Những Nguy Hiểm Rình Rập Khi Thai Nhi Có Cân Nặng Quá Lớn
Quan niệm dân gian thường cho rằng, đứa trẻ sinh ra càng to sau này càng khỏe mạnh, dễ nuôi. Chính vì vậy, khi mang thai, các bà bầu luôn cố gắng bồi bổ thật nhiều để con trong bụng đạt cân nặng tốt nhất. Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa, đây là một quan niệm không chính xác, ngược lại, đứa trẻ quá to lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và con.
Không phải con cứ to là tốt
Mang thai lần đầu với tâm lý “mẹ có khỏe thì con mới to”, sau này em bé chào đời bụ bẫm, nặng cân sẽ ít bị ốm vặt đồng thời giúp việc chăm sóc con cũng trở nên nhàn nhã hơn, chị Hồ Thị Thanh (quê Phú Thọ) luôn cố gắng bồi bổ một cách tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Hễ ai mách ăn gì tốt cho thai nhi chị đều tìm mua về ăn cho bằng được. Kết quả, chỉ sau 32 tuần mang thai, cân nặng của chị tăng vọt từ 46kg lên 64kg, xét nghiệm máu cho thấy, chị mắc đái tháo đường thai kỳ. Điều này cũng dẫn đến tình trạng, cân nặng của em bé trong bụng vượt ngưỡng thông thường khá nhiều (siêu âm ước tính bé nặng xấp xỉ 3kg ở tuần 32), tiên lượng bé sinh ra có thể đạt trên 4kg, các bác sĩ đã yêu cầu chị hạn chế lượng đường nạp vào và nên lựa chọn phương pháp sinh mổ để an toàn hơn cho cả mẹ và con.
Thực tế, nhiều bệnh viện trên cả nước đã phải cấp cứu các em bé sơ sinh vì gặp phải các vấn đề do cân nặng quá lớn. Năm 2012, ngay khi chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với cân nặng đạt 4,7kg, bé N.B.K (Hà Nội) đã trong tình trạng không thở được, suy hô hấp nặng, người tím tái, phải thở máy tức thì và chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Theo lời chị H (mẹ bé K), nguyên nhân khiến bé gặp tình trạng trên lại xuất phát từ chính cân nặng trên mức bình thường của bé - điều mà trước đây chị và gia đình luôn nghĩ con càng to càng… khỏe mạnh. Hệ quả, cháu bé phải nằm điều trị hơn 10 ngày trong bệnh viện với các bệnh lý hạ đường huyết, nhiễm trùng máu và suy hô hấp.
Tương tự, trường hợp bé gái chào đời với cân nặng 6,5kg tại Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng vào cuối năm 2005 cũng được các bác sĩ đánh giá có nguy cơ rất cao mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Còn tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), năm 2012, một bé gái nặng 6kg đã ra đời bằng phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, giống như nhiều trường hợp nặng cân khác, cháu bé cũng phải thở oxy, chiếu đèn vàng da và tiến hành kiểm tra các chức năng tim mạch, tiêu hóa, hô hấp…trong cơ thể.
Đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều thai nhi có cân nặng “vượt chuẩn”, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung - Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Cân nặng của một đứa trẻ trong bụng mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn do di truyền, tức là bố mẹ cao to, khỏe mạnh sẽ dễ sinh ra những đứa trẻ nặng cân hơn bình thường hoặc người mẹ đã sinh nhiều lần, con sau có thể sẽ to hơn con trước. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của thai phụ chứa nhiều chất dinh dưỡng, thai nhi hấp thu tốt cũng khiến cân nặng của đứa trẻ phát triển hơn. Tuy nhiên, theo BS Lê Thị Kim Dung, ăn nhiều tinh bột, đường, ngủ nhiều, ít vận động dẫn đến mắc đái tháo đường thai kỳ được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến thai nhi phát triển “vượt trội” trong bụng mẹ.
