Những Hiệu Sách Cổ Có 1-0-2 Ở Hà Nội - YBOX

Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây
Trung Võ

~100.000 followers

Theo dõi Nhắn tin
Thông tin
  • Đang cập nhật...
  • Đang cập nhật...
  • Đang cập nhật... ~ 100.000 người
Sở thích

Chưa có thông tin

Cần tim bạn

Chưa có thông tin

  • Đang cập nhật...
Trung Võ@Gia Vị

public7 năm trước

Những Hiệu Sách Cổ Có 1-0-2 Ở Hà Nội

Đối với ông bà, sách là đam mê, là niềm vui và cả hạnh phúc...

Bài viết của tác giả Tuệ Linh, trên trang skcd.com.vn

I. Kho tàng cổ Văn học Việt Nam giữa lòng Hà Nội

Tôi đến thăm ông bà trong một buổi chiều đầu tháng năm, cái nóng tưởng chừng như làm tan chảy mặt đường, róc rách vào từng con phố nhưng khi dừng lại trước căn nhà số 5 Bát Đàn, lòng tôi bỗng thư thái đến lạ. Bởi vì tôi sắp trút bỏ cái ồn ào, nhộn nhạo của phố phường đông đúc kia để bước vào một thế giới khác, thế giới rộng mở của một kho sách cũ lớn có 1-0-2 giữa lòng Hà Nội.

Những người yêu sách, đọc sách chắc chắn không hề lạ lẫm với địa chỉ số 5 Bát Đàn của vợ chồng ông giáo già Phan Trác Cảnh – Đào Thị Mão bởi nơi đây là cả một kho tàng tri thức cổ xưa về Việt Nam.

Hiệu sách số 5 Bát Đàn (ảnh: Thanh Huyền)

Căn nhà nhỏ khiến tôi ấn tượng bởi xung quanh trừ bàn uống nước và một bộ tủ mà bên trong cũng như bên trên chất đầy sách thì chỗ nào cũng chứa đầy những quyển sách cũ. Đấy là còn chưa kể đến kho sách cũ trên tầng 3 nơi ông làm việc và nghiên cứu cũng là nơi lưu giữ sách.

Được biết ông cụ vốn là cán bộ nghiên cứu khoa văn của trường Đại học Tổng hợp nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Theo lời kể của cụ bà thì ông có sở thích sưu tập sách từ thời còn trẻ, từ lúc ông bà còn chưa lấy nhau. Lương cán bộ giảng dạy lúc đấy không được nhiều nhưng tháng nào ông cũng dành dụm để mua sách, đối với ông, sách quý như chính tính mạng của mình. Có lẽ cả đời gắn bó với văn chương đã khiến văn thấm vào ông như máu thịt, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Trần Đức Thảo... là những tác giả ông yêu mến và đọc nhiều nhất.

Một góc sách trong nhà ông Cảnh (ảnh: Thanh Huyền)

Yêu sách, quý sách nên sau khi về hưu ông bà đã quyết định mở hiệu sách cũ tại nhà để chia sẻ những cuốn sách cũ với những người yêu sách. Trong kho sách đồ sộ hơn một tấn của ông bà có thì chủ yếu là những cuốn sách về văn học Việt Nam, từ bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam Dân gian, Hán nôm... đến những cuốn vô giáo bằng tiếng Pháp như Souvernirs de Hue, Hán văn tân khoa thư xuất bản năm 1928 và ngũ thiên tự 1929 đều có.

Những cuốn sách về Việt Nam đủ bộ từ văn hóa đến quân sự (ảnh: Thanh Huyền)
Ông bà luôn tự hào về những cuốn sách cổ trong nhà

Ngoài những cuốn sách về văn học thì văn hóa cũng là lĩnh vực ông quan tâm. Bà cụ tiết lộ rằng ông có một tập sách sưu tầm về 54 dân tộc Việt Nam rất hay mà có lẽ giờ ở Việt Nam chỉ có ông còn sở hữu.

“Yêu sách, lấy công làm đức”

Khi được hỏi về hiệu sách có đông người ra vào hay không, bà cụ cười mỏm mẻm mà rằng: “Nếu bán sách cũ mà đông thì chắc người ta cũng đổ xô mà bán sách trên con phố này rồi”. Khách đến thăm, mua sách không đông nhưng là những người cần và biết về sách nên họ tìm tới.

