Những Ngôi đền Linh Thiêng ở Thành Phố Tuyên Quang

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tín ngưỡng thờ mẫu ở Tuyên Quang có từ rất sớm được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII phát triển mạnh vào thế kỷ XVIII, nơi đây còn được cho là nơi phát tích của Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Nói đến Tuyên Quang là nói đến vùng đất Mẫu, với hệ thống đền thờ Mẫu phủ dày, linh thiêng, độc đáo nằm ngay thành phố đó là điều hết sức đặc biệt không nơi nào có.

Vào cuối năm hoặc đầu xuân du khách gần xa lại tấp nập hành hương tới các đền phủ tại thành phố Tuyên Quang đi lễ để cầu mong cho cuộc sống ấm no, sức khỏe, hạnh phúc, mọi điều may mắn.

Tới thành phố Tuyên Quang các bạn có thể đi tới những ngôi đền linh thiêng sau đây:

Đền Quang Kiều (Đền Trình) – Tuyên Quang

Đền Linh Từ Quang Kiều có tên gọi khác là đền Trình, có địa chỉ tại 37 Phạm Văn Đồng, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang. Đây là ngôi đền án ngữ cửa ngõ phía Nam trước khi vào thành phố. Nếu bạn đến lễ Mẫu Tuyên Quang trước hết phải vào lễ đền Quang Kiều sau đó mới tiếp tục lễ các đền tiếp theo tại thành phố Tuyên Quang và các vùng lân cận.

Đền Hạ (Đền Tam cờ) – Tuyên Quang

Đền Hạ (hay còn gọi là Đền Tam cờ) thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738. Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tín ngưỡng, nghệ thuật cổ. Là ngôi đền được đánh giá có phong cảnh hữu tình và kiến trúc đẹp nhất trong các ngôi đền tại thành phố Tuyên Quang.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Mặt đền Hạ nhìn ra dòng sông Lô lịch sử. Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa. Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đền Hạ Tuyên Quang không chỉ là nơi thờ phụng của nhân dân trong vùng mà còn có sức cuốn hút đối với khách thập phương xa gần.

Lễ hội đền Hạ tổ chức thời gian từ ngày 11/2 đến 16/2 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, tiêu biểu nhất là lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu từ đền Thượng về đền Hạ được nhân dân địa phương thực hiện với một nghi thức tâm linh hết sức trang nghiêm, thành kính.

Đền Pha Lô – Tuyên Quang

Đền Pha Lô thuộc phường Nông Tiến thành phố Tuyên Quang được nhân dân dựng lên vào cuối thế kỷ XIX. Đền Pha Lô toạ lạc trên một khu đất cao được xây dựng theo thuyết phong thuỷ “ Tiền minh đường, hữu hậu chẩm” cửa đền quay hướng Tây Nam nơi dòng sông Lô uốn khúc (là nơi tụ thuỷ, tụ phúc) phía sau là núi Độc làm hậu chẩm tạo thành thế “ Sơn bao, thuỷ bọc;

Đền Pha Lô thuộc loại hình di tích lịch sử, văn hoá. Cũng như bao ngôi đền khác trên đất nước Việt Nam, đền được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân lao động.

Đền Lâm Sơn (Lâm Sơn Linh Từ) – Tuyên Quang

Lâm Sơn Linh Từ được dựng lên để thờ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị; một nhân vật thần linh trong đạo mẫu Việt Nam. Lâm Sơn Linh Từ thuộc tổ 2 phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.

Đền nằm dưới chân núi Dùm, bên dòng Lô lịch sử trong khuôn viên rộng trên 400m2, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tạo nên cảnh sắc hữu tình.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Các ngày lễ chính đền Lâm Sơn:

– Ngày 2 tháng giêng: Lễ rước nước, khai bút;

– Ngày 15, 16 tháng giêng: Lễ Thượng nguyên;

– Ngày 15, 16 tháng 2: Lễ tiệc Mẫu;

– Ngày 15, 16 tháng 4: Lễ vào hè;

– Ngày 15, 16 tháng 7: Lễ ra hè;

– Ngày 15, 16 tháng 8: Lễ đón tiệc Đức Đại Vương.

