Những Ngôi Nhà Cổ ở Miền Tây Nam Bộ đẹp Nhất

Những ngôi nhà cổ ở Miền Tây Nam Bộ đẹp nhất

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với những vựa trái cây lớn nhất cả nước, con người thì hiền lành, chất phác và đáng mến. Bên cạnh đó, vùng đất sông nước này còn khiến khách du lịch thương nhớ bởi những ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm, mang trong mình những câu chuyện và dấu tích lịch sử. Ngôi nhà của người dân ở đồng bằng sông Cửu Long là sự kết tinh của trí tuệ và công sức lao động của nhiều thế hệ. Từ chỗ chỉ là những ngôi nhà đơn lẻ làm nơi cư trú của con người, theo thời gian, ngôi nhà cổ đã trở thành điểm du lịch Miền Tây hấp dẫn là di sản văn hóa, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất miền Tây. Xin giới thiệu đến du khách những ngôi nhà cổ ở Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng nhất.

Nhà cổ Ông Kiệt ở Làng Cổ Đông Hòa Hiệp – Tiền Giang

Tiền Giang nổi tiếng khắp các tỉnh miền Tây với “đặc sản” nhà cổ ở làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Làng cổ Đông Hòa Hiệp nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, sông nước miệt vườn đặc trưng du lịch Miền Tây, các làng nghề thủ công truyền thống và  đặc biệt là các ngôi nhà cổ đã tồn tại hơn 100 năm. Một trong số những ngôi nhà cổ nổi bật ở làng Đông Hòa Hiệp là nhà cổ ông cụ Xoát, nhà cổ ông Ba Đức, nhà cổ ông Cai Huy, nhà cổ ông Liêm, nhà cổ ông 10 Võ… trong đó nhà cổ Ông Kiệt ở ấp Phú Hòa là đẹp nhất. Ngôi nhà đã được các nhà khảo cổ Nhật xếp vào loại Cửu Đại Mỹ Gia ở Việt Nam và công nhận là di sản văn hóa của UNESCO châu Á.

 Một sự cuốn hút đến lạ thường khi bước vào căn nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) là được bao quanh là vườn cây ăn trái xum xuê đầy măng cụt, chôm chôm, bòn bon… Nhà có 5 gian và 3 chái mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với kiểu kiến trúc chữ Đinh. Nhà được làm bằng nhiều loại gỗ quý hiếm thời xưa như lim, bằng lăng, cẩm lai… Mái được lợp theo lối âm dương điển hình của kiến trúc cổ với hàng hoa văn hài hòa, tinh tế. Trước sân lát gạch tàu, trang trí chậu kiểng, cổng tam quan.

Bước vào gian nhà chính, không khí trang nghiêm cổ kính thể hiện rõ trong cách bài trí. Bộ trường kỷ xưa được trang trọng đặt ở chính giữa gian nhà. Du khách sẽ ồ lên thích thú khi thấy từng vật dụng thời xưa được sắp xếp cứ như những vật dụng gia chủ dùng hằng ngày chứ không phải là những thứ đặt trong tủ kính trưng bày. Cây đèn dầu, bộ ấm chén, chùm đèn treo, tủ chén, sập gụ… gợi lại những ký ức xưa cũ của một miền đất Nam bộ cách đây 200 năm.

Nhà Cổ Ba Đức – Làng Cổ Đông Hòa Hiệp – Tiền Giang

Ngôi nhà cổ thứ hai của làng Đông Hòa Hiệp được nhiều du khách viếng thăm là nhà của ông Phan Văn Đức. Nhà xây vào năm 1850, có lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả. Nếu như mặt tiền của ngôi nhà được xây theo kiểu Pháp với những hàng cột tròn, mái vòm uốn cong đầy lãng mạn, thì bên trong nội thất lại là một không gian kiến trúc thuần Việt. Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa kia. Đến thăm nhà cổ của ông Đức, du khách có thể nghỉ lại và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ ngay tại vườn cây ăn trái.

