu tập và giải thoát thì việc giữ tâm không quá dính mắc vào các việc thế sự lại muôn lần khó hơn.
Khi đồng sự cùng người cư sĩ tại gia, với tập khí vốn đã được huân từ trước vẫn còn tiềm ẩn, chúng ta có xu hướng ưu tiên cho mục đích hoàn thành công việc mà quên đi nhiều thứ còn quan trọng hơn đối với người xuất gia tu học. Người tham gia các công việc thế sự quá nhiều sẽ mất đi chánh niệm, bị duyên trần kéo tâm về với công việc mà không tập trung vào công việc chính yếu của người xuất gia là tu tập.
Trong kinh ghi lại rằng, Tôn giả Ananda khi trú giữa dân chúng Kosala, sống quá bận rộn bởi nhiều liên hệ với cư sĩ. Thấy vậy, một vị thiên đến nhắc nhở rằng: “Ngài là người đã quyết chọn lựa con đường sống an tịnh, sống đời viễn ly ở nơi vắng lặng, nên hướng tâm mình về mục đích Niết-bàn. Do vậy, hãy thiền quán và sống không phóng dật. Tiếp xúc nhiều, nói chuyện tạp thêm vô ích mà thôi”. Ngài Ananda vô cùng cảm động với lời nhắc nhở này và kịp thời trở về sống với đề mục thiền quán (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương IX, phẩm V: Ananda).
Xuất gia rồi mà còn tham đắm công việc, lúc nào cũng lăng xăng với một núi công việc, tâm cứ lo tính, suy tư, giải quyết công việc thì khác nào người thế, làm sao có thể đặt tâm chuyên chú vào các đề mục thiền quán? Thêm vào đó, khi lao vào công việc là lúc cái bản ngã được nuôi lớn, lại không có thời gian để quán chiếu và hành trì bản chất vô ngã của pháp hữu vi, nên càng chướng ngại nhiều hơn trên con đường thực hành pháp. Vì lẽ đó, Đức Phật dạy “ưa thích công việc thì không thể nào sống trú thân trên thân” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm XII, kinh số 117). Người như vậy dù có mang hình thức đầu tròn, áo vuông thì cũng chỉ tu tướng mà chẳng tu tâm. Người nào càng làm nhiều công việc, càng điêu luyện khéo léo trong công việc, càng có động cơ để ham thích công việc nhiều hơn và lơ là việc tu tập thì tuy thân xuất gia mà tâm vẫn sống đời thế tục. Đức Phật gọi hạng người này là người thối chuyển trong giáo pháp. Ngài dạy: “Vị Tỳ-kheo hữu học có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm, khéo léo trong công việc phải làm, từ bỏ độc cư thiền tịnh, không chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ. Đây là pháp thứ nhất khiến Tỳ-kheo hữu học thối chuyển” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm IX, kinh số 90).
Ngay cả khi ta không khéo léo trong công việc, không quá đam mê vào công việc, ta vẫn bị dính mắc khi sống chen lộn với người cư sĩ tại gia, cùng làm với họ, bị cuốn vào các câu chuyện thế gian hoặc những điều liên quan đến công việc đời thường, tay làm miệng nói, tâm lăng xăng nghĩ đông nghĩ tây mà quên đi chánh niệm. Một trong những điều nguy hại của một người thực hành lời Phật dạy mà không phải ai cũng ý thức được là có “nhiều việc làm, nhiều công việc phải làm, không khéo léo trong những công việc phải làm; sống lẫn lộn với gia chủ và xuất gia, tùy thuận trong sự liên hệ với gia chủ” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XXII, kinh số 223).
Vùi đầu vào công việc mà tâm chưa đủ vững chãi tự tại thì dễ bực bội, thiếu kiểm soát và không làm chủ được mình, tự giao nộp mình cho sân hận chi phối và điều động. Người như thế thường làm tổn thương tâm mình và đau lòng người khác. Do đó, Đức Phật dạy: “Ít phận sự là một trong những điều kiện để có tâm từ” (Kinh Tập I.8). Ngược lại, người nào “ưa thích làm việc (về thân) đưa đến thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm IX, kinh số 149; chương VI, phẩm III, kinh số 21). Chỉ khi nào tâm chúng ta an trú và tự chủ trong mọi hoàn cảnh, đi trong trần mà không dính bụi trần thì mới dám “thõng tay vào chợ” đời vậy!
