Những Nghệ Sĩ Tài Danh - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Nhắc đến cải lương, người ta thường nhớ đến tên tuổi của các nghệ sĩ (NS) tài danh: Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Hương, Hữu Phước, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Minh Vương,... với biệt tài ca vọng cổ mang sắc thái riêng, sống mãi trong lòng người mộ điệu. Trong đó, có không ít NS xuất thân từ miền đất trù phú giữa hai dòng Vàm Cỏ.
Sầu nữ Út Bạch Lan - Giọng ca huyền thoại
Sinh năm 1935 trong gia đình lao động nghèo ở xã Lộc Giang, huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An, thuở nhỏ, vì khó nuôi, Ðặng Thị Hai (tên thật của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Út Bạch Lan) được một gia đình người quen nhận làm con đỡ đầu. Vì gia đình này đông con nên thường gọi bà là bé út (hoặc út Lùn).
Năm 1945, cha mẹ xa nhau, bé út theo mẹ xuống Chợ Lớn - Sài Gòn làm mướn. Sống gần út lúc bấy giờ còn có mẹ con danh cầm Văn Vĩ. Do cùng cảnh ngộ, hai bà mẹ kết nghĩa chị em, bé út và Văn Vĩ thương nhau như anh em ruột thịt. Vốn biết ca vọng cổ, còn Văn Vĩ là tay đờn điêu luyện, út rủ anh đi hát rong kiếm sống. Khi giọng ca của út cất lên cùng với tiếng đàn guitar phím lõm “mùi mẫn” của Vĩ, người đi đường dừng lại thưởng thức và cho tiền. Tiếng lành đồn xa, bà Năm Cần Thơ - danh ca cổ nhạc của Đài Phát thanh Pháp Á thời bấy giờ, giới thiệu hai anh em vào đài thu âm bản vọng cổ Trọng Thủy - Mỵ Châu và được ký luôn hợp đồng làm việc cho đài. Nghệ sĩ Thành Công - danh ca cổ nhạc thời đó, gợi ý đặt nghệ danh cho bé út là Bạch Lan nhưng bà xin phép lót thêm chữ “Út” (tên thường gọi của bà ở nhà) thành Út Bạch Lan.
Hơn 70 năm gắn bó với nghiệp cầm ca, giới mộ điệu cải lương nhớ đến sầu nữ Út Bạch Lan không chỉ vì yêu mến những vai diễn dạt dào cảm xúc mà còn ngưỡng mộ giọng ca ngọt ngào, mang đậm chất bi thương của người NS tài hoa này.
Ngoài chất giọng thiên phú, nghệ thuật ca vọng cổ của Út Bạch Lan vô cùng độc đáo. Bà ca như nói, đặc biệt, kỹ thuật nhấn dấu “sắc lửng” của bà rất hay, vút lên rồi nhẹ nhàng rơi như chiếc lá bay nhè nhẹ. Khi ca vọng cổ, cách hành văn, sắp nhịp của những NS nữ thường “hiền” hơn các giọng ca nam. Chủ yếu là diễn cảm, ca cho ra cái thần của nhân vật, diễn tả được nội dung bài hát muốn thể hiện, hiếm có người áp dụng những kỹ thuật luyến láy, sắp nhịp lắt léo, thế nhưng, sầu nữ Út Bạch Lan là một trường hợp ngoại lệ.
Giọng ca của bà vừa cao, vừa ngọt, vừa mùi. Giọng ca của người NS xuất thân từ miền quê Long An cho đến nay vẫn là một “chuẩn mực”, thể hiện đẳng cấp cao của nghệ thuật ca vọng cổ chính thống. Cách ca của NSƯT Út Bạch Lan tạo “trường phái” riêng, rất chân phương, giản dị, góp phần làm cho âm nhạc cải lương thêm đậm đà hương sắc. Dẫu sầu nữ Út Bạch Lan đã về với Tổ nghiệp nhưng giọng ca bi ai não nuột của bà cùng những bài vọng cổ, những vai diễn do bà thể hiện trở thành “huyền thoại”, làm thổn thức tâm hồn nhiều thế hệ công chúng yêu cải lương.
Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu - Ngôi sao cải lương cách mạng
Là ngôi sao thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương cùng với các NS: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh,... NSƯT Mỹ Châu nổi danh nhờ phong cách diễn trầm tĩnh, giọng ca trầm buồn “đặc biệt”, với sở trường ca dây kép. Mỹ Châu là nữ danh ca có lối sắp nhịp độc đáo, ca như không cần nhịp, bay lượn trên nhịp rồi bất ngờ về ngay nhịp chính. Vì có chất giọng trầm buồn nên khi hát chung với những NS tài danh khác, giọng ca của Mỹ Châu nổi bật lên, len chảy qua từng ngõ ngách tâm hồn người thưởng thức.
Nếu như trước năm 1975, NSƯT Mỹ Châu được mệnh danh là “Nữ hoàng kiếm hiệp” vì sở hữu hàng loạt vai diễn “để đời” trong một số vở tuồng mang màu sắc hương xa, kiếm hiệp: Mai Thảo trong Trinh nữ lầu xanh, A Khắc Thiên Kiều trong Người tình trên chiến trận, Lý Thiên Kim trong Kiếp nào có yêu nhau, Nữ chúa Tọa Mã Sơn trong Khi rừng mới sang thu,... thì sau năm 1975, cô tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho hoạt động sân khấu cải lương miền Nam trong thời kỳ đất nước thống nhất.
Trên sân khấu cách mạng, người NS của vùng đất Thủ Thừa, Long An để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng khi thể hiện thành công nhiều vở tuồng có nội dung phản ánh 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân ta. Đặc biệt, những vai diễn mà NSƯT Mỹ Châu thường được nhắc đến nhiều ở thể tài này đó là: Hiếu trong vở Khách sạn Hào Hoa của tác giả Vũ Kim, do bộ đôi soạn giả Trần Hà và Điêu Huyền chuyển thể cải lương; Nàng Hai trong vởNàng Hai Bến Nghé của cố tác giả Ngọc Linh và Lan trong vở Tìm lại cuộc đời do bộ ba tác giả: Huy Lam, Hoàng Khâm và Điêu Huyền đồng chấp bút.
Các nhân vật: Nàng Hai, Lan và Hiếu không chỉ là điểm nhấn cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSƯT Mỹ Châu trên sân khấu cải lương mà còn góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu cách mạng trong quần chúng nhân dân một cách mạnh mẽ khi đất nước vừa thống nhất, còn đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa,...
Ngoài ra, nó còn thể hiện sự chín muồi trong nghệ thuật ca ngâm và diễn xuất của người con gái sông Vàm Cỏ Tây. Hơn 40 năm qua, các thế hệ NS thay nhau xây dựng hình tượng các nhân vật: Nàng Hai, Hiếu và Lan nhưng cho đến bây giờ, chưa có ai thoát khỏi nét diễn xuất ban đầu của NSƯT Mỹ Châu. Phải chăng, các tác phẩm: Nàng Hai Bến Nghé, Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa,... thể hiện giá trị tư tưởng và ý nghĩa sâu sắc, được xếp vào hàng “kinh điển” của sân khấu cải lương cách mạng.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Vương - Giọng ca khôi nguyên
Sinh trưởng trong gia đình đông anh em, từ năm 10 tuổi, Nguyễn Văn Vưng (tên thật của NSƯT Minh Vương) theo cha mẹ rời quê hương Cần Giuộc, Long An lên Sài Gòn mưu sinh. Mỗi ngày đi học về, anh thường đi bộ qua cầu Chữ Y (quận 8) để vớt lăng quăng về nuôi cá lia thia.