Nhà Cổ Ba Đức

Nhà Đốc Phủ Hải – Gò Công – Tiền Giang

Tọa lạc ở phường 1 của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, nhà Đốc phủ Hải (Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải) là một trong những ngôi nhà địa chủ tiêu biểu nhất ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng còn được gìn giữ cho đến nay. Thuở mới xây, đây là nơi sinh sống của bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định). Sau khi vào chùa quy y, bà Sanh để lại nhà cho các con cháu. Cháu ngoại bà Sanh lấy Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải và sống trong ngôi nhà này.

Nhà cổ Đốc Phú Hải là sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Đông – Tây, thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt – Pháp. Nếu như bên trong ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt, thì bên ngoài lại mang hơi hướng phương Tây với gian tiền sảnh được thiết kế theo mô tuýp Roman, đặc trưng với các đầu cột và chạm nổi hoa văn. Hiện ngôi nhà cổ này đang trở thành điểm đến cho những ai thích tìm hiểu nét văn hóa xa xưa ở xứ Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy nằm tại số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây, đã trở thành điểm du lịch Cần Thơ nổi tiếng hút khách tham quan. Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại. Năm 1904, sau khi ông mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ (một điền chủ giầu có) đã tiếp tục công việc này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Ngôi nhà có kiến trúc độc đáo với phần ngoài mang dáng dấp một tòa nhà châu Âu nhưng bên trong là kiến trúc cổ của người Việt.

Công trình này gồm năm gian, hai mái, chia làm ba phần gồm nhà trước, giữa và sau. Tổng diện tích lên tới 6.000 m2. Toàn bộ cấu trúc có bố cục cân xứng âm dương với cổng tam quan, sân gạch tàu, mái lợp ngói Phúc Lộc Thọ kiểu Tam đa, đèn đặt bốn góc Long Lân Quy Phụng dạng Tứ quý và 6 hàng 24 cây cột kèo bằng gỗ lim. Vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã. Đây là điểm đến không thể thiếu trong lịch trình khám phá Tây Đô tự túc hoặc trong Tour Cần Thơ của các công ty du lịch.

Nhà cổ Bình Thủy đã được làm bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời. Nổi tiếng nhất là phim Người tình của đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud người Pháp với sự góp mặt của hai diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March.

Nhà cổ Trần Bá Thế ở Cù Lao Tân Lộc – Cần Thơ

Vài năm trở lại đây, trong các tour Cần Thơ, nhiều hành trình có ghé đến Cù lao Tân Lộc( phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt ) và dừng chân ở điểm đến khá thú vị – nhà ông Trần Bá Thế. Đây là một trong những ngôi nhà cổ nhiều tuổi đã hàng trăm năm tuổi, mang đậm kiến trúc xưa nơi miền sông nước Cửu Long, mà ngày nay, không còn nhiều ngôi nhà còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc đẹp như thế.

Nhà cổ Trần Bá Thế

Ngôi nhà do Hội đồng Trần Thiên Thoại (Long Xuyên) – thân phụ ông Trần Bá Thế xây dựng và hoàn thành năm 1935. Vừa đặt chân đến thăm, du khách sẽ thấy ngay từ vẻ ngoài của ngôi nhà, đã toát lên vẻ giàu có một thời của chủ nhân. Hay nói cách khác, sự bề thế chuẩn mực của một ngôi nhà Nam Bộ thời hoàng kim được thể hiện khá rõ.

Trước hiên nhà là bao lơn, sân vừa rộng với những cây cảnh vẻ cũng nhiều tuổi, tạo dáng mềm mại. Cấu trúc kiến trúc của ngôi nhà với ô cửa cao, trần cao với những chiếc đèn lồng bằng gỗ tinh xảo, khiến cho không gian vừa thoáng mát, vừa rất nghệt thuật theo một cách riêng đúng kiểu cách của người Nam Bộ xưa. Bên trong, nội thất được bày trí khéo léo, với nhiều cổ vật còn nguyên như tủ thờ có bài thơ của Lý Bạch được khắc cẩn xà cừ, trường kỷ bóng loáng, bàn cẩm thạch, nhiều vật trưng bày rất giá trị.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Du khách khi đến đất Bạc Liêu đều phải ghé thăm ngôi biệt thự của vị Công tử Bạc Liêu khét tiếng một thời Trần Trinh Huy vào đầu thế kỷ 20. Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu. Dinh thự của Công tử Bạc Liêu do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng năm 1919 khi công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy mới 19 tuổi.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Sau gần 100 năm toàn bộ đồ đạc và ngôi nhà vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và được định giá trị lên tới 400 tỷ đồng. Hầu hết các vật liệu xây dựng ngôi nhà, từ thép đúc, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí đến ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như  minh chứng cho nguồn gốc xuất xứ tại thủ đô Paris hoa lệ.

