Những Giá Trị Nổi Bật Về Tài Nguyên Du Lịch Tiểu Vùng Đông Bắc.

Tiểu vùng Đông Bắc mở rộng (gồm các tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và Quảng Ninh) là một trong những khu vực được đánh giá có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, toàn diện và nổi bật cả về tự nhiên và nhân văn. * Về tự nhiên: Đông Bắc là một quần thể núi non hùng vĩ, địa hình hiểm trở với các dạng địa hình đan xen nhau khá phong phú. Địa hình có đặc điểm bị chia cắt rất mạnh và có tính phân bậc với nhiều đèo cao, vực thẳm kết hợp với các thung lũng mở rộng và thác nước tạo nên nhiều điểm cảnh quan đẹp….Bên cạnh đó là các thửa ruộng bậc thang, núi đá như những bức tranh tuyệt tác vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của thiên nhiên. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển các khu, điểm du lịch.

Mùa vàng Bắc Sơn - Ảnh Bùi Vinh Thuận Hệ thống các núi, đồi, sông, hồ, hang động, đặc điểm khí hậu, các khu bảo tồn, suối nước nóng…đặc biệt là hệ sinh thái, các điểm cảnh quan đều được thiên nhiên ban tặng cho Tiểu vùng những giá trị cao phục vụ du lịch. Trong đó điển hình có thác Bản Giốc (Cao Bằng), Thác Đăng Mò (Lạng Sơn), Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba bể (Bắc Kạn); đặc biệt vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trên địa bàn Tiểu vùng là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận và là một trong bảy kỳ quan thế giới mới có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, Tiểu vùng có đường biên giới quốc gia dài gần 800 km và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc là tiềm năng phát triển du lịch biên giới. * Về nhân văn: Tiểu vùng có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn gắn liền với Bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng núi Đông Bắc được thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, văn hóa dân gian, di tích lịch sử văn hóa; Hệ thống di tích lịch sử cách mạng gắn với Bác Hồ, Đảng và Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng núi Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao….trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Tày – Thái, Mông – Dao, Việt – Mường, Hoa, Tạng – Miến….Các dân tộc ở Đông Bắc, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất. Không những thế, có một số dân tộc (như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao ở Hà Giang) được coi là có duy nhất với những sắc thái riêng biệt. Chính sự tồn tại của đông đảo cộng đồng các dân tộc đã tạo nên cho Tiểu vùng một diện mạo văn hóa vừa độc đáo vừa phong phú là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng thể hiện qua nhiều hình thức văn hóa khác nhau như hội Lồng Tồng (Tày, Nùng), Gầu tào (Mông), Cấp sắc (Dao), Nhảy lửa (Pà Thẻn); Hát then, sli lượn; đặc sản, ẩm thực; kiến trúc nghệ thuật.v.v… Việt Bắc là quê hương của cách mạng Việt Nam, mỗi tấc đất ở Việt Bắc đều gắn với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam như Khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử đường 4 (Lạng Sơn) Hang Pắc Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên)…trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch về nguồn, giáo dục, tâm linh.

Có thể nhận thấy, những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Việt Bắc đối với du lịch thể hiện ở các khía cạnh như: Giá trị về văn hóa, lịch sử; Giá trị về mặt giáo dục, khoa học; Giá trị về mặt tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; Giá trị về mặt tâm linh. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch cho Tiểu vùng.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch

Từ khóa » đặc điểm Của Vùng Du Lịch Bắc Bộ