Những Lưu ý Khi Chữa Cháy đám Cháy Có Mặt Của Hóa Chất Phản ứng ...

Nước là chất chữa cháy được sử dụng phổ biến hiện nay do có giá thành rẻ và có hiệu quả chữa cháy cao. Tuy nhiên, có một số hóa chất có phản ứng mạnh với nước sinh ra khí dễ cháy, khí này có thể kết hợp với không khí tạo thành hỗn hợp nguy hiểm nổ. Những chất như thế rất dễ bắt lửa do bất cứ một nguồn nhiệt gây cháy bình thường nào gây nguy hiểm cho lực lượng tham gia chữa cháy và khu vực xung quanh cơ sở bị cháy. Do đó, cần rất thận trọng trong việc lựa chọn chiến thuật chữa cháy, chất chữa cháy cũng như khi sử dụng nước để chữa cháy và làm mát khi tổ chức chữa cháy đám cháy có yếu tố này.

Để nâng cao hiệu quả chữa cháy đám cháy có yếu tố trên, người chỉ huy chữa cháy cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, chỉ những người hiểu rõ tính chất nguy hiểm của hóa chất, nắm vững quy trình ứng phó sự cố, phương pháp xử lý và có đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được tham gia xử lý sự cố. Do đó, người chỉ huy cần trang bị cho mình kiến thức về hóa chất cũng như xử lý sự cố liên quan đến hóa chất, nắm rõ những phản ứng có yếu tố nguy hiểm giữa các chất chữa cháy thường dùng với hóa chất, đặc biệt là nước để từ đó có chiến thuật chữa cháy phù hợp. Trong quá trình xử lý sự cố cần có sự tham gia của cán bộ phụ trách nơi xảy ra sự cố hóa chất và chuyên gia phụ trách mảng hóa chất của cơ sở để giám sát cũng như cung cấp thông tin cho chỉ huy chữa cháy về việc sử dụng các phương tiện, chất chữa cháy thích hợp để khắc phục những hậu quả xảy ra.

Về các thông tin trong xử lý hóa chất, có thể tham khảo cuốn tài liệu: “Tra cứu thông tin cháy, nổ, độc hại của một số hóa chất tại Việt Nam” do nhóm tác giả Đinh Ngọc Tuấn, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Hữu Hiệu, Khuất Quang Sơn – Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy biên soạn.

 

Hai là, trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ khi tham gia chữa cháy như trang phục dương áp, mặt nạ phòng độc (lọc độc, cách ly), quần áo chống độc, chống nhiệt, chống phóng xạ để hạn chế và ngăn ngừa các tác động của hóa chất dạng hơi, bụi, lỏng tràn chảy, phát tán trong không khí

Căn cứ vào tình hình thực tế quy mô, loại hình hoạt động của cơ sở trên địa bàn, hóa chất có tại cơ sở, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương rà soát, đề xuất mua sắm trang thiết bị phương tiện chữa cháy chuyên dung phục vụ chữa cháy hóa chất như: Xe chữa cháy hóa chất, thiết bị đánh dấu hóa chất; thiết bị khoanh vùng cháy, cứu nạn, cứu hộ; bộ thiết bị phục vụ sự cố hóa chất, phóng xạ đảm bảo yêu cầu đủ về số lượng, chủng loại, trang thiết bị phương tiện chữa cháy hỗ trợ khác cho các hoạt động chữa cháy.

Ba là, tổ chức có hiệu quả các hoạt động chữa cháy đám cháy hóa chất

* Tổ chức trinh sát, nhận định đánh giá tình hình, diễn biến đám cháy

Trong khi trinh sát, ngoài những nội dung chính đã quy định với trinh sát đám cháy, trong trường hợp sự cố hóa chất mà trong đó có hóa chất phản ứng với nước sinh ra khí dễ cháy, các tổ trinh sát phải tiếp tục xác định cụ thể:

– Vị trí sắp xếp hóa chất tại khu vực bị cháy và những vật liệu, hóa chất có phản ứng với nước sinh ra khí dễ cháy.

– Tình trạng đám cháy đang diễn ra, tình trạng của thiết bị, máy móc, hệ thống đường ống, bộ phận dẫn truyền, các thể loại hoá chất, dụng cụ chứa đựng, hệ thống thông gió, hệ thống hút, xả hơi, khí phế thải trong khu vực cháy và các khu vực lân cận;

– Kiểm tra kết quả xử lý sự cố mà lực lượng cơ sở đã thực hiện;

– Xác định mức độ rò rỉ hoá chất và nguy cơ phát tán.

