Những “khoảng Lặng Tâm Hồn” Mới Là điều Mà Designer Thật Sự Cần

Sáng tạo không phải là quá trình diễn ra xuyên suốt, liên tục mà bao gồm nhiều bước chuyển đổi với rất nhiều khoảng lặng và không gian riêng tư. Những nhà nghiên cứu gọi đây là thời gian “ươm mầm” hoặc “tiêu hóa thông tin”, còn nhà huấn luyện doanh nghiệp Robert Poynton gọi đây là “khoảng lặng tâm hồn”.

Ông tin rằng việc trau dồi khả năng tĩnh tại là vô cùng quan trọng với những cá nhân làm sáng tạo. Ông cũng viết một quyển sách về chủ đề này với tựa đề Do/Pause: You Are Not a To Do List.

Chúng tôi đã trao đổi với Robert về những điều mà ta có thể làm để bản thân có được khoảng không tĩnh lặng, nhìn nhận mọi thứ, sau đó làm việc hiệu quả, năng suất và sáng tạo hơn. Dưới đây là những chia sẻ từ ông về chủ đề này.

Tôn trọng những khoảng nghỉ của bản thân

Image result for a pause in creative process

Khi rơi vào bế tắc hay lo âu, điều tốt nhất bạn có thể làm cho bản thân là: “Đừng suy nghĩ quá nhiều”. Thay vào đó, hãy trân trọng từng khoảng thời gian để tâm trí “nghỉ ngơi” mà bạn có được. Khi bắt đầu xem trọng “khoảng nghỉ”, bạn sẽ suy nghĩ về nó nhiều hơn và tìm cách để được “tĩnh tại” trong mớ công việc bộn bề. Một sự thay đổi nhỏ trong lúc tập trung cũng tạo nên tác động. Cầu thủ Zinedine Zidane có nói: “Phép màu đôi khi ẩn chứa trong những điều hư vô.”

Hãy dành một năm để nghỉ ngơi

Bạn có thể đưa ra một quyết định táo bạo xem người khác có trầm trồ như cách mà nhà thiết kế Stefan Sagmeister đã dành ra một năm nghỉ ngơi và thực hiện điều này 7 năm 1 lần. Nhạc sĩ Nils Frahm (âm nhạc của ông là cảm hứng để tôi viết nên quyển Do/Pause) cũng dành 1 năm để nghỉ ngơi trước lúc thực hiện tour diễn vòng quanh thế giới. Đó có thể là phong cách của người Đức, tuy nhiên bất kì ai có cá tính mạnh mẽ cũng có thể làm điều tương tự.

Dành một tuần để suy nghĩ

Nguồn: StockSnap.

Nếu một năm quá dài thì một tuần liệu có khả thi? Bill Gates làm điều này đều đặn mỗi 2 năm trong một ngôi nhà gỗ giữa rừng, nơi ông tách biệt hoàn toàn với công việc và đọc những quyển tài liệu mà ông thường không hề xem qua. Hãy suy nghĩ về nơi mà bạn muốn đi hoặc những gì muốn đem theo bên mình khi có cơ hội làm điều này.

Tạo khoảng không tĩnh lặng từ suy nghĩ sang đôi tay

Nguồn: The New York Times

Sự tĩnh lặng không phải điều gì đó vô hình mà chỉ đơn thuần là chút thay đổi trong tư duy, vì thế hãy thực hiện thay đổi từ suy nghĩ sang hành động. Hãy dành vài phút trong ngày để vẽ vời và ghi chú. Sử dụng ‘kĩ năng viết trong vô thức’ để ghi lại những gì bất chợt xuất hiện trong đầu. Làm những điều khác biệt với ngày thường bạn hay làm, hành động sẽ giúp mở mang tri thức.

Đi lại nhiều hơn

Cơ thể và trí óc là hai bộ phận không thể tách rời, khi bạn kích hoạt một thứ, thứ còn lại cũng sẽ làm theo. Đi bộ là cách tốt nhất để kích thích sáng tạo. Lẽ ra tôi phải dành phần cuối cùng của quyển sách để nói về chú chó đáng yêu của mình bởi nó là động lực giúp tôi ra ngoài khi bản thân cảm thấy bế tắc.

