Những Mảnh Ghép Kenya - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Asante sana (chân thành cảm ơn), lala salama (chúc ngủ ngon), mtoto mzuri (em bé dễ thương), hivi hivi (tôi ổn), hapana (không đâu), pole pole (bình tĩnh nào), parachichi (quả bơ), pilipili hoho (ớt chuông), dala dala, boda boda, piki piki (ô-tô, xe máy, xe đạp), kicha sana (điên vừa thôi)..., tôi yêu thứ tiếng giàu nhạc điệu này làm sao. Hệ chữ Latin, đọc giống viết và cấu trúc ngữ pháp không quá phức tạp, tiếng Swahili hình thức đơn giản nhưng chuyện về Swahili là những chương sử dài đa sắc chồng chéo.
Từ thế kỷ thứ 7, người Shiraz từ Ba Tư (Iran ngày nay) đặt chân tới vùng biển Đông Phi. Một thế kỷ sau, thêm các thuyền buồm Dhow từ vùng Trung Đông tới lập cảng kéo dài từ Somalia tới Mozambique. Tới thế kỷ 10, cùng quần đảo Zanzibar (Tanzania), Sofala (Mozambique), Lamu, Gede, Pate và Mombasa (Kenya) trở thành nơi xuất đi gia vị, da báo, mai rùa, sừng tê giác, ngà voi, gỗ quý, vàng và quan trọng hơn cả, nô lệ. Chế độ nô lệ ở châu Phi thực chất đã tồn tại từ trước khi thế giới biết đến. Chỉ tới thế kỷ 15 sau đại dịch Cái chết đen khiến châu Âu thiếu nhân công trầm trọng, khi các đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha phát hiện ra “một thiên đường bỏ quên” mà người Ả Rập nhanh chân hơn, châu Phi mới chính thức trở thành điểm nóng của nạn buôn bán nô lệ, một vết đen buồn thảm thay đổi vĩnh viễn số phận cả một lục địa. Trong hơn 400 năm tồn tại, đã có gần 20 triệu nô lệ bị bắt, lao động khổ sai và bị chuyển sang châu Mỹ, châu Âu và châu Á thông qua các tuyến sa mạc Sahara, Biển Đỏ, Tây Phi và Đông Phi nơi các thành phố cảng là đầu mối trung chuyển. Đến giờ, lục địa đen vẫn chưa hoàn toàn gượng dậy sau bao thương tổn về kinh tế, xã hội và tâm lý từ cơn ác mộng này.
Bắt nguồn từ “Sawahil” tiếng Ả Rập là “thuộc về bờ biển”, Swahili hình thành khi người từ Oman đến cùng các cuộc giao thương và hôn nhân đa sắc tộc với cư dân bản địa. Tới nay, các thành phố đá cổ dọc bờ đông châu Phi là nơi cư trú của đa phần tín đồ Hồi giáo, sở hữu kiến trúc và ẩm thực đặc trưng. Từ thế kỷ 15, thuyền buôn Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm nguồn lợi từ lục địa cách nửa vòng trái đất. Thương lái Ấn Độ cũng đã có mặt từ vài trăm năm trước khi cộng đồng nô lệ gốc Ấn bị thực dân Anh đưa sang xây dựng tuyến đường sắt Mombasa - Kampala cuối thế kỷ 19. Ngôn ngữ Phi bản địa, tiếng Ả Rập, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Đức, Anh..., tất cả tạo nên Swahili và nền văn hóa Swahili ngày hôm nay. Swahili được tạo ra khi nửa thế giới gặp nhau.
Vùng đất diệu kỳ và loạn lạc
Tôi đi tàu từ Nairobi tới Mombasa, dắt lưng vốn Swahili, đầu mơ tưởng tới những cảnh xưa cũ trong phim Out of Africa hay Nowhere in Africa. Đoàn tàu nhỏ xuyên vùng bình nguyên Tsavo bất tận, nơi nhiều công nhân xây dựng từng bỏ mạng vì sư tử ăn thịt người. Đâu đó, thấp thoáng bóng hươu cao cổ sau lùm cây bụi gai và vài nhóm thanh niên Maasai lững thững dạo bộ trong một nhịp thời gian như chậm lại. Kenya ngày nay vẫn đẹp diệu kỳ như vậy, chỉ thay đoàn khách da trắng lạc lõng giữa bao gam màu Phi châu ngày nào bằng một thế giới thu nhỏ đa sắc, thay nội thất cũ kỹ từ thời thực dân bằng loạt tàu hiện đại gắn biển chỉ dẫn chữ Trung Quốc cùng công tác an ninh ngặt nghèo bởi nỗi lo khủng bố Somalia.