Từ khi mở hiệu sách được hơn 20 năm, khách của ông bà nhiều đối tượng lắm, từ sinh viên, giáo viên, người nghiên cứu đến cả những học giả, nhà ngoại giao, khách du lịch nước ngoài... Họ đến vì mê văn hóa, văn học Việt Nam. Họ đến để đàm đạo, hỏi ông giáo già về những kiến thức còn thiếu. Như một người bạn, vừa như một người thầy, ông cụ tận tình giúp những vị khách tìm được cuốn sách mà họ cần.

Trong suốt hơn 20 năm mở hiệu sách, ông bà cũng có rất nhiều kỷ niệm về những vị khách. Bà cụ kể rằng có lần một cô bé viết thư ra nói rằng cô bé đang thi đại học và cần tìm vài cuốn sách cổ mà không có, thế là ông bà giúp đỡ chuyển cuốn sách vào cho cô bé. Hè năm ấy, cô bé vui mừng gọi điện thông báo rằng cô bé đỗ một trường Đại học trong Sài Gòn. Trước khi nhập học, cô bé ra thăm người bà con ở Hà Nội và ghé qua cảm ơn ông bà.

Những cuốn sách tuy cũ nhưng nó chứa đựng cả kho tàng quý giá (ảnh: Thanh Huyền)

Trong thời gian bán sách, vào một ngày, ông bà nhận được một bức thư của một người tù. Trong một phút lầm lỡ, người tù kia đã phạm phải sai lầm khiến giờ phải ăn năn hối hận nơi buồng giam, xin ông bà cuốn sách“để học làm lại người”. Cảm động trước hối cải của người tù, ông bà cẩn thận lọc sách, gói ghém cẩn thận mang ra tận bưu điện gửi người tù.

Những người bạn nước ngoài cũng thường xuyên ghé thăm hiệu sách. Lúc tôi đến cũng bắt gặp một nghiên cứu sinh Nhật Bản tới gặp ông để trao đổi về sách, anh chào tôi rõ đến nỗi tôi tưởng nhầm là người Việt Nam nếu bà cụ không kịp giải thích. Thì ra anh chàng người Nhật này nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, hầu như tuần nào cũng đến gặp ông cụ như một người thầy chỉ giáo, có lúc lại như người bạn tâm giao.

Bà Đinh Thị Mão chia sẻ câu chuyện hơn 20 năm về hiệu sách cổ (ảnh: Thanh Huyền)

Nếu như học văn là học làm người thì đọc sách là một cách giúp cho con người dần hoàn thiện phần người ấy hơn. Mỗi ngày có đến trăm nghìn cuốn sách mới được phát hành nhưng với những cuốn sách cũ nó vẫn luôn có một giá trị trường tồn theo năm tháng. Giữa cái ồn ào, nhộn nhạo của phố xá tấp nập, hiệu sách cũ số 5 Bát Đàn giống như một kho tàng cổ vẫn ngự ở đó, vẫn giữ nét tinh hoa như ông từng nói : “Khi người ta nhiều tuổi, thường nghĩ nhiều đến quá khứ, với tôi là sách. Những cuốn sách cũ chữ in rất mờ trên giấy đen sì đọc mãi mới hết một trang...”.

II. Câu chuyện về hiệu sách 180B Bà Triệu

"Hà Nội này giờ nổi tiếng về sách cũ chỉ có tôi với ông Cảnh..."

Câu chuyện về ông già bán sách ở 180B Bà Triệu có lẽ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài khi một phóng viên của BBC đã có lần “trộm phỏng vấn” ông già khó tính này.

Hiệu sách 180B Bà Triệu

Tọa lạc ngay giữa mặt đường Bà Triệu với chiếc biển sờn cũ kĩ, nếu không để ý chắc chắn bạn sẽ bỏ qua cánh cửa treo dăm ba quyển sách với mấy kệ gỗ khiêm tốn mà chi chít những quyển tạp chí, sách báo ngả màu này. Nhưng khi hỏi đến ông Dư bán sách, hầu như không ai ở cái ngõ này là không biết, ông già gàn dở, khó tính.

