Những Game Tuyệt Hay Bạn Yêu Thích đã được Làm Ra Như Thế Nào?

Có bao giờ bạn tự hỏi, một tựa game, một màn trình diễn mãn nhãn của hình ảnh, gameplay, diễn xuất, âm nhạc hòa quyện lại với nhau làm một tác phẩm thống nhất được làm như thế nào hay không? Kỳ thực, để làm được một tựa game, những nhà phát triển game, vốn là một nhóm từ vài chục đến vài trăm con người phải làm việc hết công suất, bỏ biết bao sức lực, mồ hôi và nước mắt để hoàn thành những tuyệt tác mà bạn thưởng thức hàng ngày.

Dĩ nhiên, bất kỳ dự án nào cũng bắt đầu với công đoạn...

I. Tiền phát triển (Pre-production)

Đây còn được gọi là giai đoạn lên kế hoạch của một tựa game. Trong giai đoạn này, các đạo diễn và nhà sản xuất tựa game sẽ ngồi với nhau để hình thành ý tưởng cho một tựa game. Mục đích của giai đoạn này là lập ra được một bản kế hoạch chi tiết, dễ hiểu và có mốc thời gian deadline hoàn chỉnh cho từng công đoạn, từng nhiệm vụ và yêu cầu về thành phẩm cho những mảng khác nhau trong một dự án phát triển game lớn.

Dĩ nhiên khoảng thời gian này, các nhà phát hành chưa rót tiền vào cho các nhà phát triển, mà phải đợi bắt đầu dự án, khi cỗ máy bắt đầu vận hành, tiền mới bắt đầu được đổ về để lo trang thiết bị vật chất cũng như trả lương cho nhân sự tham gia phát triển tựa game. Cá biệt, những nhà phát hành lớn thậm chí còn đỏi hỏi bạn phải có một bản kế hoạch đủ chi tiết trước khi bước vào giai đoạn đầu tiên này để biết liệu dự án đó có khả thi và đem lợi nhuận về cho họ hay không.

Sau khi có những bản kế hoạch đủ tốt, giai đoạn phát triển concept của game sẽ bắt đầu.

Thành lập ý tưởng

Ý tưởng của một tựa game bao gồm 3 phần: High Concept, Pitch và Concept. High Concept đơn giản chỉ là 1 hoặc nhiều lắm là 2 câu nói trả lời được câu hỏi "Tựa game này nói về cái gì?"

Sau đó, Pitch là một bản thảo mô tả sâu hơn về ý tưởng làm ra tựa game. Nó phải đủ ngắn, đủ hấp dẫn và phải trả lời được hai câu hỏi tiên quyết là nó sẽ ăn khách ở điểm nào, và có khả năng sinh lời hay không. Đương nhiên không phải lúc nào cũng cần đến giấy tờ chữ nghĩa. Những nhà marketing giỏi hay các nhà phát triển game luôn có thể đưa ra Pitch trong những cuộc họp nơi nhà phát hành game, nhà rót vốn bật đèn xanh cho dự án này.

Đến lúc này, Concept Document, hay còn gọi là tài liệu về ý tưởng hoặc còn được gọi là Game Plan, kế hoạch làm game sẽ được tạo ra. Nó sâu và nhiều thông tin hơn so với Pitch ở trên. Bản thảo này có cả ý tưởng High Concept, thể loại game, mô tả gameplay, bối cảnh, cốt truyện, đối tượng khách hàng được nhắm đến, nền tảng mà nó sẽ ra mắt, thời gian biểu dự kiến, định hướng marketing, yêu cầu về nhân sự cũng như cả đánh giá rủi ro của dự án.

