Những Người Bán Báo Cuối Cùng Của đất Sài Gòn - Phunuonline

Những người cuối cùng là những người sót lại của một thời và cũng gói ghém luôn cả một thời với đủ mọi hỉ - nộ - ái - ố trên đất này. Họ chứng kiến những đổi thay, biến động của thời cuộc và cũng là họ, đợi nốt đoản khúc cuối dành cho mình. Rồi mai này, lỡ có đi ngang những sạp báo chỉ còn trơ sót chiếc bàn rỗng không, những bìa báo rách tươm ố vàng trên đường phố, còn ai nhớ bà Ngà, ông Hùng, chị Thúy, bà Nga, bà Trang… - những “di sản sống” đã từng là một phần lịch sử trong lòng đô thị này?

CÓ MỘT THỜI XÔN XAO

Ngồi trong bóng mát, bà Nga (60 tuổi), chủ sạp báo nằm ở góc đường Lý Chính Thắng - Trần Quốc Thảo (Q.3), nhìn dòng người qua lại tấp nập trước mặt. Cũng quang cảnh giống giống vậy, 20 năm trước, bà chân tay liên hồi vì đắt khách. Theo lời bà kể, đã có thời, con đường Lý Chính Thắng được gọi là “con đường báo chí” với hơn 20 sạp báo lớn, nhỏ cùng không khí sinh hoạt, giao lưu báo chí, buôn bán sôi động. Sài Gòn cũng đã có một thời “xôn xao” - bước ra đường là gặp sạp báo, là nghe “báo đây… Báo mới đây… Báo mới ra lò vừa thổi vừa coi đây”. Thế nhưng, riêng khúc đường này, giờ đây, chỉ còn mỗi sạp báo của bà bám trụ.

Tương tự, ở đoạn đường chừng 1km, từ hồ Con Rùa tới hết đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, trước đây có gần 10 sạp báo thì nay chỉ còn hai sạp, trong đó có một sạp bữa bán bữa nghỉ. Ông Hùng (50 tuổi), chủ sạp báo nhỏ trước cổng Trường đại học Kinh tế TP.HCM gần 20 năm nay, thở dài: “Ngày xưa khách đông, bán không kịp, khách tạt xe vào lề đường, xếp hàng mới tới lượt. Có ngày thu được một triệu đồng, cả vốn lẫn lời. Chưa kể, số lượng người bán báo dạo cũng đông lắm. Họ đi lại đầy đường. Giờ thấy bán vé số thì nhiều. Bán báo ế quá mà”.

Khi ghé sạp báo của bà Ngà (70 tuổi), ở đầu hẻm 217 Điện Biên Phủ, Q.3, bà đang ngồi… cắt móng chân. Khách lưa thưa, ngồi không cũng buồn, nên có người làm móng dạo đi qua, bà “ngoắt vào” cho vui, cũng là để giết thời gian. Trong đáy mắt người đàn bà tóc đã ngả bạc ấy, đã có một thời “nghĩ lại mà… mê”, như cách bà rổn rảng mà cũng đầy luyến tiếc. Thuở ấy, mỗi ngày có khi bà bán được cả ngàn tờ báo. Đến nỗi, bán báo lẻ được quá, bà bỏ cả mối giao báo tại nhà, vì không có người phụ. Bây giờ, ngày nào bán được lắm cũng chỉ trăm tờ. Thậm chí có những tạp chí, tuần san, “ôm” về là “ôm” luôn, không bán được, cũng không trả được.

NHẶT TIỀN LẺ, ÔM BÁO CHẠY MƯA

Vắng khách, ế ẩm, sao họ không bỏ nghề để làm việc khác, như nhiều người khác, nhất là khi, theo đề án quy hoạch, sắp xếp báo chí đang lơ lửng trước mặt, không ít tờ báo sẽ biến mất?

Bà Trang “bà ba” (53 tuổi) tiếp nhận quầy báo từ một gia đình có truyền thống bán báo lâu năm cạnh chợ Hòa Hưng, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, từ năm 1998 đến nay. Gọi Trang “bà ba” là vì bà rất thích mặc áo bà ba đứng bán báo. Cả con đường này cũng chỉ có mình bà như vậy. Bà thích kẻ mắt đậm, trang điểm, tóc búi cao hoặc đeo băng đô cho gọn. Buổi sáng, việc lồng báo bận và mệt, nên bà mặc đồ bộ cho thoải mái, nhưng hết phiên sáng, bà sẽ nhờ chồng ra coi sạp để về tắm rửa, thay bộ bà ba, tiếp tục ra bán cho tới chiều. Bà bảo, bán báo cũng phải đẹp, chỉn chu.

Lúc 4-5 tuổi, khi đi bộ ra đây mua báo cho cha đọc, bà Trang không hề nghĩ một ngày nào đó, bà cũng dính chặt với nghề này, không đi đâu được. Khi người chủ cũ lớn tuổi, con gái đi lấy chồng, không có ai bán nên định đóng sạp; nhờ đại lý Kim Hiệp gợi ý, bà Trang thành người tiếp tục.

Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, không biết lồng ruột báo ra sao, đến nay bà đã có hơn 20 năm tuổi nghề. 20 năm, giống như những người bán báo của đất Sài Gòn - hơn 3 giờ rưỡi sáng đã phải dậy lồng báo, để cho chồng đi giao tận nhà cho người ta kịp đọc buổi sáng; để 4 giờ ra sạp, mở cửa và đón những vị khách đầu tiên trong ngày. Khi nhận sạp báo, con gái bà mới 10 tuổi, nay cô đã 30 tuổi, khuyên má bỏ nghề để nhàn cái thân. 20 năm, con gái kịp trưởng thành, chồng kịp nghỉ hưu, chỉ có bà vẫn sáng trưa chiều tối với cái nghề mà bà gọi là nghề “nhặt tiền lẻ” này.