Tâm trí đi rong bên cửa sổ, tôi bỗng nhớ tới chuyện “nín đẻ” của linh dương đầu bò (wildebeest), một trong những loài đặc trưng giữa cảnh quan đặc sắc giúp Kenya và Tanzania xuất hiện nhiều nhất trong các thước phim tài liệu. Để duy trì chiếm số lượng áp đảo trên savanna và chuẩn bị cho cuộc đại di cư thường niên huyền thoại, linh dương mẹ luôn có cách bảo vệ con tận lòng. Chúng sử dụng sức mạnh bầy đàn, biết chọn địa điểm sinh sản dựa vào địa hình, dấu mưa và nguồn thức ăn; và nếu điều kiện không ổn, con mẹ có thể giữ bào thai trong bụng chờ lúc thuận lợi mới sinh. Tương tự ngựa vằn và nhiều loài khác, linh dương con chẳng mấy chốc sau chào đời đã có thể chạy được... Còn bao điều kỳ thú khác trong thế giới hoang dã con người chưa tỏ tường. Đứng trước thiên nhiên kỳ vĩ, thấy mình thật bé nhỏ và nông cạn.
Tàu đến ngoại ô Mombasa, thành phố đón khách phương xa bằng đôi cổng chào ngà voi khổng lồ. Tạm lướt qua các khu hiện đại, tôi tới phố cổ nơi mọi chi tiết kiến trúc đều mang trong mình câu chuyện riêng. Những “cánh cửa Zanzibar” chạm gỗ tếch tinh xảo ảnh hưởng phong cách Punjab hoặc Gujarat từ Ấn Độ và Hồi giáo từ Trung Đông. Hàng hiên Baraza là nơi trải ra cuộc sống bên hẻm nhỏ, trẻ con nô đùa cười rinh rích, phụ nữ ngồi hàn huyên tết tóc trước khi giấu chúng dưới lớp khăn hijab sặc sỡ, đàn ông đội mũ kufi đủng đỉnh uống café và chơi trò bao cổ truyền. Ban công nhỏ trên cao, cũng như cổng nhà, tùy chất liệu và họa tiết mà tiết lộ địa vị và tín ngưỡng của gia chủ. Cổ kính và truyền thống là vậy, phố cổ vẫn đầy điểm nhấn hiện đại từ quảng cáo công nghệ tới cập nhật chính trị. Đâu đó mọc lên tên quán hoặc poster hình Tổng thống Obama dán đã từ lâu.
Việt Nam có “bún chả Obama” thì Phi châu có “bút-chờ (hàng thịt) Obama” và nhiều “Obama” khác từ tên đường, nhãn hàng, in vải vóc, tranh vẽ tường đến kẹo cao su. Khi ông Barack Obama thắng cử năm 2008, hàng trăm triệu cư dân ăn mừng bên kia đại dương, đặc biệt ở Kenya - nơi cha ông xuất thân từ tộc Luo. Ông Obama đem đến niềm tự hào và hy vọng cho vô số người dân lục địa, họ kỳ vọng vị tổng thống của quốc gia quyền lực nhất thế giới “làm gì đó” cho mảnh đất quê hương. Đúng là ông đã tập trung vào thúc đẩy thương mại thay vì từ thiện cứu trợ; thăm bảy quốc gia châu Phi, thành lập The Young African Leaders Initiative (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ châu Phi) và Power Africa (Điện cho châu Phi)... Tuy vậy, khi ông kết thúc nhiệm kỳ chín năm sau đó, nhiều người tỏ ra vỡ mộng. Nhưng đường Obama đã đặt, tường Obama đã vẽ và trẻ nhỏ có kẹo vừa ăn vừa động viên nhau Yes, we can! (Đúng, chúng ta có thể!).