Ưa yên lặng, không ưa nói nhiều
Người xuất gia cần sống với đức hạnh thứ hai là luyện cho mình trở nên thuần thục trong nếp sống “ưa thích yên lặng, không thích nói nhiều” (Kinh Du hành, số 2 Trường A-hàm). Ý này được diễn tả chi tiết hơn trong kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh số 16) là “không ưa thích phiếm luận, không hoan hỷ phiếm luận, không đam mê phiếm luận”. Đây là một lối sống trầm lặng và độc cư, một kỹ năng sống với chính mình dù chúng ta đang ở trong hội chúng đông đảo. Đức hạnh này rất phù hợp với con đường tu tập giải thoát của người xuất gia, vì sự hành trì là việc làm của mỗi người, là quá trình làm việc với cái tâm của chính mình, là con đường quay vào bên trong. Con đường ấy cần môi trường yên lặng và hạn chế tối đa sự giao tiếp. Nếu cần nói, người thực hành phạm hạnh chỉ nên bàn luận Chánh pháp để cùng nhau hiểu rõ giáo lý kinh điển nhằm ứng dụng hành trì, không nên nói những việc không liên hệ đến mục đích giải thoát. Chính vì lẽ đó, Đức Phật dạy “khi các Thầy hội họp với nhau, này Nandaka, có hai việc cần phải làm: nói pháp hay giữ yên lặng của bậc Thánh” (Tăng chi bộ kinh, chương IX, phẩm I, kinh số 4).
Có một câu chuyện thú vị được ghi lại trong kinh thế này. Lúc bấy giờ, Đức Phật và chư Tăng đang trú tại một vườn cây ở Thích Kiều. Hai Tôn giả thượng thủ Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn 500 đệ tử đi du hóa ngang qua vùng này, liền ghé vào đảnh lễ Đức Phật và chư Tôn giả. Khi vào tới nơi, chưa kịp gặp Đức Phật, chư Tăng gặp nhau vui mừng chào hỏi nhau gây tiếng ồn. Đức Phật nghe tiếng ồn ào, hỏi Ananda xem việc gì đang xảy ra.
Khi nghe thuật lại sự việc, Đức Phật bảo Ananda ra đuổi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đi chỗ khác. Sau đó hai Tôn giả hướng dẫn 500 đệ tử đến sám hối Đức Phật, và Ngài hoan hỷ. Nhân cơ hội này, Đức Phật dạy chư Tỳ-kheo các pháp thực hành để tự mình hài lòng với đời sống tĩnh lặng nhằm tăng trưởng tâm và tuệ trong Chánh pháp, trong đó một trong các yếu tố để trau tâm giồi trí là “hằng sống nơi chốn đơn độc, không ưa thích chỗ đông người” (Tăng nhất A-hàm, chương Chín pháp, phẩm 45, kinh số 2).
Người ưa nói nhiều sẽ thích huyên thuyên đủ chuyện, khó có thể kiểm soát và làm chủ tâm ý trong khi nói, nên càng nói càng dễ sai. Một khi tâm bị cuốn vào các pháp không liên hệ đến đời sống tu tập, nếu càng nói nhiều về các chuyện đời thường, chúng ta càng thất niệm và càng xa nếp sống phạm hạnh. Đức Phật dạy: “Ưa thích nói chuyện thì không thể nào sống trú thân trên thân” (Tăng chi, chương VI, phẩm XII, kinh 117). Lời dạy này trông có vẻ đơn giản, dễ hiểu nhưng khó thực hành. Người xuất gia một khi để tâm duyên theo pháp trần thì không dồn tâm lực, năng lượng và thời gian cho việc hành trì pháp. Do đó, một khi không đủ nội lực thì không dễ tìm thấy niềm vui trên con đường hành trì.
