Những Ngôi Nhà Xiêu Vẹo Cùng Nỗi Niềm Cuộc Sống Cơ Cực Bên Trong

Chất chứa lo toan

Ở đời, ai cũng mong mình có được một ngôi nhà lành lặn để tránh nắng, che mưa và an tâm lao động, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được ước muốn đó. Thậm chí, có người cả đời vất vả, cật lực lao động nhưng cái nghèo luôn bám víu. Để rồi, khi tuổi đã xế chiều, họ vẫn sống trong ngôi nhà lạnh lẽo, cô quạnh và phập phồng lo sợ mỗi khi dông lốc.

07-54-56_cn_nh_trong_tri_khong_do_dt_gi_tri_v_co_the_do_sp_bt_cu_luc_no
Căn nhà trống trải, không đồ đạc giá trị và có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Trớ trêu thay, nào ai biết được, bên trong những ngôi nhà vách lá, đơn sơ tạm bợ là những hoàn cảnh nghèo khó, cơ cực. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau nên họ không có điều kiện làm cho mình một ngôi nhà để đời. Vì vậy, những lúc mưa về, họ luôn khắc khoải, đau đáu một nỗi niềm da diết.

Cạnh nhà bạn tôi là căn nhà tồi tàn của bà Huỳnh Thị Thu, 42 tuổi, ngụ ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân (huyện Ngọc Hiển), một căn nhà tạm bợ, rách nát. Qua trò chuyện, tôi được biết, bà thuộc diện hộ nghèo của ấp, cuộc sống nương nhờ vào việc bắt ba khía, đào sâm đất mưu sinh nên rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Dương 43 tuổi (chồng bà Thu) cho biết, bản thân ông bệnh tật rề rề, ông bà khao khát có một căn nhà lành lặn, kiên cố nhưng ước mơ vẫn quá xa vời. "Tôi giờ không còn khỏe mạnh như trước, bệnh tật triền miên. Sống trong căn nhà xập xệ, dột nát tôi cũng buồn. Hằng ngày nhìn cảnh vợ, con vào rừng bắt ốc, đào sâm đất mưu sinh, bản thân không giúp được gì tôi đau lòng lắm", ông Dương nói.

Nói đoạn, giọng ông Dương như trùng xuống, ông rít vội điếu thuốc đang nghi ngút khói, cho đến khi chỉ còn trơ lại cái tàn, đôi mắt đỏ hoe, ông Dương tiếp lời: "Muốn có ngôi nhà lành lặn để ở nhưng vì không có đất đai, phương tiện mần ăn nên ước muốn xa xôi quá".

Câu nói của ông Dương vô tình chạm vào cảm xúc trong tôi. Tôi không thể nén được những giọt nước mắt vì xúc động. Dù chăm chỉ, miệt mài lao động nhưng do không có sinh kế, nên khi kinh tế gặp khó khăn, bao tích góp của gia đình cuối cùng cũng chi tiêu hết.

Khát vọng vươn lên

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Dũng 48 tuổi, ngụ ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, tôi mới thấy được những vất vả, lo toan mà người đàn ông này đang phải vượt qua. Căn nhà ông vách lá, xập xệ, trống trước, hở sau. Những cơn mưa rả rích, mỗi khi có gió giật mạnh, kèm theo giông, là tôi lại thót tim vì sợ nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

07-54-56_nguoi_dn_che_tm_co_su_len_mi_nh_cho_do_dot_do
Người dân che tạm cao su lên mái nhà cho đỡ dột đổ

Ngồi chồm hổm tiếp chuyện với khách (kiểu đậm chất nông dân), ông Dũng tâm sự, nhà cửa dột nát thế này, mỗi khi mưa đến, không lúc nào vợ chồng ông ăn ngon, ngủ yên. “Gia cảnh khó khăn, tôi còn rất nhiều thứ phải lo, nhưng tôi luôn cố gắng làm lụng, tích góp để xây cho vợ con một căn nhà kiên cố để ở”, ông Dũng tâm tình.

Quê miệt tỉnh Tiền Giang, xuống Ngọc Hiển để lập nghiệp từ năm 2000, tại vùng đất mới, phải thuê đất rừng canh tác, mưu sinh, gia đình ông Dũng luôn phải đối mặt với bộn bề cuộc sống.

Nhấm nháp ly trà nóng, thi thoảng ông Dũng ngước nhìn lên nóc nhà, rồi lặng lẽ trải lòng: “Nhà cửa xiêu vẹo, mục nát như vậy khổ lắm. Nhiều khi mình mới thóc nóc (phủ kín kẽ hở mái nhà) cho đỡ mưa tạt hôm trước thì tối hôm sau trời nổi cơn giông hất tung số lá xuống đất. Vì vậy, hôm sau tôi phải leo lên thóc nóc lại”.

Được biết, ông Dũng đang thuê 5ha đất rừng tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển để làm kinh tế, lo cho gia đình. Tuy nhiên, giữa bộn bề khó khăn, việc nuôi trồng thủy sản bất lợi, thất mùa liên tiếp xảy ra. Dù có nỗ lực lao động thì cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Ước mơ xây dựng một căn nhà lành lặn, kiên cố để tránh mưa tạt, gió lùa, thì hiện tại với gia đình ông Dũng cũng chưa có cơ hội biến nó thành hiện thực.

“Hằng đêm, mỗi khi mưa đến, thường xuất hiện giông lốc, khi ấy chẳng khi nào tôi dám ngủ. Do sợ tốc mái hoặc đổ sập vì nhà rất yếu. Thậm chí, những chiếc thau, xô nước luôn chật kín căn nhà để hứng nước. Dù khó khăn là vậy, nhưng tôi không bao giờ trùn bước, mà sẽ cố gắng hơn để một ngày không xa, thoát cảnh nhà dột nát”, ông Dũng cho biết.

07-54-56_nh_tm_luon_l_noi_m_nh_cu_nguoi_dn_moi_khi_mu_mu_den
Nhà tạm, luôn là nỗi ám ảnh của người dân

Những ai ở hoàn cảnh của ông Dương, ông Dũng thì mới thấy hết được nỗi vất vả, nhọc nhằn, cơ cực của những người nghèo khó. Họ luôn khát khao có được mái ấm để an tâm lao động, ổn định cuộc sống gia đình.

Rời những ngôi nhà trên, tôi ra về nhưng lòng trĩu nặng. Trong tôi, lại mang mang một nỗi niềm da diết, thương cho những phận đời, quanh năm chật vật trong căn nhà tạm bợ. Rồi khi, mùa mưa đến họ lại thấp thỏm nỗi lo dột đổ, dông lốc làm sập, tốc mái nhà hay phải thay lá, thóc nóc...

Ông Trần Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Đa số nhà ở tại địa phương cơ bản đã kiên cố hóa bằng nhà cấp 4, tránh được dột nát. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 20 căn nhà được dựng cất bằng lá tạm bợ, chủ nhân là những hộ nghèo. Bà con được hỗ trợ nhà ở theo quyết định 33. Tuy nhiên, các hộ này không đồng ý xây dựng. Bởi chỉ được hỗ trợ 12,5 triệu đồng nên phải vay thêm 25 triệu đồng, do không đủ khả năng vay nên họ không đồng ý xây cất”.

Từ khóa » Hình ảnh Ngôi Nhà Rách Nát