Những Ký ức đóng Băng ở Trại Phong Quy Hoà - Saigoneer
Có thể bạn quan tâm
Trong tâm trí của nhiều người, bệnh phong vẫn là một thứ gì đó đáng sợ. Nhưng vượt qua những định kiến, đâu đó vẫn có những cộng đồng nơi tình thương và sự cảm thông kết nối con người với con người. Làng phong Quy Hoà ở Quy Nhơn là một nơi đặc biệt như thế.
Trong bộ phim Dấu Ấn Của Quỷ của đạo diễn Việt Linh, nhân vật Lão cùi là một người mắc bệnh phong. Ông sống tách biệt ở rìa làng cùng với chú chó, cũng là người bạn duy nhất. Hằng ngày, ông đeo trên cổ một chiếc chuông để báo cho dân làng biết mà chạy đi. Tuy chỉ là phim, nhưng hình tượng Lão cùi đã phần nào thể hiện được nỗi đau, nỗi mất mát của người bệnh khi bị tước đi mối liên hệ với xã hội.
Trong một chuyến đi tới Quy Nhơn cách đây vài tháng, nhớ đến hình ảnh nhân vật này, chúng tôi đã đến thăm trại phong Quy Hòa. Khi tiến gần về phía ngôi làng, cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp với ánh nắng chan hoà và tiếng sóng dịu êm hôm ấy hoàn toàn đối nghịch với hình ảnh u tối gắn liền với căn bệnh phong. Chúng tôi dành một buổi chiều để tham quan làng phong, gặp gỡ các cư dân, tìm hiểu lịch sử của ngôi làng cũng như cộng đồng nơi đây; để rồi hiểu thêm về bệnh phong và những điều tích cực của cuộc sống xung quanh nó.
Lịch sử bệnh phong ở Bình Định
Bệnh phong, còn được gọi là bệnh Hansen, là một trong những căn bệnh lâu đời nhất trên thế giới. Bệnh được gây ra bởi một loại vi khuẩn. Khi nhiễm bệnh lâu ngày, da và dây thần kinh của bệnh nhân sẽ bị tổn thương, khiến cơ thể họ dễ bị dị tật, kém nhạy cảm với nhiệt độ và vết đau. Bệnh không dễ lây, nhưng vì đến năm 1940 mới có thuốc chữa, người bệnh của những thập kỷ trước đó gần như phải sống trong cực hình. Bệnh hay bùng phát trong môi trường ô nhiễm và thiếu vệ sinh, khiến những khu dân cư nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Do thiếu kiến thức khoa học, nhiều người Việt lúc bấy giờ có quan điểm sai lệch về bệnh phong. Họ cho rằng đây là căn bệnh dễ lây lan, khiến người bệnh phải chịu sự kỳ thị từ xã hội. Người bệnh và gia đình thường bị cô lập và đối xử tàn nhẫn; thậm chí bị chôn sống, dìm nước hoặc đẩy vào chốn rừng núi hoang vu.
Vào những năm 1920, Bình Định được xác định có 360 người mắc bệnh phong. Tuy nhiên, nếu tính cả những ca chưa được chẩn đoán, sống rải rác ở vùng nông thôn, số ca thực tế có thể lên tới 1200, một con số khá đáng kể khi so với tổng số 70.000 dân của tỉnh. Trước tình cảnh hết sức cấp thiết, Paul Maheu, một linh mục người Pháp, cùng bác sĩ Lemoine của Bệnh viện Bình Định, đã thành lập Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa vào năm 1929. Bệnh viện toạ lạc trên một dải đất ven biển, cách Quy Nhơn 8km về phía Nam.
Làng Quy Hòa năm 1970 chụp từ trên cao. Ảnh: Trang Flickr của người dùng manhhai.
Năm đầu tiên hoạt động, bệnh viện mở cửa đón 52 bệnh nhân. Phòng bệnh lúc này là những ngôi nhà tranh vách đất. Năm 1932, để chăm sóc cho số lượng bệnh nhân ngày càng lớn, sáu nữ tu người Pháp đã lên đường tới Quy Nhơn từ Marseille trên một chuyến hành trình khó nhọc. Khi đến nơi, họ liền bắt tay vào làm việc, vừa củng cố cơ sở vật chất, vừa chăm sóc, tắm rửa cho 180 bệnh nhân mỗi ngày. Những ngôi nhà tranh được xây thêm để phục vụ các bệnh nhân và người nhà đến ở cùng.