Thêm vào đó, khi đàm luận những việc không liên hệ đến mục đích giải thoát, tâm hành giả dễ dao động, dễ thối lui lại đời sống thế tục. Chính vì vậy, trong nhiều bài kinh, Đức Phật nhắc nhở: “Đàm luận là một trong những điều khiến cho Tỳ-kheo hữu học thối tâm” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VIII, kinh số 89), “thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm IX, kinh số 149; chương VI, phẩm III, kinh số 21). Thân xuất gia mà tâm thối đọa thì thật uổng phí một kiếp người. Những lời Phật dạy ở trên có tác dụng kích hoạt những tâm sở thiện lành trong tâm giúp chúng ta có thêm nội lực để lội ngược dòng thế tục hướng về bờ giác an vui.
Bớt ngủ nghỉ, tâm không hôn trầm
Kinh Du hành (Trường A-hàm) nêu lên đức hạnh thứ ba cần thiết cho một người xuất gia là “ít ngủ nghỉ, không ham ngủ”, còn kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh) thì gọi đức hạnh này là “không ưa thích ngủ nghỉ”. Đó là sự chọn lựa của người khôn ngoan, sáng suốt, minh mẫn, tỉnh giác, biết chế ngự và điều tiết những nhu cầu tầm thường của bản thân ở mức hợp lý. Ngủ nghỉ là nhu cầu chính đáng, nhưng Đức Phật nói, ngủ là điều không bao giờ thỏa mãn (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm XI, kinh số 104). Hơn nữa, không thể tích lũy giấc ngủ, nên “ngủ bù” chỉ mất thời gian và dung túng một thói quen không tốt mà thôi. Nếu cứ nuông chiều theo nhu cầu của cơ thể sinh học này thì cả đời chúng ta cứ mãi làm nô lệ cho những dục vọng thấp kém mà không thể hướng tâm đến cái gì khác cao đẹp hơn.
Thông thường con người cần ngủ 8 tiếng một ngày, như vậy một con người bình thường đã dành một phần ba cuộc đời để ngủ rồi! Đó là chưa kể 10 năm đầu đời còn nhỏ chưa biết làm gì và những năm cuối cuộc đời thì già và bệnh thống lĩnh, nên tự lo được cho bản thân đã là quý lắm rồi! Ấy vậy mà nhiều người vẫn chưa ý thức được thời gian ta đang có quý hiếm đến mức nào. Một khi dành quá nhiều thời gian cho sự ngủ nghỉ, con người trở nên thụ động, trầm nịch vì trong thời gian chúng ta ngủ, hầu hết các cơ quan trong cơ thể trở về trạng thái nghỉ ngơi hoặc làm việc rất ít. Do đó, cứ cho phép mình ngủ nghỉ nhiều hơn hoạt động thì ngay cả khi thức, cơ thể ta trở nên trì trệ, chậm chạp, thiếu sinh khí, không nhạy bén, lười biếng và hôn muội. Nếu sa đà vào việc ngủ nghỉ thì không thể nào tận tâm tận lực vào công việc tu tập vốn là sự nghiệp của người xuất gia giải thoát.
Hậu quả của ham muốn ngủ nghỉ thật tệ hại. Đức Phật nhắc đến rất nhiều lần trong kinh rằng, ham muốn ngủ nghỉ là “một trong những điều khiến cho Tỳ-kheo hữu học thối tâm” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm VIII, kinh số 89), và là “triền phược làm ngăn trở sự thực hành Chánh pháp” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XXI, kinh số 206). Tánh “ưa thích ngủ nghỉ đưa đến thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm IX, kinh số 149); người xuất gia như thế là “Tỳ-kheo thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm III, kinh số 21). Đức Phật dạy “Người ưa thích ngủ nghỉ thì không thể nào sống trú thân trên thân” (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm XII, kinh số 117). Với người bình thường chỉ biết hưởng thụ dục lạc ở đời, đắm chìm trong ngủ nghỉ là nhu cầu rất bình thường. Thế nhưng, với người xuất gia, trọn đời dốc tâm tu học thì ngủ nghỉ quá mức cần thiết sẽ là một chướng ngại lớn làm trì trệ con đường chuyển hóa nội tâm.
