Những Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Hữu Cơ Trong Thực Tế

Những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thực tế

- Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.

Chuyển biến hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu (Ảnh: HNV)

Tính từ năm 2000 đến nay diện tích nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng nhanh; thu hút lớn các doanh nghiệp và nông dân ở 33 tỉnh thành cùng tham gia. Trong đó, có nhiều mô hình hợp tác xã đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển nhanh về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm, như ở Lương Sơn (Hòa Bình), Thanh Xuân, Sóc Sơn (Hà Nội), Bắc Hà (Lào Cai), Hàm Yên (Tuyên Quang)…

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, đa dạng sản phẩm và quy mô sản xuất đã tạo ra khối lượng sản phẩm khá lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề về ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh, dịch bệnh... vẫn là xuất hiện ở nhiều nơi. Do đó, chỉ có sản xuất hữu cơ hay sản xuất theo VietGAP mới có thể khắc phục những hạn chế trên.

TS Hạ Thúy Hạnh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ưu tiên triển khai các dự án khuyến nông Trung ương về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, theo VietGAP. Thông qua các mô hình này sẽ giúp nông dân Việt Nam từng bước tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nhanh chóng chuyển đổi các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.

Phải khẳng định chắc chắn là xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (Nông nghiệp xanh) là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ nhưng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, nhiều loại sản phẩm cây trồng hữu cơ đã chính thức đặt chân đến nhiều thị trường thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… như gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau); lúa gạo với thương hiệu Tâm Việt của nông dân 9x Võ Văn Tiếng ở tỉnh Đồng Tháp...

Lan tỏa các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương. Sự xuất hiện của những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ngày một nhân rộng tại Việt Nam. Đó là mô hình rau hữu cơ của Nguyễn Tấn Pháp, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hay mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh của Hồ Công Thái, xã Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam hoặc mô hình trồng rau hữu cơ “Vườn nhiệt đới Kapi” của Bùi Thị Thanh Sương ở Điện Ngọc, Điện Bàn có diện tích hơn 1.000m2 theo phương pháp thủy canh đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng bởi các sản phẩm rau, củ, quả sạch phong phú.

Ngoài ra, phải kể đến mô hình Organica khởi nghiệp của Phạm Thị Phương Thảo từ năm 2013 chỉ với một cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ rộng 20 m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Đến nay, Organica đã có 5 cửa hàng tại TP HCM và Đà Nẵng, Hà Nội với 10 trang trại gồm đầu tư trực tiếp và liên kết canh tác rau củ quả có chứng nhận hữu cơ Mỹ, châu Âu (EU) hoặc đang trong quá trình chuyển đổi để lấy chứng nhận.

Bên cạnh đó là mô hình nông nghiệp hữu cơ Biophap tại Kon Tum và Gia Lai được thành lập năm 2015 bởi Tyna Giang và bộ đôi kỹ sư Marc Binet – Alexis Tavernier. Sau 3 năm startup nông nghiệp hữu cơ Biophap do Tyna Giang đồng sáng lập đã có 5 trang trại với diện tích 50 ha tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, chuyên cung cấp trái cây tươi, gia vị và dược liệu.

Thêm nữa, phải kể đến mô hình vườn rau của mẹ được sáng lập bởi một bà mẹ trẻ tuổi 30 tên gọi Bùi Thị Kim Thoa, xuất phát từ việc đảm bảo một nguồn thực phẩm sạch cho con khi sinh em bé. Hiện, Bùi Thị Kim Thoa có ruộng lúa ở Đắk Nông, hai vườn rau ở Đà Lạt, Hóc Môn và một vườn trái cây ở Bình Dương. Hành trình trồng rau của chị Thoa cũng lắm gian nan, nhất là năm đầu phải cải tạo đất bị thoái hóa do tồn dư chất hóa học, có vườn đầu tư 300 triệu đồng để rồi gần như không thu được gì ở vụ đầu. Nhưng dần nhận được sự tin tưởng từ người tiêu dùng, đến nay Vườn rau của mẹ đã và đang cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho rất nhiều gia đình.

Sẩn xuất nông nghiệp góp phần gia tăng năng suất và giá trị chất lượng nông sản Việt Nam (Ảnh: HNV)

Rõ ràng, sự hình thành của rất nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ đang là dấu hiệu ảnh hưởng rất tích cực tới nền nông nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến mô hình chăn nuôi nuôi lợn theo hướng hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm ở xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học trong chuồng thông thoáng tự nhiên; sử dụng các chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn, nước uống, đệm lót và phun sương. Chất thải của lợn được xử lý bởi các vi sinh vật có trong đệm lót nên chuồng nuôi không có mùi hôi, đàn lợn khỏe mạnh, ít xảy ra bệnh.

Hay mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ của chị Trần Thị Hòa tại xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ở đây, vườn thanh long ruột đỏ có 4.000 trụ biệt lập, đảm bảo cách ly; sản xuất theo hướng hữu cơ, chỉ dùng phân chuồng hoai mục bón cây, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật nên chất lượng quả đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng. Chủ hộ cho biết rất nhiều khách nước ngoài từ Sing-ga-po, Đài Loan, Nam Phi, Mỹ… đã đến thăm vườn và đặt hàng nhưng sản lượng của vườn chưa đủ đáp ứng theo đơn đặt hàng.

Rồi cả mô hình nuôi cá lồng theo hướng hữu cơ của ông Trương Tuấn Minh tại hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang với 30 lồng cá với các giống cá lăng đen, trắng, trắm đen, cá diêu hồng… Từ năm 2019, ông Minh đã xuất bán khoảng 55 tấn cá các loại, thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Còn phải kể đến mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất chè Hảo Đạt tại xã Tân Cương, huyện Tân Cương, Thái Nguyên. Các thành viên trong hợp tác xã tuân thủ việc trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAHP, truy suất nguồn gốc từ cây giống, nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, thu hái, chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã đã tạo ra sản phẩm có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cùng nhiều mô hình khác nữa gồm: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do tập đoàn Quế Lâm triển khai tại xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình sản xuất chè Shan Tuyết theo hướng hữu cơ tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; mô hình sản xuất lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ tại xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt an toàn, hiệu quả tại Đồng Nai; mô hình nuôi tôm trên bể nổi di động tại Quảng Ninh; mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt cho người dân miền núi tỉnh Phú Thọ; mô hình sản xuất giống lúa Bắc thơm 7 và TBR 225 kháng bạc lá tại Hà Nam...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, tiền vốn, công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm, người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Cần có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, tiến tới nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hơn tại Việt Nam./.

Từ khóa » Hàng Nông Sản Hữu Cơ