Những Kỹ Thuật Câu Biển Căn Bản - Tackle Berry Website

Câu cá hiện nay đã trở thành thú vui và nghiễm nhiên trở thành đam mê của rất nhiều người. Sau những ngày làm việc, hoạt động, học tập căng thẳng, cuối tuần hay mỗi buổi tối; những tri thức, học sinh, sinh viên, công nhân, doanh nhân lại cùng bạn bè, người thân mang cần câu ra sông, hồ, biển, kênh rạch, các địa điểm câu cá để thả cần.

Những kỹ thuật câu cá biển căn bản cho người đi đâu

Dù là hình thức câu cá nào, chúng ta đều cần phải có những kỹ thuật cơ bản, những kiến thức câu cá cơ bản. Và ở bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn những kỹ thuật câu cá biển cơ bản. Nếu có thiếu sót mọi người có thể góp ý ở bình luận nhé.

Tại sao lại viết về câu cá trên biển?

Như các bạn đã biết, thậm chí quá rõ, Việt Nam chúng ta có đường bờ biển dài hơn 3.200 KM, một con số vô cùng ấn tượng cho biết rằng, phần lớn đất nước chúng ta tiếp giáp biển. Đồng nghĩa với sự đa dạng trong các loại cá cũng như có rất nhiều địa điểm tuyệt vời để câu cá.

Biển rộng và to đấy, nhưng đâu phải thả cái câu xuống là con nào cũng ăn, phải không nào? Thật sự trong rất nhiều loài cá dưới biển, nếu đi câu và cắn câu, chúng ta sẽ chỉ có thể nhắm đến khoảng 50 loại cá biến khác nhau mà thôi. Và cũng có thể chia ra một vài địa điểm cơ bản đề câu cá, như: Câu cá ở bờ biển, câu cá ở ghềnh đá, câu cá ở khu vực chắn sóng và cầu cảng, câu cá ở trên thuyền ngoài biển.

1. Câu cá bờ biển (Surfcasting)

Đây có lẽ là hình thức câu cá dễ dàng nhất. Chúng ta sẽ thường câu ở những khu vực có bãi cát trải dài và có nhiều khu vực nông, sâu khác biệt được tạo ra do sóng biển. Khu vực nước sâu là nơi có nhiều cá tụ lại để tìm kiếm thức ăn. Vì thế, để câu được cá biển gần bờ, phải nhận biết được khu vực nào có nước sâu, mới câu cá có hiệu quả.

Để nhận biết nông, sâu, người câu phải quan sát sóng biển, những khu vực có sóng biển cuộn lên tức nước nông, những khu vực không có sóng cuộn lên sẽ là điểm sâu hơn. Đó là cách nhận biết nông, sâu trong kỹ thuật câu cá bờ biển.

Để phục vụ câu cá bờ biển, chúng ta thường sử dụng những loại cần Carbon có khoen, dài từ 4-5.4m, sử dụng máy spinning từ 4000 trở lên, dây trục dài từ 0.4mm-0.5mm. Cùng với đó là thẻo câu dài 2m, lưỡi câu dùng loại vừa, chì râu từ 100-150gr tùy theo sóng lớn hay nhỏ. Và quan trọng nhất là phải có cây xỏ trùn biển để xuyên qua toàn bộ con trùn biển, sau đó mới luồn sang lưỡi câu.

Và nhớ là chuẩn bị thêm phần giá đỡ cho cần câu nhé. Có thể tự chế hoặc tìm mua trên các trang cung cấp phụ kiện câu cá, thường sẽ có đường kính 40mm, dài 1m.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các công cụ ở trên, thì bạn ném mồi vào chổ sâu, kiểm tra mobil cho độ nhả cước vừa đủ, quấn dây hơi căng và đặt cần lên giá, chờ đợi. Một khi thấy đầu cần nhấp liên tục nghĩa là có cá cắn câu, hãy quay máy thu dây và cá về.

Câu bờ biển chúng ta sẽ thu được một số loài cá sau đây: Cá đù, cá tráp, cá vược, cá vòn, cá đối cát…

2. Câu cá ở ghềnh đá (Rock angling)

Ghềnh đá là những khu vực có bờ đá nối với đất liền hoặc ngoài khơi, ở những khu vực này thì nước chảy xiết và sóng đánh vào liên tục. Ở những ghềnh đá này, cá rất nhiều, là những điểm câu rất lý tưởng.