Chính vì vậy, Đức Phật khuyến tấn chư đệ tử của Ngài, những người đang phấn đấu trên con đường hướng đến mục đích giải thoát sanh tử luân hồi rằng “Này các Tỳ-kheo, chỉ những vị Tỳ-kheo thao thức đến ly hệ phược, ban đêm ngủ ít thức nhiều” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm XIV, kinh số 137). Chỉ khi nào ta biết hướng đến mục đích cao thượng hơn, biết nhìn xa trông rộng để thấy rõ việc vượt thoát sự chi phối của sanh tử luân hồi là việc cần thiết và bức bách thì mới nỗ lực vượt qua sự cám dỗ của bản năng, không ham thích ngủ nghỉ để dành trọn cuộc đời mình cho việc hành trì pháp mà thôi.
Không tụ họp nói điều vô ích
Nếu sống với đức hạnh thứ tư, người xuất gia sẽ “không kết bè, kết bạn, không nói những điều vô ích” (kinh Du hành, số 2 Trường A-hàm), còn ở kinh Đại bát Niết-bàn (số 16 Trường bộ kinh), ý kinh này được diễn đạt là “không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ”. Rõ ràng trong cuộc sống, ngôn ngữ là phương tiện cần thiết để truyền thông giữa người và người. Tuy nhiên, với một người xuất gia, thời gian quý báu cần được ưu tiên sử dụng để thực hành pháp; chỉ khi nào thật sự cần thiết, trao đổi những việc có liên hệ đến việc tu tập và mục đích giải thoát thì mới giao tiếp với người khác. Đức Phật nhắc nhở các đệ tử, con đường đi của người xuất gia, tuy sống giữa Tăng chúng đông đảo, vẫn là con đường đi một mình, như “con tê giác một sừng đi trong rừng vắng” (Kinh Tập, chương I, kinh số 35-36). Lối sống độc cư phòng hộ sáu căn mới là lối sống đích thực của những bậc chân tu thoát tục, dành trọn đời mình đi trên con đường xuất thế gian.
Tụ hội nói điều vô ích là thói quen của người không đặt mình vào quỹ đạo sống của người thực hành phạm hạnh, chuyên tâm học tập và thực hành Phật pháp. Tụ hội chuyện trò chỉ làm tiêu phí thời gian một cách vô ích và đó là việc làm của những người không có một định hướng rõ ràng trong cuộc sống. Với người không biết sống theo lời Phật dạy, những việc thế gian nhảm nhí không đưa đến lợi ích nào về phương diện chuyển hóa nội tâm đều có thể thành đề tài bàn luận xôn xao không có hồi kết giữa họ. Nhìn lại, mỗi người dành gần nửa cuộc đời cho việc ngủ nghỉ. Phần lớn thời gian còn lại tiêu phí vào những việc phục vụ nhu cầu ăn, mặc, ở, bệnh cho bản thân cùng những việc không lợi ích khác. Nếu thêm việc tụ hội lại để nói chuyện vô ích thì chẳng còn thời gian là bao để đầu tư cho việc thực hành pháp, rốt cuộc tự mình chuốc khổ mà thôi.
Điều này được Tổ Quy Sơn nhắc nhở là: “Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại. Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân. Nẵng kiếp tuẩn trần, vị thường phản tỉnh”. HT. Thanh Từ dịch là: “Ăn rồi dụm đầu ồn náo, chỉ nói toàn chuyện tạp thế gian. Song, một thuở đua vui, không biết vui ấy là nhân của khổ. Nhiều kiếp theo trần, chưa từng tỉnh lại”.
