Những Giải Pháp Trọng Tâm Bảo Vệ Môi Trường

Ảnh minh họa (Nguồn: moitruongxanh.org.vn)

Phát triển một nền kinh tế với phương châm công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải có sự kiểm soát chặt chẽ của toàn thể xã hội là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ môi trường. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp trọng tâm bảo vệ môi trường, tạo được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu môi trường của Ngân hàng Thế giới (WB): Nếu con người cứ khai thác các tài nguyên khoáng vật không tái tạo được như hiện nay, chỉ có thể duy trì các loại khoáng vật như sắt được 173 năm, than được 150 năm, nhôm được 55 năm, đồng được 48 năm, vàng được 29 năm; các nguồn tài nguyên sinh vật, rừng rậm trong 170 năm nữa sẽ bị triệt hạ, trong đó rừng mưa nhiệt đới có thể hết nhẵn sau 40 năm nữa.

Đề cập về vấn đề bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, nguồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò rất to lớn, đóng góp đáng kể vào tỉ lệ tăng trưởng kinh tế. Song nếu khai thác nguồn tài nguyên này một cách quá mức, dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân đối nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường gia tăng. Đó chính là hậu quả lớn nhất do tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm bảo vệ môi trường.

Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ môi trường thời gian tới của đất nước ta là hết sức nặng nề. Việt Nam phải tiếp tục có sự chung sức, chung lòng, cùng nhau nỗ lực hơn nữa để bảo vệ môi trường, phải thực sự coi công tác này là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Bởi bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá. Do đó, để bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và cuộc sống, an sinh của nhân dân, công tác bảo vệ môi trường cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm và đồng bộ.

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm-Tổng cục Môi trường Hoàng Minh Đạo cho rằng: Trước hết, phải thay đổi nhận thức của các chủ thể kinh tế theo định hướng mới cần thiết về phát triển kinh tế (cả cấp vĩ mô và vi mô), trong việc ngăn cản sự chuyển biến nhanh những nhận thức về sinh thái trong hoạt động kinh tế, chấm dứt cách tư duy một nền kinh tế hài hòa với môi trường sẽ làm thiệt hại đến mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế thật cao là vấn đề trọng tâm cần làm trước, còn việc bảo vệ môi trường sẽ thực hiện sau và “có thừa tiền để sửa sai” nếu xảy ra ô nhiễm môi trường…

Xã hội hoá giáo dục môi trường cần được thực hiện và triển khai nhanh chóng đối với các chủ thể kinh tế. Bởi lẽ, sự tác động vào môi trường tự nhiên một cách tự phát và gây thảm hoạ không chỉ cho môi trường tự nhiên, mà còn tác động xấu đến sự tăng trưởng kinh tế khi những chủ thể này chưa nhận thức đúng đắn vai trò của môi trường, của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh tế.

Việc đưa các vấn đề môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển quốc gia nói chung, trong phát triển kinh tế nói riêng phải được coi là một trong những giải pháp quan trọng để vượt qua thách thức về môi trường; cần sớm đưa bảo vệ môi trường thành một ngành kinh tế, thành chính sách kinh tế điều tiết hoạt động phát triển. Đó vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Do vậy, bên cạnh việc xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân ở cả vĩ mô và vi mô, dài hạn và ngắn hạn cần có sự kết hợp việc khai thác tiềm năng với việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Giảm thiểu giới hạn mâu thuẫn giữa hệ thống kinh tế và hệ thống sinh thái, thông qua việc thích ứng mục tiêu kinh tế và cách thức tác động nó vào nhu cầu sinh thái. Khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên trong hệ thống tự nhiên, hệ thống tái tạo trong tăng trưởng kinh tế.

Cần nắm vững quy luật của sự phát triển đều có giới hạn trong mỗi hệ sinh thái sử dụng trên nguyên tắc bảo vệ và phát triển bền vững. Phát hiện và khuyến khích mục tiêu hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển giao công nghệ, thực hiện công nghệ “xanh và sạch”… trong hoạt động kinh tế. Áp dụng biện pháp kinh tế trong quản lý môi trường như đánh thuế các sản phẩm có thể và gây ô nhiễm môi trường, thu lệ phí với các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường, cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường của các tổ chức, cá nhân theo Luật Môi trường ban hành; ưu đãi, đầu tư cho các hoạt động kinh tế thân thiện, cải thiện với môi trường tự nhiên.

Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh nhằm sử dụng và phát triển các công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế xanh. Cần đẩy mạnh cơ chế kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chuyển đổi cơ chế “bao cấp”, “xin – cho”, nặng về kiểm soát hành chính sang cơ chế thị trường; khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ sạch; hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, tiêu hao nhiều năng lượng; không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phát triển các dịch vụ môi trường.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, hình thành hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập. Trước mắt cần bổ sung, hoàn thiện các quy định và cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường khu - cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, làng nghề, các lưu vực sông, môi trường nông thôn, miền núi, biển và hải đảo. Nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với sự phát triển bền vững, thể hiện rõ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng vùng lãnh thổ, từng ngành, địa phương trong từng dự án, với tầm nhìn dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động có tính toàn cầu này.

Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng phức tạp, nặng nề, đáp ứng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, tạo cơ chế phối hợp, hợp tác để huy động mọi thành phần kinh tế và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đặt trọng tâm đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và việc thực hiện nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Xây dựng một chiến lược vận động các nước, các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Việt Nam ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm tranh thủ các nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Môi trường phải trở thành tiêu chí cơ bản trong các hoạt động bình chọn, xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các cá nhân, tổ chức, các cơ quan, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến cơ sở./.

Từ khóa » Giải Pháp Có ý Nghĩa Thiết Thực để Bảo Vệ Môi Trường Là