Đền Thượng (đền Mẫu Dùm) – Tuyên Quang

Đền Thượng thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, đền thờ Mẫu Thần, được dựng vào năm 1801. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô thuộc xã Tình Húc tức là đền Thượng ngày nay.

Đền thờ Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng Ngọc Hoàng, Long Vương, Quan Hoàng vào phối thờ. Chính vì vậy, hai công chúa thờ tại đền Thượng đền Hạ, đền Ỷ La được Mẫu hóa trở thành những vị Mẫu thần. Những ngày lễ của đền đều thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí.

Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây.

Đền Cấm – Tuyên Quang

Thuộc địa phận xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm – là một thắng cảnh được nhiều du khách biết đến. Đền Cấm Tuyên Quang có kiến trúc khang trang theo lối nội công ngoại quốc với đền thờ chính đặt ở vị trí trung tâm, hai bên phải trái là cung chầu bà và cung sơn trang.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Hàng năm, đền có các ngày lễ:

– Ngày mùng 10 tháng Giêng: lễ Thượng Nguyên, giải hạn;

– Ngày mùng 2 tháng 5: Bà Chúa bản đền mở tiệc;

– Ngày mùng 10 tháng 4: lễ vào hè, cầu mát;

– Ngày 16 tháng 2 và tháng 7: lễ hoàn cung, có rước tượng Mẫu.

Đền Gềnh Quýt – Tuyên Quang

Thờ mẫu Thoải được xây dựng vào thế kỷ XIX. Đền Gềnh Quýt thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang. Thần nước được quan niệm là vị thần âm tính; được nhân dân tôn vinh là mẫu Thoải. Huyền tích về mẫu Thoải được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi và trung du phía bắc; mẫu Thoải là vị thần tối linh được các triều đại phong kiến sắc phong là thượng đẳng thần;

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Ngày nay Đền Gềnh Quýt còn lưu giữ bản sắc phong thứ 9 của vua Khải Định (Ngày 25 tháng 7 năm 1923), ban cho mẫu Thoải mỹ tự là: “Quang Nhuận, Cương Luật, Hanh Thông, Trinh Vãn, Tề Tĩnh, Dực Bảo Trung Hưng, đệ nhị ngọc nữ thuỷ tinh phu nhân” và gia tặng cho mẫu Thoải là thượng đẳng thần.

Đền Mẫu Ỷ La – Tuyên Quang

Là ngôi đền cảnh quan đẹp và linh thiêng. Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Đền được khởi dựng năm 1743.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Theo truyền thuyết thì đền Hạ thờ công chúa Phương Dung. Đồng thời đền cũng thờ Tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải.

Đền Mẫu Ỷ La lưu giữ nhiều bảo vật: Ba mươi hai pho tượng; bốn sắc phong Cùng với đền Thượng, đền Hạ cứ vào dịp từ 11 đến 16 tháng 2 âm lịch hằng năm đền Mẫu Ỷ La lại long trong tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, trong đó phải kể đến lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La về đền Hạ và lễ rước Mẫu hoàn cung.

Đền Đồng Xuân – Tuyên Quang

Đền Đồng Xuân có tên chữ là Đồng Xuân Linh Từ. Đền được khởi dựng vào cuối thế kỷ 19 dưới triều vua Thành Thái. Đền Đồng Xuân toạ lạc trên khu đất cao có diện tích 968m2 bên dòng Lô Giang huyền sử, dưới ngọn cố sơn, cửa đền quay hướng đông nam trông ra dòng Sông Lô

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Đền đồng Xuân là công trình kiến trúc của một tín ngưỡng cổ, một thiết chế văn hoá mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Nguyễn Muộn; những giá trị vật chất và tinh thần ẩn chứa trong ngôi đền sẽ giúp cho những nhà nghệ thuật học và nhiều ngành nghiên cứu khác có thêm những cơ sở dữ liệu để tìm hiểu văn hoá, vùng đất, con người nơi đây.