Đáng tiếc, bệnh viện chưa hoạt động được bao lâu thì đã bị một cơn bão năm 1933 tàn phá. Nhưng từ những tàn tích, một cơ sở mới rộng rãi, khang trang hơn đã được xây dựng. Khuôn viên bệnh viện giờ đây có thêm nhà thờ, tu viện cùng 200 ngôi nhà cho bệnh nhân lưu trú.
Làng phong Quy Hoà ngày ấy không có nhiều sự khác biệt với ngày nay. Ảnh: Trang Flickr của người dùng manhhai.
Kiến trúc độc đáo của Quy Hoà bắt nguồn từ đâu?
Khác với sự ảm đạm thường thấy ở các cơ sở y tế, vẻ ngoài của Quy Hoà có phần sống động và màu sắc hơn hẳn. Dạo mắt xung quanh, chúng tôi thấy những bãi biển đẹp như tranh vẽ, những chùm hoa giấy nở rộ, những cây cọ xum xuê và những bãi cỏ trên cát — tất cả đều góp phần vào sự tươi sáng của Quy Hòa. Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng nhất chính là lối kiến trúc độc đáo.
Sau cơn bão năm 1933, Sơ Ozithe là người giám sát việc quy hoạch của trại Quy Hoà. Vốn là một kiến trúc sư, sơ đã cân nhắc nhu cầu của các bệnh nhân và gia đình, cũng như lối kiến trúc nhiệt đới của Việt Nam khi xây dựng công trình. Mỗi bệnh nhân khi đến đây sẽ đưa ra ý tưởng cho ngôi nhà của mình. Một số người còn tự tay vẽ họa tiết cho gạch, nên nhiều viên gạch ốp ở đây có thiết kế độc nhất vô nhị. Được tự do sáng tạo, các cư dân ở đây đã để lại nhiều dấu ấn cá nhân, tạo nên một tổng thể màu sắc, độc đáo từ họa tiết, mặt tiền đến mái nhà.
Nhu cầu y tế của của bệnh nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kiến trúc của bệnh viện Quy Hòa. Ở đây, sàn được lát gạch, thang có ít bậc, lối đi rộng rãi và không có hàng rào. Tất cả đều để hỗ trợ những bệnh nhân nặng với nhiều dị tật cơ thể. Ở ngoài, những hàng ghế, bóng cây và công viên nhỏ được lắp đặt, vì người sống trong viện chẳng mấy khi đặt chân khỏi đây.
“Trại phong ngày càng ra dáng một cư xá đô thị. Mỗi con đường đều mang tên riêng, các biệt thự thấp thoáng dưới bóng cây dừa, xứng đáng với tên gọi 'Hòa bình phủ quốc,’” một nữ tu viết trong thư gửi đến bề trên vào những năm 1940.
Tuy chịu nhiều hạn chế về thể chất, nhưng các bệnh nhân vẫn chủ động trong việc xây dựng ngôi nhà của mình. Qua năm tháng, nhiều xu hướng và phong cách mới từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuất hiện trong các thiết kế nhà. Nhưng kiến trúc ở viện Quy Hoà không hề mất đi sự độc đáo, một phần vì chính những cư dân sinh sống ở đây. Có người nói rằng, có lẽ nỗi đau của gia chủ đã tô điểm thêm cho cơ ngơi họ tạo dựng.
Ở Quy Hoà, bệnh nhân không cần phải theo tôn giáo nào để được điều trị. Thế nhưng trong khuôn viên, ta vẫn bắt gặp những bức tượng thờ: Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các vị thánh và các y sĩ danh tiếng lúc bấy giờ. Sự có mặt của những bức tượng này như một lời nhắc nhở về sứ mệnh của ngôi làng: để xoa dịu và truyền động lực cho những mảnh đời bất hạnh. Những dáng hình ấy giờ đây vẫn còn tồn tại, kế bên ngôi nhà của cư dân danh tiếng nhất Quy Hoà: nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Đến Quy Hoà vào những năm cuối đời, nhà thơ “bán trăng” lìa trần vào năm 1940, khi ông mới 28 tuổi. Mái ấm giản dị của ông ghi dấu đoạn kết của một cuộc đời bi thương, một sự nghiệp vì nghệ thuật. Trong căn phòng, những cuốn sách, đồ dùng cá nhân, thư từ, ảnh của những vị khách quý và tranh chân dung do người anh vẽ tặng được treo ngăn nắp trên tường, bên cạnh chiếc giường gỗ nơi ông qua đời.