Lúc bấy giờ, đối diện dưới chân cầu Chữ Y có một lớp dạy cổ nhạc do nghệ nhân Bảy Trạch - thầy đờn kìm trứ danh của Đoàn hát Kim Chung, phụ trách. Một ngày nọ, Nguyễn Văn Vưng xin thọ giáo và được thầy Bảy Trạch đồng ý thâu nhận làm đệ tử. Năm 1964, báo giới Sài Gòn do những người tâm huyết với cải lương gồm: TS.Nguyễn Hữu Nhạc, soạn giả Kiên Giang, nhà văn Phương Hà cùng nhiều ký giả kịch trường uy tín tổ chức cuộc thi “Khôi Nguyên Vọng cổ”, cậu bé Nguyễn Văn Vưng tham gia dự thi và đoạt giải nhất với bài vọng cổ Mưa nắng miền Đông. Nhờ giải thưởng này mà chàng trai 14 tuổi được ông bầu Long của sân khấu Kim Chung mời ký giao kèo với giá 10.000 đồng và chính thức theo nghiệp cầm ca với nghệ danh Minh Vương cho đến ngày hôm nay.
Tính từ giải “Khôi Nguyên Vọng cổ” năm 1964 đến nay, NSƯT Minh Vương vẫn được giới chuyên môn sân khấu cùng đông đảo người ái mộ đánh giá là chất giọng có sức sống bền bỉ với thời gian. Với chất giọng cao vút, mạnh mẽ, chàng trai Nguyễn Văn Vưng ngày ấy cũng như NSƯT Minh Vương hôm nay làm thổn thức trái tim người mộ điệu bằng những vai diễn ấn tượng và những bài vọng cổ mượt mà, sâu lắng. Sở hữu làn hơi khỏe khoắn, âm vực rộng, khi ca, NSƯT Minh Vương có thể lên thật cao, xuống thật thấp nhưng vẫn “tròn vành, rõ chữ”. Nhờ trời phú cho chất giọng kim trong trẻo, mấy thập niên qua, Minh Vương vẫn là chàng kép chánh ăn khách của sân khấu cải lương. Bằng giọng ca mượt mà, trau chuốt, NSƯT Minh Vương xứng đáng là một trong những giọng ca vàng vượt thời gian với hàng loạt vở tuồng thu đĩa và hàng mấy trăm bài vọng cổ thu thanh làm nức lòng người mộ điệu.
Ba NS tài danh mà chúng tôi vừa giới thiệu đã làm rạng danh quê hương Long An trong công cuộc giữ gìn và phát triển sân khấu cải lương Việt Nam suốt 1 thế kỷ qua. Đến nay, mặc dù có người vĩnh viễn ra đi (NSƯT Út Bạch Lan), có người rời xa ánh đèn sân khấu (NSƯT Mỹ Châu) nhưng ắt hẳn tài năng và sự cống hiến của họ dành cho ngành ca kịch dân tộc luôn được công chúng yêu mến và kính trọng.
Theo Báo Long An
Từ khóa » Ca Cổ Tình Nàng Cung Nữ út Bạch Lan
-
TÂM SỰ NGƯỜI CUNG NỮ - NSUT Út Bạch Lan - YouTube
-
TÂM SỰ PHÀ CA - NSUT Út Bạch Lan Ft. Phương Hồng Thủy
-
Sầu Nữ Út Bạch Lan || Ai Nghe Cũng Khóc Với Những Trích Đoạn ...
-
Sầu Nữ Út Bạch Lan | Tân Cổ Tuyển Chọn Hay Nhất - YouTube
-
Nghe Tải Mp3 Giọng Ca Út Bạch Lan
-
Nghệ Sĩ Út Bạch Lan - Cải Lương Số
-
“Nghệ Sĩ Ưu Tú” Út Bạch Lan: Từ Một Cô Bé Hát Dạo Vỉa Hè đến "sầu ...
-
Tiểu Sử Út Bạch Lan - Tieu Su Nghe Si - Tiểu Sử Nghệ Sĩ
-
Bài 7: Thành Được - Út Bạch Lan, Duyên Và Nợ!
-
NSƯT Cải Lương ÚT BẠCH LAN - Bài Ca đi Cùng Năm Tháng
-
Thành Được – Út Bạch Lan: Trời Trao Duyên Phận
-
Cố NSƯT Út Bạch Lan: 8 Tuổi đã Ca Vọng Cổ, được Gọi Là 'sầu Nữ'