Những Góc Khuất Trong Cuộc đời Tạ Đình Đề - VnExpress Giải Trí

Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ra mắt Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời của tiến sĩ Dương Thanh Biểu. Đây là cuốn sách hiếm hoi viết về nhân vật lịch sử nổi tiếng Tạ Đình Đề (1919 - 1998) với nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố của ngành tư pháp và những nhân chứng sống cùng thời với nhân vật. Cuốn sách được viết theo dạng truyện ký với nhiều lời phỏng vấn trực tiếp nhân vật của tác giả.

body-Ta-Dinh-De-6211-1396060842.jpg

Sách Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời.

Tác giả Dương Thanh Biểu nguyên là Viện phó Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, nên có điều kiện tiếp cận và nắm giữ nhiều “hồ sơ mật” về Tạ Đình Đề trong “vụ án oan thế kỷ XX” kéo dài gần 20 năm. 

Cuốn sách đã tái hiện trọn cuộc đời Tạ Đình Đề với nhiều chiến công, nhiều giai thoại lưu truyền trong nhân dân, nhưng cũng có không ít oan trái mà ông phải gánh chịu trong nhiều năm. Tạ Đình Đề tham gia cách mạng từ năm 1935, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cách mạng nước ta: Ủy viên Công chính Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Thanh Oai, Phó ban Tình báo Liên khu 2 trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 2, Chủ nhiệm Tổng kho Biên giới Lạng Sơn, Trưởng đoạn Đầu máy Hà Nội, Trưởng ban Thể dục - Thể thao, kiêm Giám đốc Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt trực thuộc Tổng Cục Đường sắt.

Ông vốn là người được kẻ địch cử đi ám sát Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng được cảm hóa, trở thành cận vệ của Hồ Chủ Tịch. Từ đó, ông nổi danh với những hoạt động cách mạng được xem như huyền thoại. Người dân khắp trong Nam ngoài Bắc truyền tụng tên ông. Thực dân Pháp khiếp sợ mỗi lần nghe đến tên người tình báo Tạ Đình Đề của Việt Minh trong nội thành Hà Nội lúc đó. Chúng còn thêu dệt nên nhiều câu chuyện về người tình báo Tạ Đình Đề “xuất quỷ nhập thần” ám sát những tên quan Pháp đầu sỏ.

Nhưng cuộc đời nhiều oan khuất của ông đã trở thành huyền thoại. Tháng 11/1974, ông bị bắt tạm giam vì bị khép vào tội cố ý làm trái chính sách, tham ô và hối lộ. Sau đó là lệnh tạm giam đặc biệt với ông, chờ ngày xét xử. Đến cuối năm 1975, sau một năm bị tạm giam, ông mới được phép gặp mặt gia đình trong khoảng thời gian ngắn. “Biết tin mình sắp bị bắt, tôi như sụp xuống, trời đất quay cuồng. Lẽ nào lại như thế. Bao năm nay, xưởng dụng cụ cao su đường sắt đã gắn liền với tôi. Tôi đã dành cho nó biết bao công sức, trí tuệ và tình cảm. Thế mà bây giờ, đơn vị đã khang trang, có bát ăn bát để thì tai họa lại ập xuống đầu tôi” - ông Tạ Đình Đề từng kể lại về những phút giây khi biết tin dữ.

Những ngày ngồi tù, dù bị khổ sở về điều kiện ăn ở, sức khỏe giảm sút, những ý nghĩ về việc bị bắt luôn ám ảnh trong đầu, ông vẫn tự động viên mình giữ niềm tin rằng, một ngày nào đó, sẽ có người minh oan cho mình, và ông sẽ được trả tự do.

Và điều ông mong mỏi rồi cũng đến. Tháng 6/1976, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án Tạ Đình Đề ra xét xử. Tại đây, tòa đã tuyên ông vô tội và minh oan cho ông.

Nhưng chưa hết nạn này đã vướng nạn khác, tháng 9/1985, ông lại bị bắt tạm giam lần hai để điều tra phúc thẩm vụ án năm 1974 của ông. Một năm sau, Tạ Đình Đề lại phải ngồi tù lần hai.

Đến tận năm 1987, ông mới được trả tự do, nhưng chưa được minh oan, và vẫn bị tước mọi chiến công và quyền công dân. Mãi đến năm 1989, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới ký quyết định đình chỉ điều tra vụ án Tạ Đình Đề. Tháng 6/1992, Chánh án tòa án nhân dân tối cao mới chính thức ra công văn đình chỉ điều tra phúc thẩm vụ án Tạ Đình Đề, phục hồi mọi quyền lợi hợp pháp cho ông.

Vụ án oan Tạ Đình Đề kéo dài đằng đẵng 16 năm đã được làm sáng tỏ, ông đã được minh oan và phục hồi mọi quyền lợi.

Ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Năm 2007, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương độc lập hạng Ba cho Tạ Đình Đề.

Cuốn sách của tác giả Dương Thanh Biểu là câu chuyện đẫm nước mắt, nhưng đầy cảm động về nhân vật lịch sử vẫn còn gây nhiều tranh cãi đến nay. Nhiều sự thật đã được làm sáng tỏ qua cuốn sách này. Đúng như tác giả cuốn sách đã viết ở phần kết: “Lịch sử là công bằng. Hãy công bằng với lịch sử. Một khi chưa có sự công bằng với quá khứ thì khó có công bằng với hiện tại và không dễ gì công bằng với tương lai”.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã đánh giá cuốn sách như một “sách trắng” giải mã các sự kiện lịch sử liên quan đến nhân vật Tạ Đình Đề trong lịch sử cách mạng nước ta và lịch sử của ngành tư pháp.

Vũ Hoàng

  • Sách giải đáp nhiều khúc mắc trong cuộc đời Hoàng Hoa Thám
  • Ra mắt sách về danh ngôn của Hồ Chí Minh

Từ khóa » Kẻ ám Sát Bác Hồ