Những Khác Biệt Giữa Giáo Hội Công Giáo Roma Và Giáo Hội Chính ...

Share
  • Facebook
  • Twitter
  • Stumbleupon
  • LinkedIn
  • Pinterest

Những chia rẽ xảy ra giữa các Giáo hội bên Tây và bên Ðông:

Kitô giáo được rao giảng ngay từ lúc đầu trong Ðế quốc Roma. Lúc đó Ðế quốc rất mênh mông này  được chia thành hai phần: Bên Tây nói tiếng Latinh và bên Ðông thuộc nền văn hóa Hy lạp. Các Giáo hội bên Tây, đặt trụ sở tại Roma (theo lễ nghi Latinh) và các Giáo hội bên Ðông (theo lễ nghi Bizantin hay Hy lạp) đặt trụ sở tại Constantinopoli (Thỗ nhĩ ky). Dù theo hai lễ nghi khác nhau, các Giáo hội bên Tây và bên Ðông vẫn hiệp nhất và hiệp thông, dưới quyền lãnh đạo duy nhất của một Vị Chủ chăn tối cao, tức vị Giám mục Roma, Ðấng kế vị Thánh Phêrô.

Những chia rẽ giữa các Giáo hội bên Tây và bên Ðông xẩy ra, vào năm 1054, lúc Giáo hội lễ nghi Latinh thêm vào Kinh Tin Kính (Công đồng Nicea-Constantinopoli) lời tuyên xưng này: “Filioque”  có nghĩa là  “và bởi Chúa Con”,   trong lời tuyên xưng về Chúa Thánh Thần, như sau:  “Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra”.

Các Giáo hội theo Lễ nghi Ðông phương lúc đó không chấp nhận bản văn mới của kinh Tin Kính, mà chỉ nhận bản văn đã được Công đồng Calcedonia năm 451 chấp nhận (tuyên bố Chúa Giêsu có một Ngôi và hai Bản tính: Thiên Chúa và nhân loại). Từ đó, hai Giáo hội bên Tây (Roma) và bên Ðông (Constantinopoli) tách lìa nhau. Năm 1596, do Thỏa ước tại Brest (nay thuộc cộng hòa Bielorussia), một số Giáo hội bên Ðông trở về hiệp nhất với Roma và công nhận quyền tối cao của Vị Kế nghiệp Phêrô, nhưng vẫn giữ kỷ luật, nhất là Phụng vụ riêng của mình. Còn các Giáo hội Ðông phương không chấp nhận hiệp nhất với Roma coi mình là những người chính thống (Orthodoxe: người theo một đức tin đích thực) và gọi với giọng khinh bỉ các Giáo hội hiệp nhất với Roma là “Uniate” (thỏa hiệp) và các tín hữu của các Giáo hội này là “những người thỏa hiệp”. Các Giáo hội lễ nghi Ðông phương hiệp nhất với Roma ngày nay như chúng ta thấy, gồm có:  Giáo hội Maronites, Giáo hội Hy lạp công giáo Rumani, Giáo hội Syria-Malabara,  (nhất là ở miền Nam Ấn độ),  Giáo hội Ukraine (nơi ÐTC đang viếng thăm) v.v… Tại Giáo triều Roma có một Bộ phụ trách riêng về các Giáo hội thuộc lễ nghi Ðông phương hiệp nhất với Roma, gọi là Bộ các Giáo hội Ðông phương. Hiện nay Vị Tổng trưởng là ÐHY Daoud Ignaxiô Moussa (người Syria), cũng thuộc Giáo hội Ðông phương.

Những khác biệt giữa hai Giáo hội công giáo Roma và Giáo hội chính thống:

Về Quyền tối cao của Phêrô – Các người chính thống không công nhận Vị Giáo Hoàng, Giám mục Roma, người Kế Vị Phêrô, là thủ lãnh toàn thể Giáo hội. Hơn nữa họ còn coi ngài là “rối đạo, bè đảng”, và chỉ có họ là theo một đức tin đúng nghĩa mà thôi (tiếng Hy lạp là orthoxia, chính thống).