Những khó khăn hàng ngày
Dù ban quản lý viện luôn nỗ lực để xây dựng một môi trường sống thoải mái, lành mạnh nhưng cuộc sống ở Quy Hòa cũng có lúc khó khăn. Có thời điểm, chỉ có 10 nữ tu làm việc, chăm sóc cho hơn 1.000 bệnh nhân. Đến năm 1974, một năm trước khi chính phủ tiếp quản hoạt động của viện, đã có hơn 5.422 bệnh nhân và người nhà của họ cùng ở đây, khiến khuôn viên càng trở nên đông đúc. Những ngôi nhà càng ngày càng nhỏ lại còn nguồn lực thì càng khan hiếm, nhưng các bệnh nhân từ ngoài Bình Định vẫn được tiếp nhận, bất kể giàu nghèo.
Ngày nay, con đường di chuyển từ Quy Nhơn đến Quy Hòa vô cùng thuận tiện. Nhưng trước đó, hành trình để tới được đây xa xôi hơn rất nhiều. Các nhu yếu phẩm phải được đưa đến bằng thuyền, đôi khi năm tháng mới có một chuyến. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, người dân ở viện đã trồng dừa để ăn, làm dầu, làm xà phòng, thuốc và chổi. Bên cạnh đó họ phải xin quyên góp thức ăn và tiền từ các khu dân cư xung quanh. Đến tận năm 1994, không có trẻ em nào trong làng phong được học cấp hai.
Dẫu vậy, các cư dân Quy Hoà vẫn kiên cường vượt qua các thử thách, ngay cả trong chuyện giày dép. Bệnh phong thường khiến chân tay người bệnh biến dạng. Họ phải đi những đôi giày có hình dạng hoặc kích cỡ khác nhau, được thiết kế riêng biệt để giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Đáp ứng nhu cầu này, vào năm 1997, một cơ sở đóng giày đặc biệt đã được thành lập trong viện. Công việc làm giày được các cư dân truyền qua nhiều thế hệ. Một người thợ mà Saigoneer có duyên gặp gỡ vẫn tiếp tục sống trong làng ngay cả khi đã nghỉ hưu.
Ngày nay, đa phần các cơ sở ở Quy Hoà đều được chăm lo ổn thỏa. Nhưng khi dạo quanh làng, chúng tôi vẫn thấy một số khu vực bị bỏ hoang, tràn ngập các dụng cụ y tế, đồ đạc và bảng hiệu đổ nát. Các thứ tiếng trên những biển hiệu ấy là minh chứng một giai đoạn lịch sử của ngôi làng, khi nhiều tổ chức trên thế giới cùng góp sức vào hoạt động ở đây. Ngày chúng tôi đến, khung cảnh ở đó rất đẹp, có tiếng chim hót líu lo từ xa. Nhưng nếu đặt vào bối cảnh khác, hình ảnh chiếc ghế phẫu thuật rỉ sét với những thiết bị cũ kỹ có lẽ đã khiến chúng tôi rợn tóc gáy.
Cuộc sống sau khi hết bệnh
Việc sử dụng vắc-xin, cải thiện mức sống và xây dựng những cộng đồng biệt lập như Quy Hoà đã giúp đẩy lùi triệt để bệnh phong ở Đông Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam căn bệnh này vẫn còn tồn tại. Số người vẫn đang phải sinh sống với căn bệnh quái gở này lên đến hàng trăm. Nhiều người đã được chữa khỏi, nhưng vẫn cần được chăm sóc lâu dài do những khuyết tật về thể chất mà căn bệnh gây ra. Tính đến năm 2019, Quy Hoà là nơi ở của 421 bệnh nhân nội trú và khoảng 40–50 bệnh nhân ngoại trú.
