Những Người Dạy Lặn Dưới đáy Biển - Báo Tuổi Trẻ

Những người dạy lặn dưới đáy biển - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lộc (bên phải) đang dạy lặn ở Khu bảo tồn biển Hòn Mun, TP Nha Trang - Ảnh: HẢI LUẬN

Ông Nguyễn Văn Lộc (TP Nha Trang, Khánh Hòa) kể lại bài học nhớ đời của một du khách quốc tế có ý thức bảo vệ môi trường biển cách đây hơn 20 năm.

Du khách quốc tế bay sang học lặn

Thời điểm đó ông Lộc đi làm thuê cho một ông chủ người Pháp, chuyên tổ chức khách châu Âu lặn biển vịnh Nha Trang. Dưới đáy biển Khu bảo tồn biển Hòn Mun có con cá chình lớn, ngày nào ông Lộc cũng cho nó ăn và dẫn khách lặn xuống xem.

"Nếu ông bắt con cá đó ăn, chỉ ngon được một bữa. Còn ông bảo vệ, chăm sóc nó, tôi về nước nói bạn bè tôi qua xem. Rồi bạn tôi nói nhiều người khác đến xem... Ông cứ thu tiền mãi", ông Lộc kể lại.

Bây giờ ông Lộc đã tuổi 60, là một thầy dạy lặn biển đẳng cấp quốc tế và người đến học ở khắp thế giới. "Tuần trước có một bạn nữ ở Hong Kong bay sang Nha Trang học lặn, lấy chứng chỉ. Sáng nay tôi cũng đưa một ông người Hàn Quốc ra biển học lặn, sau vài ngày sẽ có chứng chỉ. Bạn ấy đủ điều kiện đi lặn biển khắp nơi trên thế giới", ông Lộc chia sẻ.

Đó là anh Hong Donggi, người Hàn Quốc, rất mê lặn biển nên lên mạng tìm hiểu thông tin rồi đặt vé máy bay sang Nha Trang gặp thầy Lộc dạy lặn.

"Tôi chỉ ở lại 4 ngày để học lấy chứng chỉ lặn biển. Ngày mai kết thúc khóa học, sẽ quay về lại Hàn Quốc. Năm sau, tôi nghỉ phép dài ngày sẽ rủ cả gia đình sang Nha Trang du lịch lặn biển, nhìn san hô và cá dưới đáy biển tuyệt đẹp", anh bạn người Hàn tâm sự vui vẻ.

Lúc này, chiếc tàu đã cột vào dây neo cố định của Khu bảo tồn biển Hòn Mun, ông Lộc dẫn học viên Hàn Quốc nhảy xuống biển trước. Còn ông Nguyễn Tấn Thành, thầy dạy lặn nhóm khách Hà Nội, căn dặn: "Các bạn phải bơi vào vùng nước màu trắng gần bờ đảo, chúng ta sẽ học dưới đó. Trong quá trình lặn, nếu không có sự cố gì xảy ra, các bạn đưa tay ra báo hiệu an toàn".

Xuống đáy biển, thầy dạy quỳ hai đầu gối, tay ra ký hiệu, chỉ vào kính lặn, ống dẫn khí, đồng hồ đo hơi... để các học viên làm theo. "Khán giả" xem xung quanh là những đàn cá to bằng bàn tay, cổ tay và nhiều chú cá nhỏ đủ màu sắc.

Tôi nhìn thấy con cá nhồng dài gần nửa mét tấn công chớp nhoáng con cá nhỏ cỡ ba ngón tay. Cá ở đây đã quá "thân quen" với khách du lịch, không bị hoảng loạn, bơi tứ tung khi thấy người.

Bất ngờ ai đó đã trồi lên khỏi mặt nước, ông Thành phải lên theo. Do kính lặn của người ấy bị vào nước, phải chỉnh sửa lại. Thời gian học lặn khoảng 40 phút, mọi người về tàu nghỉ nơi, kết thúc đợt lặn biển bằng bình oxy đầu tiên.

"Hôm qua đã học những kỹ năng cơ bản trong hồ nước rồi. Ở dưới đáy biển để cho các bạn thực hiện các kỹ năng và tự xử lý một số lỗi kỹ thuật nhỏ. Lần thứ hai mới cho các bạn di chuyển, trong nhóm cùng kiểm tra, giúp đỡ nhau dưới nước. Ngày mai sẽ cho các bạn lặn xuống độ sâu 20m và tự xử lý những sự cố phức tạp hơn", ông Thành nói.

Tranh thủ giờ giải lao, Hong Donggi cầm điện thoại đăng mấy tấm ảnh lên mạng xã hội vừa mới chụp ở Hòn Mun. Thầy Lộc cầm tấm nhựa nhỏ bằng bàn tay và bút chì, vừa nói vừa viết tiếng Anh lên đó. Đây là cách làm quen để lặn xuống đáy biển cho Hong Donggi hiểu được.

Ông Lộc nói thẳng thắn: "Bạn người Hàn Quốc này nghe tiếng Anh yếu, xuống biển viết ra trên tấm nhựa để bạn đó hiểu. Dạy lặn cho người nước ngoài cực hơn người Việt, họ hỏi nhiều thứ, mình phải hướng dẫn nhiệt tình. Nhưng về nước, họ sẽ giới thiệu nhiều người khác sang Nha Trang học lặn tiếp".