* Tổ chức cứu người trong đám cháy

Một trong những yêu cầu đặt ra đối với hoạt động chữa cháy là thực hiện nhiệm vụ cứu người bị nạn.[2] Cần lưu ý, người bị nạn trong các vụ cháy hóa chất khác với người bị nạn trong các trường hợp khác bởi có thể nhanh chóng bị nhiệm độc bởi hóa chất;  bị bỏng bởi hóa chất. Do đó, trong từng trường hợp, chỉ huy chữa cháy quyết định lựa chọn phương pháp, biện pháp cứu người, hướng dẫn thoát nạn, sử dụng trang thiết bị bảo hộ chống hóa chất phù hợp, triển khai các đội hình tiếp cận cứu người đảm bảo an toàn tuyệt đối.

* Triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy

Hoạt động chữa cháy đám cháy hóa chất nhằm mục đích ngăn chặn sự lan rộng của đám cháy và sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất. Do đó, chỉ huy chữa cháy cần làm tốt công tác khoanh vùng đám cháy. Mỗi loại hóa chất bị cháy phải lựa chọn sử dụng phương tiện và chất chữa cháy phù hợp để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả chi phí kinh tế. Chất chữa cháy và làm mát chính trong mỗi đám cháy vẫn là nước. Tuy nhiên, đối với đám cháy mà trong đó có chất có phản ứng với nước sinh ra khí đễ cháy, người chỉ huy chữa cháy cần hết sức lưu ý trong quá trình sử dụng nước để làm mát cũng như lựa chọn chất chữa cháy phù hợp. Khi sử dụng nước để làm mát, chỉ huy cần lưu ý không để nước tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, không phụn tia nước đặc vào vị trí đang xảy ra rò rỉ hoặc khu vực đang có hóa chất tập trung nếu hóa chất đó có phản ứng với nước sinh ra khí đễ cháy, hóa chất dạng lỏng. Có thể sử dụng đất; cát; bột không cháy bao phủ không cho tiếp xúc với nước, với không khí. Sử dụng các xe, máy phục vụ đổ đất cát đồng thời di chuyển các hóa chất khác ra nơi an toàn nhằm tạo khoảng cách cắt đứt nguy cơ cháy lan. Trong trường hợp xảy ra rò rỉ dẫn đến cháy tại các đường ống công nghệ, cần có biện pháp ngắt nguồn cung cấp để cắt đứt nguồn cung cấp chất cháy. Chú ý đến tình trạng nổ bụi hóa chất đối với những cơ sở hoạt động có liên quan đến hóa chất dạng rắn.

Bốn là, bồi dưỡng, huấn luyện tâm lý cho chiến sĩ chữa cháy:

Để thực hiện và hiệu quả công tác huấn luyện tâm lý cho cán bộ chiến sĩ chữa cháy cần:

– Tăng cường hoạt động tập luyện cho CBCS trải nghiệm các điều kiện khi chữa cháy hóa chất sát với thực tế qua việc thực tập phương án hóa chất.

– Tổ chức học tập qua các phim tài liệu nói về chữa cháy đám cháy hóa chất, đặc biệt là đám cháy có hóa chất phản ứng với nước sinh ra khí dễ cháy.

Năm là, làm tốt công tác khử nhiễm sau chữa cháy. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng khi tổ chức xử lý sự cố hóa chất nhằm loại bỏ các hóa chất bám, dính trên người, quần áo và các thiết bị, phương tiện, khu vực sự cố nhằm loại bỏ các tác nhân độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây hư hỏng thiết bị, gây ô nhiễm môi trường. Khử nhiễm hóa chất gồm nhóm phương pháp vật lý hoặc nhóm phương pháp hóa học. Tùy thuộc vào tình hình thực tế mà chỉ huy chữa cháy sử dụng phương pháp khử nhiễm phù hợp./.

Tài liệu tham khảo:

  1. TCVN 5507:2002, Hóa chất nguy hiểm – quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
  2. Quốc Hội (2001), Luật số 27/2001/QH10 Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Văn Phận – Nguyễn Hoa (Khoa Chữa cháy)

Từ khóa » đám Cháy được Phát Hiện Khi Nào