Những Gợi ý Cần Tuân Thủ Trước, Sau Tiêm Ngừa Vắc Xin COVID-19.

Vắc xin ngừa COVID-19 là loại sinh phẩm sinh miễn dịch mới được phát triển trong thời gian ngắn, giúp con người chống lại vi rút SARS-CoV-2. Hiệu quả mong muốn là tạo được miễn dịch cộng đồng chống lại đại dịch COVID-19. Trước khi đi tiêm ngừa, mỗi người dân nên tuân thủ theo đúng khuyến cáo của các chuyên gia y tế.

Cần chuẩn bị gì trước khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19?

- Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm: giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa.

- Bổ sung đủ nước trước và sau tiêm: nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước dừa, nước cam, chanh muối… để cung cấp thêm vitamin C, A.

- Ăn no vừa phải các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, chọn thực phẩm tươi sống, ăn thức ăn nấu chín, uống nước sôi để nguội.

- Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng: sau tiêm, cơ thể sẽ mệt mỏi do tác dụng phụ, nên nghỉ ngơi, có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ chậm trong môi trường thoáng gió...

- Không để bụng đói: nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá trứng sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.

- Không uống rượu, bia trước và sau tiêm vắc xin: rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt tác dụng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.

- Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm vắc xin: Caffein kích thích thần kinh giao cảm làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều; điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm ngừa.

- Không ăn nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật): thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây phản ứng bất lợi.

- Không ăn thực phẩm lạ và các thực phẩm từng gây dị ứng trước đây.

- Không dùng thuốc corticoid trong vòng 14 ngày gần đây và những ngày sau tiêm ngừa.

- Bổ sung đủ nước những ngày sau tiêm vắc xin: 2,7 (nữ) - 3,7 (nam) lít nước/ ngày (trong đó có khoảng 20% nước đến từ thức ăn).

Các trường hợp thắc mắc thường gặp phải khi đi tiêm vắc xin COVID-19:

- Thể trạng yếu có chích ngừa vắc xin COVID-19 được không: được

- Người có bệnh nền (tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đang đặt stent, viêm gan B, C, thiếu máu tán huyết, thiếu men G6PD, rối loạn tiền đình, ghép thận, ghép gan…) có tiêm vắc xin COVID-19 được không: được, nếu khám phân loại xác định bệnh đang ổn định.

- Người lớn tuổi: nên tiêm càng sớm càng tốt (khi khám phân loại được phép)

- Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú: nên (nên tiêm cho phụ nữ có thai 13 tuần – 34 tuần trong thai kỳ)

- Người đang dùng thuốc điều trị đặc hiệu: được (trừ trường hợp đang dùng corticoid 14 ngày gần đây)

Sau khi tiêm ngừa nên bổ sung thức ăn giàu vitamin tự nhiên: vitamin A, E, C, D, Kẽm (Zn)

1. Vitamin A :

- Cà rốt: một củ cà rốt sẽ cung cấp 7.835 IU vitamin A

- Khoai lang: 100 gam khoai lang cung cấp 19.218 IU tương đương với 384% giá trị vitamin A cần thiết/ngày.

- Các loại rau có lá xanh thẫm: rau cải, cải xoăn.

- Hải sản: cá ngừ, hàu, cá hồi, cá tầm và cá thu chứa một lượng lớn vitamin A.

- Đu đủ: Một quả đu đủ nhỏ cung cấp 30% giá trị vitamin A hàng ngày, ngoài ra còn chứa hàm lượng lớn các loại vitamin, khoáng chất, các enzyme và chất chống oxy hóa.

- Quả bí: chứa nhiều chất beta-caroten, được chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể.

- Thịt bò: 100 gram thịt bò có thể giúp bạn có được 90% lượng vitamin A cần thiết. Thịt bò cũng rất giàu kẽm, một khoáng chất giúp cơ thể hấp thụ chất chống oxy hóa và tăng đề kháng.

- Trái cây khô: mận, mơ, đào là một nguồn vitamin A tuyệt vời. Quả mơ chứa hàm lượng vitamin A cao nhất trong tất cả các loại hoa quả sấy khô.

- Cà chua: Cà chua chứa ít calo và nhiều loại vitamin và khoáng chất.

- Dầu gan cá

2. Vitamin E:

- Ô liu: dầu ô liu

- Lạc: Lạc (đậu phộng, đậu phụng) chứa nhiều lipit.

- Ngô (bắp), cà rốt, cà chua, dừa, yến mạch, măng tây, hạnh nhân, hạt dẻ…

3. Vitamin C: Ổi (ổi là loại trái cây đứng đầu trong danh sách thức ăn chứa nhiều vitamin C. Một trái ổi chứa tới 228mg vitamin C – bỏ xa cam cũng như các loại hoa quả khác), Dứa, Bông cải trắng, Dâu tây, Đu đủ (giàu chất xơ, Kali và vitamin C sẽ giúp giảm mỡ máu, ngăn ngừa quá trình oxy hóa), Ớt chuông xanh, đỏ, Bông cải xanh.

4. Vitamin D:

- Cá biển: Có nhiều loại cá biển được đánh giá là nguồn cung cấp vitamin D, như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá thu…

- Các loại nấm: là thực phẩm giàu vitamin D tự nhiên có nguồn gốc thực vật nhất. Cũng giống như con người, nấm có khả năng tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Mặc dù không tổng hợp ra vitamin D3 mà chỉ sản xuất ra vitamin D2, nấm vẫn có tác dụng tăng nồng độ vitamin D trong máu một cách hiệu quả.

- Lòng đỏ trứng

- Thực phẩm tăng cường: sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…); sữa đậu nành, nước trái cây, bột ngũ cốc, yến mạch…

- Phơi nắng có vai trò quan trọng trong tổng hợp vitamin D và tăng cường hệ miễn dịch

5. Khoáng chất Kẽm (Zn):

- Thịt tươi: Thịt là một nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời, đặc biệt là thịt có màu đỏ...

- Trứng: các loại trứng gà, vịt...

- Động vật có vỏ: hàu, cua, sò, hến...

- Các loại đậu. Các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ ...

- Ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt khô (bí, dưa, hướng dương. ...)

- Một số loại rau xanh…

Sau tiêm ngừa vắc xin, mỗi cơ thể và tùy thời điểm có thể có những đáp ứng khác nhau; tuy nhiên, tránh xa những yếu tố bất lợi và hỗ trợ cơ thể hợp lý sẽ giảm thiểu rất nhiều tác dụng phụ do vắc xin, giúp cơ thể thích nghi, hồi phục sớm và sinh đáp ứng miễn dịch tốt nhất./.

Bác sĩ Phước Nhường

Từ khóa » Chích Ngừa Covid được Uống Nước Dừa Không