Những loại cá thường xuất hiện ở ghềnh đá như cá dìa, cá mú, cá tráp, cá hồng… Và chúng ta phân biệt các loại cá bằng cách ăn mồi: Cá ăn mồi ở tầng giữa nước, tầng đáy…

Với các loại cá ở tầng giữa nước thay đổi vị trí theo mùa và nhiệt độ nước, như cá tráp. Còn các loại cá ở tầng đáy nước có tính định cư lâu dài, chúng không dễ rời bỏ khu vực sống của mình nếu không có sự đe dọa như hóa chất hay những loài cá lớn hơn…

Với kỹ thuật câu cá ghềnh đá, chúng ta có hai phương pháp câu, là câu đáy và câu nổi:

  • Câu đáy: Không dùng phao, dùng cục chì có lỗ xuyên tâm, trọng lượng tùy thuộc và dòng chảy mạnh hay yếu, và chặn cục chì cách lưỡi câu khoảng 30-40cm bằng hạt chặn cao su.
  • Câu phao nổi: Là câu cá sử dụng phao, chúng ta sẽ sử dụng các loại phao khác nhau tương ứng với nhiều loại cá khác nhau, chúng ta sẽ đưa mồi từ trên mặt nước chìm dần xuống nước. Các loại phao nên dùng có hình trứng 1B, 2B, 3B, 4B… và sử dụng kèm một phao phụ nhỏ hơn có số tương ứng. Đặt phao chính ở trên, phao phụ ở dưới cách khoảng 20-30cm.

Mồi câu: Dùng tôm chết bóc vỏ, mực cắt nhỏ hay tôm sống và cà phốc càng tốt. Và nên dùng thính để tập trung cá lại.

Cần câu: Có thể sử dụng cần tay hoặc cần máy. Cần tay với chiều dài khoảng từ 4.5 đến 9m, có số từ 1.5 đến 3.0. Sử dụng cước nổi cùng với thẻo flourcarbon. Cần lắp máy thì có chiều dài 4.5m, khoen nhỏ, sử dụng máy Spinning hoặc máy rùa nhỏ từ 2000 đến 3000 và sử dụng cước chìm nhanh, thẻo flourcarbon.

Câu ghềnh đá sẽ nguy hiểm hơn các khu vực câu khác. Vì vậy phải coi trọng việc an toàn khi câu. Cần chuẩn bị thật kỹ những đồ bảo hộ như phao cứu sinh, giầy chống trượt, một cuộn dây dài và chắc để buộc chúng ta vào nơi cao và chắc tránh việc rơi xuống biển khi bị sóng đánh.

3. Câu cá ở đê chắn sóng và khu vực cảng

Rất thú vị, chẳng thua gì khi câu ở ghềnh đá. Mặc dù chúng ta câu ở đê chắn sóng hay cảng vẫn là ở mép đất liền, tuy nhiên, ở khu vực này, chúng ta sẽ câu được những loại cá gộp của cá câu cá gần bờ và câu cá ở ghềnh đá, cùng với một số loài khác như cá đù, cá vược, cá bạc má…

Tương tự như câu ở ghềnh đá, chúng ta cũng có 2 cách câu, là câu nổi và câu đáy. Nổi bật và tốt nhất nên sử dụng câu đáy, vì ở đây, có các khối bê tông 3 cạnh để giảm sóng, tạo ra rất nhiều vị trí trú ẩn và săn mồi cho cá.

Ở kỹ thuật câu cá đê chắn sóng, cảng này. Mồi xả là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả câu. Vì thế cần chú ý đến mồi xả, khi xả mồi xuống, cá sẽ tập trung ở xung quanh khu vực này, hãy thả mồi câu xuống chổ xả mồi, kiểu gì cũng có cá cắn câu.

Các dụng câu cá cá cần mang theo: Các dụng cụ để giữ cá, và những dụng cụ cần thiết như hộp đựng mồi, thẻo câu, vợt bắt cá… Và sử dụng máy Spinning 2000-4000. Các loại cần thụt và ghép có khoen, dài hơn 4m có độ đàn hồi phù hợp.

4. Câu cá biển trên thuyền

Hình thức này được rất nhiều cần thủ trên thế giới sử dụng nhằm câu những loại cá lớn. Ở Việt Nam không được phổ biến lắm, vì hầu hết không có điều kiện. Nên chúng tôi cũng không trình bày nó ở bài viết này.

Hy vọng với những kỹ thuật câu cá biển ở trên, mọi người sẽ có được sự lựa chọn khu vực câu cá cũng như cách câu cá tốt nhất cho mình. Chúc các bạn câu được thật nhiều cá.

(Nguồn : http://www.cauca.info/2016/02/nhung-ky-thuat-cau-bien-can-ban.html)

Từ khóa » Cách Câu Cá Dưới Biển