Đền Cảnh Xanh (đền cây Xanh) – Tuyên Quang

Đền Cảnh Xanh có tên gọi khác là đền cây Xanh nằm tại phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền được dựng lên để thờ Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Những ngôi đền linh thiêng ở thành phố Tuyên Quang

Ngoài ra đền còn thờ Thánh mẫu Thượng ngàn – vị chúa cai quản vùng núi. Ngày lễ lớn nhất của đền là ngày lễ thượng nguyên 11- 12 tháng Giêng âm lịch, thu hút rất đông khách thập phương. Phong cảnh của đền kì thú và trang nghiêm, có cây xanh cổ thụ hàng nghìn năm uy nghi, tuyệt mỹ.

Các ngày lễ chính ở đền:

– Ngày mồng 2 tháng giêng: tiệc Mẫu thượng ngàn;

– Ngày mồng 10 tháng giêng: lễ Thượng Nguyên;

– Ngày mồng 10 tháng 4: lễ vào hè;

– Ngày 15 tháng 7: lễ Vu lan;

– Ngày 20 tháng 8: giỗ Đức thánh Trần.

Đền Mỏ Than – Tuyên Quang

Mỏ Than Linh Từ thuộc phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Đền thờ cô bé rừng xanh, ngoài ra đền còn thờ Hưng Đạo Đại Vương (Trần Quốc Tuấn). Đền được dựng trên lưng chừng núi. Khi chưa dựng đền, đây là mỏ than thực dân Pháp bắt dân ta khai thác nhưng do sự cố đã làm sập hầm. Hàng chục con người đã bị chôn vùi dưới mỏ này. Nhân dân quan niệm rằng việc khai thác đó đã động tới lãnh địa của chúa rừng xanh cho nên đã lập ngôi đền này tại đây.

Ngày lễ của đền gồm: lễ Tất Niên (mùng 9 tháng chạp), lễ đón xuân (từ mùng Một đến mùng Ba tháng Giêng), lễ Thượng Nguyên (mùng 6 tháng Giêng), ngoài ra còn một số ngày lễ khác.

Mỏ Than cũng là một trong những ngôi đền thu hút đông đảo du khách tâm linh thập phương.

Đền Cấm Sơn – Tuyên Quang

Đền Cấm Sơn hay còn gọi là đền Cô Chầu Mười Móc Giằng (đền Cô bé Móc Giằng là tên thường gọi của nhân dân địa phương đã có từ lâu đời) thuộc thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang; đền còn có tên Hán Nôm là Cấm Linh Từ (nghĩa là đền Cấm linh thiêng).

Đền được dựng lên để thờ Cô Chầu Mười, đã có công giúp Lê Lợi chống giặc Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Những ngày lễ chính tại đền:

– Lễ Thượng Nguyên: ngày 20 và 21 tháng Giêng;

– Lễ vào hè: ngày 01 tháng Tư; tiệc quan tuần ngày 25 tháng Năm;

– Lễ ra hè: ngày 25 tháng Sáu;

– Tiệc Chúa bà: ngày 12 tháng Tám;

– Tiệc đức Vua Cha: ngày 22 tháng Tám;

– Tiệc Mầu Cửu: ngày 9 tháng Chín;

– Tiệc ông Hoàng Mười: ngày 10 tháng Mười;

– Lễ Tất niên: ngày 15 tháng Chạp.

Tất cả những ngôi đền linh thiêng trên đều nằm ngay trong lòng thành phố Tuyên Quang. Vì vậy những người sùng bái đạo Mẫu gọi thành phố Tuyên Quang là đất Mẫu linh thiêng, là nơi hội tụ những tinh hoa nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ.

Từ khóa » Tiệc Mẫu Tuyên Quang