Về cơ cấu quyền bính – Trong Giáo hội chính thống, quyền quyết định tối cao là Thánh Hội Nghị (Synode), cơ quan tập đoàn của các Giám mục. Trái lại, trong Giáo hội công giáo Roma, quyền quyết định tối cao là Vị Giáo Hoàng, Giám mục Roma, Thủ lãnh Tông đồ đoàn và Giám mục đoàn, đối với toàn Giáo hội. Quyền quyết định tại các Giáo hội địa phương (giáo phận) thuộc Giám mục, trong hiệp nhất và hiệp thông với Vị Thủ lãnh tối cao và do Vị thủ lãnh tối cao bổ nhiệm. Cơ quan duy nhất thi hành quyền giám mục đoàn, với quyền quyết định chung cho toàn Giáo hội, là Công đồng chung (quy tụ các Giám mục thế giới), do Vị Thủ lãnh tối cao triệu tập  và phê chuẩn các văn kiện. Nhờ  đó, Giáo hội công giáo vẫn giữ được sự thống nhất về tổ chức và hiệp nhất thành một Giáo hội duy nhất. Sự thống nhất và hiệp nhất này không có nơi các Giáo hội chính thống. Mỗi Giáo hội chính thống tự trị và có tính cách quốc gia, thí dụ: Giáo hội chính thống Nga, Giáo hội chính thống Hy lạp, Giáo hội chính thống Rumani…), thiếu tính cách hoàn vũ và hiệp nhất. Vị Giáo chủ đại kết Constantinopoli, chỉ là  một Vị Lãnh Ðạo tượng trưng, không có quyền hành nào trên các Giáo hội chính thống khác.

Về kỷ luật hôn nhân – Ðối với Giáo hội công giáo, hôn nhân là bất khả li, chỉ chấp nhận việc tái hôn, khi một người bạn chết đi, hoặc khi hôn nhân được tuyên bố là không thành trong chính lúc giao ước, vì thiếu một trong các điều kiện thiết yếu. Trái lại, nơi Giáo hội chính thống, trong một vài trường hợp,  (như một bên bỏ ra đi), có thể tái hôn.

Về Luật độc thân của các Linh mục – Các linh mục của Giáo hội công giáo không được lập gia đình, phải giữ luật độc thân, để hoàn toàn lo phục vụ Giáo hội và các linh hồn  (trừ một vài trường hợp đặc biệt, như các linh mục chính thống hay các mục sư của Giáo hội Anh giáo, của Giáo hội Tin Lành  đã lập gia đình, nay trở lại Giáo hội công giáo, do đặc ân của Tòa Thánh được phép  giữ lại người bạn của mình). Trái lại các linh mục trong Giáo hội chính thống và cả trong Giáo hội công giáo Ðông phương nữa, có thể là những người đã có gia đình trước, rồi được thụ phong linh mục. Tuy nhiên, các linh mục chính thống cũng như công giáo thuộc lễ nghi Ðông phương, mà có gia đình rồi, thì  không được lên chức Giám mục. Các Giám mục thường được chọn trong số các Giáo sĩ thuộc các Dòng Tu thuộc  lễ nghi Ðông phương.

Về Phụng vụ – Việc cử hành Thánh Lễ  theo nghi thức Ðông Phương rất phức tạp và lâu dài hơn  Lễ nghi Latinh. Việc rước lễ  luôn luôn dưới hai hình  Bánh và Rượu đã truyền phép. Trong Phụng vụ theo lễ nghi Latinh, việc rước lễ hai hình,  được giới hạn trong một số trường hợp đặc biệt, như  trong Lễ khấn Dòng, lễ Cưới, Rước lễ lần đầu, hoặc trong một cộng  đồng nhỏ, v.v…

Về Tín lý – Như chúng tôi nhắc trên đây: Giáo hội chính thống không chấp nhận lời “Filioque” thêm vào Kinh Tin Kính  (căn cớ của việc chia rẽ). Như vậy Giáo hội chính thống chỉ chấp nhận “Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha mà thôi”. Trái lại Giáo hội công giáo chấp nhận việc thêm lời “Filioque” “và bởi Chúa Con”, để tuyên xưng Chúa Thánh Thần, Ngôi thứ ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra.

Về các tín điều khác được tuyên bố sau năm 1054, năm chia rẽ trầm trọng và kéo dài cho tới nay, Giáo hội chính thống không công nhận các tín điều này: như tín điều Ðức Maria vô nhiễm (do Ðức Pio IX tuyên bố 8.12.1854) – Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh linh hồn và xác lên trời (do Ðức Pio XII tuyên bố ngày 01.11 Năm Thánh 1950), dù nguồn gốc việc sùng kính Mẹ Thiên Chúa  (Theotokos) do các Giáo hội Ðông phương. Dĩ nhiên, vì không chấp nhận quyền tối cao  của Vị Giám mục Roma, Kế Vị Thánh Phêrô, Giáo hội chính thống không chấp nhận hai Tin điều về Ðức Trinh Nữ Maria và Tín điều ơn vô ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Ơn vô ngộ này do Công đồng chung Vatican I (năm 1870) tuyên bố và chỉ giới hạn trong các vấn đề liên hệ đến Ðức tin và Luân lý mà thôi.

(X. https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/01news/dtc59.htm)

Hiện tình các Giáo hội Chính thống tại Ukraine

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Share Post Share Whatsapp Viber icon Viber Messenger Pinterest

Từ khóa » Công Giáo Roma Là Gì