90% trẻ sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe
Theo BS Lê Thị Kim Dung, trong quá trình mang thai, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến cổ tử cung lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở. Mặt khác, tử cung to cũng chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Bên cạnh đó, ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai, có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài. Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.
Còn đối với thai nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều năm gần đây, trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng “vượt ngưỡng” phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn. Vì vậy, các bác sĩ cho rằng, thay vì vui mừng, các bà mẹ nên cẩn thận khi thấy con mình chào đời hoặc tiên lượng ra đời nặng hơn 4kg bởi lẽ có đến 90% trường hợp trẻ lúc sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được ngay tức thì.
Các chuyên gia khuyến cáo, để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Không phải cứ mang thai là phải ăn gấp đôi, gấp ba ngày thường, quan trọng là khẩu phần ăn phải cân bằng giữa tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin; hạn chế ăn đường, đồ ngọt và chất béo quá nhiều, nên tập luyện các bài thể dục dành cho bà bầu để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng một cách hợp lý, tốt nhất không nên tăng quá 15kg trong suốt thai kỳ.
Bên cạnh đó, thai phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ và làm xét nghiệm xem mình có bị đái tháo đường không. Những trường hợp bị đái tháo đường, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu được điều trị thích hợp, có thể giảm đến 50% số trẻ sinh ra nặng cân và các biến chứng sơ sinh. Nếu các bác sĩ đã chỉ định là thai to, thai phụ nên chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, cha mẹ cần cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có bất thường gì xảy ra.
Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cân nặng của một thai nhi từ 3,2 - 3,5kg được coi là lý tưởng, trên 3,5kg được coi là thai to. Rất nhiều người vẫn cho rằng, con to thì sẽ khỏe, nhưng những trẻ sinh ra nặng cân lại minh chứng điều ngược lại, bởi sức đề kháng yếu và dễ nhiễm khuẩn. So với trẻ sinh ra có cân nặng bình thường, các bé sinh ra có cân nặng vượt chuẩn thường đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn. Bên cạnh đó, thai quá to cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh đẻ của sản phụ. Thực tế đã có trường hợp gặp tai biến khi sinh do thai nhi có cân nặng quá lớn, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Theo http://giadinh.net.vn/
Từ khóa » Con 4kg Có Sinh Thường được Không
-
Thai Nhi 4kg Có Sinh Thường được Không? | Vinmec
-
Mẹ Bầu Mang Thai To: Dấu Hiệu đáng Mừng Hay đáng Lo? - Hello Bacsi
-
Mẹ Hà Nội đẻ Thường Con Nặng 4kg Dễ Dàng, Chia Sẻ Bí Quyết Cực ...
-
Mang Thai Tuần 39, Bé 4 Kg Có Sinh Thường được Không? - MarryBaby
-
Có Mẹ Nào Sinh Thường Con Nặng 4kg Không? - Webtretho
-
Thai Nhi Nặng Bao Nhiêu Thì Nên Sinh Mổ? - Nhà Thuốc Long Châu
-
Thai 4kg Có đẻ Thường được Không? Khi Nào Mẹ Bắt Buộc Phải Sinh ...
-
KHI NÀO MẸ BẦU SINH THƯỜNG PHẢI CHUYỂN SANG SINH MỔ
-
Sinh Con Lần 2 Siêu âm Thai 39w 4kg Có Thể Sinh Thường
-
Tin Tức Sự Kiện - Cổng Thông Tin điện Tử Sở Y Tế Hà Nội
-
Có Mẹ Nào Con Hơn 4kg Mà Vẫn đẻ Thường Không ạ
-
Không Khuyến Khích Sản Phụ Thai To đẻ Thường | Báo Dân Trí
-
Bạn Có Biết đái Tháo đường Thai Kỳ ảnh Hưởng Thế Nào đến Thai Nhi?
-
Bí Quyết Sinh Không đau & Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ đúng Cách Từ ...