Một góc tạp chí trưng bày trong hiệu

Kẻ bán sách gàn dở

Mở hiệu sách này đã hơn 40 năm, ông được coi là một trong những người gắn bó, tận tụy với sách đến cả cuộc đời. Bước vào hiệu sách nhỏ của ông, tôi như bị choáng ngợp bởi không phải một mô hình sách rộng lớn, khang trang như trong các thư viện mà ở sự heo hút của những chồng sách chót vót chạm đến trần nhà. Từng ngách nhỏ la liệt những cuốn sách đủ loại nhưng phần lớn đã ngả màu xưa cũ.

Ông già cứ ở vậy với đống sách này, ăn uống, ngủ nghỉ với những cuốn sách. Được biết trước kia ông vốn là dân kỹ sư xây dựng, có lần cuộc sống khó khăn, túng thiếu, ông phải bán cả những cuốn sách của mình. Vốn có đầu óc kinh doanh, sau này ông đã mua lại sách để bán cho những người có nhu cầu.

Khác với những hiệu sách cũ ở Hà Nội chuyên biệt từng loại thì sách của ông già Bà Triệu đủ loại, từ Tây, Tàu, đến Ta. Mỗi khi khách hỏi tìm sách, ông già hách dịch thường khinh khỉnh hỏi lĩnh vực mà khách muốn rồi lục tìm đâu đó trong biển sách, phủi bụi và đưa cho khách. Những cuốn sách hay được tìm ông thường bày ngay trước giá dưới, còn có cuốn thiên hạ ít khi dòm ngó thì ông cho nó tọa lạc, cất giấu tít trên tận mái cao.

Thoạt đầu nhìn vào khuôn viên nhỏ bé lộn xộn ấy người ta thấy hoa mắt nhưng đối với ông già hơn 40 năm gắn bó với từng cuốn sách thì nó không hề lộn xộn bởi từng cuốn ở đâu, vị trí nào ông đều nhớ.

Người ta nói ông có một cái đầu như cuốn bách khoa toàn thư bởi nhắc đến bất cứ một vấn đề nào từ khoa học, kỹ thuật, chiến tranh hay văn học ông đều “đối đáp” hầu chuyện được nếu người mua có bất chợt muốn ngồi hàn huyên. Tôi đã từng chứng kiến ông hầu chuyện một vị khách già đam mê âm nhạc, sau hồi nói chuyện ông chủ hiệu sách còn biết vị khách kia thích những tác phẩm trinh thám cổ của Nga. Ông tiết lộ một trong những bí quyết kinh doanh của mình chính là biết người khách của mình muốn gì, chính vì vậy ông đọc rất nhiều, nó là niềm đam mê, sự yêu thích muốn được khám phá, khai sáng trí tuệ.

Một người yêu sách ghé hiệu của ông Dư

Một ông lão hơn 70 tuổi, hằng ngày ra vào với những cuốn sách đã không còn lạ lẫm với những người yêu thích sách cũ. Người ta tìm đến ông như tìm đến những khung giá trị xưa cũ của sách cổ. Nổi tiếng là bán sách đắt nhưng mỗi cuốn sách đều có giá trị, khi nó được sở hữu bởi một độc giả có giá trị thì bỗng nhiên bao nhiêu tiền cho cuốn sách đó cũng chẳng quan trọng nữa. Ông già cũng chia sẻ có những cuốn sách trở đi trở lại với ông đến mấy lần. Lúc đó ông thực sự vui vì nó tạo ra một vòng tuần hoàn, chứng tỏ cuốn sách có giá trị nên nó được nhiều người sử dụng.

Bể học là vô tận, người ta có thể học ở giữa đời, học từ những con người nhưng đối với sách, nó luôn là một kho tàng khổng lồ. Những con người bán sách như ông Cảnh hay ông Dư vẫn luôn lưu giữ những giá trị muôn đời trong từng cuốn sách bởi họ có một cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Theo Tuệ Linh, trang skcd.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

13,995 lượt xem

Thích 0Không thích 0Chia sẻ Lưu bài Có thể bạn thích

Từ khóa » Kho Sách Cũ Hà Nội