Những người dạy lặn biển như ông Thành, ông Lộc là thành viên Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (Professional Association of Diving Instructors, viết tắt là PADI), có chứng chỉ lặn biển cao cấp, đủ điều kiện để dạy và đề nghị hiệp hội cấp chứng chỉ lặn biển cho tất cả mọi người trên thế giới.

"Trên chứng chỉ lặn có hai mã số: mã số người mới học và mã số người dạy lặn. Có được chứng chỉ này, là đủ điều kiện đi lặn tham quan du lịch nhiều quốc gia. Quá trình học, thực hành lặn dưới biển tốt mới cấp chứng chỉ, học yếu phải đóng tiền học lại.

Hơn 20 năm qua, tôi đã dạy lặn cả ngàn người, chủ yếu khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều ông bạn Tây đã thành thầy dạy lặn, mở công ty ở Nha Trang kinh doanh dịch vụ du lịch", ông Thành giải thích.

Những người dạy lặn dưới đáy biển - Ảnh 2.

Khách du lịch lặn tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Bảo vệ "nồi cơm" dưới đáy biển

Ông Lộc, ông Thành đều xuất thân từ công ty trục vớt cứu hộ, đã tung hoành dọc ngang biển miền Trung, phá dỡ tàu bị đắm ngoài khơi. Hết thời bao cấp, họ về làm thuê cho ông Jean Pier, người Pháp, chuyên tổ chức khách du lịch lặn biển ở Nha Trang.

Ông Thành nhớ lại: "Trước đây ở biển Nha Trang chẳng ai biết du lịch lặn biển như thế nào. Ông Jean Pier là doanh nhân chuyên tổ chức cho khách du lịch lặn biển ở châu Âu sang Nha Trang phát triển dịch vụ này. Chính ông ấy dạy chúng tôi những kiến thức bảo vệ môi trường biển, về giá trị hệ sinh thái của các rạn san hô cho phát triển du lịch".

Có lần, ông Jean Pier trên đường đi lặn biển, gặp ngư dân thả lưới trúng con rùa khá to, ông mua con rùa với giá 200.000 đồng, sau đó thả lại xuống biển. Ông Thành mới thắc mắc, Jean Pier giải thích về chuỗi sinh học, chuỗi thức ăn trong lòng đại dương. Đáy biển giống như "nồi cơm" của ngành du lịch.

Thời điểm ban đầu dân làm du lịch biển Nha Trang theo kiểu "mì ăn liền", chẳng được huấn luyện chuyên nghiệp gì, ăn nói với khách kiểu nhát gừng.

"Một lần tôi hướng dẫn ba ông khách Mỹ lặn biển. Thấy san hô và cá rất đẹp, có một ông tách khỏi đoàn đi ra xa. Lên tàu, tôi quát ông ta, đi như vậy rất nguy hiểm, coi chừng chết người.

Ông khách nhẹ nhàng nhắc lại tôi: "Anh nhắc tôi vậy là đúng, nhưng thái độ của anh chưa được tốt. Anh nên nhớ làm du lịch là ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ lời nói đến hành động phải nhẹ nhàng".

Sau này, tôi mở doanh nghiệp làm riêng, lời nhắc nhở của ông khách Mỹ, bài học bảo vệ hệ sinh thái biển, là những thứ sát sườn của tôi dạy cho nhân viên", ông Thành kể bài học nhớ đời.

Dạy cứu hộ cho bộ đội

"Bộ tư lệnh TP.HCM đã cử 4 cán bộ ra Nha Trang học lặn và cứu hộ. Mỗi khóa học cứu hộ, tôi phải dạy và đề nghị hiệp hội hướng dẫn lặn biển cấp 4 chứng chỉ: chứng chỉ lặn cơ bản, lặn nâng cao, sơ cấp cứu trên bờ, cứu hộ. Trình độ cứu hộ có thể lặn được độ sâu 30m, biết đi la bàn dưới đáy biển", ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.

Bảo vệ "linh hồn" của biển

L 02 (003) HL 1(Read-Only)

Ông Hong Donggi (bên phải) người Hàn Quốc học lặn biển ở Nha Trang

"Khu bảo tồn biển Hòn Mun ra đời năm 2001, đáy biển vùng này rất độc đáo, là những tập hợp quần thể san hô, sinh vật biển phong phú, đa dạng. Nơi quan sát, nghiên cứu rất lý thú, bổ ích cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển, hải dương học và khách du lịch muốn tìm hiểu về biển. Hòn Mun cần được bảo vệ nghiêm ngặt hệ san hô, nguồn lợi thủy sản...

Nó là "linh hồn" của khu bảo tồn, là "nguồn vốn" khổng lồ cho phát triển du lịch", PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, thông tin.

Xuống đáy biển… xây nhà cho cá Xuống đáy biển… xây nhà cho cá

TTO - Những bầy tôm cá nguồn giống của đại dương quanh chân đảo Cù Lao Chàm đang được con người tặng món quà đặc biệt: ngôi nhà trú ẩn an toàn và lồng ấp nở khổng lồ dưới đáy biển.

Từ khóa » Day Biển