Dinh thự này còn quy tụ rất nhiều đồ cổ bằng sứ, đồng, thể hiện sự giàu có của gia chủ. Những vật dụng đắt giá cổ xưa cùng lối kiến trúc phản ánh văn hóa một thời, đan xen cùng những giai thoại nửa hư nửa thực về Hắc công tử đã tạo cho du khách ấn tượng đẹp về Bạc Liêu – một vùng đất trù phú, con người phóng khoáng. Tất cả đã làm nên thương hiệu du lịch Bạc Liêu riêng có, hấp dẫn khách phương xa. Dù bạn đi theo kiểu đặt Tour Miền Tây hay phượt thì đây là điểm nhất định phải check in.

Nhà trăm cột – Long An

Nhà trăm cột nằm trên địa bàn huyện Cần Đước, tỉnh Long An, cái “độc” của di tích không chỉ vì tên gọi xuất xứ theo đặc trưng kiến trúc (nhà có trên một trăm cây cột), mà còn vì đây là ngôi nhà “rường” miền Trung điển hình nằm lọt giữa vùng quê Nam Bộ.

Nhà trăm cột – Long An

 Ngôi nhà do ông Trần Văn Hoa lúc ấy là Hương Sư làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ ,tỉnh Chợ Lớn xây dựng vào những năm 1901-1903 do một nhóm thợ miền Trung thực hiện. Dù có tên Nhà trăm cột, nhưng thực chất ngôi nhà có đến 120 cột với lối thiết kế theo kiểu thức thời Nguyễn và mang đậm phong cách Huế.

Nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ gồm 3 gian, 2 chái được điêu khắc tinh xảo, lợp ngói âm dương, tạo nên tổng thể kiến trúc vô cùng độc đáo. Từ đây, sự uy nghiêm, tráng lệ của ngôi nhà như biểu hiện được rõ nét sự tài hoa của những con người đã tạo nên một công trình kiến trúc điêu khắc truyền thống nổi tiếng này. Nhà Trăm Cột là một ngôi nhà có kiểu thức thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Nhưng do được làm theo đơn đặt hàng của gia chủ trong bối cảnh Nam bộ thời thuộc Pháp nên có nhiều nét tiểu dị trong đề tài trang trí,tạo được sự phong phú và đa dạng. Đó cũng là một phần lịch sử – văn hóa đất phương Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở nên nổi tiếng khi tác phẩm L’Amant (Người Tình) của nhà văn người Pháp Marguerite Duas được xuất bản vào năm 1984. Tác phẩm là một câu chuyện tình có thật của tác giả và chàng công tử Huỳnh Thủy Lê, chủ nhân của căn nhà đã được dịch thành 40 thứ tiếng trên khắp thế giới và nó giúp nữ văn sĩ này nhận giải thưởng văn học danh giá nhất nước Pháp. Sau đó đã được đạo diễn J.J.Annaud chuyển thể thành bộ phim cùng tên nổi tiếng Người Tình vào năm 1990.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – Đồng Tháp

Ngôi nhà được xây vào năm 1895 là sự pha trộn giữa kiến trúc của phương Tây và Trung Hoa. Các vật liệu xây nhà như gạch, kính đều được nhập về từ Pháp. Bên trong ngôi nhà được bài trí theo kiến trúc ba gian đặc trưng của người Việt. Ở giữa nhà là bàn thờ, các hoa văn chạm trổ cầu kỳ mang vẻ uy nghi của những gia đình giàu có người Trung Quốc thời xưa. Dù trải qua một lần sửa chữa lớn vào năm 1917, nhưng hơn một thế kỷ trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được lối kiến độc đáo vốn có.

Qua cánh cổng rêu phong, từ sân nhìn vào, ngôi nhà toát lên vẻ cổ kính không phải vì lớp vôi, lớp sơn các song sắt phai màu mà bởi chính những hoa văn chạm khắc trên các bức phù điêu thời phục hưng ở thế kỷ 17, vòm cửa cong theo kiểu La Mã… những bức phù điêu, tượng đắp nổi cho tới từng ô cửa sổ với khối kính nhiều màu toát lên vẻ uy nghiêm, bề thế.

