Những Hiểu Biết Cơ Bản Về đèn Tín Hiệu Giao Thông

Đèn tín hiệu chính điều khiển giao thông được áp dụng ba loại màu tín hiệu: Xanh, vàng và đỏ.

- Tín hiệu xanh: Cho phép đi.

- Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

- Tín hiệu đỏ: Báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố) với mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao. Tính đến nay, tổng số phương tiện giao thông đường bộ mà lực lượng CSGT đang quản lý đã hơn 8 triệu phương tiện, chưa kể số lượng người, phương tiện từ các địa phương khác đến lưu trú, ra vào thành phố hoạt động hàng ngày (khoảng trên 01 triệu phương tiện các loại). Chính vì vậy, công tác tổ chức giao thông, cũng như bố trí hệ thống báo hiệu đường bộ trong đó có hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên các tuyến đường có vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hiện nay, đèn tín hiệu giao thông được sử dụng ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố chủ yếu có dạng hình tròn; được bố trí, lắp đặt tùy thuộc vào quy mô và tổ chức giao thông trên từng tuyến đường, tuy nhiên, chủ yếu được lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang. Về dạng đèn tín hiệu giao thông thì dạng đèn đếm lùi được sử dụng nhiều nhất, với mục đích để hỗ trợ cho các phương tiện giao thông nhận biết thời gian có hiệu lực của tín hiệu đèn và chấp hành. Đây cũng là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn vàng hoặc không chấp hành tín hiệu đèn đỏ.

Về cơ bản, hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố có thể hoạt động tự động. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, ở một số giao lộ, tuyến đường phức tạp về trật tự, an toàn giao thông, thì căn cứ vào lưu lượng phương tiện thực tế, lực lượng CSGT sẽ điều khiển tín hiệu đèn để phân luồng giao thông, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông xảy ra.

Với đặc điểm giao thông có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông nên việc bố trí, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn thành phố sẽ tương đối phức tạp hơn. Ví dụ: Trên một số tuyến đường như Xa Lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt… đèn tín hiệu giao thông được lắp nằm ngang trên giá long môn để điều khiển giao thông trên từng làn đường riêng biệt; hoặc ở một số tuyến đường, ngoài 3 tín hiệu đèn giao thông cơ bản màu xanh, vàng, đỏ, còn bố trí thêm nhiều loại tín hiệu đèn giao thông khác như: Đèn mũi tên báo hiệu cho phép xe đi thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải, quay đầu; đèn mũi tên kết hợp hình một loại phương tiện để điều khiển, chỉ dẫn một loại phương tiện cụ thể; đèn điều khiển người đi bộ.

Tín hiệu đèn giao thông tại giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Thị Thập.

Đối với đèn hình mũi tên, người dân cần lưu ý: Nếu đèn có lắp đèn hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu nếu không có báo hiệu cấm quay đầu khác. Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi. Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên.

Ngoài ra, ở một số tuyến đường trong khu vực trung tâm Thành phố đã ứng dụng hệ thống “Làn sóng xanh” trong điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn. Trên các giao lộ của một trục đường các đèn tín hiệu màu xanh (đỏ) liên tục chạy đuổi nhau sẽ giúp cho dòng phương tiện lưu thông được thông suốt, giảm chiều dài dòng xe chờ tín hiệu đèn, tăng năng lực thông hành trên các tuyến đường, mặt khác còn khuyến khích các phương tiện lưu thông với tốc độ đã được quy định trên các tuyến đường.

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng thậm chí là có thể dẫn đến thiệt hại về tính mạng con người. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm này luôn được triển khai thực hiện một cách thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT Thành phố đã tiến hành lập biên bản xử lý đối với 6.656 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Do đó, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, Phòng CSGT ĐB-ĐS khuyến cáo người dân cần phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói chung và chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông nói riêng. Hãy luôn ghi nhớ khẩu hiệu “Nhanh 1 giây, chậm 1 đời” để điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia giao thông, từ đó sẽ mang đến sự an toàn cho bản thân, gia đình và những người tham gia giao thông khác.

Đoàn Văn Quới

Từ khóa » đèn Tín Hiệu Giao Thông