Xuất gia là xác định chọn con đường đi một mình dù sống giữa bao người cùng tu, là luôn sống chánh niệm tỉnh giác, an trú trên thân và tâm của chính mình. Do vậy, người nào cứ huyên thuyên trò chuyện, ưa thích hội chúng đông đảo, nói cười không tự chủ là người thiên về hướng ngoại, khó có thể sống một mình, không thể nào nhiếp tâm hướng vào đời sống nội tâm. Đức Phật dạy, người nào “ưa thích hội chúng thì không thể nào sống trú thân trên thân” (Tăng chi, chương VI, phẩm XII, kinh số 117). Ở một bài kinh khác, Ngài nói, người “ưa thích hội chúng đưa đến thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm IX, kinh số 149). Chỉ khi nào ưa thích và tập sống thuần thục trong môi trường tĩnh lặng mới có một nội lực vững vàng, thâm hậu để nuôi lớn khả năng quán chiếu tự thân vậy.
Không tự khen khi mình thiếu đức
Đức hạnh thứ năm một người xuất gia tu học cần trang nghiêm cho tự thân là “không có ác dục vọng, không bị chi phối bởi ác dục vọng” (Đại bát Niết-bàn, Trường bộ kinh). Ở kinh Du hành (Trường A-hàm), nội dung này được ghi là “không tự khen ngợi khi mình thiếu đức”. Tuy nội dung này ở hai bài kinh không hoàn toàn trùng khớp, nhưng chúng liên quan mật thiết với nhau và có thể coi là một, vì chỉ có người bị ác dục vọng chi phối và điều động mới tự khen ngợi mình. Không khoe khoang và tự khen là lối sống trầm lắng, khiêm tốn của những bậc hiền thánh; người bình thường khó có thể làm được.
Người thế gian hễ làm được những gì thì khoe khoang không hết lời, khoe đi khoe lại nhiều lần mà vẫn không chán. Ngay cả khi bản thân họ có được chút ít thành tựu, họ cũng thêm thắt nhiều chi tiết để tự tôn mình lên, để hình ảnh mình “lung linh” hơn trong mắt người khác, chỉ vì lòng tham: tham được khen tặng. Người như vậy là người sống bị dục vọng chi phối và điều động, vui với cái danh ảo, sống lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Đây là tâm lý thường tình của những người có đời sống nội tâm nghèo nàn và hoang vu, hướng ngoại và như thế, người ấy tình nguyện để ngoại cảnh chi phối tâm mình.
Do vậy, nếu một người mang hình tướng xuất gia mà tự khen mình, dù những gì thành tựu được chỉ là những việc nhỏ nhoi, không đáng gì so với cái người khác làm được, thì đó chưa phải là người xuất gia đúng nghĩa. Một khi tâm chấp ngã được nuôi dưỡng, chúng ta sẽ bị cuốn vào trong dòng sống thế gian. Đây là một trong những yếu tố làm băng hoại phẩm chất người tu đạo.
Người có tâm tự khen mình (thường tâm lý đi kèm là chê người) như thế bị Đức Phật quở trách, gọi là “ngu si” và “như vậy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài” (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương VI, phẩm I, kinh số 5). Người nào tự khoe khoang sở chứng sở đắc của mình nhưng khi Đức Phật hay chư vị đồng phạm hạnh hỏi đến thì bối rối, mất tự tin, không thể trả lời, thì Đức Phật gọi đó là người “tạo nên chấm đen trong giáo pháp, là người phá giới, làm tổn giảm pháp và luật” (Tăng chi bộ kinh, chương X, phẩm IX, kinh số 85). Là người tu hành chân chánh, ta nên chánh niệm tỉnh giác, quán sát và kịp thời kiểm soát tâm niệm và hành vi của mình trong mỗi lúc, để không mắc phải sai lầm này, trở thành người suy thoái đời sống phạm hạnh của chính mình, đồng thời làm hoen ố đời sống thanh tịnh của Tăng đoàn. Người tài hèn đức kém mà tự khen mình là người do tâm tham lam và dục vọng chi phối, rất khó tiến bộ trên con đường thực hành pháp. Người như vậy là còn chấp vào bản ngã, đánh bóng cái tôi, sống thiếu chân thật khi khoe khoang cả điều mình không có, hoặc có ít mà khoe nhiều. Đây là một chướng ngại lớn của người tu tập vậy.
