Những Ngôi đền Nổi Tiếng Linh Thiêng ở Hà Nội - VnExpress Du Lịch

Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền thiêng được lập nên để trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa kia. Đây là những ngôi đền được coi là linh khí của Hà Nội, vì vậy vào dịp đầu xuân, người dân lại nô nức đi lễ cầu may.

Đền Bạch Mã

Đền Bạch Mã là một trong những ngôi đền cổ và linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội, nằm ở hướng chính đông, là một trong tứ trấn của kinh đô Thăng Long xưa. Trước đây, đền thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, được xây từ năm 866 và được hoàn thiện vào năm 1010 dưới thời vua Lý Thái Tổ. Đây là một ngôi đền lớn có kiến trúc cổ, quy mô bề thế còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc sắc thời Lý, Trần.

Den-BachMa-1-JPG.jpg

Ngôi đền với lối kiến trúc cổ xưa từ thời Lý, Trần. Ảnh: Lê Bích

Tương truyền một viên tướng tên Cao Biền của phương Bắc khi sang nước ta xây đắp thành Đại La đã có cuộc đấu phép với thần, bị thua nên sợ hãi cho lập đền thờ Long Đỗ. Tới năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long định đắp thành nhưng nhiều lần đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người đến đền Long Đỗ cầu khấn. Đêm về nhà vua nằm mơ thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, ngựa đi đến đâu để lại dấu chân đến đó, đi hết các ngả đường rồi lại quay về và biến mất. Vua sai quân lính đắp thành theo vết chân ngựa trắng, quả nhiên thành đứng vững. Thần Long Đỗ được vua Lý Thái Tổ phong làm thành hoàng kinh thành Thăng Long. Từ đó, đền được mang tên "Bạch Mã tối linh từ" và ngày càng được tu bổ.

Đây là một di tích tiêu biểu của phố cổ Hà Nội, hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị tiêu biểu như các bia đá ghi sự tích của đền, sự tích thần Long Đỗ, các đạo sắc phong thần, các nghi lễ cùng quá trình trùng tu tôn tạo có niên đại từ đời Lê đến đời Nguyễn.

Đền Voi Phục

Đền Voi Phục nằm về phía Tây thành Thăng Long cũ, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Xưa kia, đền Voi Phục thâm u nép dưới những tán cổ thụ quanh năm xanh tốt, cạnh ngôi làng Thủ Lệ thanh bình.

Trong tiềm thức dân gian, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang, vị thần được tin là giúp nhà vua coi sóc sự an bình cho phía Tây Hoàng thành, được người dân tôn kính thờ phụng. Theo thần tích, đức thánh Linh Lang đại vương nguyên là hoàng tử thứ 4 của vua Lý Thánh Tông và bà Hạo Nương, cung phi thứ 9. Thuở ấy quân Tống và quân Chiêm sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, nhà vua sai người đi chiêu mộ người tài để đánh giặc. Hoàng tử nghe tin tâu với vua ban cho một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi để đi đánh giặc.

voi-phuc-05-7391-1424671490.jpg

Tượng voi phủ phục trước cửa đền. Ảnh: journeyinlife

Sứ giả vui mừng vội về tâu lại với nhà vua. Nhà vua bèn cấp đủ những thứ hoàng tử yêu cầu, ngoài ra còn cấp thêm hơn năm nghìn binh mã. Nhận được đồ vật vua ban, hoàng tử thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Con voi nghe tiếng thét bèn phủ phục xuống để hoàng tử ngồi lên. Trên lưng voi, hoàng tử chỉ đạo binh mã, nghĩa sĩ đánh tan quân giặc. Bởi vậy ngôi đền thờ ngài có tên là đền Voi Phục, là một trong tứ trấn Thăng Long vang danh thuở xưa.

Đền Kim Liên

Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thuỷ Tinh mang lại bình yên cho nhân dân.

Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam. Năm 1509 quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hoá tiến về Thăng Long lật đổ Lê Uy Mục khi đã qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó sự nghiệp của Tương Dực bắt đầu thành công. Nhớ ơn thần đã ngầm giúp, vua Lê Tương Dực cho lập lại đền thờ to đẹp hơn.

DenKimLien-3-JPG.jpg

Phía trước cổng đền Kim Liên. Ảnh: Lê Bích

Sau này người dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan, bổ sung một số kiến trúc mới tạo thành đình Kim Liên, trong đền và đình còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu...

Đình chính gồm nghi môn, đại bái và cung cấm. Trên các bộ phận kiến trúc các họa tiết trang trí được thể hiện sinh động, công phu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta, trong nhà xây vòm cuốn... Đền Kim Liên hiện còn lưu giữ được tấm bia đá cổ được dựng từ năm 1772 khắc thần tích và bài minh ca ngợi Thần được soạn từ năm 1510 và 39 đạo sắc phong của các triều đại.

Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.

Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh còn được gọi là Trấn Vũ Quán, là nơi tu luyện của các đạo sĩ, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo thần thoại Việt Nam, thần nhiều lần giúp dân từ tà ma, yêu quái, đánh đuổi ngoại xâm.

Đền Quán Thánh được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng vào năm 1010 để trấn giữ phía Bắc kinh thành. Nổi bật nhất trong đền là pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ngồi trên bệ đá xanh cao 1,5m có dáng vẻ đồ sộ, uy nghiêm. Pho tượng được đúc bằng đồng đen cao gần 4 mét, nặng 4.000 kg thể hiện trình độ nghệ thuật đúc đồng tinh xảo của các nghệ nhân làng Ngũ Xã.

DenQuanThanh-3-JPG.jpg

Đền Quán Thánh thu hút đông đảo du khách mỗi dịp đầu năm. Ảnh: Lê Bích

Đền Quán Thánh có kiến trúc tôn nghiêm, trước cổng có 4 trụ cao, cổng tam quan xây trên những phiến đá lớn. Ngoài pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen, đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị , đáng chú ý là quả chuông lớn có niên đại năm Đinh Tỵ 1677, biển đồng làm từ thời Thiệu Trị 1841.

Cùng với các đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh đã hợp thành Thăng Long tứ trấn, là linh khí của đất Thăng Long.

Ảnh về 4 ngôi đền thiêng ở Hà Nội

Anh Phương

  • 4 chùa 'Bà' nổi tiếng ở Hà Nội
  • 4 pho tượng độc đáo ở Hà Nội

Từ khóa » đền Mẫu Hà Nội