Những Hình ảnh ẩn Dụ (mặt Trời, Vầng Trăng, Trời Xanh,...) Trong Bài ...

I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong dịp tác giả từ miền Nam ra thăm lăng Bác (1976).

- Đây là một trong những bài thơ được đánh giá là hay viết về đề tài lãnh tụ.

2. Thân bài:

* Cảm hứng bao trùm bài thơ: Nỗi xúc động, thương tiếc và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với Bác Hồ.

- Đây là động lực để nhà thơ sáng tạo ra những ẩn dụ nghệ thuật độc đáo có giá trị biểu cảm rất lớn như mặt trời trong câu: Có một mặt trời trong lăng rất đỏ. Bác Hồ là lãnh tụ, là mặt trời cách mạng soi tỏ con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Bác là mặt trời chân lí trong tim mỗi người dân Việt Nam.

- Hình ảnh vầng trăng sáng trong dịu hiền: gợi cho người đọc liên tưởng đến đời sống tinh thần thanh cao của Bác.

- Hình ảnh trời xanh là mãi mãi: khẳng định sự bất tử của Bác. Bác Hồ đã hoá thân vào sông núi, đất nước; Bác sống mãi trong lòng dân tộc và nhân loại.

3. Kết bài:

- Viếng lăng Bác là bài thơ thành công cả về nội dung và nghệ thuật.

- Nhà thơ Viễn Phương đã bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ - vị Cha già vĩ đại.

II. BÀI LÀM

Bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương được sáng tác trong không khí vui mừng và xúc động của nhân dân cả nước trước sự kiện to lớn là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là một thành viên trong đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, nhà thơ được vào lăng viếng Bác. Tình cảm yêu thương, kính phục cùng nỗi tiếc thương vô hạn vị lãnh tụ anh minh - Người Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã trở thành nguồn thi hứng dạt dào, thôi thúc Viễn Phương viết nên bài thơ được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất về Bác Hồ.

Cảm hứng bao trùm bài thơ là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả vào lăng viếng Bác. Cảm hứng ấy chi phối giọng điệu và âm hưởng chung của toàn bài. Nhà thơ đã đem hết tâm huyết của mình để quan sát, chọn lọc và sáng tạo ra những hình ảnh có tính chất tượng trưng sâu sắc để thể hiện phẩm chất cao quý tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ hình ảnh quen thuộc là hàng tre xanh xanh san sát bên nhau dọc lối vào lăng - biểu tượng của sức sống bền bỉ, dẻo dai, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, đến những hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng như mặt trời, vầng trăng, trời xanh trong và quanh lăng Bác.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Mặt trời trong câu thơ trên là hình ảnh thực của vầng thái dương ngày ngày toả ánh sáng ấm áp xuống mặt đất - duy trì sự sống cho muôn loài. Mặt trời trong câu thơ dưới là một ẩn dụ nghệ thuật đẹp đẽ và đầy sáng tạo của nhà thơ, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với Bác Hồ - Người đốt ngọn đuốc giữa đêm trường thực dân phong kiến, dẫn đường chỉ lối cho dân tộc đứng lên thực hiện cuộc cách mạng giải phóng rung trời chuyển đất, làm nên chiến thắng vinh quang, khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới. Bác Hồ mãi mãi là vầng mặt trời soi sáng và sưởi ấm, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai.

Trong khổ thơ thứ ba có một ẩn dụ nghệ thuật mang một vẻ đẹp khác, một ý nghĩa khác:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Câu thơ diễn tả tinh tế không khí yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong lăng Bác. Hình ảnh vầng trăng gợi người đọc liên tưởng đến tâm hồn thanh cao cùng đời sống giản dị, trong sáng, thuần khiết của Bác. Đồng thời, nó cũng gợi cho chúng ta nhớ đến những bài thơ tràn ngập ánh trăng mà thi sĩ Hồ Chí Minh sáng tác trong hoàn cảnh tù đày hoặc trong kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt đời, Bác coi trăng là bạn tri âm, tri kỉ. Giờ đây, Bác đã an giấc ngàn thu, giữa một vầng trăng sáng dịu hiền.

Để thể hiện tâm trạng xúc động của mình, nhà thơ Viễn Phương đã mượn hình ảnh tượng trưng có ý nghĩa sâu xa:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Sinh tử là quy luật của Tạo hoá, không ai tránh khỏi. Bác Hồ của chúng ta cũng đã giã biệt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân để đi vào cõi vĩnh hằng. Tuy vậy, trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Bác Hồ đời đời sống mãi. Nhà thơ cũng như cả dân tộc nhận thức rõ điều đó nhưng vẫn không tránh khỏi niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Bác. Bác đã hoá thân thành trời xanh - bầu trời hoà bình, hạnh phúc - vẫn hằng ngày hiện diện trong cuộc sống của dân tộc và nhân loại.

Viếng lăng Bác là một bài thơ thành công cả về nội dung và nghệ thuật, được nhiều người yêu thích, trân trọng bởi tác giả đã nói lên tấm lòng thành kính và biết ơn của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cùng với cảm xúc và suy ngẫm giống như Viễn Phương, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác sống như trời đất của ta. Sự nghiệp cách mạng cùng đời sống tinh thần cao cả của Người đã trở thành bất tử.

Từ khóa » Hình ảnh Kết Tràng Hoa Có ý Nghĩa Gì