Không kết bạn với người xấu ác
Đức hạnh thứ sáu của một bậc chân tu là “không kết bạn với những người xấu ác” (Kinh Du hành, Trường A-hàm), còn trong Trường bộ kinh, ý pháp này được diễn đạt hơi khác một tí, là “không bạn bè ác dục vọng, không thân tín ác dục vọng, không cộng hành với ác dục vọng”. Sự khác nhau ở đây là, trong khi kinh Du hành nhấn mạnh đến “người xấu ác” thì kinh Đại bát Niết-bàn (kinh số 16 Trường bộ) lại chú trọng đến việc xa lìa các pháp ác, chứ không phải con người ác. Tính chất và mục đích của vấn đề như nhau, vì người ác là người “sở hữu” các pháp ác, nuôi dưỡng các pháp ác và sử dụng các pháp ác ấy để nuôi tâm. Không gần gũi pháp ác, không thân cận người hành pháp ác để chúng ta tránh xa sự tiêm nhiễm cái ác từ bên ngoài, để dễ bề cắt xén rễ ác và nhổ bật gốc ác trong tâm mình.
Người xưa thường nói “chọn bạn mà chơi”. Một câu danh ngôn nữa mà ai cũng biết là “hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào”. Đúng vậy! Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; chơi với những người bạn xấu ác thì sẽ ảnh hưởng xấu và tai tiếng xấu lúc nào không hay. Tổ Quy Sơn từng dạy: “Thân phụ thiện giả, như vụ lộ trung hành, tuy bất thấp y, thời thời hữu nhuận; hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”. HT.Thanh Từ dịch: “Gần gũi người lành như đi trong sương móc, tuy không thấy ướt áo mà dần dần thấm nhuần. Gần gũi kẻ ác, thêm ác tri kiến, sớm tối tạo ác, trước mắt chịu quả báo, chết rồi phải trầm luân. Một phen mất đi thân người, muôn kiếp khó tìm lại được” (Quy Sơn cảnh sách). Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên ở cạnh ai thì tính cách của mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người đó, thậm chí sự tác động của bạn bè thân thiết có thể thay đổi quỹ đạo vận hành đường đi trong tương lai của một con người. Bởi lẽ sự hình thành và phát triển nhân cách là một quá trình xã hội hóa, trong đó con người và môi trường sống tác động trực tiếp và chủ đạo đến quá trình này. Chọn sống gần gũi người thiện lành để có cơ hội lìa xa các pháp xấu ác là một đức hạnh rất cần thiết cho người thực hành pháp cũng như cho tất cả mọi người sống hướng thượng trong xã hội. Đức Phật dạy: “Chớ thân với bạn ác, Chớ thân kẻ tiểu nhân, Hãy thân người bạn lành, Hãy thân bậc thượng nhân” (Pháp cú, câu 78).
Thích độc cư nơi chốn thanh nhàn
Một người thật sự muốn dành thời gian, năng lượng cuộc sống vào việc thực hành pháp sẽ biết cách tách mình ra khỏi sự ồn náo của chốn phồn hoa đô thị, trở về làm việc chính yếu của mình là nỗ lực trên con đường thực hành pháp bằng chính cái tâm của mình. Đây là đức hạnh thứ bảy được diễn đạt trong kinh Du hành là “thích ở một mình nơi rừng núi thanh vắng”.
Ở kinh Đại bát Niết-bàn (Trường bộ kinh), ý này được ghi là “không dừng ở nửa chừng, giữa sự đạt đến những quả vị thấp kém và những quả vị thù thắng”. Tưởng chừng như nội dung ở bài kinh Nikāya và A-hàm có sự khác nhau, nhưng kỳ thực đây là hai cách nói của cùng một vấn đề. Thật vậy, chỉ những người thích trú nơi rừng thanh núi vắng là những người đầy nhiệt tâm, quyết một lòng đi cho đến đích chứ không dừng lại ở giữa chừng “hóa thành”, không hài lòng với những quả vị thấp kém, mà nỗ lực cho đến khi đạt được mục đích rốt ráo mới thôi. Chỉ có những bậc tu hành chân chánh mới làm được việc này, bởi vì tâm lý thường thấy ở hầu hết mọi người là mới thành tựu được một phần trên con đường ta đi là ta đã hài lòng, thấy là đủ rồi, nên không tiếp tục nỗ lực trên con đường đang đi. Với tâm lý thỏa mãn khi chưa đến đích thì hành giả có đi mà không thể đến nơi rốt ráo cùng tột của đời sống phạm hạnh.
