Những Kinh Nghiệm Trong Thiết Kế Bệnh Viện ở Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Thiết kế Bệnh viện (BV) là một chuyên ngành đặc thù có độ khó bậc nhất trong các thể loại thiết kế công trình dân dụng và cho đến nay vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo riêng ở Việt Nam. Có thể nói, cái nôi của ngành thiết kế BV trước đây là Xưởng thiết kế khách sạn và BV thuộc Viện thiết kế nhà ở và công trình công cộng – Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty tư vấn XDVN – VNCC, đến nay có gần 70 năm lịch sử). Trong đó có những tên tuổi trong thiết kế BV như các KTS: Nguyễn Vũ Hưng, Trần Gia Khiêm, Trần Trọng Chi, Lương Anh Dũng… và các KTS thế hệ thứ hai như: Vũ Hồng Thuỷ, Nguyễn Mạc Hà… Có thể nói chưa ai được đào tạo để trở thành KTS chuyên thiết, kế BV. Đó là cơ duyên “Nghề dạy nghề” khi được các KTS tiền bối chỉ bảo.
Thiết kế BV khó hơn các công trình dân dụng khác vì nó là một tổ hợp công trình có nhiều công năng trong đó bao gồm: Nhà ở – Khách sạn (các nhà bệnh nhân nội trú, công trình dịch vụ); công sở (khu hành chính quản trị); Viện nghiên cứu (là các trung tâm nghiên cứu khoa học, bệnh học); công trình đa năng (hội trường, thể dục thể thao…) và một phần quan trọng bậc nhất mang tính chuyên ngành cao là Khu kỹ thuật nghiệp vụ. Đây là “trái tim” của BV, thực hiện việc khám chữa bệnh – điều trị cho các bệnh nhân, ngoài yếu tố con người là trình độ chuyên môn của các Y bác sĩ, nó quyết định chất lượng của BV. Đó cũng là nơi tập trung triển khai áp dụng nhiều công nghệ mới mang tính chuyên ngành rất cao như công nghệ chiếu chụp (Máy CT; Máy MRI; Máy X-Quang…); máy điều trị gia tốc; công nghệ tế bào gốc… Do đó, KTS thiết kế cũng phải rất am hiểu tính năng, đặc thù của từng loại thiết bị để có sự bố trí phù hợp.
Cho đến nay, việc thiết kế các BV chủ yếu vẫn dựa trên các tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành. Có thể nói, bộ tiêu chuẩn chính thức đầu tiên là bộ: TCVN 4470:1995 BV đa khoa. Sau đó, có các bộ tiêu chuẩn ban hành được bổ sung và chỉnh sửa vào các năm 1996; 2007; 2010; 2012 và chia làm các quy mô như: BV đa khoa cấp quận huyện (từ 50-150 giường và 150-250 giường ); BV đa khoa khu vực (250-350 giường và từ 350-500 giường) và BV đa khoa theo TCVN 4470:2012 được ban hành riêng, có quy mô từ 500 giường bệnh trở lên. Trong các tiêu chuẩn có quy định chi tiết về diện tích khu đất nhỏ nhất phải 1ha; diện tích sàn xây dựng trên một giường bệnh thấp nhất phải đạt 70m2 và cao nhất là 120m2.
Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến kinh nghiệm thiết kế mới BV đa khoa. Các chi tiết cụ thể về thiết kế xin không được đề cập đến vì đã có các tiêu chuẩn hướng dẫn. Một điều khó khăn trong thiết kế BV nhưng mang lại cho KTS nhiều thách thức lẫn cảm hứng là: Một BV nào có thiết kế giống hệt BV nào, dù cùng dựa trên một nguyên lý chung, nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của Chủ đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành, là Bộ hoặc Sở Y tế, tùy trường hợp cụ thể.
Điều quan trọng đầu tiên khi triển khai nghiên cứu thiết kế BV là công tác quy hoạch tổng mặt bằng, trong đó phải xác định tính chất quy mô của BV là bao nhiêu giường theo các tiêu chuẩn đã nêu ở trên. Khu đất xây dựng có đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về quy mô diện tích hay không và lập quy hoạch tổng mặt bằng theo những nguyên tắc rất cơ bản như mật độ xây dựng không vượt quá 40% và mật độ cây xanh phải đảm bảo khoảng 30%… Thông thường, cơ cấu tổng mặt bằng sẽ chia ra các khu như Khu khám bệnh và điều trị ngoại trú, khu điều trị nội trú, khu kỹ thuật nghiệp vụ, khu hành chính quản trị và khu kỹ thuật hậu cần. Tiêu chuẩn cũng quy định trong trường hợp BV ở đô thị diện tích đất không đủ theo quy định cho phép hợp khối công trình.