Đương nhiên trước khi bản ý tưởng này được thông qua, một nhóm lập trình viên và họa sỹ thiết kế, những nhân sự chủ chốt xương sống của một dự án sẽ bắt đầu công việc của mình. Họ sẽ tạo ra những tấm hình mô tả game, những đoạn gameplay ngắn hay những đoạn phim giới thiệu, dĩ nhiên là cực kỳ thô sơ chứ không thể có thời gian và tiền bạc để tạo ra một màn trình diễn choáng ngợp như khi họ đem sản phẩm đến với công chúng. Mục đích của bước đi này chỉ là để thuyết phục nhà phát hành game đồng ý và cấp vốn cho dự án.

Cùng với đó nhà sản xuất game cũng hoàn thiện một bản kế hoạch sản xuất với mục tiêu không có bất kỳ sự cố nào xảy ra trong quá trình sản phẩm được thành hình.

Prototype

Ngay sau đó, những ý tưởng làm game sẽ được nhà sản xuất tạo thành một bản thử nghiệm đơn giản đến hết sức có thể để thử nghiệm những hướng đi cho nhà thiết kế game, cho lập trình viên và những thuật toán mà họ có thể sử dụng để hoàn thành tựa game. Các nhà làm game thử-sai rất nhiều, cho đến khi phiên bản ý tưởng sơ khai được chấp nhận.

Giai đoạn tiền phát triển đã hoàn thành. Giờ là lúc để thực sự bắt tay vào việc chính:

II. Giai đoạn phát triển

Trong giai đoạn này, 90% quá trình hoàn thiện một tựa game sẽ được diễn ra. Đây là lúc asset, nghĩa là những tài sản sở hữu trí tuệ được thiết kế cũng như mã nguồn của game được phát triển. Asset là một khái niệm cực kỳ rộng. Nó có thể là những bản vẽ concept 2D, có thể là mô hình cành cây ngọn cỏ, cũng có thể là những file mô tả chuyển động của nhân vật. Nói cách khác, bất kỳ thứ gì được sử dụng để tạo ra game, nó được gọi chung bằng cái tên này.

Thông thường giai đoạn phát triển game là thời điểm nhiều nhân sự tham gia dự án nhất. Lập trình viên viết mã nguồn, họa sỹ tạo ra asset như mô hình 3D hoặc hình ảnh concept nhân vật. Chuyên gia âm thanh làm việc với hiệu ứng âm thanh và sáng tác âm nhạc cho tựa game. Nhà thiết kế màn chơi tạo ra những khung cảnh mà chúng ta có thể tương tác bằng nhân vật trong game, và các nhà biên kịch viết kịch bản game, lời thoại cũng như cắt cảnh trong game.

Nhờ đó, những người làm game có thể tiếp tục phát triển sản phẩm dựa vào thành phẩm của những công đoạn kể trên.

Thiết kế game

Một cách rõ ràng, để làm ra một tựa game, bước thiết kế trò chơi là bước quan trọng nhất và cần tới khả năng làm việc nhóm cực tốt giữa những designer. Họ cần có hiểu biết kỹ thuật, nhưng cùng lúc phải có cả đầu óc nghệ thuật. Nói một cách khác, họ chẳng khác gì những kỹ sư đi sáng tác nhạc. Sự sáng tạo luôn tạo ra lợi thế cho bất kỳ tựa game nào.

Cũng trong quá trình này, họ cũng sẽ thử nhiều thứ mới lạ, hoặc loại bỏ những thứ bị cho là thừa thãi hoặc không ăn nhập với game. Bản thân phong cách hình ảnh cũng như cốt truyện cũng có thể được thay đổi vì mục đích tạo ra sản phẩm cuối cùng ấn tượng nhất. Tất cả những thay đổi này bắt buộc phải được cập nhật vào bản thảo thiết kế của dự án và phải được tất cả cùng biết, nếu không sẽ giống như việc bạn thay một chiếc bánh răng không vừa khớp vào chiếc xe, làm cả hệ thống bị đình trệ.