Chỉ những bậc xuất trần thượng sĩ, quyết tâm quyết chí sống nơi rừng núi cô tịch thanh tịnh mới có thể tham thiền nhập định, xả tâm, ly dục ly ác pháp trọn vẹn như lời Đức Phật dạy trong rất nhiều bài kinh. Rừng núi thanh vắng là môi trường lý tưởng nhất cho người chuyên tu, lại là nơi đáng sợ với người chưa đặt trọn đời mình vào con đường giải thoát. Người còn nhiễm trước, thân miệng ý không thanh tịnh, sẽ bị sợ hãi, khiếp đảm bao phủ và xâm chiếm, nên “không thể kham nhẫn những trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Đời sống viễn ly trở nên thật khó khăn! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư!”; chỉ những ai sống với ba nghiệp thanh tịnh mới đủ tự tin sống nơi các trú xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu (Trung bộ kinh số 4: kinh Sợ hãi và khiếp đảm).
Muốn thành tựu viên mãn giới, hộ trì các căn và chánh niệm tỉnh giác thì người thực hành pháp cần chọn “lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm” để hành thiền (Trung bộ kinh số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số 38: Đại kinh đoạn tận ái; kinh số 51: Kandaraka; Trung bộ kinh số 112: kinh Sáu thanh tịnh và nhiều kinh khác nữa).
Ngày xưa, các bậc chân tu thường tìm nơi rừng vắng núi cao để dựng am cất thất, rồi từ những am tranh cốc lá tạo nên nhiều ngôi chùa xưa yên tĩnh vẫn còn đến ngày nay ở những chốn thanh vắng, tĩnh lặng giữa thiên nhiên, xa đời sống hối hả của chợ búa, phố phường như một nhân chứng lịch sử sống động cho đời sống thanh thoát nơi núi rừng u tịch của các bậc tiền bối. Người thực hành pháp mà chọn ở nơi phố thị cho có được đời sống vật chất tiện nghi là người chỉ biết hướng đến việc thỏa mãn dục lạc thế gian hơn là dốc tâm hành pháp, hướng đến mục đích rốt ráo là thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Một khi quyết chí xuất gia là “Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở. Hiểu tịch tư thổn, khởi khả thiên diên quá thời”. HT.Thanh Từ dịch: “Từ giã thân quyến, quyết chí mặc áo nhuộm là ý muốn vượt đến chỗ nào? Sớm tối lo nghĩ, đâu thể dần dà để thời giờ qua mất” (Quy Sơn cảnh sách). Ấy thế mà cứ chọn chỗ gần phố cho tiện đường đi, cạnh khu dân cư đông đúc cho có nhiều người tới lui, lựa nơi tiện nghi cho các nhu cầu cuộc sống để cần là có thì ta dễ đi chệch hướng với tâm nguyện ban đầu của mình vậy.