Nhưng 20 năm, cũng đủ thời gian, để bà kịp ghi nhớ thói quen đọc báo của khách; để bà kịp sống một đời sống mặn mòi hơi thở của những tờ báo giấy; đủ để bà, chỉ cần nhìn dáng người, nhìn mặt, nhìn xe, cũng biết hôm nay người đó đọc gì, ngày mai họ đọc gì. “Nhiều người ngộ lắm nghe. Nếu hôm đó tui bận, nhờ người trông sạp, họ hỏi khách mua báo gì, ông khách mới ngớ người hỏi lại bữa nay thứ mấy. Là bởi, người ta đã quen cách tui chăm sóc - vài lần đến mua là tôi sẽ nhớ nay báo gì, mai báo gì, không cần đợi họ nói” - bà Trang cười phớ lớ.

Gắn bó với tờ báo giấy từ lúc 5 tuổi tới giờ, nói cả cuộc đời thì có phần hơi quá, nhưng nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời bà. Nếu một ngày mở mắt ra mà không thấy tờ báo nào, hẳn bà sẽ rất buồn và những khách hàng của bà cũng rất buồn, nhất là mấy ngày tết, khi các tòa soạn nghỉ. Những người lớn tuổi vẫn bảo, phải chi có báo mấy ngày tết để đọc cho vui cửa vui nhà. Bà nói, người trẻ và trung niên thì không nói, nhưng với người già, tờ báo giấy đã là thói quen, một nét văn hóa của họ. Mỗi sáng, họ đã quen với việc có tờ báo trong nhà, để vừa đọc vừa nhâm nhi tách trà hay cà phê. Có khi, để bớt cô đơn giữa một đô thị hiện đại với những tòa nhà cao chọc trời, lạnh ráo và thiếu sự thân thiện, ấm cúng. Đọc báo giấy, để sống chậm lại, để nghĩ chậm lại. Đó là điều mà những tờ báo mạng không bao giờ có thể cho họ.

Không may mắn có cái sạp kiên cố để tránh mưa tránh nắng, sạp báo của chị Thúy (48 tuổi) ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch và ông Hùng trước cổng Trường đại học Kinh tế TP.HCM chỉ là sạp dựng tạm, không có gì che chắn. Nắng thì không sao, nhưng trời mà mưa thì chạy không kịp, chỉ còn nước ôm báo về nhà phơi. Chị Thúy bảo, nghề này làm cho vui, chứ thu nhập còn không bằng bán vé số. Mỗi ngày chị chỉ kiếm được từ 50.000-70.000 đồng. Hôm nào hên thì được 100.000 đồng. Để có tiền trang trải phí sinh hoạt, chị bán thêm vé số, bán nước giải khát…

Thỉnh thoảng lại có người hỏi ông Hùng, sao không nghỉ bán báo để tìm nghề khác ổn định hơn, ông chỉ biết cười. Nghỉ bán báo, có lẽ ông cũng chỉ biết đi làm công nhân. Lương công nhân cũng chỉ chừng 4-5 triệu đồng/tháng, nhưng gò bó đủ bề. Ở góc nhỏ này, ông có những người bạn, vốn là khách quen, dù là ngày cuối tuần, họ vẫn đến mua báo và “tám chuyện linh tinh cho vui”. Đặc biệt, bán báo cũng có cơ hội là người biết tin thời sự sớm nhất. Tết vừa rồi, ngày 28 tháng Chạp, tôi vẫn thấy ông ngồi “thiền” ở đây. Hỏi ra mới biết, vợ chồng ông không đủ tiền nên không về quê Quảng Nam ăn tết. Thế mà, đôi lúc tôi quên mang tiền khi mua báo, ông vẫn nói, lần sau trả một thể, rồi cười tít.

20 năm, 30 năm gắn bó như thế cũng có thể coi là đắm đuối. Chẳng biết lúc nào thì những người cuối cùng sẽ rời đi, chẳng biết bao giờ những sạp báo quen vắng bóng họ, nhưng họ là những người đã ở lại và chứng kiến tất cả. Bà Trang nói, trường hợp giá thuê cửa hàng tăng, không trụ được, bà cũng không bỏ nghề, mà mang báo về nhà làm, rồi giao cho người ta. Những người bán báo cuối cùng nói với tôi, họ vẫn còn làm nghề, cho tới khi không còn báo để bán; cho tới khi, đã hết rồi những người muôn năm cũ, hết những người tìm thấy ở báo giấy một giá trị nào đó thú vị, cao hơn cả sự hoài cổ đơn thuần. Khi đó, họ mới hết nuối luyến, để có thể tiễn đưa một mùa nồng nàn đã từng hiện hữu ở thành phố này.

“Tui không sợ nắng, sợ mưa, sợ đen da, bụi bặm, đông người, ồn ào. Chỉ sợ không bán được báo. Làm cái nghề này nhiều người kỳ thị lắm. Người ta kêu tui học hành vậy, gia đình cũng chẳng đến nỗi nào, sao lại đi bán báo. Tui không ăn trộm của ai. Bỏ sức lao động ra làm việc, sống lương thiện, bán báo có gì xấu? Nếu tui nghĩ nhiều, chắc không làm cái nghề này rồi. Trong mắt người ta, đây là cái nghề nhặt tiền lẻ. Nhưng phải có tiền lẻ thì mới có tiền chẵn chớ?” - bà Trang- người bán báo 20 năm trên đường Cách Mạng Tháng Tám.

Đậu Dung

Kỹ thuật: Ngô Tới

Từ khóa » Các Sạp Báo ở Tphcm