Quy hoạch tổng mặt bằng phải tuân thủ những nguyên tắc theo các tiêu chuẩn về khoảng cách ly, sơ đồ dây chuyền công nghệ, sự an toàn bức xạ và chống lây nhiễm, phòng cháy chữa cháy. Khí hậu là yếu tố quan trọng được xem xét để đặt các công trình có nguy cơ gây ô nhiễm như Khoa truyền nhiễm, nhà tang lễ, xử lý rác ở cuối hướng gió và các công trình khác có được hướng có lợi nhất tránh ánh nắng bức xạ. Có thể nói sự hợp lý trong quy hoạch tổng mặt bằng quyết định rất lớn đến tính phù hợp, chất lượng khám chữa bệnh và dây chuyền hoạt động của một BV. Bản thân quy hoạch tổng mặt bằng đã cho thấy sự lựa chọn mô hình của BV là mô hình hợp khối hay phân tán. Hiện nay, xu hướng thiết kế BV trên thế giới cũng như ở Việt Nam là mô hình BV – Công viên và Bệnh viện – Khách sạn, hoặc kết hợp cả hai mô hình này. Như vậy, có thể thấy về triết lý thiết kế, BV không chỉ là nơi khám chữa bệnh đơn thuần với những ấn tượng không mấy tốt đẹp mà còn là nơi bệnh nhân phục hồi, nghỉ dưỡng trong những điều kiện tốt nhất để nhanh chóng bình phục.
Bên cạnh việc đó, sự am hiểu dây chuyền và các hoạt động nghiệp vụ của y bác sĩ là điều vô cùng quan trọng để đưa ra dây chuyền công năng phù hợp. KTS cần đi thực tế, đặt mình vào vị trí cả y bác sĩ lẫn người bệnh để điều chỉnh cho phù hợp. Một kinh nghiệm thực tế của người viết bài này từng trải qua khi thiết kế Nhà kỹ thuật cao của BV Việt Đức là phải đi thực tế nhiều lần, xin ý kiến cụ thể từng khoa phòng, đồng thời đưa ra mặt bằng công năng để góp ý chỉnh sửa. Một trong những vấn đề thiết kế khó nhất là dây chuyền các phòng mổ, trải qua nhiều cuộc họp với nhiều quan điểm khác nhau của những bác sĩ giỏi nhất về quan niệm thế nào là “Sạch-bẩn”…
Còn rất nhiều tiêu chuẩn khác mang tính đặc thù phải tuân thủ như tiêu chuẩn PCCC, thông gió điều hòa; an toàn bức xạ; rác thải nước thải BV…Như vậy, KTS phải có kiến thức tổng hợp sâu rộng để có thể đưa ra các giải pháp chuẩn xác ngay từ những bước thiết kế ban đầu. Mặt khác, sự linh hoạt trong vận dụng các tiêu chuẩn cho từng công trình khác nhau đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm.
Cuối cùng, một vấn đề không thể bỏ qua và nhiều khi mang tính quyết định là tổng mức đầu tư xây dựng. Một giải pháp thiết kế tổng thể tốt là giảm thiểu được các chi phí xây dựng, vận hành, xử lý nước thải rác thải, sử dụng năng lượng; có giải pháp phân kỳ đầu tư và tính toán đến các nhu cầu phát triển về cơ sở vật chất và nâng cấp trang thiết bị máy móc. Những yêu cầu trên đều liên quan mật thiết đến kinh nghiệm thiết kế của KTS.
KTS Lê Trường Sơn (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)
Từ khóa » Thiết Kế Bênh Viện
-
Top +5 Mẫu Thiết Kế Bệnh Viện Đẹp & Đạt Tiêu Chuẩn Quốc Tế
-
Thiết Kế Bệnh Viện, Phòng Khám, Thẩm Mỹ Viện, Nội Thất Y Tế
-
Thiết Kế Bệnh Viện - Nhà Thép Tiền Chế
-
Tiêu Chuẩn Thiết Kế Bệnh Viện Tại Việt Nam Mới Nhất Hiện Nay
-
Tiêu Chuẩn Thiết Kế Bệnh Viện
-
Thiết Kế Kiến Trúc Bệnh Viện
-
Thiết Kế Bệnh Viện Và Thi Công Trọn Gói | Kiến Trúc Sư Việt Nam
-
Tiêu Chuẩn Thiết Kế Bệnh Viện đảm Bảo Kiến Trúc Và Không Gian
-
Tiêu Chuẩn TCVN 4470:2012 Thiết Kế Bệnh Viện đa Khoa
-
Các Tiêu Chuẩn Thiết Kế Bệnh Viện đa Khoa Mới Nhất 2020
-
Thiết Kế Bệnh Viện - QUỐC CƯỜNG
-
5 Tiêu Chí Không Thể Thiếu Khi Chọn đơn Vị Thiết Kế Bệnh Viện
-
Thiết Kế Bệnh Viện Dưới Góc độ Tiêu Chuẩn Hóa