Tóm lại, Đức Phật dạy bảy đức hạnh trên rất tuyệt vời và đây là những yếu tố căn bản cần thiết để có những người xuất gia phạm hạnh gương mẫu trong một Tăng đoàn hưng thịnh. Xuyên qua việc trình bày bảy đức hạnh, Đức Phật khuyên nhắc chúng ta phải biết sử dụng thời gian quý báu của mình cho mục đích hành trì pháp. Điều này được Đức Phật ân cần khuyến tấn trước lúc Ngài vào Niết-bàn: “Chớ để giờ qua luống; ngày ngày tu pháp lành” (kinh Di giáo). Trong mọi lúc mọi nơi, muốn thuần thục trong nếp sống phạm hạnh, chúng ta cần tách ly hẳn việc đời, những việc chỉ làm mất thời gian mà không liên hệ đến mục đích giải thoát. Cần tìm nơi thanh vắng, sống đời độc cư, viễn ly mới có thể dồn hết thời gian quý báu, sức khỏe và năng lượng sống cho mục đích giải thoát sanh tử. Nếu một người thực hiện bảy đức hạnh một cách trọn vẹn này thì ngay trong đời này đã có thể thành tựu đạo quả giải thoát mà không cần phải mong đợi về một thế giới nào xa xôi ở một nơi mơ hồ nào cả. Hãy đọc lại lời cảnh báo của Đức Phật để tự răn mình:
Tỳ-kheo ưa công việc, thích thú công việc, chuyên tâm ưa thích công việc; ưa nói chuyện, thích thú nói chuyện, chuyên tâm ưa thích nói chuyện; ưa ngủ, thích thú ngủ, chuyên tâm ưa thích ngủ; ưa hội chúng, thích thú hội chúng, chuyên tâm ưa thích hội chúng; ưa liên lạc giao thiệp, thích thú liên lạc giao thiệp, chuyên tâm ưa thích liên lạc giao thiệp; ưa hý luận, thích thú hý luận, chuyên tâm ưa thích hý luận. Như vậy, này các Hiền giả, Tỳ-kheo sống nếp sống như vậy, như vậy, khi lâm chung không được hiền thiện, khi mệnh chung không được hiền thiện. Này các Hiền giả, đây được gọi là Tỳ-kheo ái lạc có thân, không từ bỏ có thân để chân chánh chấm dứt khổ đau (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm II, kinh số 14).
Bảy điều này là những đề mục thiền quán căn bản cho mỗi hành giả, cần phải sử dụng thời gian hợp lý, thu thúc lục căn, viễn ly thế sự, dốc sức tu hành để không hổ thẹn khi quyết chí “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. HT.Thanh Từ dịch là:“Phàm người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình khác tục. Nối thạnh dòng Thánh, hàng phục quân ma, nhằm đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi” (Quy Sơn cảnh sách).
Nội dung bảy đức hạnh này được Ni trưởng Huỳnh Liên chuyển thơ gọi là “Bảy điều thạnh pháp” và nhắc nhở Ni chúng đệ tử Người thường xuyên đọc sau thời độ cơm trưa để tự nhắc nhở sách tấn mình:
Ngày nào dứt muốn ham thế sự,
Không biếng lười thích ngủ lo ăn,
Không luận bàn chuyện thế việc trần,
Không phe đảng dễ duôi giới luật,
Không khoe khoang khi mình thiếu đức,
Không nhiễm ô vật chất phù hoa,
Không nương gần bè bạn xấu xa,
Bảy điều kiện thạnh hưng Chánh pháp.
Từ khóa » Hạnh Nguyện Người Xuất Gia
-
Hạnh Nguyện Của Người Xuất Gia | VÀO NHÀ PHẬT PHÁP
-
Hạnh Nguyện Người Xuất Gia - Thích Phước Tịnh
-
HẠNH NGUYỆN XUẤT GIA Như Thế Nào Là Phù Hợp? - YouTube
-
TÂM HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA - Thiền Viện Thường Chiếu
-
Phạm Hạnh Của Người Xuất Gia | Giác Ngộ Online
-
Hạnh Nguyện Người Xuất Gia - Thích Phước Tịnh - Thiền Quán Tâm
-
Đạo Hạnh Của Người Xuất Gia, Một Nét đẹp Trong Văn Hóa Phật Giáo
-
Đạo Hạnh Của Người Xuất Gia (II) - .vn
-
Hạnh Nguyện Người Xuất Gia - Pháp Âm - Chùa Từ Lâm
-
Hạnh Của Người Xuất Gia - Phật Học - THƯ VIỆN HOA SEN
-
Hạnh Xuất Gia - Đạo Tràng Pháp Hoa
-
Hạnh Nguyện Xuất Gia - H.E Tumtin Rinpoche - Ô-Hay.Vn
-
Hành Trang Của Người Xuất Gia: Ðức Hạnh & Trí Tuệ
-
[PDF] Tăng Thân