Rời Mombasa, tôi lại quay về Nairobi thay vì qua biên giới chỉ vài tiếng tới Tanzania, quốc gia dù chung ngôn ngữ nhưng nhiều khác biệt. 126 tộc người ở Tanzania sống khá thuận hòa nhưng ở Kenya hơn 40 tộc không yên bình đến thế. Khách du lịch thường được khuyên tránh Kenya, đặc biệt tránh Nairobi vào các kỳ bầu cử. Ai lần đầu đặt chân tới châu Phi và chọn Nairobi trước hết, hẳn chưa ngó nghiêng thông tin, hoặc được phục vụ đưa đón tận tình, hoặc hết mình bạo gan. Một trong các siêu đô thị hàng đầu châu lục, thủ đô của Kenya loạn lạc và đáng yêu tựa một cuốn sách dày bỏ công đọc mới thấy yêu. Nairobi tràn đầy âm nhạc từ Dancehall, Benga, Jazz, Congo rumba và soukous, Bongo Flava, thậm chí Taarab từ bờ biển Swahili cũng góp nhịp trên mọi nẻo đường. Bên xe buýt Matatu sặc sỡ trang trí graffiti từ ý Chúa siêu việt tới bạo lực hầm hố, cánh phụ xe bước vào cuộc chiến giành khách khốc liệt. “Chào bé/người yêu ơi/vợ anh ơi/ô Trung Quốc/trông em ngon đấy” (hôn gió), “Làm sao, TIA - This is Africa - đây là châu Phi, cô còn muốn gì?”..., tôi nghe miết, đành coi nó như một phần văn hóa. Thanh niên nói nhiều, yêu ghét rõ ràng, cá tính mạnh mẽ và hoang dã phóng khoáng là điều quá đỗi thường tình nơi đây.
Đêm xuống tịch lặng giữa rẻo đất khô hạn của người Samburu, tôi đến với Umoja. Ngôi làng này nổi tiếng về nữ quyền, đàn ông bản địa không được bén mảng tới. Umoja lập lên bởi những người phụ nữ từng chịu bạo hành và nhiều hủ tục khác. “Dù chúng tôi cố gắng tới đâu, mọi con đường đều dẫn tới căn bếp hoặc phòng ngủ”, một phụ nữ nói. Cái nữ quyền của Umoja thường lung lay khi những người phụ nữ phải hợp lực sinh tồn giữa miền hoang vu có cả thú hoang lẫn đàn ông đến phá. Ban ngày, họ hoan hỉ ca hát đón khách ghé thăm nhưng tôi cảm nhận nỗi lo trong tiếng cười, tiếng cười buồn da diết như tiếng nhạc của Ayub Ogada.
Dạo đó nhân lần bị cướp thô bạo dọc đường, về nhà nghỉ gặp bảng yêu cầu kê khai thông tin, tôi bèn biên vào mấy chữ. Hỏi “dân tộc gì”, đáp “human - tộc người”, hỏi “nghề nghiệp gì”, đáp “life lover - thanh niên yêu đời”. Hai câu hỏi đó có ở khắp Kenya. Bạo động bầu cử, phân biệt giới tính hay mâu thuẫn sắc tộc nơi đây thực chất bắt nguồn từ bất bình đẳng kinh tế. Nhiều người tin rằng chỉ có hai tộc chính: người giàu và người nghèo. Ý nghĩ ấy và câu trả lời “dân tộc người” theo tôi suốt những năm rong ruổi ở lục địa xa xôi này.
Từ khóa » Kenya ở đâu
-
Kenya – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nairobi – Wikipedia Tiếng Việt
-
5 địa điểm Không Thể Bỏ Qua Khi đến Kenya - VnExpress Du Lịch
-
Kenya - Wikivoyage
-
Kenya – Kham Pha Chau Phi - Du Lịch Châu Phi
-
Kenya - Các Nước Đông Phi
-
Đất Nước Kenya Ở Đâu - Thông Tin Cần Biết Khi Đến Kenya
-
Những điểm đến Không Thể Bỏ Qua ở Kenya - Hànộimới
-
đất Nước Kenya ở đâu - Quang Silic
-
Theo Học Các Chương Trình Thạc Sĩ ở Kenya 2022 - Master
-
Cẩm Nang Du Lịch Kenya Từ A đến Z | VIETRAVEL
-
Cẩm Nang Du Lịch Kenya: Ngắm Sa Mạc Và Vườn Thú Hoang Dã
-
Vị Trí Của Kenya Là Gì?