Kinh phí cũng là một vấn đề lớn đối với Quy Hòa, ngay cả trước khi có thêm những áp lực từ đại dịch COVID-19. Thức ăn và khoản trợ cấp 300.000 VND hàng tháng được nhà nước và các nhà hảo tâm viện trợ. Song song với đó, các nữ tu tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và kêu gọi hỗ trợ cho các cư dân Quy Hoà và hơn 20 cộng đồng, bệnh viện cho người mắc bệnh phong khác trên cả nước.
Nhờ sự phổ cập kiến thức thức về y tế, số người bệnh đã được giảm thiểu, căn bệnh cũng không còn bị dị nghị như trước. Nhưng những bệnh nhân mắc dị tật vẫn còn bị xã hội hắt hủi. Vì vậy, họ chọn sống trong những cộng đồng tách biệt, cùng những người đồng cảnh ngộ, những người hiểu được tình cảnh của họ. Bị cô lập và gặp khó khăn kinh tế, nhịp sống ở Quy Hoà cũng đôi khi chậm lại. Khi dạo quanh nơi đây, chúng tôi thấy nhiều người đang ngủ trưa, xem tivi và một nhóm vui vẻ tụ tập đánh bài. Một vài trẻ em háo hức chào đón chúng tôi, và một người đàn ông đang chăm sóc một đàn gà chọi. Tương tự như những ngôi làng nhỏ khác, cuộc sống ở đây có lẽ không có nhiều thay đổi.
Không ai biết chính xác tương lai của Quy Hoà sẽ đi về đâu. Với số bệnh nhân trong nước ngày càng thuyên giảm, các cơ sở y tế chuyên biệt như Quy Hòa có lẽ không cần tồn tại nữa, mà sẽ tái cơ cấu thành một khu dân cư bình thường, một ngôi làng nhỏ cho gia đình của những bệnh nhân cũ sinh sống. Gần đó, thành phố Quy Nhơn vấn tiếp tục phát triển; ngôi làng nhỏ cũng khó tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài như ngày trước. Vị trí của Quy Hòa cũng khá thuận tiện, nằm ngay trên hành trình của du khách muốn hám phá cung đường trekking ngắm bình minh đẹp nhất Quy Nhơn. Cũng cách đó chỉ vài ki-lô-mét, một tổ hợp không gian khoa học với trang thiết bị hiện đại hàng đầu đã được xây dựng, hằng năm đón tiếp nhiều chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực trên toàn thế giới về làm việc.
Với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc độc đáo và giàu giá trị lịch sử, Quy Hòa là điểm đến ngày càng có sức hút đối với khách du lịch. Từng là một nơi chốn đơn côi, hiu quạnh, Quy Hòa giờ được xem là một thiên đường chụp hình cho bạn trẻ. Nhiều người có thể xem đây là một sự thay đổi kỳ quặc, nhưng có lẽ, đây là bước ngoặt cần thiết để Quy Hoà kết thúc một chương lịch sử cũ.
Từ khóa » Trại Cùi Quy Hòa
-
Trại Phong Quy Hòa Quy Nhơn: Ký Ức Về Một Thi Sĩ Tài Ba
-
Trại Phong Quy Hòa Quy Nhơn Và Những Ký Ức Về Một Thi Sĩ Tài Ba
-
Trại Phong Quy Hòa Quy Nhơn - Về Với Bình Yên
-
Làng Phong Quy Hòa đẹp Như Cổ Tích - Báo Thanh Niên
-
Làng Phong Quy Hòa | Ngôi Làng Cổ Tích Giữa Thung Lũng Xanh Quy ...
-
Review Thăm Mộ Hàn Mạc Tử Bên Trong Trại Cùi Làng Phong Quy ...
-
Review Tham Quan Làng Phong Quy Hòa Quy Nhơn Ở Đâu Giá Vé ...
-
Chuyện Chưa Kể Về Trại Phong Quy Hòa - Kỳ 1: Vùng Biệt Lập Của ...
-
Bệnh Viện Phong – Da Liễu Trung ương Quy Hòa - Wikipedia
-
Căn Phòng Nơi Hàn Mặc Tử ở Trước Khi Qua đời - VnExpress
-
Làng Phong Quy Hòa ở Quy Nhơn - Bình Định - TripHunter
-
Làng Phong Quy Hòa Thành Phố Quy Nhơn Bình Định
-
Bệnh Viện Phong – Da Liễu Trung ương Quy Hòa