Nhà cổ Cai Cường – Vĩnh Long

Nhà cổ Cai Cường nằm ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long được xem là một công trình độc đáo khi có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây hiện đại pha lẫn nét Á Đông cổ xưa. Trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng cách sắp xếp và trang trí bên trong vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Nhà cổ Cai Cường – Vĩnh Long

Nhà cổ Cai Cường xây dựng từ năm 1885, thuộc sở hữu của gia đình ông Phạm Văn Bổn, một đại địa chủ ở địa phương ngày xưa. Ngôi nhà có bề ngang 15 m với các hàng cột gỗ cao khoảng 6 m đỡ lấy lớp mái ngói âm dương hình vảy cá. Phần khung xây theo hình chữ đinh gồm hai nếp nhà vuông góc, mặt chính quay về hướng bắc nhìn ra rạch cái Muối, đầu sau đấu vào nhà trước. Mặt tiền là một hành lang có cửa thông hai bên bằng cầu thang hình cánh cung. Phần cửa ra vào xây theo hình vòm bán nguyệt để thể hiện chủ nhân là một người có tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội.

Tất cả các hình tượng chạm trổ trên cột nhà, các bộ ván gỗ và những bức hoành phi đều không tuân theo các chuẩn mực về điêu khắc. Thay vào đó, những con vật quen thuộc của vùng sông nước Cửu Long như cua, cá, hổ, báo, hươu, nai,.. được các nghệ nhân chạm trổ một cách công phu.

Nơi đây thu hút du khách không chỉ bởi kiến trúc bên ngoài mà còn ở cách bài trí nội thất bên trong. Toàn bộ công trình được chia làm ba gian với lối thông ra vườn ở gian giữa. Các vật dụng khác như bàn ghế, phản, tủ thờ cũng được làm từ các loại gỗ quý… và được lưu giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Nhà cổ ở khu du lịch sinh thái nhà xưa Vĩnh Long

Ở khu du lịch sinh thái nhà xưa thuộc xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, ngôi nhà của ông Huỳnh Kim Tiến là công trình được thực hiện công phu đạt đến độ hoàn chỉnh về kết cấu và có quy mô khá lớn trong số nhà gỗ xưa ở Vĩnh Long. Ông Tiến kể: “Cha tôi là Huỳnh Kim Vạng, sinh năm 1895. Lúc ngôi nhà này được xây dựng thì ông mới 4 tuổi, bà nội phải đem gửi cho người khác trông coi. Như vậy có thể phỏng đoán ngôi nhà bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1890.

Nhà xưa Vĩnh Long

Ngôi nhà có diện tích sử dụng 450m2 được xây cất toàn bằng gỗ căm xe, thao lao, theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái. Với bộ giàn trò với cột ngậm kèo khít rịt, các vòm cửa chạm khắc hoa lá, chim thú với bố cục hài hòa.

Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở bộ kèo, vách cửa và ô trám. Nhà có 5 cửa chính, trong đó các cánh cửa cái ngôi nhà đều sử dụng cửa bản nguyên tấm, có then gỗ gài bên trong theo kiểu “then cài cửa đóng” của những ngôi nhà giàu có thời xưa. Hai bên chái có hai cửa ngách. Hầu hết các khuôn cửa đều được chạm nổi, chạm chìm. Những ô trám cửa chính được bố trí hài hòa, cân đối trên dưới, trước sau và được chạm khắc tinh xảo với hình tượng con dơi, quả phật thủ, đào tiên, quả lựu…

Ngoài ra, các nghệ nhân xưa cũng sử dụng những đề tài gần gũi với đời sống như trái mãng cầu, vốn là loại cây trái phổ biến ở miền Tây Nam bộ. Các góc khuôn bao được chạm nổi những con cá lội tượng trưng cho sự tự do, ung dung tự tại. Trên đố cửa thì chạm nổi đề tài mai hóa rồng – một trong những linh vật trong nhóm tứ linh ưa thích của người dân Nam bộ được biến cách theo kiểu lựu hóa lân, sen hóa quy, mai hóa rồng, trúc hóa phụng. Các đầu kèo cũng được các nghệ nhân gia công tạo tác những quả lựu, đào tiên rất sinh động, sắc nét…

Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre

Tọa ở xã Đại Điền (Thạnh Phú, Bến Tre), nhà cổ Huỳnh Phủ là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo bậc nhất vùng đất Bến Tre. Được xem là một di tích kiến trúc có nhiều chất liệu mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam tại Nam Bộ.

Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre

Ngôi nhà do ông Hương Liên, tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm, người gốc Huế xây dựng trong 14 năm, từ 1890 đến 1904 mới hoàn thành. Trải qua hơn thế kỷ, ngôi nhà vẫn còn giữ được vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật chạm trổ độc đáo của người xưa.

Nhà cổ Huỳnh Phủ trông thật bề thế với toàn bộ nội thất gỗ. Ngôi nhà hiện có 48 cột tròn dựng từ gỗ lim và căm xe nguyên khối. Bộ liễn ốp vào cột được làm từ một cây to. Thường những nhà cổ khác có liễn được làm trên miếng ván ngang treo lên cột. Chỉ duy nhất Huỳnh Phủ có liễn ốp cột .Tất cả hoa văn trang trí trong nhà được điêu khắc, trạm trổ công phu với những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với đời sống vùng sông nước Nam Bộ. Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật ở ngôi nhà Huỳnh Phủ đều được thuê thợ từ Huế vào thực hiện.

Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh

Nhà cổ Cầu Kè hay còn gọi là Nhà cổ Huỳnh Kỳ, tọa lạc ở Khóm 2, thị trấn Cầu Kè, cách thành phố Trà Vinh khoảng 30 km. Ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho lối kiến trúc Pháp đầu thế kỷ 20. Trước đây là nhà của Đốc phủ sứ Huỳnh Kỳ được ông xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. 

Nhà cổ Cầu Kè – Trà Vinh

Nhà Cổ ở Cù Lao Ông Hổ – An Giang

Cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại đây nổi tiếng có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (quê hương bác Tôn) và những ngôi nhà cổ mang lối kiến trúc đặc trưng của vùng sông nước miền Tây có tuổi đời cả trăm năm. Dưới những mái nhà ấy không chỉ có rêu phong thời gian mà còn bao chuyện đời ở xứ cù lao. Trong đó nhà cổ của ông Tôn Thất Đính nằm gần cầu Rạch Kít được coi là đẹp và tinh xảo nhất. 

Nhà Cổ ở Cù Lao Ông Hổ

Ông Tôn Thất Đính cho biết, căn nhà được xây dựng năm 1901 hoàn toàn bằng gỗ căm xe, thao lao, theo kiểu 3 gian, 2 chái nhưng không có cột giữa nhà. Thợ làm nhà là những người thợ ưu tú nhất ở Mỹ Luông (Chợ Mới). Còn cửa, hoành, tủ thờ, vật dụng trang trí trong nhà đều do các nghệ nhân nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ ở miền Bắc vào làm. Theo ông Đính, ở thời điểm bấy giờ, toàn bộ các chi tiết nhỏ, như: tiện, đục, bào, chạm đều được làm bằng thủ công nên mất nhiều thời gian và công sức mới hoàn thành ngôi nhà. 

Đi du lịch Miền Tây, đến thăm những căn nhà cổ luôn dễ làm du khách mang cảm giác bâng khuâng về một thời. Không gian bình yên nhưng nhuộm đầy dấu tích của một thời Nam Bộ xưa. Văn hóa làng phảng phất những mộc mạc, song cũng bề thế cao sang, vẫn còn lại đó rất thực, mà đôi khi tưởng chừng như nó chỉ còn tồn tại trong phim ảnh và tư liệu.

Thám Hiểm MeKong là đơn vị chuyên tổ chức các tour Miền Tây khám phá miệt vườn sông nước và thăm các ngôi nhà cổ nổi tiếng này. Quý khách sẽ được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ và có thêm những trải nghiệm thú vị trong chuyến hành trình tìm về với nguồn gốc văn hóa và truyền thống của vùng đất Nam Bộ.

Từ khóa » Nhà ở Quê Miền Tây