Lập trình

Có thể chỉ cần một lập trình viên nhưng đôi lúc một dự án game cần tới nhiều lập trình viên để viết nên những tập lệnh điều khiển bản thân tựa game, điều khiển nhân vật, điều khiển cả NPC. Trong quá trình này, các nhà làm game sẽ quyết định xem nên sử dụng engine game nào để phát triển sản phẩm, cũng như sửa tất cả các lỗi phát sinh trong quá trình phát triển game. Ngay cả khi không tự viết engine, các lập trình viên cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng cực kỳ sâu để hoàn thành phần việc của họ.

Thiết kế màn chơi

Đây là quá trình tốn thời gian nhất để hoàn thành một tựa game. Nhà phát triển, họa sỹ và nhà thiết kế màn chơi sẽ phải sử dụng các công cụ để tạo ra những không gian trong game, những level cho game thủ. Bản thân việc thêm thắt hoặc xóa bỏ những ý tưởng trước đó cũng sẽ khiến một số màn chơi bị thay đổi và không còn phù hợp, buộc nhà thiết kế phải sửa hoặc tạo ra một sản phẩm mới hoàn toàn.

Việc làm game là một quá trình động, nhiều thay đổi, nên việc thiết kế màn chơi và chạy theo những ý tưởng mới cũng là điều khó khăn nhất. Việc bỏ 12 tháng trời chỉ để làm một màn, hoặc bỏ 3 năm để tạo ra cả tựa game không phải là chuyện hiếm. Chỉ là các nhà phát hành game dạo này thích vắt sữa tung ra các phiên bản thường niên nên chúng ta cứ nghĩ làm game thông thường sẽ nhanh. Có những dự án 10 năm trời mới cho ra trái ngọt, như The Last Guardian chẳng hạn.

Đến khi màn chơi đầu tiên được thông qua, lúc này ý tưởng phát triển tựa game cũng như tầm nhìn của nhóm thiết kế đã trở nên rõ ràng và ổn định hơn so với khi họ thử-sai. Vì thế khi làm được 1 màn chơi, toàn bộ sản phẩm sẽ rất nhanh chóng được hoàn thiện dựa vào chính màn đầu tiên đó.

Cũng cần nhớ, đây chính là bước quyết định một tựa game thành công hay thất bại.

Hình ảnh

Thực tế thì đây là một mảng rất rộng chứ không chỉ như việc thiết kế hoặc sáng tác nhạc, viết kịch bản game. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đến những cương vị như 2D artist, 3D artist hay motion capture artist. Chính vì phần "nhìn" quá quan trọng đối với một tựa game nên chúng ta thường lầm tưởng việc làm game chỉ phụ thuộc vào nhóm họa sỹ thiết kế có tạo ra những tác phẩm ấn tượng hay không.

Những họa sỹ phụ trách hình ảnh cho một tựa game được chia thành hai mảng, 2D và 3D.

Ở mảng 2D, chúng ta có những họa sỹ vẽ storyboard y hệt như khi làm những bộ phim bom tấn, và nhiệm vụ của họ không chỉ là vẽ, mà còn tạo ra những thước phim đầy cảm xúc trong những trò chơi, hoặc các đoạn trailer hút hồn game thủ trước khi game ra mắt. Cùng với đó là những họa sỹ làm texture, thêm những bề mặt vật thể dựa trên sản phẩm mô hình mà họa sỹ 3D đã tạo ra. Ví như cây cối, nhà cửa, quần áo hay khuôn mặt nhân vật, chúng có ấn tượng và giống như thật hay không đều phụ thuộc vào các Texture artist.

