Những Nguyên Tắc Về Đảng Kiểu Mới Của Giai Cấp Công Nhân

Trả lời:

Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về Đảng Cộng sản, V.I.Lênin đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga và đề xuất những nguyên tắc về chính đảng vô sản kiểu mới của giai cấp công nhân.

1. Đảng là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân

Theo V.I.Lênin, Đảng là đội tiên phong của giai cấp, Đảng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của giai cấp công nhân, có lý luận tiên phong và tổ chức chặt chẽ. Người cho rằng: “đội tiền phong có nghĩa vụ thường xuyên phải nâng các tầng lớp ngày càng đông đảo đó lên trình độ tiên tiến ấy. Và chúng ta chính là sẽ nhắm mắt lại và quên mất như vậy, nếu xoá bỏ sự khác nhau giữa những người gần gũi đảng và những đảng viên, giữa những phần tử giác ngộ và tích cực với những người giúp đỡ chúng ta”[1].

Đảng không chỉ là đội tiên phong có vai trò giác ngộ sứ mệnh và địa vị lịch sử của giai cấp công nhân, mà Đảng còn là một bộ phận có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân. V.I. Lênin viết:: “Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền, giai cấp vô sản không có vũ khí nào khác hơn là sự tổ chức”[2].

V.I.Lênin (1870-1924)

2. Chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng

Chủ nghĩa xã hội khoa học là yếu tố từ bên ngoài đưa vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, nó không thể tự phát hình thành trong cuộc đấu tranh đó; nhưng giai cấp vô sản dễ dàng và nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học chính vì học thuyết này đã phản ánh về mặt lý luận những lợi ích cơ bản, sống còn của giai cấp vô sản.V.I. Lê nin vạch rõ: “Công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể là từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa,... Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ các lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những người có học thức trong các giai cấp hữu sản, những tri thức, xây dựng nên”[3]. Đảng lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.

3. Đảng được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ

Theo V.I.Lênin, để có thể làm tròn vai trò đội tiên phong của giai cấp cách mạng, thì về mặt tổ chức, Đảng phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủThực hiện nguyên tắc này sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong đảng, làm cho đảng vững chắc và phát huy được sức mạnh của toàn đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm soát được hoạt động của toàn Đảng, phát huy được sức mạnh của Đảng, đồng thời ngăn ngừa được tình trạng phe phái phá hoại Đảng. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của Đảng phải dựa trên một điều lệ thống nhất; từ một trung tâm lãnh đạo thống nhất (Đại hội đảng và khoảng thời gian giữa các Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương); có kỷ luật thống nhất; thiểu số phục tùng đa số; việc bầu cử các cơ quan lãnh đạo phải tiến hành từ dưới lên trên; các cơ quan lãnh đạo của đảng phải báo cáo công tác thường kỳ trước các tổ chức của mình.

Theo V.I. Lênin, một đảng thống nhất và tập trung của giai cấp công nhân phải là một đảng có kỷ luật. Kỷ luật phải bắt buộc như nhau đối với tất cả mọi đảng viên. Trong đảng không thể chia thành “những người được lựa chọn”, "những nhân vật cấp trên” và “những đảng viên thường”. Tuy nhiên, trong khi nhấn mạnh ý nghĩa của chế độ tập trung trong Đảng, V.I. Lênin hết sức coi trọng vấn đề dân chủ trong công tác tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng. V.I.Lênin chưa bao giờ đối lập giữa tập trung và dân chủ với tư cách là một nguyên tắc, song việc vận dụng nguyên tắc phải căn cứ vào thực tiễn chính trị của Đảng.

4. Đảng gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân, kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng

Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân; Đảng không bao gồm toàn bộ giai cấp, nhưng đội tiên phong muốn tồn tại, phát triển và có đủ lực lượng, sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình thì Đảng phải liên hệ chặt chẽ với toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sự khác nhau giữa đội tiên phong của giai cấp với toàn thể giai cấp chưa thể mất đi khi xã hội còn giai cấp. Nhưng, Đảng không thể lãnh đạo được giai cấp nếu như Đảng không liên hệ với quần chúng công nhân ngoài đảng và các tầng lớp lao động khác; đồng thời nếu đảng không được quần chúng tin cậy về mặt chính trị, tinh thần thì cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của họ.

Đảng phải gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Ảnh: Internet

Trong mối liên hệ với quần chúng, Đảng phải khắc phục khuynh hướng xa rời quần chúng, đồng thời cần đề phòng khuynh hướng theo đuôi quần chúng, hạ thấp trình độ của Đảng xuống ngang trình độ quần chúng. Trở thành đảng cầm quyền, Đảng có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân; nhưng khi đó đảng viên cũng dễ này sinh bệnh quan liêu, tham nhũng dẫn đến thoái hoá, biến chất, xa rời nhân dân. V.I. Lênin coi đây là một trong những nguy cơ tiềm tàng mà đảng cầm quyền cần đề phòng, khắc phục, Người chỉ rõ: “Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là sự cắt đứt liên hệ với quần chúng”[4].

5. Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng

Đoàn kết thống nhất là nguồn sức mạnh của Đảng Cộng sản, là điều kiện để đoàn kết giai cấp: “Bất cứ sự bất đồng nào, ngay cả một sự bất đồng không đáng kể, cũng có thể trở thành nguy hiểm về mặt chính trị”[5]. V.I. Lênin đặc biệt quan tâm đến sự đoàn kết, thống nhất của Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền: “Chuyên chính vô sản không thể thực hiện được nếu không có sự đoàn kết nhất trí của những người lao động”[6].

Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở đoàn kết giai cấp; sự đoàn kết toàn giai cấp không thể có được nếu không có sự đoàn kết trong Đảng. Kinh nghiệm của tất cả các cuộc cách mạng chứng tỏ rằng, ở thời kỳ chuyên chính vô sản, đảng nào dung thứ phe nhóm, bè phái trong đảng là mở đường cho chủ nghĩa cơ hội tấn công, phá hoại tổ chức đảng. Vấn đề chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với quần chúng lại càng nguy hiểm hơn, vì nó tự phá hoại sức mạnh của Đảng. Lực lượng phân tán thì đường lối, nhiệm vụ có đúng đến đâu cũng không thể thực hiện được.

Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là sự đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong bất kỳ tình huống nào, Đảng Cộng sản phải luôn đạt tới sự nhất trí cao về đường lối chính trị, vì đó là cơ sở để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động.

6. Khi có chính quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo chuyên chính vô sản và là một bộ phận của hệ thống đó

Đảng lãnh đạo cách mạng giành được chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đó mới là thành công bước đầu. Nhiệm vụ khó khăn và phức tạp hơn nhiều là Đảng phải lãnh đạo xây dựng thành công chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Đảng là một bộ phận của hệ thống chuyên chính vô sản, nhưng là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống đó. Sự lãnh đạo của đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Trở thành đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và định hướng phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì vậy, không một lúc nào được phép buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

7. Đảng mạnh lên do thường xuyên đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.

V.I.Lênin chỉ rõ: đối với chủ nghĩa Mác, nghĩa vụ thiêng liêng của những người mácxít là phải bảo vệ lý luận đó, chống lại những mưu toan xuyên tạc và hạ thấp lý luận cách mạng.

Theo V.I.Lênin, đặc điểm chung của chủ nghĩa cơ hội là: “Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thỏa thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại"[7]. Những kẻ cơ hội chính trị không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc cơ bản trong đường lối của Đảng. Khi cách mạng thuận lợi thì tỏ ra “cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì thoái lui, thỏa hiệp.

8. Đảng tuân theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân

Giai cấp công nhân là giai cấp có tính quốc tế, Đảng của giai cấp công nhân phải tuân theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa quốc tế đòi hỏi Đảng phải kết hợp đúng đắn lợi ích của dân tộc mình với lợi ích của phong trào cách mạng thế giới; giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế cao cả;phải cảnh giác với chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đối lập lợi ích dân tộc với lợi ích của giai cấp công nhân.

V.I.Lênin chỉ ra rằng, nếu giai cấp vô sản không có sự liên minh với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động thế giới thì sẽ không thể tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Việc liên minh giữa các đảng với phong trào công nhân của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới là chính sách đối ngoại của Đảng: “Liên minh với những người cách mạng trong các nước tiên tiến và với tất cả các dân tộc bị áp bức chống bọn đế quốc chủ nghĩa thuộc bất cứ loại nào, đó là chính sách đối ngoại của giai cấp vô sản”[8].

Theo V.I.Lênin, khi giai cấp vô sản nắm chính quyền và tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thì giai cấp vô sản sẽ tập hợp, lôi cuốn vào cuộc cách mạng đó những người vô sản ở tất cả các nước tiên tiến, do đó mà giai cấp vô sản sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng của V.I.Lênin về mối quan hệ giữa Đảng với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đã cung cấp cơ sở lý luận cho việc xây dựng các đảng cộng sản theo chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

 

[1]V.I.Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Tiến bộ, M., 1979, tr. 290.

[2]Sđd, tr..490.

[3]V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ, M., 1975, tr. 38.

[4]V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, M., 1978, tr.426.

[5]V.I.Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr. 336.

[6]V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Tiến bộ, M., 1977, tr.260.

[7]V.I.Lênin: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2005, tr. 476-477.

[8]V.I.Lênin: Toàn tập, t.32, Nxb Tiến bộ, M., 1981, tr. 425.

Giang Quốc

Từ khóa » Nguyên Lý Xây Dựng đảng Kiểu Mới