Dừng lại

Hãy cân nhắc việc dừng lại nghỉ ngơi ở nhiều giai đoạn khác nhau – trước, trong và sau khi hoạt động sáng tạo diễn ra. Để có được thành quả thì ca sĩ và nhạc sĩ đều cần có thời gian tĩnh lặng. Tôi gọi đây là ‘quá trình tĩnh lặng hội tụ’.

Ở phim trường, đạo diễn David Keating sẽ dừng lại đôi chút trước khi nói chữ ‘diễn’ đầy quyền năng. Nó giúp thu hút sự chú ý của dàn diễn viên và đoàn làm phim cũng như tạo nên chiều sâu trong lúc làm việc. Hãy cho phép bản thân được tĩnh lặng trong một vài giây hoặc vài giờ để thu hút hoặc củng cố sự chú ý và ý tưởng.

Cho phép bản năng được “hành động”

Đạo diễn phim John Boorman thường ngồi trầm tư một chút trong lúc ghi hình để “kích hoạt bản năng của mình”. Ông cần phải thoát ly khỏi công việc ghi hình mang tính kĩ thuật để kết nối với khu vực sáng tạo trong não bộ. Hãy dùng khoảng lặng để phân chia quá trình làm việc, đồng thời đảm bảo rằng mặt kĩ thuật không bị biến mất.

Tạo cơ hội cho người khác tham gia

Nhạc công Thomas Sandberg sử dụng khoảng lặng để thu thập thông tin từ khán giả. Việc sử dụng khoảng lặng trong lúc tương tác có thể giúp bạn lấy được thông tin quan trọng từ người đối diện hoặc những thứ bất kì, như một chất xúc tác. Nếu bạn không bao giờ dừng lại và cho phép bản thân có không gian trầm tư, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. May mắn không hề đến khi bạn chạy đến vạch đích mà cứ cặm cụi suy nghĩ hoặc làm việc. Hãy cho phép bản thân được thư thả dạo quanh vì tư tưởng lớn sẽ luôn dẫn bạn đến những vạch đích không ngờ.

Phát triển linh cảm chậm

Ý tưởng thường không xuất hiện ngay lập tức, khoảnh khắc Eureka quý giá là kết quả của quá trình ‘linh cảm chậm’ được gầy dựng bởi thời gian. Vì thế hãy để ý tưởng được nán lại thêm chút nữa trước khi chào sân. Hãy tạo các khoảng không tĩnh lặng cùng chúng, cứ để chúng ở đó đến khi thời cơ chín muồi.

Nguồn: The New York Times

Nhiếp ảnh gia Jim Marsden (người chụp những bức ảnh cho quyển Do/Pause) ưa dùng máy phim hơn là máy ảnh kỹ thuật số bởi ông buộc phải dừng lại quan sát thật kĩ khung hình trước khi nhấn chụp. Việc này không chỉ cho phép ông được bao quát mọi thứ kĩ lưỡng hơn mà còn giúp ý tưởng được vững chắc trước khi tấm ảnh ra đời.

Kết luận

Chúng ta đều có thể phát triển tư duy sáng tạo với những “khoảng lặng tâm hồn”. Hãy thử nhiều phương thức khác nhau và dùng giây phút tĩnh tại đó làm không gian cho ý tưởng thăng hoa. Khoảng lặng có thể được tính toán trước hoặc xuất hiện bất chợt, có thể kéo dài thật lâu hoặc chỉ trong chốc lát.

Những “khoảng lặng tâm hồn” sẽ giúp bạn định hình tư tưởng, kết nối cảm xúc, tạo dựng góc nhìn mới, rèn luyện kĩ năng nhận định vấn đề… Lợi ích nhiều mặt này khiến việc “tĩnh tại” trở nên đáng trân trọng hơn với nhiều nhiều tầng nghĩa sâu xa. Dù nghe có vẻ thật nhàm chán nhưng có rất nhiều điều sẽ xảy ra khi bạn ngồi thật yên đấy!

Tác giả: Guest AuthorNgười dịch: ĐáoNguồn: Creative Boom

Chủ đề liên quan:

  • Khi thế giới designer không còn chỗ cho sự riêng tư và khoảng lặng tâm hồn
  • Sáng Tạo cũng cần có Quy Trình
  • Cách làm mới sự sáng tạo: 4 phương pháp để khởi động trí óc

Từ khóa » Khoảng Lặng Tâm Hồn