Và bên cạnh đó chúng ta cũng có những họa sỹ 3D. Họ được chia ra làm 4 nhóm. Một nhóm tạo ra mô hình 3D cho các asset trong game để texture artist hoàn thiện. Nhóm thứ hai chỉ làm việc với môi trường trong game. Những bức vẽ và những bản thiết kế màn chơi với vật thể cũng như tổng quan hình ảnh của game chính là tác phẩm của họ. Nhóm thứ ba chỉ làm về ánh sáng trong game. Và nhóm cuối cùng là các animator đại tài, đảm nhiệm phần chuyển động của mọi thứ "không đứng im" trong game, từ cành cây xào xạc, cho đến đàn chim bay vút lên trời khi nghe thấy tiếng súng, v.v...

Thiết kế âm thanh

Âm thanh trong game được chia ra làm 3 mảng riêng biệt: Hiệu ứng âm thanh, âm nhạc và lồng tiếng. Hiệu ứng trong game gần như không khác gì so với việc lồng tiếng phim, nhưng giờ đây dễ hơn xưa nhiều vì có rất nhiều sample âm thanh xe cộ, súng ống có sẵn và được xử lý bằng máy vi tính chứ không phải thu âm thủ công như trước đây.

Tiếp đến là âm nhạc. Một tựa game với 20 tiếng đồng hồ chơi đơn cần có ít nhất 60 phút âm nhạc. Một hoặc nhiều nhạc sỹ sẽ đảm nhiệm công việc này. Những lúc bình thường, nhạc sẽ có cảm giác nhẹ nhàng nhưng trong những cảnh hành động, âm nhạc sẽ khác hoàn toàn. Trước đây nhạc trong game thường được làm với các thiết bị synthesizer tạo ra âm thanh nhân tạo, nhưng giờ đây những tác phẩm game chẳng kém gì game, vì thế nên những dàn nhạc giao hưởng cũng xuất hiện, cùng với những tên tuổi nhạc sỹ tài ba cũng chuyển sang làm nhạc cho game.

Cuối cùng là lồng tiếng. Một nhóm các diễn viên sẽ được thử giọng và lồng tiếng cho các nhân vật trong game, chẳng khác gì những bộ phim hoạt hình chiếu ngoài rạp cả.

Sau khi những quá trình này hoàn tất, sản phẩm được lắp ráp hoàn thiện và đưa chúng ta đến bước cuối cùng:

III. Thử nghiệm và phát hành

Ở cuối dự án, khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm là rất quan trọng. Trước đây những game PC console offline cũ thường thuê tester về chơi thử và yêu cầu họ không được tiết lộ bất kỳ thông tin gì cho ai. Chỉ cần tạo ra 1 màn chơi là các game tester sẽ có thể bắt đầu công việc của họ. Và cần nhớ, họ không chơi thử game theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Họ thử rất kỹ để tìm ra mọi lỗi có thể của game, từ cử động cho đến gameplay và cả môi trường game nữa.

Tuy nhiên giờ đây, game online ngày một nhiều lên, và những giai đoạn thử nghiệm không còn đòi hỏi những tester phải đến trụ sở nhà phát triển và bị bó buộc vào những yêu cầu của nhà phát triển. Giờ đây chỉ cần đăng ký tài khoản là bạn có thể thử nghiệm alpha hoặc beta test một tựa game. Nhà phát triển cũng nhẹ gánh hơn khi chỉ cần ghi nhận ý kiến của cộng đồng và sửa chữa những khuyết điểm còn tồn tại ở game. Ấy là chưa kể nền tảng máy tính của đông đảo game thủ đa dạng hơn nhiều so với những cỗ máy ở trụ sở studio, nên những lỗi phần cứng sẽ được phát hiện và chỉnh sửa lại.

Không phải lúc nào một tựa game được tung ra cũng không có lỗi. Chúng có rất nhiều lỗi là đằng khác. Nhưng ngay sau khi game ra mắt, nhà phát triển sẽ phải tiếp tục tung ra các bản vá để hoàn thiện cho game, giúp game thủ có được trải nghiệm tốt nhất có thể.Crytek - Chân dung một tượng đài từng khiến game thủ cả thế giới phải thổn thức Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link

Từ khóa » Một Con Game